Cần quy định cụ thể, làm rõ hơn nội dung dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)
Thứ ba - 01/11/2022 16:51
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 1.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Để hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Thu Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định đã đóng góp nhiều ý kiến.
Về đối tượng áp dụng tại Điều 2 dự thảo Luật, ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy đề nghị Ban soạn thảo Luật cần xem xét bổ sung một số hình thức, đối tượng cụ thể trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển như hiện nay, đã tạo ra nhiều cơ hội và kênh khác nhau để tội phạm lợi dụng rửa tiền không hợp pháp thành tiền hợp pháp. Đặc biệt khi tiền ảo, tài sản số đã được một số quốc gia công nhận, tại Việt Nam đã xuất hiện hình thức mua bán và đào Bitcoin, nếu không quy định cụ thể sẽ tạo kẽ hở cho tội phạm rửa tiền lợi dụng.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, đóng góp nhiều ý kiến thảo luận ở hội trường, nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn |
Theo ĐB Thu Thủy, năm 2017, Bộ Tư pháp đã đề cập vấn đề về tiền ảo, tài sản ảo có nguy cơ bị lạm dụng để thực hiện các hoạt động phi pháp, trong đó có rửa tiền, tài trợ khủng bố. Việt Nam đã đẩy mạnh việc giám sát, thực thi các quy định phòng, chống rửa tiền đối với khu vực tư nhân, đặc biệt là các lĩnh vực mới nổi mà tội phạm có khả năng sử dụng để thực hiện các hành vi rửa tiền. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý điều chỉnh và quản lý nên để dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) bao quát các hoạt động mới phát sinh, đề nghị Ban soạn thảo Luật xem xét, nghiên cứu bổ sung, dẫn chiếu các quy định của các nước đã công nhận về các loại hình này. Luật quy định rõ hình thức, quy định thống nhất hay không thống nhất ở mức độ như thế nào. Bên cạnh đó, cần mở rộng phạm vi đối tượng báo cáo là tổ chức cung cấp dịch vụ, tài sản ảo, các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ mới và các dịch vụ chuyển tiền để tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan có thẩm quyền quản lý, thanh tra, giám sát các hoạt động có rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố.
ĐB Thủy nhìn nhận về giải thích từ ngữ tại Điều 3 dự thảo Luật, có nhiều thuật ngữ còn chung chung, gây khó hiểu như “giao dịch có giá trị lớn”, “giao dịch đáng ngờ”, “giao dịch có giá trị lớn bất thường” và các “giao dịch phức tạp” vẫn chưa có quy định tại Điều 3. Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung, làm rõ các thuật ngữ trên. Đối với định nghĩa cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị, tại Khoản 1, Điều 17 dự thảo Luật có nêu: “Cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị là người giữ chức vụ cấp cao trong các cơ quan, tổ chức của nước ngoài và tổ chức quốc tế”. “Ban soạn thảo xem xét lại quy định “chức vụ cấp cao”, vì tổ chức nước ngoài về thể chế, bộ máy chính trị sẽ có cách hiểu khác với quy định của nước ta. Đồng thời, nên xem xét chuyển Khoản 1, Điều 17 vào Điều 3 giải thích từ ngữ sẽ phù hợp hơn”, ĐB Thủy đề nghị.
Về hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền, tại điểm a Khoản 3, Điều 6 có quy định: “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền có thể từ chối trao đổi, cung cấp, chuyển giao, thông tin về phòng, chống rửa tiền trong các trường hợp sau: Thông tin được yêu cầu trao đổi, cung cấp, chuyển giao có thể gây tổn hại đến độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia hoặc lợi ích quan trọng khác của Việt Nam”. ĐB Thủy đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ nội dung cụ thể các hành vi xâm phạm “lợi ích quan trọng khác của Việt Nam” khi từ chối trao đổi, cung cấp, chuyển giao, thông tin về phòng, chống rửa tiền, để tránh các điều Luật gây hiểu nhầm khi thực thi. Đối với thông tin nhận biết khách hàng, tại điểm b Khoản 2, Điều 10 dự thảo Luật, ĐB Thủy đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung thêm quy định về các mối quan hệ gần nhất của người nước ngoài tại Việt Nam để hạn chế việc rửa tiền qua nhờ đứng tên hộ các tài sản do phạm tội mà có, bởi hiện nay rất khó kiểm soát nguồn bất hợp pháp này.
Góp ý về các dấu hiệu đáng ngờ quy định từ Điều 27 đến Điều 33 dự thảo Luật, ĐB Thủy cho rằng các quy định chỉ mang tính chất định tính, chưa thật sự rõ ràng và rất khó để xác định, chẳng hạn như: Một số dấu hiệu “tỷ lệ chiết khấu với giá trị cao so với bình thường”; “Khách hàng thường xuyên đổi tiền có mệnh giá nhỏ sang mệnh giá lớn”…, quy định khung như thế nào, thường xuyên là bao lâu hay trên tần suất giao dịch… “Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định cho phù hợp và có tính khả thi, tương thích với các điều luật chúng ta đã ký kết. Bên cạnh đó, các quy định dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, kinh doanh bất động sản, trò chơi trúng thưởng từ Điều 30 - 34: Đề nghị Ban soạn thảo xem xét, rà soát các điều khoản, hành vi quy định các nội dung này cần đồng bộ, tương thích với các luật chuyên ngành trong lĩnh vực: Bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng, đất đai….Và phù hợp với các khuyến nghị FATF (Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế) trong quá trình sửa đổi”, ĐB Thủy nêu ý kiến.
Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn