Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều nay, 4.11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời nội dung được các ĐBQH đặt ra cuối phiên chất vấn sáng nay.
Trả lời chất vấn của đại biểu Đồng Ngọc Ba (Bình Định), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý, Bộ Công an sẽ trực tiếp cấp xác thực, nhưng khi đơn vị sự nghiệp hoặc một doanh nghiệp làm cần có điều kiện, trong đó quy định này thuộc Bộ Công an.
Bộ trưởng khẳng định, xác thực điện tử trên cơ sở dữ liệu dân cư là một phần nhỏ của thị trường xác thực điện tử, do vậy vẫn đảm bảo tính cạnh tranh theo cơ chế thị trường lĩnh vực xác thực điện tử nói chung.
Về nội dung chất vất của ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) về quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, phản cảm xảy ra trên nền tảng xuyên biên giới, chủ yếu khi xem Youtube, Bộ trưởng cho biết, đây là thuật toán hướng đối tượng của các nền tảng xuyên biên giới, cũng là một mô hình kinh doanh của họ. Cơ quan quản lý nhà nước chưa có công cụ để phát hiện ra các quảng cáo mang tính đối tượng này. Cách xử lý hiện nay là người dân có thể chụp ảnh màn hình gửi đến Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ dùng ảnh này yêu cầu các nền tảng gỡ. Hiện nay trên 2.000 quảng cáo sai sự thật, quảng cáo về thực phẩm chức năng phản cảm đã được gỡ xuống, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện thể chế xử lý vấn đề về này…
Cho rằng, ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) đã đề xuất một ý tưởng rất hay, đó là mỗi người dân có một tài khoản đào tạo miễn phí cả đời. Bộ trưởng khẳng định, hiện nay một số bộ, ngành tổ chức đã xây dựng nền tảng số dùng chung cho ngành mình trong lĩnh vực của mình. Ví dụ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng một nền tảng đào tạo trực tuyến cho tất cả người dân, cho cán bộ, công chức nhưng chỉ xoay quanh nội dung là kỹ năng số cơ bản.
“Bộ Thông tin và Truyền thông xin phép được nghiên cứu ý tưởng này và sẽ sớm có đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng một nền tảng đào tạo trực tuyến phục vụ cho công việc học cả đời của người dân Việt Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nêu các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề đại biểu nêu về cơ sở dữ liệu đất đai chậm.
Kết thúc phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cảm ơn 45 ĐBQH đã chất vấn và tranh luận trực tiếp tại phiên chất vấn. "Các câu hỏi chất vấn lần này rất đa dạng, trách nhiệm và đặc biệt đã mở ra nhiều cách tiếp cận mới, cách làm mới giúp cho ngành của thông tin và truyền thông phát triển". Chia sẻ điều này, Bộ trưởng cũng mong muốn các đại biểu Quốc hội chưa chất vấn trực tiếp sẽ gửi câu hỏi về Bộ Thông tin và Truyền thông để Bộ trưởng trả lời bằng văn bản.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nêu rõ một số quan điểm quản lý trong thời gian tới. Một là, ngành nào quản lý cái gì trong thế giới thực thì lên không gian mạng cũng phải quản lý cái đó. Hai là, dữ liệu cá nhân là tài sản quan trọng của cá nhân, mỗi người phải biết tự bảo vệ. Ba là, nền tảng số Việt Nam là lời giải căn bản cho chuyển đổi số Việt Nam. Bốn là, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có sóng, có thiết bị để tiếp cận được thông tin. Năm là, đại học số là lời giải cho nhân lực số Việt Nam. Sáu là, để phát triển không gian mạng lành mạnh, an toàn thì vừa cần hoàn thiện thể chế và vừa xây dựng văn hóa số. Bảy là, chuyển đổi số là phương thức phát triển mới, hạ tầng số cũng quan trọng như các hạ tầng khác. Các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm chỉ đạo tạo điều kiện xây dựng hạ tầng số rộng khắp và hiện đại. Cuối cùng, năm 2023 sẽ là năm dữ liệu số, tập trung giải quyết các vấn đề dữ liệu số và nâng cao nhận thức.
Tác giả bài viết: https://daibieunhandan.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn