ĐB Nguyễn Lân Hiếu tranh luận xung quanh dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Thứ tư - 26/10/2022 07:37
Sáng 24.10, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận, đại biểu (ĐB) Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh) đã tranh luận về quan điểm, ý kiến của một số ĐBQH.
|
ĐB Nguyễn Lân Hiếu tranh luận tại nghị trường về một số vấn đề, quan điểm xung quanh dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn |
Về quan điểm của một ĐBQH cho rằng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) xóa giấy phép hành nghề vĩnh viễn, yêu cầu phải thi lại sau 5 năm, sợ rằng nhân viên y tế phải thi lại liên tục, tốn kém, ĐB Hiếu nhấn mạnh: “Nếu đọc kỹ thì sẽ thấy luật quy định là sau 5 năm, kể từ thời điểm được cấp phép hành nghề, nếu người hành nghề tham gia đủ các khóa đào tạo liên tục, đạt đủ điểm số theo quy định thì sẽ được tự động gia hạn giấy phép hành nghề. Đây là thông lệ của thế giới mà tôi nghĩ là rất nên ủng hộ. Vấn đề là chúng ta tổ chức thực hiện sao cho đúng”.
Về Hội đồng y khoa, rất nhiều ĐBQH có ý kiến, đề xuất. Theo ĐB Hiếu, Hội đồng y khoa là một tiến bộ rõ rệt của dự án luật theo thông lệ quốc tế. Trong giai đoạn đầu tiên, Chính phủ nên bổ nhiệm người đứng đầu Hội đồng, Bộ Y tế cung cấp hệ thống vận hành. ĐB Hiếu đồng ý với đại đa số ý kiến rằng trong Điều 24 quy định Hội đồng y khoa độc lập nhưng cần bổ sung chức năng tổ chức, giám sát, đào tạo liên tục và đặc biệt là chức năng phân xử đúng sai cho các kết luận tai biến y khoa từ hội đồng chuyên môn không phải do Bộ Y tế thành lập, như quy định ở khoản 4 Điều 99. Hiện nay, các tai biến y khoa, nhất là tai biến y khoa ở cơ sở y tế ngoài công lập, đang rất lúng túng trong xử lý. Chúng ta cần sự công bằng trong toàn hệ thống, ủng hộ sự phát triển của hệ thống ngoài công lập.
Các ĐBQH khác cũng bàn về “tính đúng, tính đủ” chi phí khám chữa bệnh, theo ĐB Hiếu, điều này rất đúng. Cần có quy định, mục tiêu tính đúng, tính đủ nhưng không làm tăng chi phí người dân, mà mục tiêu là để các cơ sở y tế tự chủ được. Cần tính đủ chi phí khám chữa bệnh, số tiền cấp bù sẽ do ngân sách như khoản 4 Điều 100 đã quy định, nên bổ sung nguồn tiền từ Quỹ BHYT khác nhau và phải có hiệu lực ngay sau khi luật ban hành, không nên đợi 5 năm nữa. Về hợp tác công - tư, các hình thức cho vay, cho thuê, mua trả chậm, tài trợ, liên kết các tổ chức nước ngoài… đã được ban soạn thảo tiếp thu rất rõ ràng trong Điều 107. Tuy nhiên, ĐB Hiếu thấy cần quy định thêm, rõ ràng hơn về hợp tác phi lợi nhuận. Nhà đầu tư bỏ tiền để xây dựng, các cơ sở y tế công lập sẽ sử dụng, tiền lãi sẽ không chia mà tiếp tục phục vụ cho các hoạt động nhân đạo.
Ở lần tranh luận thứ 2, ĐB Nguyễn Lân Hiếu đã có trao đổi làm rõ về khám bệnh từ xa. Trước quan điểm của một ĐBQH cho rằng khám bệnh từ xa chỉ áp dụng đối với những người không thể đến được bệnh viện, cơ sở y tế, ĐB Hiếu cho rằng chưa đúng. Hiện nay, có rất nhiều hình thức khám chữa bệnh từ xa: Khám hội chẩn giữa hai bệnh viện, khám bệnh giữa bệnh viện tuyến dưới - tuyến trên, khám bệnh tại nhà bằng các công cụ… Vì vậy, đối tượng của khám bệnh từ xa là tất cả người bệnh có nhu cầu. Điều kiện cần nhất lúc này là cơ sở vật chất, trang thiết bị để có thể khám chữa bệnh chính xác, đặc biệt là hệ thống PACS - hệ thống truyền hình ảnh từ xa.
Về lo lắng người nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh mà không nói được tiếng Việt thì không được chữa bệnh, ĐB Hiếu cho rằng dự thảo luật đã ghi rõ: Nếu đến khám theo hình thức chuyển giao công nghệ hoặc hợp tác dưới sự đồng ý của các bệnh viện thì không cần phải nói được tiếng Việt. Ngoài ra, nếu không nói được tiếng Việt mà cần khám bệnh thì đã quy định nói rất rõ là chỉ cần có phiên dịch thì vẫn có thể được khám bệnh. Cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh sửa chi tiết, đảm bảo cho chúng ta hòa nhập thế giới.
ĐB Hiếu cũng chia sẻ thêm: “Hiện nay, chúng ta vẫn đang coi y tế công là y tế chủ đạo, kéo toàn bộ hệ thống y tế đi lên. Thời gian tới, chúng ta nên thay đổi một chút. Hãy coi y tế công là y tế nền tảng để phát triển, chăm lo cho người yếu thế được quy định chi tiết tại Điều 6 của luật. Y tế ngoài công lập phải được coi là động lực để phát triển, thay đổi ngành Y tế. Như thế thì luật sẽ lan tỏa trong thời gian đến và ngành Y tế Việt Nam sẽ phát triển bền vững và ổn định”.
Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn