Thảo luận ở hội trường về dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội

Thứ năm - 03/11/2022 17:15

Chiều 2.11, đại biểu (ĐB) Lý Tiết Hạnh (Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Định) tham gia thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

ĐB Hạnh thống nhất cao việc quy định hình thức họp trực tuyến hoặc kết hợp giữa họp trực tiếp và trực tuyến. Tuy nhiên, trong dự thảo quy định, nội dung này còn rất chung. Bà đề nghị cần đánh giá rút kinh nghiệm việc tổ chức hình thức họp trực tuyến thời gian qua để có thể nhân rộng.

ĐB Lý Tiết Hạnh tham gia thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội
(sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn

Để thuận lợi cho việc tiếp thu, tổng hợp, giải trình (Điều 27), ĐB đề nghị nghiên cứu việc ghi biên bản, sử dụng chức năng chuyển ngữ để ghi các phát biểu của đại biểu. Thực tế, trong quá trình thảo luận, nhất là thảo luận tổ, đại biểu thường phát biểu theo văn nói, tranh luận, diễn giải… nên các bản ghi thô thường mất thời gian chỉnh sửa sang văn viết. Bà đề nghị cần nghiên cứu thêm để có phương pháp, sự phối hợp  hiệu quả hơn.

Dự thảo quy định “trước khi thảo luận tại phiên họp toàn thể, ĐBQH có thể thảo luận tại Tổ đại biểu Quốc hội, tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội”.  Quy định này một mặt không làm rõ việc tổ chức các phiên họp trên có phải là một hoạt chính thức trong quy trình Quốc hội xem xét quyết định các vấn đề quan trọng hay không; mặt khác, cũng chưa tường minh trách nhiệm của đại biểu khi có thể tham gia, cũng có thể không tham gia, hay có thể tham gia một trong các cuộc họp trên. ĐB đề nghị thể hiện rõ quy định này.

Về nguyên tắc, việc thảo luận ở tổ và ở hội trường có giá trị như nhau, đều được tiếp thu, giải trình đầy đủ. Thảo luận tổ là một dịp rất tốt để các đại biểu có thời gian phát biểu, cùng bàn thảo, trao đổi, học hỏi lẫn nhau. Theo ĐB Hạnh, cần có các quy định cụ thể nhằm phát huy, sử dụng hiệu quả kết quả các phiên thảo luận này.

Các phiên họp về KT-XH có tầm quan trọng trong bàn thảo, quyết định những vấn đề lớn của đất nước, được cử tri quan tâm, theo dõi, kỳ vọng, được nhiều đại biểu đăng ký phát biểu. Vì vậy, dễ xuất hiện thực trạng: nhiều đại biểu không đủ thời gian để được phát biểu; chủ tọa phải nhiều lần điều chỉnh thời gian, đôi lúc gây bị động cho đại biểu; nhiều vấn đề bị trùng lắp và không tập trung; việc giải trình, tiếp thu không cụ thể, khó đi đến cùng những vấn đề mà đại biểu quan tâm, cử tri gửi gắm, đất nước, thực tiễn đòi hỏi…

ĐB Hạnh kiến nghị để chuẩn bị cho phiên thảo luận tại hội trường về KT-XH, cần có bước tổng hợp các ý kiến, kiến nghị đã được cử tri gửi đến kỳ họp, các ý kiến của các đại biểu đã thảo luận tại tổ thành các nhóm vấn đề và gửi trước đến các đại biểu để tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, tập trung hơn. Nội dung tổng hợp và giải trình cũng sẽ được báo cáo tại phiên thảo luận để cử tri và nhân dân theo dõi giám sát. Đồng thời, cần có quy định rõ hơn về việc tiếp thu, giải trình đối với trường hợp đại biểu tham gia ý kiến bằng văn bản.

ĐB kiến nghị Quốc hội cần có quy định về nội dung hoạt động giám sát trong nội quy kỳ họp, cần  thường xuyên lắng nghe, theo dõi việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và các kiến nghị từ các cuộc giám sát của Quốc hội.

ĐB Hạnh cũng kiến nghị bổ sung nguyên tắc xác định kết quả biểu quyết bằng bỏ phiếu kín, nguyên tắc về giới, về dân tộc phù hợp với các chính sách cán bộ hiện hành.

Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây