Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 26.10, các ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Định đã thảo luận tại tổ dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Tham gia thảo luận dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Cảnh đề nghị bổ sung quy định các nhóm biển số ô tô bắt buộc đấu giá, trong đó có 2 nhóm biển số hiện được số đông cho là đẹp (nhóm theo quan niệm dân gian, nhóm theo logic khoa học).
ĐB Nguyễn Văn Cảnh thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh |
Cơ quan soạn thảo Nghị quyết đưa ra giá khởi điểm biển số đấu giá bằng khoảng 5% của các xe thông dụng, tương đương 40 triệu đồng. Tuy nhiên, trên thị trường, có những dòng xe cao cấp có giá từ 3 tỷ đồng đến khoảng 40 tỷ đồng. ĐB Cảnh đề xuất lấy giá khởi điểm bình quân cho biển số đối với dòng xe cao cấp này là 200 triệu đồng.
Đối với quy định thời hạn gắn biển số vào xe sau đấu giá là 12 tháng, ĐB cho rằng: Thực tế, với những dòng xe hút khách, khi không đủ hàng, thời gian đại lý hẹn giao xe từ 6 tháng đến 1 năm, vì vậy nên cho phép người trúng đấu giá biển số, nếu có hợp đồng đặt cọc, hợp đồng mua xe thì được gia hạn 6 tháng (tổng cộng là 18 tháng). Riêng biển số có giá khởi điểm là 200 triệu đồng nên cho phép gia hạn 12 tháng (tổng cộng 24 tháng) vì thời hạn đặt mua từ nước ngoài lâu hơn.
ĐB Cảnh đề nghị bổ sung mục đích hỗ trợ cho bảo đảm ATGT vào Điều 6 - Sử dụng nguồn thu từ đấu giá các biển số bắt buộc. Ngoài hình thức đấu giá trực tuyến như quy định, nên cho phép Bộ CA tổ chức đấu giá trực tiếp đối với biển số đặc biệt vào những dịp đặc biệt. Cần thiết kế website thông tin về đấu giá thuận tiện để người dân dễ dàng đăng ký, tìm hiểu thông tin liên quan quá trình đấu giá.
Thảo luận về dự thảo nghị quyết này, ĐB Đồng Ngọc Ba đề nghị làm rõ một số quy định. Theo tờ trình của Chính phủ, tất cả các biển số xe thuộc diện cấp cho các tổ chức, cá nhân đều phải đem ra đấu giá, nếu không đấu giá được thì mới đưa về nhóm cấp cho người dân như bình thường. Trong khi đó, khoản 1 Điều 2 trong Nghị quyết thì thể hiện: Nếu biển số không được lựa chọn để đấu giá thì sẽ chuyển vào hệ thống đăng ký của Bộ CA. Cần làm rõ việc “lựa chọn” này là dựa trên tiêu chí, điều kiện nào. Nghị quyết cũng cần quy định rõ cơ chế quản lý sử dụng nguồn thu từ bán đấu giá biển số để đảm bảo chặt chẽ, rõ ràng trong thực hiện sau này.
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, ĐB Lý Tiết Hạnh cho rằng: Muốn đầu tư TP Buôn Ma Thuột trở thành một trung tâm đô thị lớn, cần phải khoanh vùng, đầu tư có trọng điểm thì mới đảm bảo khả thi.
ĐB đồng tình với việc cho phép phát hành trái phiếu và các cơ chế tài chính, tuy nhiên với quy định “phần dư nợ tăng thêm so với ngân sách nhà nước được dành toàn bộ cho các dự án trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột” thì ĐB Hạnh phân vân cụm từ “trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột”. Hiện nay, các dự án đầu tư cần có tính kết nối và lan tỏa, nếu đó là dự án tại thành phố nhưng có kết nối, lan tỏa đến các vùng ven xung quanh thành phố thì xử lý thế nào. Tương tự, về ưu đãi thuế thu nhập DN tại TP Buôn Ma Thuột, cần xác định rõ “dự án đầu tư trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột” là địa bàn hành chính hay mở rộng hơn, bởi thực tế, DN đóng chân ở thành phố nhưng có chi nhánh ở các huyện.
Mặt khác, cần chọn lọc các dự án đầu tư vào TP Buôn Ma Thuột để vừa có các dự án đảm bảo an sinh xã hội, vừa có những dự án mang tính đột phá; bổ sung các chính sách ưu đãi đặc biệt khác để thu hút chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt về làm việc tại thành phố.
Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn