Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV ngày 22.10, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển KT - XH năm 2023 của đất nước; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023. Tại phiên thảo luận các ĐBQH tỉnh Bình Định đã tích cực thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến về phát triển KT-XH của đất nước..
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn qua nghiên cứu báo cáo của chính phủ, báo cáo thẩm tra của các cơ quan của quốc hội về tình hình KT-XH của đất nước, đã bày tỏ phấn khởi khi kinh tế của đất nước qua 9 tháng đầu năm đã tăng trưởng ở mức cao và vượt kế hoạch năm; kinh tế vĩ mô ổn định, các trụ cột của nền kinh tế đều có tăng trưởng, đi kèm theo đó là đời sống nhân dân ổn định, bộ mặt của đất nước và nhiều địa phương trong nước khởi sắc. Quốc phòng, an ninh, chính trị của đất nước được giữ vững, công tác đối ngoại tiếp tục củng cố và mở rộng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, niềm tin của dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý,điều hành của Nhà nước, chính quyền các cấp được củng cố.
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn phát biểu tại phiên thảo luận góp ý tình hình phát triển KT-XH. |
Bên cạnh niềm vui, ĐBQH Lê Kim Toàn cũng trao đổi về những điều phải lo lắng, những khó khăn trước mắt cũng như tiềm ẩn lâu dài. Trước hết, trong thời gian gần đây, hoạt động của hệ thống tín dụng ngân hàng chưa đáp ứng được các nhu cầu của nền kinh tế. Lãi suất ngân hàng có chiều hướng tăng cao sau một thời gian dài giữ ổn định về lãi suất. Không đáp ứng được nhu cầu vay vốn rất lớn của các thành phần kinh tế. Tình trạng sở hữu chéo, DN sân sau trong các ngân hàng thương mại cổ phần chưa được xử lý dứt điểm, có nguy cơ gây bất ồn trong hoạt động tín dụng ngân hàng. Tỷ giá hối đoái, giá vàng tăng cao so sau thời gian dài giữ ổn định. Tình trạng chuyển tiền ra nước ngoài có xu hướng gia tăng…
Theo ĐBQH Lê Kim Toàn, đầu tư công còn nhiều bất cập, dù Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, Quốc hội cũng đã bàn góp ý nhiều nhưng chưa được xử lý dứt điểm, nên từ kế hoạch, chủ trương đến khi giao vốn thực tế để thực hiện thì rất chậm. Nhiều công trình thi công kéo dài, kinh phí tăng lên nhiều, chất lượng công trình kém. Giá cả vật liệu đầu vào tăng, một số mặt hàng thiết yếu không ổn định gây bất ổn thị trường. Gần đây xăng dầu khan hiếm, giá tăng cao, tác động rất lớn đến đời sống xã hội, sản xuất của các thành phần kinh tế. Về trật tự xây dựng, PCCC cũng có nhiều yếu tố đáng lo ngại.
ĐBQH Lê Kim Toàn cũng nêu vấn đề sản xuất một số ngành hàng khó khăn, các hợp đồng kinh tế mới thì giá trị hợp đồng của một số ngành hàng sản xuất có giá trị thấp hơn nhiều so với giá trị hợp đồng các năm trước. Cụ thể, Bình Định là một trong những trung tâm sản xuất đồ gỗ xuất khẩu vào loại lớn của cả nước, hết niên hạn sản xuất của năm 2022, các DN Bình Định đang đàm phán ký hợp đồng mới xuất khẩu, nhưng các giá trị hợp đồng DN ký để sản xuất trong năm 2023 chỉ từ 30 – 50 % giá trị hợp đồng các năm trước.
Để tiếp tục giữ ổn định và phát triển đất nước, ĐBQH Lê Kim Toàn có một số kiến nghị: Cần đẩy mạnh các giải pháp để ổn định hoạt động tín dụng ngân hàng, giữ ổn định thị trường tài chính tiền tệ, tránh tác động tiêu cực gây bất ổn, thậm chí đổ vỡ của nền kinh tế. Tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho sản xuất, nhất là các chính sách về thuế, lãi suất vay cho các DN trực tiếp sản xuất trong điều kiện khó khăn… Có chính sách bình ổn giá thị trường, nhất là đảm bảo cung cầu các nhiên vật liệu thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân. Tiếp tục chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức hành chính, đảm bảo đồng bộ, thông suốt tinh gọn, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, trong đó cần nghiên cứu xây dựng khung tiêu chí biên chế cho các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương dựa trên các tiêu chí về diện tích, dân số, vị trí trong trọng tâm phát triển các vùng và cả nước…
Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh qua nghiên cứu báo cáo Chính phủ về tình hình phát triển KT-XH, cho rằng đã đánh giá sát tình hình, nhưng ở phần những tồn tại, hạn chế, khó khăn còn chưa rõ, nên cần phải phân tích kỹ hơn, sâu hơn, đánh giá một cách toàn diện, khoa học hơn về nguyên nhân những vấn đề này là gì mới có cơ sở đề ra những giải pháp xác đáng. Từ việc cử tri băn khoăn, lo lắng, trên lĩnh vực tài chính ngân hàng có nhiều biến động thời gian qua, đại biểu Hạnh kiến nghị Chính phủ có những giải pháp căn cơ để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, cũng có những kiến nghị đến Bộ GTVT các vấn đề: Quan tâm đến bức xúc của người dân các tỉnh, thành trong đó có Bình Định khi ở các đoạn đường trên các tuyến quốc lộ xuống cấp, hư hỏng mà các trạm BOT vẫn thu phí, nên xem xét không thu phí nữa. Thường xuyên rà soát, kiểm tra QL 1 để kịp thời sửa chữa những chỗ hư hỏng, đồng thời về lâu dài có giải pháp đảm bảo chất lượng cho tuyến đường huyết mạch này. Đối với dự án xây dựng đường cao tốc Bắc Nam qua các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, cần được nghiên cứu, thực hiện kỹ lưỡng hơn để đảm bảo chất lượng vì đây là khu vực có đặc trưng riêng về địa hình, lại thường bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai diễn biến phức tạp…
Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh đề nghị tạm dừng thu phí trên các tuyến quốc lộ bị xuống cấp, |
Quan tâm đến lĩnh vực môi trường, đại biểu Hạnh cho rằng bên cạnh việc cần xử lý dứt điểm những vấn đề môi trường tồn tại trước mắt, về lâu dài cần có chiến lược dài hơi đồng bộ, chương trình tổng thể quốc gia, chương trình mục tiêu về môi trường. “Môi trường là vấn đề tương lai, nếu chúng ta đầu tư cho môi trường trong thời điểm này một đồng thì tương lai thu lại nhiều đồng. Nếu chúng ta không quan tâm đến vấn đề môi trường giai đoạn này thì sau này chúng ta phải trả giá…”, đại biểu Hạnh nhấn mạnh.
ĐBQH Đồng Ngọc Ba kiến nghị cần có những giải pháp cụ thể, mang tính khả thi cao cho phát triển KT-XH đất nước 2023 cũng như tạo đà cho các năm tiếp theo. Đại biểu Ba nêu vấn đề trong đề án định hướng chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XV, đã xác định có 137 nhiệm vụ lập pháp, hầu hết phải nghiên cứu, rà soát để có phương án hoàn thành trong năm 2023, nên cần phải có sự quan tâm, giải pháp cụ thể mới thực hiện hiệu quả. Cần có các giải pháp cụ thể hơn để nâng cao hiệu quả tiết giảm chi phí tuân thủ pháp luật. Chính phủ cần hoàn thiện quy định liên quan đến tổ chức, con người làm công tác pháp chế để đảm bảo có đội ngũ nòng cốt có tính quyết định đến chất lượng xây dựng,hoàn thiện thể chế, tổ chức thực hiện các quy định pháp luật trong thực tế.
ĐBQH Đồng Ngọc Ba kiến nghị cần có những giải pháp cụ thể, mang tính đột phá cho phát triển KT-XH |
Góp ý về cải cách hành chính, đại biểu Ba nhìn nhận về đơn giản hóa thủ tục hành chính và số hóa thực hiện trên môi trường mạng các thủ tục hành chính, trong thực tiễn còn nhiều điểm chưa tích cực, thực hiện quyết liệt, kết quả đạt được còn khiêm tốn. Trong đó, có vấn đề khá bức xúc hiện nay đó là còn khó khăn, nhiều hạn chế trong kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu để thực hiện các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân.
Đại biểu Ba nhấn mạnh cần quan tâm có giải pháp mạnh hơn nữa trong vấn đề xác định hệ thống vị trí việc làm trong bộ máy nhà nước và rộng hơn là cả hệ thống chính trị. “Trong báo cáo của Chính phủ về vấn đề này đánh giá còn khá chung chung, trong khi thực tiễn đang đặt ra rất nhiều vấn đề bất cập. Việc số lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc trong gần 3 năm qua có thể từ nhiều nguyên nhân, trong đó nên xem xét có thể có nguyên nhân từ vị trí việc làm của chúng ta chưa khoa học, phù hợp…”, đại biểu Ba nêu vấn đề.
Còn ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu đề nghị Chính phủ cần tuyên bố kết thúc giai đoạn đại dịch Covid-19, chuyển sang giai đoạn chống dịch với các quyết định mới cụ thể để hạn chế tốn kém nguồn lực, cũng như sẵn sằng nếu dịch bùng phát hoặc dịch khác xuất hiện. Các bệnh nhân Covid-19 nên được khám chữa bệnh theo BHYT như các bệnh lý khác thông thường, để bệnh viện chủ động thanh toán chứ không dùng tiền ngân sách như hiện nay nữa. Đại biểu Hiếu cho biết có nhiều trang thiết bị hiện đại, đắt tiền được mua phục vụ cho phòng, chống dịch Covid-19, nên cần thống kê lại để phân bổ sử dụng nhằm tránh tình trạng nơi thừa nơi thiếu.
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu đề nghị Chính phủ cần tuyên bố kết thúc giai đoạn đại dịch Covid-19. |
Đối với khó khăn trong đầu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế, việc xử lý quá chậm ảnh hưởng đến chăm sóc sức khỏe nhân dân,tạo hệ lụy không lường. ĐB Hiếu kiến nghị cần nhanh chóng sửa những bất cập trong các thông tư, nghị định liên quan được ban hành trong năm 2020, 2021. ĐB Hiếu cũng nêu một số bất cập khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho đến nay; khó khăn về giáo viên, trang thiết bị trường học. Qua đó, mong muốn năm 2023 có sự thay đổi tích cực để làm sao cho y tế, giáo dục là 2 trụ cột của an sinh xã hội sẽ được ổn định và phát triển.
Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn