TRẢ LỜI Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ CỬ TRI SAU KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHOÁ XV CỦA CÁC CƠ QUAN ĐỊA PHƯƠNG

Thứ hai - 23/09/2024 10:49
TRẢ LỜI Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ CỬ TRI SAU KỲ HỌP
THỨ 7, QUỐC HỘI KHOÁ XV CỦA CÁC CƠ QUAN ĐỊA PHƯƠNG
I. LĨNH VỰC TÀI NGUYÊN - MÔI TRƯỜNG
1. Cử tri xã Tây Bình (huyện Tây Sơn), cử tri xã Hoài Châu Bắc (thị xã Hoài Nhơn) phản ánh tình trạng các xe tải chở vật liệu để thi công tuyến cao tốc Bắc Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Định gây tình trạng ô nhiễm bụi trong không khí làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân sống lân cận. Cử tri kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết tình trạng ô nhiễm trên.
Trả lời: Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời tại Công văn số 2815/STNMT-TNKS ngày 13/8/2024 như sau:
Trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Bình Định, việc cấp phép các mỏ vật liệu phục vụ thi công Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam áp dụng theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội, Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022 của Chính phủ, Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 08/9/2022 của Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị quyết số 18) và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 1411/BTNMT-ĐCKS ngày 18/3/2022 và Văn bản số 4766/BTNMT-KSVN ngày 20/6/2023. Qua đó, UBND tỉnh đã xác nhận 17 hồ sơ đăng ký khai thác đất đắp nền với tổng trữ lượng 13,3 triệu m3; 07 điểm mỏ khai thác cát xây dựng với tổng trữ lượng 1,63 triệu m3 đã kịp thời đáp ứng nguồn vật liệu phục vụ thi công Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.
Để tăng cường công tác quản lý và kịp thời chấn chỉnh các trường hợp vi phạm, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện kiểm soát sử dụng mỏ vật liệu phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc – Nam và các giải pháp bảo vệ môi trường trong khai thác, vận chuyển, cụ thể:
- Văn bản số 215/UBND-KT ngày 09/01/2024 về việc tăng cường kiểm soát sử dụng mỏ vật liệu phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc – Nam. Qua đó, yêu cầu Ban Quản lý dự án 2, Ban Quản lý dự án 85 chỉ đạo các nhà thầu thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác mỏ vật liệu, tưới nước đường công vụ, che chắn vật liệu trong quá trình vận chuyển để tránh rơi vãi, gây bụi, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong khu vực, đảm bảo công tác an toàn giao thông.
- Văn bản số 3486/UBND-KT ngày 13/5/2024 về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông các tuyến đường phục vụ Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định. Yêu cầu Ban Quản lý dự án 85, Ban Quản lý dự án 2 thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu thi công chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các phương tiện tham gia phục vụ thi công dự án có hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông: về tải trọng, kích thước thành thùng, chạy quá tốc độ, rơi vải; Chỉ đạo nhà thầu thi công nghiêm túc tổ chức giao thông và bố trí phòng hộ khi thi công trên các tuyến đường đang khai thác; thực hiện nghiêm túc theo đúng hồ sơ thiết kế về các biện pháp tổ chức thi công, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và thực hiện các nội dung khác như:
+ Bổ sung đầy đủ hệ thống đảm bảo an toàn giao thông tại các điểm giao cắt của dự án với các tuyến đường Tỉnh, đường Huyện, đường địa phương phù hợp với thực tế hiện trường và tuân thủ theo quy định hiện hành.
+ Tại mỏ khai thác vật liệu đất phải bố trí trạm rửa xe hoặc âu nước trong phạm vi mỏ (trước khi lưu thông ra đường) để vệ sinh các xe trước khi vận chuyển nhằm hạn chế bụi rơi vãi trong quá trình vận chuyển đất.
+ Tại mỏ cát, phải có phương án xử lý đối với cát ướt khai thác tại mỏ, tránh tình trạng phương tiện vận chuyển cát rơi vải, chảy nước trên đường vận chuyển.
+ Các phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng phải được phủ bạt kín để đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình vận chuyển.
- Văn bản số 5308/UBND-KT ngày 11/7/2024 về việc hỗ trợ trong công tác vận chuyển vật liệu phục vụ thi công và tăng cường công tác đảm bảo ATGT các tuyến đường phục vụ thi công các dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Qua đó, UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý dự án 85, Ban Quản lý dự án 2 yêu cầu các đơn vị thi công:
+ Tuân thủ tuyệt đối về tải trọng, an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong quá trình vận chuyển vật liệu phục vụ thi công Dự án;
+ Đề xuất các giải pháp sửa chữa, khắc phục kịp thời để đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường; đồng thời, phải thực hiện việc kiểm tra, khảo sát, lập hồ sơ khắc phục, sửa chữa hoàn trả báo cáo cấp có thẩm quyền chấp thuận để thực hiện việc hoàn trả hiện trạng các tuyến đường bị hư hỏng trong quá trình phục vụ thi công Dự án theo đúng quy định.
+ Triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung, giải pháp tại Chỉ thị số 01/CT-BGTVT ngày 19/01/2023 của Bộ Giao thông vận tải về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong thi công xây dựng và các nội dung chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải tại Văn bản số 944/BGTVT-CQLXD ngày 25/01/2024.
- Đồng thời tại Văn bản số 5308/UBND-KT ngày 11/7/2024 và Văn bản số 6013/UBND-KT ngày 07/8/2024, UBND tỉnh giao Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm môi trường, vi phạm trật tự an toàn giao thông, xử lý hành vi vi phạm về vận chuyển hàng vượt quá tải trọng xe, cơi nới thành thùng xe, chở hàng rời để rơi vãi; rà soát hiện trạng toàn bộ các tuyến đường vận chuyển phục vụ Dự án được chủ đầu tư cung cấp để đề xuất các giải pháp sửa chữa, khắc phục kịp thời nhằm đảm bảo ATGT, vệ sinh môi trường; kết nối, chia sẻ dữ liệu camera giám sát; tập trung tuyên truyền, vận động người dân hiểu, chia sẻ và ủng hộ để đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng, đảm bảo hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
UBND đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường mời đại diện chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án 85, Ban Quản lý dự án 2) và tất cả các nhà thầu được cấp mỏ vật liệu họp quán triệt các nội dung về chấp hành các quy định theo nội dung bản đăng ký khai thác và thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường trong khai thác, vận chuyển vật liệu. Qua đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Thông báo số 53/TB-STNMT ngày 17/5/2024 gửi các chủ đầu tư và nhà thầu thi công triển khai thực hiện.
Về nội dung kiến nghị của cử tri xã Bình Thành và xã Hoài Châu Bắc: Thực hiện Quyết định số 1717/QĐ-UBND ngày 15/5/2024 của UBND tỉnh thành lập Tổ kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, Tổ kiểm tra lập kế hoạch và tiến hành kiểm tra 10 điểm mỏ. Trong đó, liên quan đến kiến nghị cử tri của xã Hoài Châu Bắc có điểm mỏ đất TDHN19, phường Hoài Thanh Tây và phường Hoài Hảo, thị xã Hoài Nhơn của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả khai thác phục vụ thi Dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn; kiến nghị cử tri xã Tây Bình liên quan đến mỏ đất TDTS23, xã Tây Bình, mỏ cát sông Kôn thuộc xã Bình Nghi và xã Bình Hòa của Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc và mỏ cát sông Kôn thuộc xã Bình Nghi và xã Bình Hòa của Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh khai thác phục vụ thi Dự án thành phần đoạn Hoài Nhơn – Quy Nhơn.
Qua kiểm tra, Tổ kiểm tra đã yêu cầu Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc, Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh thực hiện nghiêm và đầy đủ các biện pháp, giải pháp bảo vệ môi trường, an toàn trong khai thác, vận chuyển, đảm an toàn giao thông, tốc độ tối đa 30km/h tại các điểm giao cắt theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 3486/UBND ngày 13/5/2024.
II. LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP - NÔNG THÔN
2. Cử tri phường Trần Phú, thành phố Quy Nhơn kiến nghị: theo Đề án di dời tàu thuyền neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn và các vùng lân cận về neo đậu tại Khu vực đầm Đề Gi thì chỉ có chính sách hỗ trợ di dời tàu cá đối với chủ tàu thuyền neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn và các khu vực lân cận về neo đậu tại khu vực đầm Đề Gi mà chưa có chính sách hỗ trợ đối với các ngư dân có thuyền thúng, xuồng nhỏ và người “đi bạn”. Cử tri kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quan tâm, có chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng nói trên.
Trả lời: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời tại Công văn số 3060/SNN-KHTH ngày 11/9/2024 như sau:
Thực hiện Quyết định số 1739/QĐ-UBND ngày 17/5/2024 của UBND tỉnh về việc Ban hành Đề án Di dời tàu thuyền neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn và các khu vực lân cận về neo đậu tại khu vực đầm Đề Gi. Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Phòng Kinh tế và UBND các xã, phường ven biển của thành phố Quy Nhơn tổ chức các buổi thông tin, lấy ý kiến người dân về dự thảo chính sách hỗ trợ thực hiện Đề án di dời tàu thuyền neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn và các khu vực lân cận về neo đậu tại khu vực đầm Đề Gi.
Kết quả: Đa số các chủ tàu cá, hộ ngư dân thống nhất theo chủ trương của tỉnh về thực hiện Đề án di dời tàu thuyền neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn và các khu vực lân cận về neo đậu tại khu vực đầm Đề Gi. Tuy nhiên, chủ tàu cá, hộ ngư dân có một số kiến nghị, đề xuất và nguyện vọng như: Hỗ trợ cho những thuyền viên (người đi bạn) tham gia hoạt động sản xuất trên tàu khi chủ tàu thực hiện xả bản tàu cá; hỗ trợ tàu cá có chiều dài dưới 6 mét như: Thúng, xuồng nhỏ đánh bắt ven bờ; hỗ trợ tàu thuyền chưa được đăng ký, chưa đăng kiểm, vỏ tàu Composite khi thực hiện xả bản tàu cá; hỗ trợ tàu thuyền vận chuyển hàng hóa phục vụ cho dịch vụ hậu cần nghề cá ở địa phương; hỗ trợ cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá ở trên đường Hàm Tử ngoài khu vực cảng cá Quy Nhơn.
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đang tổng hợp ý kiến góp ý của người dân, hoàn thiện Dự thảo chính sách hỗ trợ di dời tàu cá neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn và các khu vực lân cận về neo đậu tại khu vực đầm Đề Gi, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
3. Cử tri xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh có chính sách hỗ trợ cho người dân có diện tích đất nông nghiệp phải ngừng sản xuất do ảnh hưởng của việc thực hiện dự án sửa chữa, nâng cấp hồ Hố Chuối (năm 2022-2023).
Trả lời: Ban Quản lý dự án nông nghiệp trả lời tại Công văn số 380/BQL-KTTĐ ngày 30/7/2024 như sau:
Dự án Bảo đảm an toàn hồ chứa tại các huyện Hoài Ân và Hoài Nhơn được  UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tại Quyết định số 2009/QĐ-UBND ngày  24/6/2022; trong đó, có đầu tư sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Hố Chuối (xã Ân  Thạnh, huyện Hoài Ân) nhằm đảm bảo an toàn hồ chứa và cấp nước tưới ổn định cho  30 ha đất sản xuất nông nghiệp hiện trạng. Nguồn vốn thực hiện do Trung ương hỗ  trợ từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và vốn ngân sách tỉnh. 
Công trình hồ Hố Chuối được triển khai thi công từ tháng 4/2023 và hoàn  thành, tích nước đưa vào sử dụng cuối năm 2023. Việc tháo hạ mực nước hồ Hố  Chuối không sản xuất vụ Hè Thu 2023 để thi công sửa chữa đã được Ban Quản lý  dự án Nông nghiệp và PTNT đề nghị tại Văn bản số 529/BQL-KTTĐ ngày  23/9/2022 để UBND huyện Hoài Ân chủ động trong kế hoạch sản xuất nông nghiệp  vùng dự án. Trong những năm qua, Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và PTNT được  UBND tỉnh giao nhiệm vụ sửa chữa, nâng cấp 47 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh.  Do đặc thù thi công hồ chứa phải triển khai sớm để kịp đảm bảo vượt lũ nên các hồ  đều phải cắt nước không sản xuất vụ Hè Thu trong năm để thi công, được chính  quyền địa phương và hầu hết người dân bị ảnh hưởng đồng lòng, ủng hộ để sửa chữa,  nâng cấp hồ được tốt hơn nhằm phục vụ ổn định lâu dài cho người dân và không đề  nghị hỗ trợ. Do đó, Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND huyện  Hoài Ân, UBND xã Ân Thạnh tuyên truyền, vận động một số hộ dân (bị ảnh hưởng  của hồ Hố Chuối) được hiểu và đồng thuận không thực hiện hỗ trợ do không sản  xuất vụ Hè Thu 2023 để thi công hồ Hố Chuối.
4. Cử tri phường Hoài Hương, thị xã Hoài Nhơn kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục xử lý nghiêm đối với những tàu thuyền đánh bắt, khai thác thủy sản trái phép tại các vùng biển quốc tế nhằm răn đe, chấm dứt tình trạng trên.
Trả lời: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời tại Công văn số 3060/SNN-KHTH ngày 11/9/2024 như sau:
Sau gần 07 năm thực thi Luật Thủy sản năm 2017 và triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách khắc phục tình trạng khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU), thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu, đặc biệt là sau gần 01 năm đợt kiểm tra lần 4 của Đoàn Thanh tra EC vào tháng 10/2023, tỉnh Bình Định đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp quyết liệt về chống khai thác IUU và đã đạt được những kết quả tích cực, nhận thức của người dân được nâng cao, thể hiện sự tuân thủ các quy định trong quá trình hoạt động sản xuất thủy sản; ngư dân đã ý thức được việc chấp hành đúng các quy định của pháp luật khi tham gia hoạt động khai thác thủy sản và có trách nhiệm hơn trong việc thực hiện các giải pháp khắc phục thẻ vàng của Châu Âu. Tuy nhiên, tình trạng tàu cá và ngư dân tỉnh Bình Định vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn ra. Từ đầu năm 2024 đến nay, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh có 10 tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, trong đó có 10/10 tàu cá hoạt động, neo đậu và xuất bến ngoài tỉnh, hàng năm không về địa phương (Bà Rịa - Vũng Tàu: 07 tàu, Kiên Giang: 03 tàu); có 09/10 tàu chiều dài dưới 15 mét (không thuộc đối tượng bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình), làm nghề câu mực, tuổi tàu trên dưới 30 năm, tàu cũ, ít giá trị; còn lại 01 tàu có chiều dài trên 15 mét, đã trang bị thiết bị giám sát hành trình, xuất bến tại tỉnh Kiên Giang nhưng không mở máy xuất bến đi khai thác thủy sản, các lực lượng chức năng của tỉnh Kiên Giang không phát hiện.
* Kết quả xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ:
- Đối với 04 trường hợp vi phạm trong năm 2023: UBND tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt hành chính 02 trường hợp với số tiền 1 tỷ 804 triệu đồng; còn lại 01 tàu bị bắt ở vùng chồng lấn và 01 tàu đã bán ra ngoài địa bàn tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chưa tiến hành làm việc để xử lý được.
- Đối với 10 trường hợp vi phạm trong năm 2024: UBND tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt hành chính 08 trường hợp với số tiền 7 tỷ 212 triệu đồng; còn lại 02 tàu cá chủ tàu, thuyền trưởng bị nước ngoài bắt giữ, chưa có thông tin chính thức nên chưa xác lập biên bản vi phạm hành chính nên chưa ban hành quyết định xử phạt.
- UBND tỉnh đã giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương tiến hành xác minh nguồn kinh tế, tài sản của chủ tàu, thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến tàu cá bị nước ngoài bắt giữ từ năm 2023 đến nay.
- Tiến hành thu hồi Giấy phép khai thác thủy sản, thực hiện xóa đăng ký của tất cả các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt; không cho chủ tàu cá có tàu bị bắt được đóng mới, đăng ký tàu cá mới; không thực hiện hỗ trợ các chính sách về thủy sản đối với chủ tàu cá có tàu bị nước ngoài bắt giữ.
- UBND các huyện, thị xã, thành phố có tàu cá vi phạm, bị nước ngoài bắt: Tổ chức kiểm điểm trách nhiệm chủ tàu, thuyền trưởng các tàu cá vi phạm; kiểm điểm trách nhiệm cá nhân của Lãnh đạo UBND xã, UBND huyện, thị xã, thành phố.
* Giải pháp trong thời gian đến:
- Tiếp tục thực hiện biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn tình trạng tàu cá của tỉnh Bình Định vi phạm vùng biển nước ngoài, UBND tỉnh đã chỉ đạo, yêu cầu nhóm tàu cá của tỉnh Bình Định có chiều từ 12 mét đến dưới 15 mét, hành nghề câu mực phải trang bị thiết bị giám sát hành trình; trường hợp tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình thì tạm thời thu hồi Giấy phép khai thác thủy sản (hiện nay, UBND tỉnh đang xây dựng chính sách hỗ trợ chi phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với nhóm tàu cá này).
- Ngoài ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển tổ chức tuyên truyền Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12/6/2024 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản (Theo đó, đối với hành vi khai thác trái phép ở vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam có thể phạt tù từ 3 năm đến 15 năm) với nhiều hình thức để ngư dân biết và thực hiện theo đúng quy định.
III. LĨNH VỰC GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
5. Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định: “Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất 01 lần cho người lao động…”. Tuy nhiên, theo phản ánh trong thực tế không có nhiều đơn vị của ngành giáo dục thực hiện nội dung này. Kiến nghị Ủy ban nhân dân quan tâm, rà soát việc thực hiện quy định này đối với ngành giáo dục đào tạo nói riêng và các cơ quan, tổ chức nói chung để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Trả lời: Sở Giáo dục đào tạo trả lời tại Công văn 2155/ SGDĐT-VP ngày 13/8/2024 như sau: 
Tại khoản 1 Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định về khám  sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động như sau: Hằng năm,  người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người  lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy  hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người  khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám  sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần. 
Đối với kinh phí thực hiện khám sức khỏe cho người lao động (bao gồm  cả công chức, viên chức) đã được Quốc hội quy định tại khoản 6, Điều 21, Luật  số 84/2015/QH13 ngày 25/6/2015: Chi phí cho hoạt động khám sức khỏe,  khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động  do người sử dụng lao động chi trả quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều này  được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo Luật  thuế thu nhập doanh nghiệp và hạch toán vào chi phí hoạt động thường xuyên  đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp không có hoạt động dịch vụ.”. 
Theo đó, việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho công chức, viên chức  và người lao động do người đứng đầu cơ quan, đơn vị thực hiện theo quy định  tại Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động. 
Căn cứ các quy định nêu trên, Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất UBND tỉnh chỉ  đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc về việc khám sức khỏe định  kỳ hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo đúng quy  định. 
IV. LĨNH VỰC CHÍNH SÁCH
6. Cử tri xã Cát Minh, huyện Phù Cát phản ánh: Chi hội trưởng, chi hội phó Hội Người cao tuổi thôn/tổ dân phố tham gia khá nhiều công việc ở thôn/tổ dân phố, số lượng hội viên ổn định và ngày càng tăng, có uy tín vận động quần chúng trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, theo quy định hiện nay đối tượng này vẫn chưa có mức bồi dưỡng tương xứng với nhiệm vụ được giao. Vì vậy, cử tri tiếp tục kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm, xem xét có mức bồi dưỡng hằng tháng đối với người đảm nhận chức danh chi hội trưởng, chi hội phó Hội Người cao tuổi thôn/tổ dân phố nhằm chia sẻ, động viên, ghi nhận các đóng góp của họ đối với phong trào chung ở cơ sở.
Trả lời: Sở Nội vụ trả lời tại Công văn 1880/SNV-XDCQ&CTTN ngày 26/8/2024 như sau: 
Tại khoản 4 Điều 4 Thông tư số 03/2013/TT-BNV ngày 16/4/2013 của Bộ  trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP và  Nghị định số 33/2012/NĐ-CP quy định “Hội được thành lập liên chi hội, chi hội,  phân hội, tổ hội thuộc hội (gọi chung là tổ chức cơ sở thuộc hội) theo quy định  của điều lệ hội đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14  Nghị định số 45/2010/NĐ-CP phê duyệt. Tổ chức cơ sở do hội thành lập không  có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng”. Hiện nay, chưa có quy định về  chế độ phụ cấp cho những người lãnh đạo các tổ chức hội cơ sở (trong đó có Chi  hội trưởng, Chi hội phó Hội Người cao tuổi ở thôn/khu phố).  
Do đó, để có kinh phí hỗ trợ cho Chi hội trưởng, Chi hội phó Hội Người  cao tuổi thôn/khu phố theo như kiến nghị của cử tri, Hội Người cao tuổi cấp xã  có trách nhiệm xây dựng nhiệm vụ hoạt động của hội hàng năm, báo cáo Ủy ban  nhân dân cấp xã xem xét hỗ trợ kinh phí gắn với nhiệm vụ được giao (trong đó,  bao gồm kinh phí gắn với nhiệm vụ giao cho các Chi hội). Trên cơ sở kinh phí hỗ trợ gắn với nhiệm vụ được giao, Chi hội cân đối xem xét hỗ trợ cho chức danh  lãnh đạo Chi hội theo nhiệm vụ được giao. 
V. LĨNH VỰC GIAO THÔNG VẬN TẢI
7. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh sớm phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nhâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐT629 từ Bồng Sơn, Hoài Nhơn - An Lão vì hiện nay tuyến đường trên đã xuống cấp, hư hỏng và chật hẹp không đáp ứng được nhu cầu đi lại và lưu thông hàng hóa của người dân.
Trả lời: Sở Giao thông vận tải trả lời tại Công văn số 2167/SGTVT-GT ngày 13/9/2024 như sau:
- Hiện nay, nhu cầu giao thông trên tuyến ĐT.629 là cơ bản đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân; đồng thời, nguồn kinh phí hiện nay còn khó khăn, chỉ ưu tiên bố trí kinh phí để đầu tư sửa chữa các vị trí bị hư hỏng nặng, bức xúc nên việc kiến nghị đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến ĐT.629 theo kiến nghị của cử tri đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, nhất là đối với các công trình thoát nước trên tuyến và chi phí bồi thường GPMB thực hiện dự án. Do đó, việc đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến ĐT.629 theo kiến nghị của cử tri ở thời điểm hiện tại là chưa thực hiện được.
- Trước mắt, Sở GTVT tiếp tục chỉ đạo Ban Quản lý Bảo trì đường bộ yêu cầu đơn vị quản lý tuyến tăng cường công tác duy tu sửa chữa tuyến đường ĐT.629 luôn đảm bảo giao thông trên tuyến được thông suốt, êm thuận và tăng cường công tác nạo vét, khơi thông hệ thống rãnh thoát nước trên toàn tuyến đảm bảo thoát nước theo quy định.
  - Về lâu dài, kính đề nghị UBND tỉnh giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổng hợp nhu cầu giao thông trên tuyến ĐT.629, quy hoạch ngành GTVT, ngành xây dựng và các ngành có liên quan, cũng như nguồn kinh phí thực hiện để đề xuất UBND tỉnh phân kỳ đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng tuyến ĐT.629 ở các thời điểm phù hợp, phát huy hiệu quả đầu tư xây dựng và phù hợp với quy hoạch được duyệt.
  VI. MỘT SỐ LĨNH VỰC KHÁC
  8. Cử tri xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ phản ánh hiện trên địa bàn xã hiện nay chưa có điểm ATM, gây khó khăn cho người dân khi có nhu cầu rút tiền mặt. Cử tri kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bình Định đề nghị các Ngân hàng thương mại xem xét, xây dựng điểm ATM trên địa bàn xã.
Trả lời: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Định trả lời tại Công văn số 931/BIĐ4 ngày 05/9/2024 như sau: 
Hiện tại, trên địa bàn huyện Phù Mỹ có 12 máy ATM thuộc quản lý của 05 chi nhánh Ngân hàng thương mại, tuy nhiên chưa có máy ATM được lắp đặt tại xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ. Theo báo cáo của các chi nhánh Ngân hàng thương mại trên địa bàn, việc phát triển mạng lưới ATM để đáp ứng yêu cầu phục vụ khách hàng, nâng cao hiệu quả kinh doanh của các chi nhánh phải được sự phê duyệt của Hội sở chính dựa trên kế hoạch phát triển mạng lưới ATM và việc xem xét, đánh giá hiệu quả hoạt động của các máy ATM theo quy định của riêng từng ngân hàng. 
Mặt khác, do chi phí đầu tư lắp đặt, bảo vệ và duy trì hoạt động của một máy ATM tương đối lớn, đồng thời các chi nhánh quản lý máy ATM phải tuân thủ các quy định về đảm bảo chất lượng dịch vụ ATM theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Vì vậy, các Ngân hàng thương mại thường ưu tiên lắp đặt máy ATM tại các trụ sở, phòng giao dịch có nhiều khách hàng đến giao dịch nhằm tăng hiệu quả hoạt động của chi nhánh. 
9. Cử tri xã An Hưng, huyện An Lão kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với tỉnh Quảng Ngãi xác định rõ địa giới hành chính của thôn 3, xã An Hưng, huyện An Lão, tỉnh Bình Định với thôn Cây Muối, xã Ba Trang, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi.
Trả lời: Sở Nội vụ trả lời tại Công văn 1880/SNV-XDCQ&CTTN ngày 26/8/2024 như sau: 
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện Quyết định số 513/QĐ-TTg  ngày 02/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án “Hoàn thiện,  hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa  giới hành chính” (gọi tắt là Dự án 513); các sở, ngành liên quan thuộc tỉnh và  Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã của 02 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi đã  phối hợp xác định đường địa giới đơn vị hành chính, trong đó có khu vực giáp  ranh giữa các xã thuộc huyện An Lão, tỉnh Bình Định với các xã thuộc huyện  Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi; thực hiện cắm mốc địa giới và tổ chức ký xác nhận pháp lý bộ hồ sơ, bản đồ địa giới đơn vị hành chính giữa các địa phương liên  quan theo quy định. Theo đó, trên địa bàn huyện An Lão không còn tồn tại, vướng mắc về địa giới đơn vị hành chính. Đến nay, Sở Nội vụ đã đề nghị Cục  Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam tổ chức phúc tra kỹ thuật sản  phẩm hồ sơ, bản đồ địa giới đơn vị hành chính các cấp của tỉnh Bình Định để  Bộ Nội vụ thẩm định chất lượng hồ sơ địa giới đơn vị hành chính các cấp của  tỉnh trước khi đưa vào quản lý, sử dụng. 
Trên cơ sở kết quả thực hiện xác định đường địa giới đơn vị hành chính  nêu trên, Sở Nội vụ đã có Công văn số 1579/SNV-XDCQ&CTTN ngày 31/7/2024 đề nghị Ủy ban nhân dân huyện An Lão chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã  An Hưng tổ chức tuyên truyền cho Nhân dân trên địa bàn về đường địa giới đơn  vị hành chính của xã, nhất là Nhân dân tại khu vực giáp ranh với tỉnh Quảng  Ngãi để nắm bắt, nêu cao ý thức và tôn trọng kết quả xác định đường địa giới  đơn vị hành chính giữa các cấp chính quyền của 02 tỉnh Bình Định và Quảng  Ngãi; tiếp tục giữ ổn định và không để xảy ra các tranh chấp liên quan đến  đường địa giới đơn vị hành chính./.

 

Tác giả bài viết: Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây