TRẢ LỜI Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ CỬ TRI TRƯỚC KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHOÁ XV CỦA CÁC CƠ QUAN ĐỊA PHƯƠNG

Thứ hai - 23/09/2024 10:58
TRẢ LỜI Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ CỬ TRI TRƯỚC KỲ HỌP
THỨ 7, QUỐC HỘI KHOÁ XV CỦA CÁC CƠ QUAN ĐỊA PHƯƠNG
I. LĨNH VỰC TÀI NGUYÊN - MÔI TRƯỜNG - LÂM NGHIỆP
1. Cử tri xã An Hưng, huyện An Lão kiến nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét chuyển đổi đất khu vực rừng phòng hộ (khoản 6, khoản 7 tiểu khu 9) do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện An Lão quản lý sang đất sản xuất để cấp cho các hộ dân trên địa bàn xã đã canh tác lâu năm đối với các diện tích đất trên”
Trả lời: Theo văn bản số 1841/STNMT-CCQLĐĐ ngày 05/6/2024 của Sở Tài nguyên và Môi trường
  Thực hiện Luật Đất đai năm 1993, tỉnh Bình Định đã thực hiện việc cân đối giao quyền sử dụng đất sản xuất nông nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng lâu dài theo Nghị định số 64/NĐ-CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ; Đồng thời, cũng đã cơ bản hoàn thành cấp Giấy GCN QSDĐ lâm nghiệp theo Nghị định 02-CP ngày 15/01/1994 của Chính phủ, Nghị định số 163/NĐ-CP ngày 16/11/1999 của Chính phủ cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng.
  Để rà soát việc giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật về đất đai hiện hành, Sở Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo đề xuất UBND tỉnh có Văn bản số 3834/UBND-KT ngày 05/7/2019 chỉ đạo:
  - “Trước mắt chưa thực hiện việc thu hồi đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ do UBND cấp xã quản lý, đất lâm nghiệp đã giao cho các Ban Quản lý rừng phòng hộ, ban Quản lý rừng đặc dụng và các Công ty lâm nghiệp để giao đất, cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích sản xuất lâm nghiệp (trừ các trường hợp thu hồi đất để thực hiện các chương trình, dự án đã có chủ trương của Chính phủ; của UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt);
  - Ưu tiên việc giao đất, cho thuê đất đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại địa phương mà từ trước đến nay chưa có đất ở, chưa có đất sản xuất (UBND cấp huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp UBND cấp xã tiến hành lập Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cụ thể trước khi triển khai thực hiện”.
  Việc thực hiện giao đất gắn liền với giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, đề nghị UBND huyện An Lão triển khai thực hiện theo Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 27/4/2023 của UBND tỉnh về Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh và pháp luật đất đai hiện hành; Đối với đất đã cân đối giao quyền sử dụng đất nhưng chưa thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì UBND huyện An Lão phải rà soát, hướng dẫn thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (lần đầu), thuộc thẩm quyền của UBND An Lão (quy định tại khoản 2 Điều 105 Luật Đất đai năm 2013); Đối với đất lấn, chiếm đất đai thực hiện theo Kế hoạch xử lý lấn, chiếm đất đai UBND tỉnh đã ban hành (tại Quyết định số 2359/QĐ-UBND ngày 30/6/2023). Hiện nay, UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu xử lý lấn, chiếm đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân (đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận) và yêu cầu phải hoàn thành trong năm 2024. Do đó, kính đề nghị UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện An Lão thực hiện và trả lời cử tri biết.
  2. Cử tri xã Mỹ Phong kiến nghị UBND tỉnh xem xét, sớm sửa đổi Quyết định số 40/2014/QĐ-UBND ngày 25 tháng 12 năm 2014 của UBND tỉnh Bình Định quy định diện tích đất tối thiểu được tách thửa trên địa bàn tỉnh và Quyết định số 16/2015/QĐ-UBND ngày 21 tháng 7 năm 2015 của UBND tỉnh Bình Định về việc sửa đổi Quyết định số 40/2014/QĐ-UBND ngày 25/12/2014 của UBND tỉnh về quy định diện tích đất tối thiểu được tách thửa trên địa bàn tỉnh Bình Định cho phù hợp với Luật Đất đai 2024 và tình hình thực tế của địa phương, đáp ứng nhu cầu tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất của người dân.
Trả lời: Theo văn bản số 1841/STNMT-CCQLĐĐ ngày 05/6/2024 của Sở Tài nguyên và Môi trường
  Thời gian qua, trước kiến nghị của cử tri liên quan hạn mức đất tách thửa theo Quyết định số 40/QĐ-UBND ngày 25/12/2014 của UBND tỉnh quy định diện tích đất tối thiểu được tách thửa trên địa bàn tỉnh trong việc giải quyết thủ tục “tách thửa”, “chuyển mục đích sử dụng đất”; Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất UBND tỉnh thành lập Tổ soạn thảo “Quy định về điều kiện tách, nhập thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Bình Định” nhằm điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 40/QĐ-UBND ngày 25/12/2014 của UBND tỉnh nêu trên; Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp các sở, ngành liên quan hoàn thành “dự thảo Quy định về điều kiện tách, nhập thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Bình Định” theo quy định của Luật đất đai năm 2013. Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp Mặt trận TQVN tỉnh tổ chức Hội nghị phản biện lấy ý kiến tham gia của đại diện các sở, ngành, đơn vị, chính quyền địa phương, tổ chức xã hội và các đoàn thể, đồng thời cũng đã báo cáo xin ý kiến của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh.
  Tuy nhiên, do Luật Đất đai năm 2024 đang trong quá trình soạn thảo, nên UBND tỉnh đã chỉ đạo chờ Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực và Chính phủ có Nghị định hướng dẫn, sẽ chỉ đạo xây dựng “Quy định về điều kiện tách, nhập thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Bình Định”. Hiện nay, Luật Đất đai năm 2024 đã được Quốc hội chính thức thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2025; Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định số 1929/QĐ-UBND ngày 31/5/2024 về ban hành danh mục xây dựng quyết định của UBND tỉnh quy định chi tiết Luật Đất đai năm 2024 đã được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5; Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 1730/STNMT-QLĐĐ ngày 28/5/2024 tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thành lập các Tổ soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết nội dung Luật Đất đai năm 2024 (thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh ban hành), trong đó, có “Quy định về điều kiện tách, nhập thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Bình Định”. Sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung phối hợp các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương hoàn thành “Quy định về điều kiện tách, nhập thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Bình Định” trình UBND tỉnh ban hành thay thế  Quyết định số 40/QĐ-UBND ngày 25/12/2014 của UBND tỉnh nêu trên để thực hiện.
II. LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP - NÔNG THÔN
3. Cử tri xã Mỹ Cát huyện Phù Mỹ và xã Cát Sơn, huyện Phù Cát kiến nghị UBDN tỉnh quan tâm, có kế hoạch xây dựng tuyến bờ kè/ đê dọc sông La Tinh đi qua địa bàn 02 xã nhằm ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ sông đảm bảo an toàn cho người dân.
Trả lời: Theo Văn bản số 2029/SNN-KHTH ngày 19/6/2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Đề nghị UBND huyện Phù Mỹ, Phù Cát kiểm tra các nội dung theo kiến nghị của cử tri, rà soát, đánh giá sự cần thiết đầu tư. Lập báo cáo xin chủ trương đầu tư gửi các cấp thẩm quyền xem xét để đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn từ nguồn vốn tỉnh giai đoạn năm 2026-2030 làm cơ sở triển khai thực hiện.
4. Cử tri xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân kiến nghị UBND tỉnh quan tâm, có kế hoạch xây dựng bờ kè dọc sông Kim Sơn, sông An Lão nhằm ngăn chặn tình trạng sạt lở, sa bồi thủy phá, xâm thực.
Trả lời: Theo Văn bản số 2029/SNN-KHTH ngày 19/6/2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Đề nghị UBND huyện Hoài Ân kiểm tra sạt lở trên sông Kim Sơn, sông An Lão, đánh giá sự cần thiết đầu tư. Lập báo cáo xin chủ trương đầu tư gửi các cấp thẩm quyền xem xét để đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn từ nguồn vốn tỉnh giai đoạn năm 2026-2030 làm cơ sở triển khai thực hiện.
5. Cử tri xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát kiến nghị UBND tỉnh quan tâm bố trí kinh phí để nâng cấp đê sông Kôn qua địa bàn xã Cát Nhơn nhằm ngăn chặn tình trạng sạt lở, xâm thực vào mùa mưa lũ.
Trả lời: Theo Văn bản số 2029/SNN-KHTH ngày 19/6/2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Đề nghị UBND huyện Phù Cát kiểm tra các đoạn xung yếu đê sông Kôn đoạn qua địa bàn xã Cát Nhơn, đánh giá sự cần thiết đầu tư. Lập báo cáo xin chủ trương đầu tư gửi các cấp thẩm quyền xem xét để đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn từ nguồn vốn tỉnh giai đoạn năm 2026-2030 làm cơ sở triển khai thực hiện.
6. Cử tri xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn kiến nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuần tra, xử lý tình trạng sử dụng thuốc nổ để khai thác đánh bắt thủy hải sản trên các ngư trường gây nguy hiểm cho tính mạng con người và nguồn tài nguyên biển.
Trả lời: Theo Văn bản số 2029/SNN-KHTH ngày 19/6/2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Thời gian qua, khu vực các hòn (hòn Cân, Sẹo, Đất…) ven biển xã Nhơn Lý, một số ít tàu cá của ngư dân trong và ngoài tỉnh thỉnh thoảng vẫn còn lén lút sử dụng chất nổ để khai thác thủy sản, gây mất an ninh trật tự trên biển, ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên biển. Sở Nông nghiệp và PTNT đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền; phối hợp các lực lượng chức năng, địa phương ven biển liên quan (Đội Cảnh sát giao thông đường thủy, Đồn Biên phòng ven biển, UBND xã) tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, lực lượng Kiểm ngư của Chi cục Thủy sản mỏng, phương tiện tàu tuần tra nhỏ, địa bàn quản lý vùng biển trên toàn tỉnh rộng, địa hình hiểm trở nên hiệu quả xử lý các đối tượng này còn hạn chế; mặt khác, việc bắt quả tang đối với hành vi này rất khó khăn, khi có mặt lực lượng tuần tra của cơ quan chức năng trên khu vực biển thì các đối tượng này án binh bất động.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Thủy sản đã phối hợp các đơn vị, địa phương liên quan thực hiện 53 chuyến tuần tra, kiểm soát trên vùng biển của tỉnh, phát hiện, xử phạt 13 trường hợp với tổng số tiền phạt hơn 227,5 triệu đồng, trong đó có 04 trường hợp sử dụng nghề cấm khai thác thủy sản.
* Giải pháp trong thời gian đến:
- Tiếp tục tổ chức phối hợp các đơn vị, chính quyền địa phương liên quan thực hiện tốt các Kế hoạch thực thi các giải pháp về chống khai thác bất hợp pháp IUU trên địa bàn tỉnh, trong đó, tăng cường tổ chức thực hiện tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các tàu cá hoạt động chất nổ trên khu vực biển Nhơn Lý và ngư trường lân cận trên địa bàn tỉnh; đồng thời phối hợp chính quyền địa phương ven biển tuyên truyền, vận động ngư dân trên địa bàn từ bỏ nghề cấm, chuyển đổi nghề khai thác hợp pháp.
- Tiếp tục phối hợp chính quyền địa phương ven biển thực hiện Quyết định số 1161/QĐ-UBND ngày 04/4/2024 của UBND tỉnh về kế hoạch chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2024-2030.
- Xây dựng Đề án thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh theo lộ trình, thời gian được phê duyệt tại Quyết định số 1918/QĐ-UBND ngày 29/5/2024 của UBND tỉnh, trong đó có mô hình Đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn.
7. Cử tri xã Cát Sơn, huyện Phù Cát kiến nghị UBND tỉnh quan tâm, đầu tư mở rộng hệ thống kênh mương NC và NC1 từ hồ Hội Sơn tưới về 02 thôn Thạch Bàn Đông và Thạch Bàn Tây, xã Cát Sơn vì những năm qua hai thôn này thiếu nước nghiêm trọng trong vụ hè tiến đến bỏ trạm bơm điện Thạch Bàn Tây vì không hiệu quả, không đủ trả tiền điện cho điện lực.
Trả lời: Theo Văn bản số 2029/SNN-KHTH ngày 19/6/2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, UBND huyện Phù Cát kiểm tra, khảo sát thực địa để xem xét các phương án kỹ thuật như mở rộng kênh hay việc xây dựng mới tuyến kênh từ hồ Hội Sơn để tưới cho thôn Thạch Bàn Đông và Thạch Bàn Tây, kết quả như sau:
Khu tưới thôn Thạch Bàn, xã Cát Sơn đã được kênh NC (dài 5.797m, rộng từ 1,1- 0,4m, cao 1,1-0,7m, tưới 143 ha/vụ) và kênh NC1 (dài 4.221m, rộng từ 0,7-0,4m, cao 0,9m, tưới 45 ha/vụ) thuộc hệ thống tưới hồ chứa nước Hội Sơn đảm nhận và giao Xí nghiệp thủy lợi II khai thác vận hành; 02 tuyến kênh này đã được đầu tư nâng thành kênh đảm bảo đủ cấp nước trên địa bàn.
Việc cử tri đề nghị đầu tư mở rộng 02 tuyến kênh NC và NC1 là không đảm bảo về mực nước tưới tự chảy của kênh và phương án xây dựng mới tuyến kênh khác là chưa cần thiết và cần nguồn kinh phí lớn.
Để đảm bảo tưới cho thôn Thạch Bàn, giải pháp trước mắt đề nghị UBND huyện Phù Cát chỉ đạo UBND xã Cát Sơn phối hợp với Xí nghiệp thủy lợi 2 vận hành khai thác hợp lý 02 tuyến kênh NC, NC1; đồng thời vận hành tốt nguồn nước từ đập Làng và trạm bơm Thạch Bàn Tây do địa phương quản lý khai thác. Đề nghị UBND huyện Phù Cát chỉ đạo UBND xã Cát Sơn thành lập Tổ thủy nông nội đồng, phối hợp với Xí nghiệp thủy lợi 2 đưa nước vào ruộng kịp thời và tiết kiệm.
Đối với việc đề nghị bỏ trạm bơm điện Thạch Bàn Tây là không phù hợp với điều kiện hiện nay và cần tổ chức tưới tiết kiệm, bơm tưới trong giờ thấp điểm hoặc chuyển đổi sang cây trồng cạn để giảm bớt chi phí tiền điện và khi cần có thể.
III. LĨNH VỰC GIAO THÔNG - VẬN TẢI
8. Một số cử tri trên địa bàn tỉnh phản ánh hiện nay một số diện tích đất nông nghiệp (đất trồng lúa) của người dân tại các địa phương không canh tác được do ảnh hưởng của việc thi công đường cao tốc Bắc - Nam. Cử tri kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm,chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, rà soát diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng không thể canh tác được trên toàn tỉnh và kiến nghị với các Bộ ngành trung ương có hướng xử lý phù hợp để đảm bảo lợi ích cho người dân.
Trả lời: Theo Văn bản số 1250/SGTVT-GT ngày 10/6/2024 của Sở Giao thông vận tải
Nội dung cử tri kiến nghị, đã được UBND tỉnh Bình Định tổng hợp và kiến nghị đến Bộ GTVT tại Văn bản số 6045/UBND-KT ngày 23/8/2023 về việc tổng hợp diện tích đất nông nghiệp còn lại lớn hơn 200m2 không đủ điều kiện sản xuất do ảnh hưởng Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, đoạn qua địa phận tỉnh. Theo đó:
UBND tỉnh đã thực hiện thu hồi hết phần diện tích đất nông nghiệp còn lại sau khi thu hồi < 200m2 , theo quy định tại Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND ngày 14/02/2019 của UBND tỉnh về việc ban hành chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bình Định. Hiện nay, đối với phần diện tích đất nông nghiệp còn lại sau khi thu hồi > 200m2 nhưng không đủ điều kiện sản xuất nông nghiệp (các sở, ngành, địa phương có liên quan của tỉnh đã tổ chức kiểm tra, xác nhận cụ thể từng thửa đất không đảm bảo điều kiện để tiếp tục sản xuất xuất nông nghiệp). UBND tỉnh đã đề nghị Bộ GTVT xem xét, cho chủ trương thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng và thu hồi đất đối với phần diện tích đất nông nghiệp còn lại sau khi thu hồi > 200m2 nhưng không đủ điều kiện sản xuất nông nghiệp, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân và tránh lãng phí việc sử dụng đất đai. Đồng thời, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố vận động, khuyến kích người dân đối với phần đất nông nghiệp còn lại tiếp tục sản xuất trong thời gian chờ ý kiến của Trung ương. Do đó, kính báo cáo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh xem xét, tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT đối với các nội dung nêu trên để làm cơ sở tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tế địa phương.
9.  Cử tri xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh có chính sách hỗ trợ cho người dân có diện tích đất nông nghiệp phải ngừng sản xuất do ảnh hưởng của việc thực hiện dự án sửa chữa, nâng cấp hồ Hố Chuối (năm 2022-2023)
Trả lời: Theo Văn bản số 1250/SGTVT-GT ngày 10/6/2024 của Sở Giao thông vận tải
Vấn đề cử tri kiến nghị liên quan đến công trình do Ban QLDA Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư. Kính đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban QLDA Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan cùng chính quyền địa phương kiểm tra, giải quyết theo thẩm quyền quy định và có văn bản báo cáo UBND tỉnh để trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
10. Cử tri xã Cát Sơn, huyện Phù Cát kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm đầu tư mở rộng và làm mới tuyến đường từ ĐT.634 đi qua Đèo Ngụy đến giáp xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ hoặc nối dài tuyến đường ĐT.634 đi qua thôn Gia Vấn, xã Mỹ Hóa, huyện Phù Mỹ để người dân Cát Sơn đi lại thuận tiện và giao thương phát triển kinh tế.
Trả lời: Theo Văn bản số 1250/SGTVT-GT ngày 10/6/2024 của Sở Giao thông vận tải
Vấn đề cử tri thị kiến nghị liên quan đến công trình, tuyến đường trên địa bàn do UBND huyện Phù Cát được phân cấp quản lý, bảo trì theo quy định tại Điều 7 Quyết định số 02/2018/QĐ-UBND ngày 17/01/2018 của UBND tỉnh. Kính đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Phù Cát chủ động kiểm tra, giải quyết theo thẩm quyền quy định và có văn bản báo cáo UBND tỉnh để trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
11. Cử tri huyện Hoài Ân kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm, hỗ trợ nâng cấp, xây dựng cầu vượt lũ Mỹ Thành và nâng cấp mở rộng tuyến đường ĐT.629 kết nối từ trung tâm huyện đến nút giao liên thông đường bộ cao tốc tại Km1+500 thuộc dự án thành phần Hoài Nhơn - Quy Nhơn, tại xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân.
Trả lời: Theo Văn bản số 1250/SGTVT-GT ngày 10/6/2024 của Sở Giao thông vận tải
Hiện nay, cầu Mỹ Thành thuộc danh mục Nâng cấp, mở rộng đường phía Tây tỉnh ĐT.638 của Đề án Phát triển mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; theo đó, UBND tỉnh đã giao Ban QLDA giao thông tỉnh tại Văn bản số 6670/UBND-KT ngày 14/9/2023 phối hợp với các Sở, ban ngành và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2023 - 2025, triển khai thi công giai đoạn 2025 - 2030 theo đúng quy định.
Đối với nội dung liên quan việc đầu tư nâng cấp mở rộng tuyến đường ĐT.629 kết nối từ trung tâm huyện đến nút giao liên thông đường bộ cao tốc tại Km1+500 thuộc dự án thành phần Hoài Nhơn - Quy Nhơn, tại xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân, UBND tỉnh đã có Văn bản số 2966/UBND-KT ngày 22/4/2024 về việc điều chỉnh, bổ sung các nút giao và nâng cấp các tuyến đường kết nối cao tốc Bắc - Nam phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương gửi Bộ GTVT, trong đó có đề nghị đầu tư Nâng cấp mở rộng tuyến đường ĐT.629, đoạn từ nút giao tại Km1+600, giao liên thông với ĐT.629 thuộc địa bàn huyện Hoài Ân, có chiều dài khoảng 8km, nhằm kết nối cao tốc với Quốc lộ 1 và tuyến đường phía Tây tỉnh (ĐT.638).
12. Hiện nay phương tiện đưa đón công nhân của nhiều doanh nghiệp đều rất cũ kỹ, xuống cấp, không đảm bảo an toàn cho người lao động. Đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra các xe đưa đón công nhân để đảm bảo an toàn cho người lao động.
Trả lời: Theo Văn bản số 1250/SGTVT-GT ngày 10/6/2024 của Sở Giao thông vận tải
Nội dung kiến nghị cử tri liên quan đến phương tiện đưa đón công nhân của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Vấn đề này Sở GTVT đã có Văn bản số 1107/SGTVT-VT ngày 21/5/2024 về việc chấn chỉnh các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng vận chuyển cán bộ công nhân viên đi làm việc gửi các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách và các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn tỉnh, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh, Phòng Cảnh sát giao thông-Công an tỉnh để phối hợp tuyên truyền, khuyến cáo các doanh nghiệp tham gia vận chuyển hành khách chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
IV. MỘT SỐ LĨNH VỰC KHÁC
13. Cử tri phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn phản ánh: Theo Quyết định 84/2023/QĐ-UBND ngày 19/12/2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024, quy định chức danh, mức phụ cấp, mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, khu phố; mức hỗ trợ, mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, khu phố và mức khoán kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội cấp xã trên địa bàn tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, theo quy định của Quyết định trên thì mức phụ cấp của các Chi hội trưởng Nông dân, Chi hội trưởng Phụ nữ, Chi hội trưởng Cựu chiến binh, Bí thư Chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là 540.000 đồng/người/tháng, là quá thấp, chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ, công việc được giao. Do đó, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm, xem xét tăng mức phụ cấp đối với các Chi hội trưởng các tổ chức đoàn thể, Bí thư Chi đoàn ở thôn, khu phố cho tương xứng với nhiệm vụ (Câu số 15). 
Trả lời: Theo Văn bản số 1219/SNV-XDCQ&CTTN ngày 14/6/2024 của Sở Nội vụ
- Ngày 20/7/2018 Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 41/2018/QĐ-UBND thay thế Quyết định số 45/2013/QĐ-UBND đã điều chỉnh tăng mức hỗ trợ đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, khu phố (gồm các chức danh: Chi hội trưởng Nông dân, Chi hội trưởng Phụ nữ, Chi hội trưởng Cựu chiến binh, Bí thư Chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) là 5.040.000đồng/người/năm; theo đó, ngân sách tỉnh phải cân đối chi cho các đối tượng này là 22,5 tỷ/năm.
- Ngày 16/12/2020 Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 80/2020/QĐ-UBND thay thế Quyết định số 41/2018/QĐ-UBND đã điều chỉnh tăng mức hỗ trợ đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, khu phố là 5.364.000đồng/người/năm kể từ ngày 01/01/2021 (Ủy ban nhân dân tỉnh đã quan tâm điều chỉnh tăng mức hỗ trợ lên 6,4%/người/tháng), theo đó, ngân sách tỉnh phải cân đối chi cho các đối tượng này là 24 tỷ/năm.
- Ngày 19/12/2023 Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 84/2023/QĐ-UBND thay thế Quyết định số 80/2020/QĐ-UBND đã điều chỉnh tăng mức hỗ trợ đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, khu phố là 6.480.000đồng/người/năm kể từ ngày 01/01/2024 (Ủy ban nhân dân tỉnh đã quan tâm điều chỉnh tăng mức hỗ trợ lên 20,8%/người/tháng). Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với Ban Công tác Mặt trận, Chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chi hội Phụ nữ, Chi hội Nông dân, Chi hội Cựu chiến binh ở thôn, khu phố là: 1.000.000 đồng/tổ chức/năm; theo đó, ngân sách tỉnh đã cân đối hàng năm là 34,5 tỷ.
Theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh thì kinh phí để chi hỗ trợ đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, khu phố được bảo đảm từ nguồn ngân sách tỉnh. Sở Nội vụ tiếp thu kiến nghị của cử tri và sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi mức hỗ trợ đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, khu phố khi ngân sách tỉnh có khả năng cân đối bảo đảm thực hiện.
14. Cử tri xã Mỹ Cát, huyện Phù Mỹ kiến nghị: Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng sớm có hướng dẫn chi phụ cấp tăng thêm do ngân sách tỉnh hỗ trợ theo khoản 2, điều 4 Quy định chức danh, mức phụ cấp, mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, khu phố; mức hỗ trợ, mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, khu phố và mức khoán kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội cấp xã trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 84/2023/QĐ-UBND ngày 19/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định (Câu số 16).
Trả lời: Theo Văn bản số 1219/SNV-XDCQ&CTTN ngày 14/6/2024 của Sở Nội vụ
Nội dung này thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân huyện Phù Mỹ. Đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Phù Mỹ chỉ đạo các cơ quan liên quan của huyện thực hiện chi trả phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, khu phố theo Quyết định số 84/2023/QĐ-UBND ngày 19/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định và trả lời cho cử tri được biết.
15. Hiện nay, trên địa bàn xã An Hoà, các đối tượng là viên chức của đơn vị sự nghiệp giáo dục thuộc quản lý của Ủy ban nhân dân huyện An Lão hưởng chế độ theo Quyết định số 1963/QĐ-UBND ngày 17/5/2022 của UBND huyện An Lão về việc phê duyệt danh sách viên chức hưởng trợ cấp một lần theo Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 08/10/2019 của Chính phủ, trong khi viên chức trạm y tế xã thuộc quản lý của Sở Y tế đều được hưởng trợ cấp một lần theo Nghị định 76/2019/NĐ-CP khi xã An Hoà không còn là xã đặc biệt khó khăn, nhưng viên chức của trường THPT An Lão đóng trên địa bàn xã An Hòa vẫn chưa được giải quyết hưởng chế độ trợ cấp một lần. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng sớm xem xét giải quyết (Câu số 18).
Trả lời: Theo Văn bản số 1219/SNV-XDCQ&CTTN ngày 14/6/2024 của Sở Nội vụ
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV ngày 16/5/2024 về việc giao Sở Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, đề xuất giải quyết kiến nghị của cử tri về giải quyết thực hiện chính sách đối với công chức, viên chức theo Nghị định số 76/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 08/10/2019; ngày 24/5/2024, Sở Nội vụ đã chủ trì tổ chức cuộc họp liên ngành (Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế) để bàn giải quyết kiến nghị cử tri nêu trên. Ngày 30/5/2024 Sở Nội vụ có Công văn số 1090/SNV-CCVC gửi Bộ Nội vụ đề nghị xem xét hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với vướng mắc của ngành giáo dục. Ngày 07/6/2024, Bộ Nội vụ đã trả lời tại Công văn số 3219/BNV-TL. Theo đó, ngày 14/6/2024 Sở Nội vụ đã có Công văn số 1212/SNV-CCVC về việc thực hiện chính sách trợ cấp một lần theo Nghị định số 76/2019/NĐ-CP, trong đó thống nhất để các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện chính sách trợ cấp một lần đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh theo hướng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có thời gian công tác tại các xã thuộc huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP[1] được tính vào thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (từ đủ 10 năm trở lên) để làm căn cứ tính hưởng trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc khi nghỉ hưu theo Điều 8 Nghị định số 76/2019/NĐ-CP.
Về thời điểm tương ứng để xác định thời gian được hưởng chính sách áp dụng thời điểm thực hiện là ngày 01/3/2011 (áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP[2]).
16. Một số cử tri ảnh ánh việc thực hiện Luật dân chủ ở cơ sở hiện nay chưa tốt; hàng năm, nhiều chủ doanh nghiệp không quan tâm đến việc tổ chức hội nghị người lao động hoặc tổ chức rất hình thức nhưng không có hình thức xử lý hoặc chế tài. Đề nghị Ủy ban nhân dân chỉ đạo các cơ quan chức năng có giải pháp, chế tài gì xử lý để Luật được thực hiện nghiêm minh.
Trả lời: Theo Văn bản số 2069/BC-SLĐTBXH ngày 18/6/2024 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Về thực hiện Luật dân chủ ở cơ sở và tổ chức Hội nghị người lao động, ngày 23/7/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3088/QĐ-UBND về ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, phân loại kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; trên cơ sở đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai thực hiện tại Công văn số 2190/SLĐTBXH-VLGDNN ngày 13/8/2021.
Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức mỗi năm ít nhất 07 Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, tư vấn, đối thoại về pháp luật lao động, an toàn vệ sinh lao động với khoảng 500 doanh nghiệp và 1.600 lượt người tham gia; 02 Đoàn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, an toàn vệ sinh lao động tại 50 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, qua đó đã lồng ghép việc tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức hội nghị người lao động theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 114 Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, người sử dụng lao động sử dụng dưới 10 người lao động thì không phải tổ chức hội nghị người lao động và ban hành quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.
Theo thống kê hàng năm, trên địa bàn tỉnh Bình Định, có khoảng 70% doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động; 21,86% doanh nghiệp sử dụng từ 10 – 49 lao động; 8,14% doanh nghiệp sử dụng từ 50 lao động trở lên. Theo báo cáo của Liên đoàn lao động tỉnh, hàng năm có trên 200 doanh nghiệp tổ chức Hội nghị người lao động, đạt tỷ lệ còn thấp. Như vậy, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc tổ chức hội nghị người lao động như theo phản ánh của cử tri.
Về chế tài xử lý theo kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh có ý kiến như sau: căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều 15, Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, theo đó, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: “Không xây dựng, ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật; Không tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc; không thực hiện đối thoại khi có yêu cầu; không phối hợp tổ chức hội nghị người lao động theo quy định của pháp luật”. Như vậy, đối với vấn đề cử tri kiến nghị, pháp luật đã có chế tài xử lý.
UBND tỉnh ghi nhận kiến nghị của cử tri, trong thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tăng cường, hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức Hội nghị người lao động và đề nghị Liên đoàn lao động tỉnh tăng cường các giải pháp nhằm thành lập mới công đoàn cơ sở và kết nạp mới đoàn viên công đoàn, để việc tổ chức Hội nghị người lao động đảm bảo theo quy định của pháp luật; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
  17. Ở bậc học Mầm non, đại đa số giáo viên là nữ, thời gian làm việc hơn 10 giờ trong ngày. Cử tri kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm, xem xét có chính sách đặc thù hỗ trợ làm việc ngoài giờ (trực trưa) đối với giáo viên mầm non”.
  Trả lời: Theo Văn bản số 1602/SGDĐT-VP ngày 12/6/2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo
  - Thời gian làm việc của giáo viên mầm non thực hiện theo Điều 3, Điều 4 và Điều 5 Thông tư số 48/2011/TT-BGDĐT ngày 25/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chế độ làm việc đối với giáo viên mầm non.
- Trường hợp trong năm giáo viên dạy vượt giờ chuẩn theo quy định thì đơn vị thực hiện chi trả lương dạy thêm giờ theo Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 08/3/2013 của Liên bộ:  Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.
- Các quy định của pháp luật hiện hành về thời gian làm việc, nghỉ ngơi của giáo viên mầm non là phù hợp. Để hạn chế phân công giáo viên dạy vượt giờ nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục đề nghị Sở Nội vụ rà soát, giao đủ định mức biên chế để các cơ sở giáo dục mầm non công lập thực hiện phân công, bố trí giáo viên làm nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em đảm bảo giờ dạy theo quy định theo Chương trình giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
18. Theo quy định tại Thông tư số 28/2009/BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (đã có sửa đổi, bổ sung ở Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT ngày 09/6/2017) Khoản 2 - Điều 5 - Chương 2; Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT ngày 23/6/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Khoản 2, Điều 5, Chương II) có quy định thời gian làm việc trong 1 năm học cho giáo viên THCS là 37 tuần. Trong khi kế hoạch giáo dục môn học được chỉ đạo xây dựng từ đầu năm theo kế hoạch thời gian là 35 tuần; việc thực hiện chương trình cũng đúng 35 tuần (theo Quyết định số 2954/QĐ-UBND ngày 09/8/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Ban hành Kế hoạch thời gian năm học 2023 - 2024 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Bình Định (Khoản 1, Điều 2). Cách tính này chưa hợp lý, ảnh hưởng tới việc tính tổng số giờ dạy trong năm học cho giáo viên, nếu tính 37 tuần thì năm học kéo dài tới tháng 6. Đề nghị lãnh đạo tỉnh có văn bản điều chỉnh cho phù hợp với thực tế”.
Trả lời: Theo Văn bản số 1602/SGDĐT-VP ngày 12/6/2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo
Tại Khoản 2 Điều 5 của Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, có hiệu lực kể từ ngày 06/12/2009, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT ngày 09/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2017, quy định:
Thời gian làm việc của giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông trong năm học là 42 tuần, trong đó:
a) 37 tuần dành cho việc giảng dạy và hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học;
b) 03 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ;
c) 01 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới;
d) 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học.
Quyết định số 2171/QĐ-BGDĐT ngày 28/7/2023 (quyết định cá biệt), của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định Kế hoạch thời gian năm học của địa phương phải đảm bảo số tuần thực học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có 35 tuần thực học (học kỳ 1 có 18 tuần, học kỳ 2 có 17 tuần)”.
Căn cứ Quyết định số 2171/QĐ-BGDĐT ngày 28/7/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Quyết định số 2954/QĐ-UBND ngày 09/8/2023 Ban hành Kế hoạch thời gian năm học 2023-2024 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Bình Định: “Kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có 35 tuần thực học (học kỳ 1 có 18 tuần, học kỳ 2 có 17 tuần)”.
Như vậy, số tuần làm việc của giáo viên về giảng dạy và hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học (theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009) và số tuần thực học của học sinh (theo Quyết định số 2171/QĐ-BGDĐT) chưa khớp.
Nội dung này Sở Giáo dục và Đào tạo đã phản ánh, trao đổi với Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong khi chờ đợi Bộ Giáo dục và Đào tạo có sự điều chỉnh, sửa đổi (Thông  tư số 28/2009/TT-BGDĐT; Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT hoặc quyết định cá biệt hàng năm về ban hành khung kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên), các cơ sở giáo dục phải thực hiện đúng quy định theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT và Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT như sau:
Thời gian làm việc của giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông trong năm học là 42 tuần, trong đó:
a) 37 tuần dành cho việc giảng dạy và hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học;
b) 03 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ;
c) 01 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới;
d) 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học.
19. Đề nghị UBND tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nghiêm túc thực hiện kế hoạch tiết kiệm điện, sử dụng hợp lý, hiệu quả, góp phần cùng ngành điện ổn định nguồn cung ứng điện năng trên địa bàn tỉnh.
  Trả lời: Theo Văn bản số 1602/SGDĐT-VP ngày 12/6/2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo
Trong thời gian qua, để góp phần đảm bảo cung ứng điện phục vụ nhu cầu sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương đã có Công văn tham mưu UBND tỉnh và có Công văn yêu cầu các Sở, ban ngành, đoàn thể thuộc tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị quản lý, kinh doanh điện trên địa bàn tỉnh; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại và dịch vụ tiêu thụ điện lớn trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh triển khai thực hiện các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả theo quy định tại Quyết định số 3123/QĐ-UBND ngày 22/8/2023 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh Bình Định.
 Đồng thời, Sở Công Thương đã yêu cầu các đơn vị quản lý, kinh doanh điện trên địa bàn tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các giải pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả đến tất cả các đối tượng khách hàng sử dụng điện; tuyên truyền về những khó khăn trong việc cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia trong thời gian tới để các khách hàng sử dụng điện hiểu, chia sẻ khó khăn với ngành điện, thực hiện tiết kiệm điện, sử dụng điện hợp lý và hiệu quả. Ngoài ra, Sở Công Thương đã tuyên truyền hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 bằng hình thức treo băng rôn và phướn trên các tuyến đường ở thành phố Quy Nhơn để nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến mọi tầng lớp nhân dân. Trong thời gian đến, Sở Công Thương sẽ tổ chức tuyên truyền các nội dung về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn một số địa phương.
20. Truyền tải điện Bình Định kiến nghị UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo các địa phương phối hợp với Truyền tải điện Bình Định giải quyết các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng trong quá trình thi công xây dựng đường dây 220kV Quảng Ngãi - Quy Nhơn (Phước An) mạch 2.
  Trả lời: Theo Văn bản số 1215/SCT-QLNL ngày 17/6/2024 của Sở Công thương
Về nội dung vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, triển khai thi công xây dựng Dự án đường dây 220kV Quảng Ngãi - Quy Nhơn (Phước An) mạch 2 theo ý kiến của Truyền tải điện Bình Định, Sở Công Thương đã có Công văn số 80/SCT-QLNL ngày 11/01/2024 đề nghị các địa phương có tuyến đường dây đi qua hỗ trợ Chủ đầu tư dự án giải quyết các vướng mắc liên quan trong quá trình thi công trên địa bàn quản lý.
Ngoài ra, Sở Công Thương đã có các Công văn đề nghị các Sở, ban ngành và địa phương liên quan phối hợp, hỗ trợ Chủ đầu tư các dự án điện đẩy nhanh việc thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai xây dựng các dự án điện trong quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên địa bàn tỉnh; đồng thời, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để đảm bảo việc triển khai các dự án điện theo đúng tiến độ nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn tỉnh.
_____


 
 
[1] Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo.
[2] Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Tác giả bài viết: Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây