Thảo luận tại tổ về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Thứ năm - 03/11/2022 17:18

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 2.11, các ĐBQH đơn vị tỉnh đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

* Đại biểu (ĐB) NGUYỄN VĂN CẢNH:

Đề xuất bổ sung, làm rõ các khái niệm, quy định trong dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

ĐB Nguyễn Văn Cảnh

ĐB Cảnh đề nghị làm rõ khái niệm “bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” gồm những gì, trong đó cần chia rõ 2 nhóm: người tiêu dùng mua hàng hóa, người tiêu dùng sử dụng dịch vụ. Nhằm làm rõ, bao quát quy định “người tiêu dùng là cá nhân mua hoặc sử dụng hàng hóa, dịch vụ”, ĐB đề xuất bổ sung khái niệm “người tiêu dùng tiềm năng” hoặc “người tiêu dùng là cá nhân có tiềm năng mua hoặc đang mua, đã mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ”. Đồng thời, bổ sung quy định “quyền của người tiêu dùng này không ảnh hưởng đến quyền người tiêu dùng khác”; “người cung cấp dịch vụ có trách nhiệm bảo đảm quyền của người tiêu dùng, không bị ảnh hưởng bởi quyền của người tiêu dùng khác”.

* ĐB ĐỒNG NGỌC BA:

Rà soát kỹ, đảm bảo tính thống nhất của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) với các quy định liên quan

Cũng góp ý về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), ĐB Đồng Ngọc Ba đánh giá cao quá trình chuẩn bị của cơ quan soạn thảo, hồ sơ chuẩn bị công phu.

ĐB Đồng Ngọc Ba

Trong dự án luật lần này, cơ quan soạn thảo dự kiến chỉ điều chỉnh đối với người tiêu dùng cá nhân, không điều chỉnh đối với người tiêu dùng là tổ chức. Thực tế, các tổ chức có thể thuận lợi hơn các cá nhân nhưng không phải lúc nào cũng đủ điều kiện, thông tin về hàng hóa, dịch vụ để bảo vệ quyền lợi của mình về một giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ nào đó mà không thuộc phạm vi chức năng, kinh doanh, hoạt động của các đơn vị này. ĐB Ba nhận thấy chưa đủ cơ sở về lý thuyết, thực tiễn để bỏ đối tượng tổ chức ra khỏi dự thảo luật lần này.

Trong đề án định hướng về chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khoá XV có định hướng cụ thể cho việc hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó khẳng định“không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu” và giải pháp đưa ra là “thúc đẩy thương mại trong nước theo hướng hiện đại, tăng trưởng nhanh và bền vững gắn với nâng cao uy tín, chất lượng hàng Việt Nam, chinh phục người tiêu dùng Việt Nam, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng an toàn thực phẩm, bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người sản xuất, người phân phối và người tiêu dùng”.

Dự thảo luật cần rà soát kỹ định hướng này, đặc biệt là vấn đề phải phát triển thương mại trong nước gắn với nâng cao uy tín, chất lượng hàng Việt Nam, chinh phục người tiêu dùng Việt Nam, về bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người sản xuất, phân phối chứ không chỉ là người tiêu dùng.

Bàn về tính thống nhất của dự thảo luật này với các luật liên quan, ĐB Ba đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ vì luật liên quan đến rất nhiều các quy định pháp luật, từ pháp luật về dân sự cho đến vấn đề về xử lý vi phạm về hình sự, về hành chính, vấn đề giải quyết tranh chấp, vấn đề về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ…

Chẳng hạn tại điểm o, Khoản 1, Điều 17 trong dự thảo luật có quy định cấm hành vi của người cung cấp hàng hóa, dịch vụ là “yêu cầu người tiêu dùng phải mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác như điều kiện tiên quyết để giao kết hợp đồng với người tiêu dùng”. Quy định này rất dễ dẫn đến cách hiểu không thống nhất và xung đột với quy định của Bộ luật Dân sự. Trừ trường hợp các các chủ thể trong giao kết hợp đồng mua bán, cung cấp dịch vụ ép buộc, đe dọa hoặc có hành vi lợi dụng những điều kiện, hoàn cảnh khó khăn, thiên tai, dịch bệnh để đưa ra các điều kiện để thiết lập thực hiện giao dịch; còn nếu các điều kiện được đưa ra trong hoàn cảnh bình thường thì nó vẫn trên cơ sở hoàn toàn tự do, tự nguyện và thống nhất ý chí về bản chất của giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ.

Hoặc quy định về sự thống nhất trong pháp luật về hòa giải. Điều 61 của dự án luật thể hiện: đối với các tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng với các tổ chức, cá nhân kinh doanh thì có thể thỏa thuận lựa chọn các phương thức hòa giải nhưng chỉ có thể chọn phương thức hòa giải thương mại, tức là chỉ chọn những tổ chức trọng tài theo Luật trọng tài thương mại. Trong khi đó, pháp luật của chúng ta thực hiện việc hòa giải các tranh chấp dân sự, thương mại không chỉ có trọng tài thương mại mà còn có các cơ chế hòa giải khác. Ví dụ, cơ chế hòa giải theo Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Vậy nên, quy định tại Điều 61 có thể dẫn đến hạn chế quyền lựa chọn các phương thức giải quyết tranh chấp…

Về vấn đề bảo vệ thông tin của người tiêu dùng liên quan đến các Điều 8, 9, 10, 11, 12, ĐB đề nghị rà soát kỹ để đảm bảo an toàn thông tin với thông tin của cá nhân người tiêu dùng.

* ĐB LÝ TIẾT HẠNH:

Quan tâm đối tượng người tiêu dùng không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ

Tham gia thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), ĐB Lý Tiết Hạnh Phân vân về Điều 7 - bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương - không đề cập đến đối tượng “người tiêu dùng không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp”. ĐB đề nghị cần nghiên cứu, xem xét đưa nhóm đối tượng này vào quy định để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn.

ĐB Lý Tiết Hạnh

Ngoài ra, dự án luật cũng cần làm rõ trường hợp người tiêu dùng cố tình sử dụng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì có vi phạm pháp luật không. Cần bổ sung quy định đối với trường hợp người tiêu dùng nhận được hàng không đúng theo quảng cáo, thông tin cung cấp của nhà sản xuất (nhưng không thuộc nhóm “hàng hóa có khuyết tật”) thì có được trả lại hàng, bồi thường thiệt hại hay không.

Nhắc đến một đơn thư của cử tri gửi đến Đoàn ĐBQH Bình Định liên quan đến việc lợi dụng việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân khác, ĐB Hạnh nói thêm: “Hiện nay, nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng nền tảng xã hội để quảng bá sản phẩm, hàng hóa. Bên cạnh những điểm tích cực thì có tình trạng một bộ phận lợi dụng nền tảng mạng xã hội để hạ bệ đối thủ, quảng cáo sai sự thật. Cơ quan soạn thảo cần có quy định rõ về các hành vi này để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn”.

* ĐB NGUYỄN THỊ THU THỦY:

Góp ý về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng: việc ban hành dự án luật thì sẽ đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như công cuộc chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số của Việt Nam. Qua việc sửa đổi Luật Giao dịch lần này sẽ khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành và giải quyết nhưng vấn đề phát sinh trong thực tiễn, qua đó cũng góp phần ngăn chặn kịp thời tác động tiêu cực về KT-XH, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng, cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch và đặc biệt là tiết giảm các chi phí về giấy tờ, in ấn, nhân công, thời gian đi lại, công chứng, chứng thực của các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện giao dịch.

ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy

Về đối tượng áp dụng tại Điều 2, dự thảo luật áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch điện tử. Theo ĐB Thủy, như vậy, luật chưa có quy định cụ thể, rõ ràng và các cơ sở pháp lý để cho các tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài khi thực hiện giao dịch điện tử, cơ quan, tổ chức, cá nhân là chủ thể của hệ thống phục vụ của giao dịch điện tử. Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung các đối tượng này, tránh bỏ sót đối tượng áp dụng của luật.

Về giải thích từ ngữ, cần phải thật sự rõ ràng, dễ hiểu và dễ tiếp cận cho nhiều đối tượng. Ví dụ như một số cụm từ được dùng nhiều lần trong dự thảo luật nhưng chưa được giải thích như: Chứng từ điện tử, dịch vụ tin cậy, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.

Về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu tại Điều 10, ĐB đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại nội dung của điều này vì chưa nêu được giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu là như thế nào.

Về chữ ký điện tử tại Điều 24, hiện nay một số biện pháp xác thực khác như tin nhắn điện tử SMS, xác nhận mật khẩu dùng một lần OTP vẫn đang được sử dụng phổ biến. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các biện pháp xác thực này với vai trò là một chữ ký điện tử.

Điều 33 quy định 5 điều kiện và các điều kiện này áp dụng chung cho 3 loại hình kinh doanh dịch vụ tin cậy gồm dịch vụ cấp dấu thời gian, dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu, dịch vụ chữ ký số công cộng. Như vậy, khi DN đáp ứng được đủ 5 điều kiện tại Điều 33 được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ tin cậy. Tuy nhiên, trong dự thảo luật chưa thể hiện rõ việc cấp phép này là cấp một giấy phép cho 3 loại hình kinh doanh dịch vụ tin cậy hay là một loại hình dịch vụ tin cậy được cấp một giấy phép.

ĐB kiến nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung các quy định liên quan đến các giao dịch tiền ảo, tài sản ảo, tài sản số để đảm bảo các chủ thể tham gia giao dịch tránh được các rủi ro.

Ngoài ra, các vấn đề phát sinh trong giao kết hợp đồng điện tử trong quá trình triển khai như giá trị pháp lý của một đề nghị giao kết hợp đồng, các phương thức thanh toán và các quy định về chế tài để giải quyết các vấn đề tranh chấp, mặc dù, Điều 52 của luật có quy định về hành vi nhưng chưa có quy định cụ thể khi mà có vấn đề tranh chấp xảy ra thì xử lý như thế nào, dẫn chiếu, giải quyết tranh chấp ra sao…

Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây