Đại biểu (ĐB) Lê Công Nhường (Đoàn Bình Định) cho rằng, Luật Tổ chức QH luôn được cử tri cả nước và các ĐB quan tâm, vì Luật này quyết định hiệu lực, hiệu quả hoạt động của QH.
Về phạm vi sửa đổi, lần này chỉ sửa đổi một số điều (12 nội dung tại 14 điều) nên ĐB Nhường kiến nghị tiếp tục nghiên cứu thấu đáo, sửa đổi toàn diện để nâng cao chất lượng hoạt động của QH.
Đơn cử, với dự thảo sửa đổi lần này, mô hình văn phòng Đoàn ĐBQH để phục vụ ĐBQH vẫn chưa rõ ràng; văn phòng hoạt động còn lúng túng, dẫn đến chế độ, chính sách cho ĐB và công chức, viên chức chưa rõ ràng.
Bên cạnh đó, theo quy định, chính quyền địa phương ở tỉnh, thành phố có trách nhiệm bố trí trụ sở làm việc cho Đoàn ĐBQH; tổ chức và bảo đảm kinh phí hoạt động cho bộ máy tham mưu, giúp việc phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH tại địa phương. Theo Điều 79 của Hiến pháp, ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử mình và nhân dân cả nước. “Hiện nay, một số ĐBQH ngoài giải quyết kiến nghị của cử tri địa phương còn tham gia giải quyết nhiều kiến nghị, tố cáo, bức xúc của cử tri địa phương khác khi cử tri tin tưởng vào ĐB đó. Với cách bố trí kinh phí ngân sách địa phương như hiện nay sẽ hạn chế phạm vi và tầm hoạt động của ĐB khi được cử tri địa phương khác yêu cầu”, ĐB Nhường nhìn nhận. Mặt khác, trong quá trình giải quyết kiến nghị, tố cáo của cử tri, những ĐB ở ngoài địa phương sẽ có cách nhìn và cách xử lý khách quan, giúp phát hiện nhiều điểm mới.
QH là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. QH thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Vì vậy, ĐB Nhường cho rằng, Luật Tổ chức QH không nên thiết kế các điều luật dẫn đến “địa phương hóa” QH và ĐBQH, tạo ra việc ĐBQH xem nặng quyền lợi của địa phương mình hơn lợi ích chung của vùng, của đất nước trong tình hình ngân sách của nước ta có hạn. Như tình trạng thời gian qua một số ĐB chỉ nói về đầu tư cầu, đường... cho địa phương mình.
Về ĐBQH chuyên trách, ĐB Lê Công Nhường tán thành phương án nâng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách chiếm ít nhất 40% tổng số ĐBQH. Trong đó, nghiên cứu cơ chế dành tỷ lệ nhất định (khoảng 3 - 5%) cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đủ điều kiện, có sức khỏe, kinh nghiệm, năng lực công tác, trí tuệ và uy tín có thể làm ĐBQH chuyên trách mà không giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan của QH để đáp ứng yêu cầu đổi mới tổ chức và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của QH.