Đại biểu (ĐB) Lê Kim Toàn cho rằng, bảo vệ biên giới là sự nghiệp của toàn dân; việc phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh, đặc biệt là nâng cao đời sống người dân vùng biên giới là hết sức quan trọng. Người dân có cuộc sống ổn định thì thế trận biên phòng mới vững chắc, mới bảo vệ được biên giới; ngược lại cuộc sống người dân khó khăn thì kẻ địch dễ lợi dụng, biên giới sẽ bị đe dọa. Do đó, bên cạnh các chính sách phát triển KT-XH vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì phải ưu tiên cho vùng biên giới.
"Như Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, phải ưu tiên trước cho vùng miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở dọc biên giới so với các vùng khác để gắn kết với bảo vệ biên giới quốc gia. Bên cạnh đó, cũng phải có chính sách để phát triển và nâng cao đời sống người dân vùng biên giới biển. Phải đánh giá lại chính sách hỗ trợ cho ngư dân vươn khơi bám biển để đảm bảo ngày càng hiệu quả hơn", ĐB Toàn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ĐB Toàn bày tỏ quan điểm BĐBP Việt Nam phải là một trong những lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Bởi, đây là lực lượng nòng cốt để bảo vệ biên giới của Tổ quốc, cần xây dựng lực lượng chính quy, trang thiết bị hiện đại cho biên phòng để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ. "Biên giới dài thế mà có việc gì cứ chạy bộ đi tìm thì rất khó, phải trang bị khí tài hiện đại, phải có trực thăng...", ĐB Toàn nêu vấn đề.
ĐB Huỳnh Cao Nhất đề nghị rà soát kỹ để tránh chồng chéo trong phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng.
Tham gia thảo luận, ĐB Huỳnh Cao Nhất bày tỏ thống nhất cao với sự cần thiết phải xây dựng Luật Biên phòng. Đồng thời, chỉ ra một số điểm chưa hợp lý trong Dự thảo Luật.
Cụ thể, ở Điều 7 (Lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng) ghi rõ về 3 lực lượng: hệ thống chính trị nhân dân là chủ thể thực thi nhiệm vụ biên phòng; bộ, các cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương, LLVT nhân dân là nòng cốt; BĐBP là lực lượng chuyên trách. Tuy nhiên, ở Điều 13 (vị trí chức năng của BĐBP), khoản 1 lại nêu BĐBP là LLVT nhân dân, thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, là "lực lượng chuyên trách, làm nòng cốt". Ban soạn thảo cần xem lại để có sự thống nhất.
Thứ hai, tại Điều 15, khoản 4 quy định đồn trưởng biên phòng, chỉ huy trưởng biên phòng cấp tỉnh có quyền quyết định hạn chế hoặc tạm dừng một số một số hoạt động ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật. Nhưng tại khoản 10 cũng Điều 15 lại nêu "Chính phủ quy định chi tiết khoản 4 điều này" là không cần thiết.
Cũng tại khoản 10 Điều 15 nêu Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ của BĐBP trong thực thi nhiệm vụ biên phòng. Quy định này mâu thuẫn với khoản 2 Điều 19 của Dự thảo Luật "các phương tiện phục vụ, phương tiện chiến đấu giao cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết".
Thứ ba, quy định về việc phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng trong Dự thảo mâu thuẫn, không phù hợp với điều 36 của Luật Biên giới quốc gia. Ban soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng để tránh chồng chéo, một nhiệm vụ nhưng nhiều lực lượng tham gia, khi tổ chức thực hiện thì không biết đánh giá, kiểm điểm lực lượng nào; hay chỉ huy lực lượng như thế nào trong tình huống cụ thể.