Cần nhiều quy định chặt chẽ hơn trong giám định tư pháp

Thứ sáu - 22/05/2020 08:00
Tiếp tục kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, chiều 21.5, Quốc hội thảo luận trực tuyến góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (GĐTP).
ĐB Lý Tiết Hạnh phát biểu thảo luận chiều 21.5.
ĐB Lý Tiết Hạnh phát biểu thảo luận chiều 21.5.
Dự thảo bổ sung quy định "Giám định viên tư pháp được quyền từ chối tiếp nhận, yêu cầu thực hiện GĐTP khi không có đủ năng lực, điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định".

Để đảm bảo tính chặt chẽ, Đại biểu (ĐB) Lý Tiết Hạnh - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị cần quy định rõ, có tiêu chí cụ thể về lĩnh vực, phạm vi các trường hợp hoặc nội dung không có đủ năng lực, điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định. Từ đó, xác định rõ trách nhiệm, tránh nảy sinh tình huống né tránh, từ chối, đùn đẩy trách nhiệm hoặc cố tình kéo dài thời gian.

ĐB Hạnh cũng đề nghị làm rõ trong trường hợp từ chối giám định thì sẽ chuyển cho cơ quan nào để đảm bảo đủ năng lực, điều kiện thực hiện yêu cầu giám định. Đồng thời quy định cụ thể hơn thủ tục pháp lý trong trường hợp chuyển yêu cầu giám định.

Bên cạnh đó, ĐB Hạnh đề nghị cần rút ngắn thời hạn thông báo cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định khi từ chối giám định để đảm bảo không làm kéo dài thời gian trưng cầu giám định, làm ảnh hưởng hoặc làm mất cơ hội, điều kiện để việc thực hiện giám định được chính xác, hiệu quả nhất.

Về trưng cầu GĐTP, thực tế cho thấy GĐTP trong một số vụ án kinh tế, tham nhũng gặp khó khăn về phương pháp, cách thức giám định, cách tính hậu quả, thất thoát, thiệt hại, còn có trường hợp không thống nhất kết quả giữa các tổ chức giám định.

"Do đó, tôi đề nghị cần bổ sung thêm quy định về cấp hoặc lần giám định cuối cùng để tránh trường hợp bên trưng cầu giám định phải tiến hành trưng cầu giám định nhiều cấp, nhiều lần gây tốn kém, lãng phí cũng như kéo dài thời gian giải quyết vụ án không cần thiết", ĐB Hạnh nói.

Về cơ chế, chính sách tài chính đối với công tác giám định tư pháp, vướng mắc lớn nhất hiện nay liên quan đến vấn đề kinh phí giám định không phải là nguồn kinh phí mà là quy trình, thủ tục thanh toán.

Dự thảo bổ sung nội dung "Kinh phí thanh toán chi phí giám định mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm chi trả được bảo đảm từ ngân sách nhà nước theo dự toán hằng năm của cơ quan đó, được bố trí riêng để thực hiện nhiệm vụ GĐTP”.

Theo ĐB Hạnh, nội dung này chưa đủ để giải quyết những vướng mắc như trên. Do đó, đề nghị xem xét bổ sung quy định chi tiết, cụ thể hơn đối với việc thanh toán chi phí giám định, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh quyết toán kinh phí GĐTP tại các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khi thực hiện nhiệm vụ giám định, nhất là giám định những vụ việc có chi phí lớn, ngoài phát sinh dự kiến. Cụ thể, theo hướng quy định về chi phí giám định sẽ cấp trực tiếp cho cơ quan, tổ chức thực hiện giám định do Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động.

Đồng thời, đề nghị cần phân biệt các trường hợp như: đối với việc giám định phục vụ cho tố tụng hình sự theo trưng cầu của người tiến hành tố tụng có thẩm quyền thì do ngân sách Nhà nước bảo đảm; còn việc giám định phục vụ cho tố tụng hình sự, dân sự, hành chính theo yêu cầu của người tham gia tố tụng thì người tham gia tố tụng chịu theo quy định của pháp luật tố tụng.

Nguồn tin: Theo Báo Bình Định

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây