Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Tổ chức Quốc hội, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

Thứ ba - 07/04/2020 07:32
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, tiếp tục xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội; dự kiến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Tổ chức Quốc hội, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV
LUẬT
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TỔ CHỨC QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội
1. Bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 22 như sau: 
“1a. Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.”.
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 23 như sau:
“2. Số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là bốn mươi phần trăm (40%) tổng số đại biểu Quốc hội”.
3. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 26 như sau:
“3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức ít nhất 02 hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách trong một năm để thảo luận, cho ý kiến về các dự án, đề án, báo cáo trước khi trình Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách có trách nhiệm tham gia hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và các hội nghị khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức. Đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách có quyền đăng ký tham dự và phát biểu tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.”. 
4. Bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 30 như sau:
“1a. Đại biểu Quốc hội là thành viên Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm dành thời gian tham gia các hoạt động của Ủy ban theo phân công hoặc triệu tập của Chủ tịch Hội đồng, Chủ nhiệm Ủy ban; trường hợp không tham gia được thì phải có lý do chính đáng và báo cáo Chủ tịch Hội đồng, Chủ nhiệm Ủy ban”.
5. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 38 như sau:
“1. Trong nhiệm kỳ, nếu đại biểu Quốc hội chuyển công tác đến tỉnh, thành phố khác trực thuộc trung ương thì được chuyển sinh hoạt đến Đoàn đại biểu Quốc hội nơi mình nhận công tác. Đoàn đại biểu Quốc hội nơi đại biểu Quốc hội được chuyển đến sinh hoạt có trách nhiệm xác định địa bàn cụ thể để đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ tiếp xúc cử tri và các nhiệm vụ khác của đại biểu Quốc hội tại địa phương.”.
6. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 43 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 2 như sau:
“đ) Chỉ đạo hoạt động của bộ phận tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội”;
b) Bổ sung khoản 3a vào sau khoản 3 như sau:
“3a. Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định số lượng và phê chuẩn đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội. 
Cơ quan có thẩm quyền quản lý đối với cán bộ ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo phân cấp chịu trách nhiệm quản lý đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách của địa phương mình về việc quy hoạch, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển, đánh giá, phân loại cán bộ hằng năm, bố trí công tác khác nếu không tái cử, quyết định nghỉ hưu, thi đua, khen thưởng và các công việc khác có liên quan đến công tác cán bộ; trước khi điều động, luân chuyển, bố trí công việc khác đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, cơ quan có thẩm quyền quản lý đối với cán bộ ở địa phương có trách nhiệm báo cáo xin ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội.”;
c) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:
“4. Chính quyền địa phương ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm bố trí trụ sở làm việc, tổ chức bộ phận tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương. Kinh phí hoạt động của bộ phận tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương được ngân sách cấp tỉnh bảo đảm.  
Chính phủ quy định chi tiết khoản này.”.
7. Sửa đổi, bổ sung tên Điều và bổ sung một số khoản vào Điều 44 như sau: 
a) Sửa đổi, bổ sung tên Điều 44 như sau:
“Điều 44. Vị trí, chức năng, cơ cấu tổ chức và nguyên tắc hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội”;
b) Bổ sung khoản 4 và khoản 5 vào sau khoản 3 Điều 44 như sau: 
“4. Ủy ban thường vụ Quốc hội làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số. Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành.
5. Tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội gửi báo cáo công tác của mình đến đại biểu Quốc hội. Tại kỳ họp cuối của mỗi khóa Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội gửi báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ của mình đến đại biểu Quốc hội.”. 
8. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 4 Điều 53 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:
“2. Quyết định số lượng, phê chuẩn danh sách thành viên và việc cho thôi làm thành viên Hội đồng Dân tộc; quyết định số lượng, phê chuẩn danh sách và việc cho thôi Phó Chủ tịch, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách tại Hội đồng dân tộc theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng dân tộc.  
Quyết định số lượng, phê chuẩn danh sách thành viên và việc cho thôi làm thành viên Ủy ban; quyết định số lượng, phê chuẩn danh sách và việc cho thôi Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách tại Ủy ban của Quốc hội theo đề nghị của Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội.”;   
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:
“4. Phê chuẩn kết quả bầu và việc cho thôi giữ chức vụ Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội”.
9. Sửa đổi, bổ sung Điều 59 như sau:
“Điều 59. Tổ chức trưng cầu ý dân
1. Tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội.
2. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong việc trưng cầu ý dân theo quy định của Luật trưng cầu ý dân.”.
10. Bổ sung khoản 6 vào sau khoản 5 Điều 60 như sau:
“6. Nghị quyết phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội phải thể hiện đầy đủ, rõ ràng các quyết nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp; nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc thực hiện các quyết nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội”.
11. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 67 như sau:
“3. Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội giúp Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội nghiên cứu, chuẩn bị, giải quyết các công việc chuyên môn thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng, Ủy ban trong thời gian Hội đồng, Ủy ban không họp. 
Thường trực Hội đồng dân tộc gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, các Ủy viên thường trực và các Ủy viên chuyên trách tại Hội đồng dân tộc. Thường trực Ủy ban của Quốc hội gồm Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm, các Ủy viên thường trực và các Ủy viên chuyên trách tại Ủy ban của Quốc hội.”.
12. Bổ sung khoản 1a vào trước khoản 1 Điều 79 như sau:
“1a. Tham gia thẩm tra nội dung thuộc lĩnh vực mà Hội đồng, Ủy ban mình phụ trách trong dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết do cơ quan khác của Quốc hội chủ trì thẩm tra.”. 
13. Bổ sung khoản 1a vào trước khoản 1 Điều 80 như sau: 
“1a. Trong quá trình thẩm tra dự án luật, pháp lệnh và dự thảo nghị quyết, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết với hệ thống pháp luật.”
14. Sửa đổi, bổ sung Điều 85 như sau:
“Điều 85. Nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Hội đồng dân tộc, thành viên Ủy ban của Quốc hội  
1. Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Triệu tập và chủ trì các phiên họp của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội;
b) Dự kiến chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trình Hội đồng, Ủy ban xem xét, quyết định;
c) Tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động và nghị quyết, quyết định, kết luận của Hội đồng, Ủy ban;
d) Điều hành công việc của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; tổ chức thực hiện sự chỉ đạo, điều hoà, phối hợp của Ủy ban thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của Hội đồng, Ủy ban;
đ) Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định số lượng, phê chuẩn danh sách thành viên và việc cho thôi làm thành viên Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; quyết định số lượng, phê chuẩn danh sách và việc cho thôi Phó Chủ tịch, Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách của Hội đồng dân tộc, của Ủy ban mà mình làm Chủ tịch, Chủ nhiệm;  
e) Giữ liên hệ thường xuyên với các thành viên của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; thay mặt Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội giữ liên hệ với các cơ quan, tổ chức hữu quan;
g) Chủ tịch Hội đồng Dân tộc được mời tham dự các phiên họp Chính phủ bàn việc thực hiện chính sách dân tộc;    
h) Trước khi hết nhiệm kỳ, dự kiến cơ cấu thành phần, số lượng thành viên Hội đồng, Ủy ban nhiệm kỳ sau và báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội;
i) Phối hợp với Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trong việc quy định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của đơn vị chuyên môn trực tiếp giúp việc Hội đồng, Ủy ban; 
k) Quyết định việc sử dụng kinh phí mà Hội đồng, Ủy ban được phân bổ; phối hợp với Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật công chức và thực hiện các chế độ, chính sách đối với công chức thuộc đơn vị chuyên môn trực tiếp giúp việc Hội đồng, Ủy ban;
l) Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của luật hoặc do Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.
2. Khi thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điểm b, c và k khoản 1 Điều này, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban phải thảo luận, lấy ý kiến của các Phó Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban mà mình làm Chủ tịch, Chủ nhiệm; đối với các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điểm đ, h và i khoản 1 Điều này thì phải thảo luận, lấy ý kiến của Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban mà mình làm Chủ tịch, Chủ nhiệm, trừ trường hợp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này ở thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ Quốc hội mới.  
3. Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng, tham gia thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng dân tộc; cùng Chủ tịch Hội đồng dân tộc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điểm b, c và k khoản 1 Điều này. Khi Chủ tịch Hội đồng dân tộc vắng mặt thì một Phó Chủ tịch được Chủ tịch Hội đồng ủy nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ nhiệm Ủy ban, tham gia thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Ủy ban; cùng Chủ nhiệm Ủy ban thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điểm b, c và k khoản 1 Điều này. Khi Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội vắng mặt thì một Phó Chủ nhiệm được Chủ nhiệm Ủy ban ủy nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ nhiệm.
4. Ủy viên Hội đồng dân tộc, Ủy viên Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm tham dự các phiên họp, tham gia các hoạt động khác của Hội đồng, Ủy ban; thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng, Ủy ban mà mình là thành viên. 
5. Ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 4 Điều này, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách tại Hội đồng, Ủy ban còn có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng, Chủ nhiệm Ủy ban và tham gia thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng, Thường trực Ủy ban mà mình là thành viên.”.
15. Sửa đổi, bổ sung Điều 86 như sau:
“Điều 86. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội
1. Chuẩn bị nội dung và tài liệu phục vụ hoạt động của Hội đồng, Ủy ban; cung cấp thông tin, tư liệu cần thiết cho các thành viên của Hội đồng, Ủy ban. 
2. Căn cứ vào kết quả phiên họp của Hội đồng, Ủy ban, chuẩn bị báo cáo thẩm tra, các báo cáo khác của Hội đồng, Ủy ban trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội. 
3. Thẩm tra sơ bộ dự án luật, dự thảo nghị quyết, báo cáo, dự án khác để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét trước khi trình Quốc hội.
4. Tổ chức nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết và xây dựng dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội.
5. Chuẩn bị ý kiến về những nội dung trong chương trình phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội khi được mời tham dự; tham gia các hoạt động của Hội đồng, Ủy ban khác và của các cơ quan, tổ chức hữu quan; tổ chức các đoàn giám sát, đoàn công tác của Hội đồng, Ủy ban. 
6. Tiếp công dân, nghiên cứu và xử lý các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân được gửi đến Hội đồng, Ủy ban.
7. Định kỳ báo cáo với Hội đồng, Ủy ban về hoạt động của Thường trực Hội đồng, Thường trực Ủy ban.
8. Giải quyết các công việc chuyên môn khác thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng, Ủy ban và báo cáo Hội đồng, Ủy ban tại phiên họp gần nhất.
9. Chỉ đạo công tác chuyên môn của đơn vị chuyên môn trực tiếp giúp việc Hội đồng, Ủy ban.
10. Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của luật hoặc do Ủy ban thường vụ Quốc hội giao”.
16. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 87 như sau:
“1. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể để thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, báo cáo, dự án khác trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; xem xét, quyết định những vấn đề khác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng, Ủy ban.
Phiên họp toàn thể của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội phải có quá nửa tổng số thành viên của Hội đồng dân tộc, Ủy ban tham dự.
Báo cáo, nghị quyết của Hội đồng dân tộc, Ủy ban được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên của Hội đồng, Ủy ban biểu quyết tán thành.”. 
17. Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 99 như sau:
“d) Chịu trách nhiệm bảo đảm cơ sở vật chất và các điều kiện khác cho hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội; tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội trong việc trình dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh.”.
18. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 101 như sau:
“1. Kinh phí hoạt động của Quốc hội bao gồm kinh phí hoạt động chung của Quốc hội, kinh phí hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, là một khoản trong ngân sách nhà nước do Quốc hội quyết định.
Kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, lương của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại địa phương, hoạt động phí, thù lao tham gia hoạt động Quốc hội, các khoản phụ cấp và các chế độ của đại biểu Quốc hội gắn với hoạt động của Quốc hội do ngân sách trung ương bảo đảm.”.
Điều 2. Thay thế, bỏ một số cụm từ trong Luật Tổ chức Quốc hội
1. Thay cụm từ tại một số điều, khoản sau đây:
a) Thay cụm từ “được bầu” tại khoản 1 Điều 36 bằng cụm từ “thực hiện nhiệm vụ đại biểu”;
b) Thay cụm từ “Ủy ban văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng” bằng cụm từ “Ủy ban văn hóa, giáo dục” tại điểm e khoản 1 Điều 66 và tên Điều 75;
c) Thay cụm từ “Ủy ban về các vấn đề xã hội” bằng cụm từ “Ủy ban xã hội” tại điểm g khoản 1 Điều 66 và tên Điều 76.
2. Bỏ cụm từ tại một số điều, khoản sau đây:
a) Bỏ cụm từ “ở nơi ứng cử” sau cụm từ “tiếp xúc cử tri” và cụm từ “ở đơn vị bầu cử” sau cụm từ “đại diện cử tri” tại khoản 2 Điều 27; 
b) Bỏ cụm từ “ứng cử” sau cụm từ “đại biểu Quốc hội” tại khoản 2 Điều 36.
Điều 3. Hiệu lực thi hành
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2021.

Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ …. thông qua ngày .... tháng.... năm 2020.
      CHỦ TỊCH QUỐC HỘI





Nguyễn Thị Kim Ngân

 

Nguồn tin: Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây