Tham gia thảo luận, Đại biểu (ĐB) Lê Công Nhường (Đoàn Bình Định) cho biết, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6.8.2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X (về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước) có chủ trương Nhà nước đầu tư xây dựng một số khu đô thị khoa học, khu công nghệ cao, tổ hợp khoa học sản xuất, trường đại học trọng điểm... để thúc đẩy hoạt động sáng tạo của trí thức trong và ngoài nước. Từ năm 2008 đến nay, Chính phủ đã có nhiều hoạt động cụ thể để triển khai Nghị quyết này, như tạo hành lang pháp lý và hình thành các khu công nghệ cao, các trường ĐH trọng điểm... nhưng đến nay vẫn chưa có mô hình và hành lang pháp lý để xây dựng khu đô thị khoa học.
“Do khái niệm khu đô thị khoa học chưa được đề cập trong các luật hiện hành, nên đề nghị Chính phủ cho phép thể chế hóa thành nghị quyết, văn bản pháp luật, cho phép triển khai thí điểm khu đô thị khoa học Quy Hòa tại tỉnh Bình Định”, ĐB Nhường nói.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) chỉ đề cập đến khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế; ĐB Nhường kiến nghị bổ sung “cụm công nghiệp”, “khu đô thị khoa học” vào điều 3 (về định nghĩa từ ngữ) và các nội dung khác có liên quan trong dự thảo.
Hiện nay, có một số dự án không thuộc trường hợp phải cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (như dự án đầu tư trong nước), chỉ thực hiện thủ tục cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, trong Luật Đầu tư chỉ có quy định về thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chưa có quy định về thu hồi quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Vì vậy, đề nghị xem xét bổ sung quy định này khi sửa đổi Luật Đầu tư.
Trước đó, sáng 26.5, QH thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH. QH là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. QH thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Vì vậy, ĐB Lê Công Nhường cho rằng, Luật Tổ chức QH không nên thiết kế các điều luật dẫn đến “địa phương hóa” QH và ĐBQH, tạo ra việc ĐBQH xem nặng quyền lợi của địa phương mình hơn lợi ích chung của vùng, của đất nước trong tình hình ngân sách của nước ta có hạn. Như tình trạng thời gian qua một số ĐB chỉ phát biểu về đầu tư cầu, đường... cho địa phương mình.