Sẽ cắt giảm hàng loạt thủ tục cấp giấy phép môi trường cho doanh nghiệp
Một trong những nội dung được nhiều doanh nghiệp quan tâm là sẽ thay thế 7 loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, đăng ký chủ nguồn thải… về bảo vệ môi trường bằng một loại giấy phép môi trường.
Bớt thủ tục về ĐTM và giấy phép môi trường
Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết dự thảo Luật có 17 chương, 176 điều (tăng 6 điều). Trong đó, giữ nguyên 30 điều; bãi bỏ, lồng ghép nội dung vào các điều khác 47 điều; sửa đổi, bổ sung 78 điều; bổ sung mới 5 điều.
Và một trong những nội dung được cho là bước tiến lớn trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), đó là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và giấy phép môi trường (GPMT).
Theo TS Mai Thế Toản, Vụ Chính sách, Pháp chế và Thanh tra (Tổng cục Môi trường), đối với ĐTM, theo các quy định hiện hành, có quá nhiều loại hình dự án phải thực hiện ĐTM kèm theo mức độ yêu cầu về thủ tục bắt buộc thực hiện là như nhau giữa các đối tượng có những tính chất tác động đến môi trường khác nhau. Điều này gây tốn kém cho doanh nghiệp (DN), đặc biệt trong những trường hợp dự án có tác động môi trường không đáng kể nhưng vẫn phải thực hiện nhiều thủ tục về môi trường.
Theo quy định pháp luật hiện hành của Luật Bảo vệ môi trường 2014 và một số luật liên quan như Luật Tài nguyên nước 2012, Luật Thuỷ lợi 2017, sau giai đoạn ĐTM, phê duyệt dự án, trước khi dự án chính thức đi vào vận hành hoạt động, chủ dự án có thể phải thực hiện nhiều TTHC trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và các lĩnh vực khác có liên quan, bao gồm: Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; giấy phép xả khí thải; giấy chứng nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; giấy phép xử lý chất thải nguy hại; sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; phương án bảo vệ môi trường; kế hoạch quản lý môi trường...
Tổng cục Môi trường cho rằng việc cùng lúc tồn tại nhiều văn bản có tính pháp lý sau ĐTM, nội dung quy định đôi khi không thống nhất (do quy định trong những thời điểm khác nhau và các cơ quan cấp phép khác nhau) gây khó khăn đối với cơ quan quản lý trong công tác kiểm tra, giám sát và cũng làm DN lúng túng trong quá trình thực hiện.
"Thậm chí trong nhiều trường hợp, việc chậm trễ trong hoàn thành các giấy phép do các mâu thuẫn, vướng mắc phát sinh từ các văn bản của các cơ quan quản lý nhà nước nêu trên gây ra những phí tổn lớn do chậm thầu của các nhà thầu, khiến chủ đầu tư rủi ro vì bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên nước"- TS Mai Thế Toản nói.
Giảm chi phí và bớt "hành" cho doanh nghiệp?
Do vậy, trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), với quan điểm, chủ trương giảm thiểu gánh nặng TTHC, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho các dự án nhưng vẫn bảo đảm quản lý chặt chẽ, hiệu quả bảo vệ môi trường khi dự án đi vào hoạt động, phân định rõ vai trò của công cụ ĐTM và các công cụ quản lý môi trường khác trong các giai đoạn xem xét đầu tư, thực hiện dự án, đồng thời hài hoà với thông lệ, kinh nghiệm quốc tế.
Cụ thể, Dự án Luật đã xác lập rõ đối tượng phải thực hiện ĐTM và GPMT trên cơ sở tiêu chí về tác động đến môi trường của dự án đầu tư được xét theo quy mô, tính chất, mức độ tác động đến môi trường mà yêu cầu các thủ tục môi trường theo 4 nhóm dự án đầu tư khác nhau (gồm: nhóm 1: phải thực hiện ĐTM, không cần phải có GPMT; nhóm 2: phải thực hiện ĐTM và phải có GPMT; nhóm 3: không phải thực hiện ĐTM nhưng phải có GPMT; nhóm 4: không phải thực hiện thủ tục môi trường).
"Việc quy định những dự án ít có tác động tới môi trường (nhóm 3, nhóm 4) không phải thực hiện ĐTM sẽ làm giảm chi phí cho việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án có thể sớm triển khai thực hiện"- ông Toản cho hay.
Bên cạnh đó, TTHC cấp GPMT sẽ thay thế nhiều TTHC đối với dự án mà tổ chức, cá nhân đang phải thực hiện nay (giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, giấy phép xả thải vào nguồn nước; giấy phép xả khí thải; giấy chứng nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu; giấy phép xử lý chất thải nguy hại; sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; phương án bảo vệ môi trường; kế hoạch quản lý môi trường...)
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC cấp GPMT, dự án Luật đã thiết kế 2 loại GPMT được, gồm: GPMT chi tiết và GPMT đơn giản, phụ thuộc vào quy mô phát thải, loại hình sản xuất, mức độ gây ô nhiễm môi trường của dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Tương ứng với đó, thủ tục cấp GPMT cũng sẽ được quy định theo 2 mức với thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục, cách thức thực hiện, yêu cầu điều kiện... khác nhau. Trong dự án Luật, các nội dung này hiện quy định mang tính nguyên tắc, sẽ được cụ thể hoá trong Nghị định hướng dẫn của Chính phủ.
"Với việc phân loại 4 nhóm dự án đầu tư như đã nêu và tích hợp các TTHC khác nhau vào GPMT, dự án Luật đã thúc đẩy cải cách hành chính mạnh mẽ trong việc xử lý các TTHC về môi trường, góp phần cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển nhưng vẫn bảo đảm kiểm soát được rủi ro tác động môi trường của các dự án đầu tư"- đại diện Tổng cục Môi trường thông tin.
Cần có cơ chế đảm bảo quyền giám sát của người dân
Theo Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) và các tổ chức xã hội, việc người dân tham gia trực tiếp vào quản lý, giám sát thực thi pháp luật là một trụ cột chính của thể chế quản trị công, đã được Hiến pháp 2013 quy định. Cùng đó, Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực từ 1/7/2018, tại Điều 8 cũng quy định rõ, người dân có quyền yêu cầu cung cấp thông tin. Nội dung này cũng được quy định tại Điều 131, Luật BVMT năm 2014. Thế nhưng, dự thảo Luật BVMT sửa đổi 2020 không quy định cụ thể trách nhiệm của các chủ thể có liên quan đến việc công khai thông tin theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, mặc dù dự luật quy định người dân có quyền được biết thông tin về dự án và được tham gia quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường nhưng lại không có quy định cụ thể về cơ chế đảm bảo quyền tham gia của người dân. Do vậy, người dân muốn tham gia cũng không biết đưa ý kiến qua kênh nào, hình thức và quy trình ra sao. Ngoài ra, Dự thảo Luật BVMT sửa đổi 2020 cũng không đề cập đến trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý Nhà nước về quyết định, hành vi của mình trước cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích hợp pháp bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó và trước Nhân dân.
GreenID và các tổ chức xã hội cho rằng, hạn chế lớn nhất là sự tham gia của người dân chưa có khung pháp luật chi tiết, chưa có cơ chế cụ thể để thực hiện. Hơn nữa, sự tham gia của dân có thể bị vô hiệu khi không có quy định kèm theo về trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Cần bổ sung quy định để kiểm soát đặc thù
Trước thực tế vi phạm về môi trường, GreenID và các tổ chức xã hội đề xuất cần thiết phải bổ sung các quy định để kiểm soát đặc thù đối với các đối tượng và DN có nguy cơ cao gây ô nhiễm, sự cố môi trường đó là: Đánh thuế và thu phí. Trong đó, quy định về đánh thuế đối với các cá nhân và DN gây ra chất thải độc hại cần bổ sung quy định đánh thuế BVMT theo nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Điều này nhằm hai mục tiêu chủ yếu là khuyến khích người gây ô nhiễm giảm lượng chất thải ra môi trường và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Cùng đó cần đánh thuế vào lượng khí thải CO2 từ quá trình đốt nhiên liệu chứa các-bon nhằm giảm lượng khí thải các-bon. Việc đánh thuế các-bon vào các chất đốt sẽ khuyến khích việc tìm ra các nguồn năng lượng thay thế không phát thải hoặc phát thải ít. Mặt khác, cần đánh thuế phương tiện xe cộ, được xác định căn cứ lượng khí CO2 thải ra và dung lượng của xe.