Căn cứ Văn bản số 14898/BTC-NSNN ngày 28/12/2021 của Bộ Tài chính, nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định gửi tới sau Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV được Bộ Tài chính trả lời như sau:
Cử tri kiến nghị: Đối với Chính sách đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ, thời gian đầu được Trung ương bổ sung mục tiêu hỗ trợ kinh phí cho địa phương, nhưng sau đó lại giao cho ngân sách địa phương thực hiện, trong khi nguồn tăng thu ngân sách hằng năm phải trích đến 70% để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương, nguồn lực còn lại rất hạn chế nên địa phương gặp khó khăn trong thực hiện. Cử tri kiến nghị Chính phủ xem xét, tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho địa phương để thực hiện tốt các chính sách ban hành trong kỳ ổn định ngân sách nhưng chưa được bố trí trong dự toán ngân sách của năm đầu thời kỳ ổn định.
Trả lời:
Nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành giai đoạn 2017 – 2021 được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 28/04/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với giai đoạn 2022-2025, căn cứ quy định tại điểm b khoản 7 Điều 3 Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 ngày 01/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phẩn bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022, thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ phân công, Bộ Tài chính đã có Văn bản số 14109/BTC-NSNN ngày 10/12/2021 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xin ý kiến tham gia về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện các chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2022-2025. Trên cơ sở ý kiến tham gia của các bộ, cơ quan Trung ương có liên quan và các địa phương. Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Cử tri kiến nghị: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 163 hồ chứa thủy lợi có dung tích từ 50.000 m3 trở lên (trong đó có 61 hồ chứa lớn, 37 hồ chứa vừa và 65 hồ chứa nhỏ). Trong những năm gần đây, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau (vốn ODA, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ, vốn ngân sách tỉnh) tỉnh Bình Định đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp 24 hồ chứa. Tuy nhiên, qua kiểm tra, khảo sát vẫn còn 36 hồ bị hư hỏng, xuống cấp, không đủ dung tích để cung cấp nước phục vụ sản xuất và không đảm bảo an toàn cho hồ chứa (do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên ngân sách tỉnh không cân đối được nguồn vốn để thực hiện đầu tư sửa chữa tất cả các công trình này trong giai đoạn 2021-2025). Cử tri kiến nghị Chính phủ quan tâm, xem xét, hỗ trợ kinh phí cho tỉnh để sớm thực hiện đầu tư sửa chữa, nâng cấp 21 hồ chứa thủy lợi bị hư hỏng nghiêm trọng, đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và đảm bảo an toàn hồ chứa.
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, kinh phí thực hiện các nội dung về quản lý an toàn đập, hồ chứ thủy lợi (trong đó có chi đầu tư phát triển thực hiện đầu tư xây dựng hồ chứa nước) được thực hiện theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. Cụ thể: đối với các nội dung chi quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thuộc nhiệm vụ chi của Trung ương được bố trí từ ngân sách Trung ương, đối với các nội dung chi quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thuộc nhiệm vụ chi của địa phương được bố trí từ ngân sách địa phương. Đối với địa phương khó khăn về ngân sách, Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ từ ngân sách Trung ương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, Luật đầu tư công. Vì vậy, để có căn cứ triển khai các dự án đầu tư sửa chữa, nâng cấp các hồ chưa thủy lợi trên địa bàn, đề nghị tỉnh Bình Định phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định rõ việc đầu tư các dự án trên thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.
Ngày 28/7/2021, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 29/2021/QH15 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và ngày 15/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1535/QĐ-TTg về việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025; theo đó, tỉnh Bình Định được giao vốn ngân sách Trung ương là 7.923,916 tỷ đồng (trong đó: 30,595 tỷ đồng để thực hiện 4 dự án hồ chứa nước gồm: Chánh Hùng, Hóc Xeo, Hóc Mỹ và Đại Sơn (giai đoạn 2)) và vốn ngân sách địa phương là 10.273,8 tỷ đồng. Vì vậy, đề nghị tỉnh Bình Định sử dụng vốn ngân sách Trung ương đã được giao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 để đầu tư xây dựng các danh mục hồ chứa nêu trên.
Đối với các dự án hồ chứa thủy lợi không có trong danh mục được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025; Việc đầu tư cho các dự án sử dụng nguồn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công, các dự án khi triển khai thực hiện phải có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Do vậy, trước mắt đề nghị tỉnh Bình Định thực hiện theo đúng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 được giao.
Hiện nay, Chính phủ đang xay dựng Đề án hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, trong đó có nội dung hỗ trợ phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, an toàn hồ đập. Vì vậy, trường hợp các dự án hồ chứa thủy lợi thật sự càn thiết và vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương, đề nghị tỉnh Bình Định chủ động báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí vốn cho các dự án theo đúng quy định, Bộ Tài chính sẽ phối hợp tham gia.
Cử tri kiến nghị: Sau hơn 5 năm thực hiện Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg ngày 26/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 35/2016/TT-BTC ngày 26/02/2016 của Bộ Tài chính về quy định mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số bất cập nhất là việc mua sắm các phương tiện cần thiết (máy in, máy vi tính, máy photo...) khi bị hư hỏng đột xuất. Cử tri kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, có quy định cho phép các cơ quan, đơn vị được mua sắm không qua phương thức tập trung đối với những phương tiện phục vụ công việc thường xuyên bị hư hỏng đột xuất, cần thay thế kịp thời để phục vụ công việc.
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 67, Điều 68 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Bộ Tài chính ban hành danh mục và tổ chức thực hiện mua sắm tập trung cấp quốc gia (trừ thuốc) theo lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Bộ Y tế ban hành danh mục và tổ chức thực hiện mua sắm tập trung đối với thuốc; các bộ, ngành, địa phương ban hành danh mục và tổ chức thực hiện mua sắm tập trung cấp bộ, ngành địa phương (trừ thuốc).
Thực hiện quy định nêu trên, Bộ Y tế đã công bố danh mục thuốc mua sắm tập trung và tổ chức thực hiện mua sắm tập trung đối với thuốc; các bộ, ngành, địa phương công bố danh mục và tổ chức thực hiện mua sắm tập trung cấp bộ, ngành, địa phương. Theo đó, UBND tỉnh Bình Định đã có Quyết định số 1567/QĐ-UBND ngày 13/5/2019 ban hành danh mục tài sản mua sắm tập trung và phân công đơn vị mua sắm tập trung trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Tại điểm 4 Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 10/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tạm thời chưa thực hiện mua sắm tập trung cấp quốc gia (trừ thuốc). Vì vậy, Bộ Tài chính chưa công bố danh mục và chưa tổ chức thực hiện mua sắm tập trung cấp quốc gia.
Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành và thực tế thực hiện nêu trên thì việc xem xét, điều chỉnh danh mục tài sản mua sắm tập trung của tỉnh Bình Định thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Bình Định. Vì vậy, đề nghị cử tri tỉnh Bình Định gửi kiến nghị tới UBND tỉnh Bình Định để được xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao. Về vấn đề này, Bộ Tài chính đã có Văn bản số 12661/BTC-QLCS ngày 05/11/2021 đề nghị các Bộ, cơ quan Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công về mua sắm hàng hóa, dịch vụ từ ngân sách nhà nước theo phương thức tập trung và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại điểm 6 Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 02/11/2016 về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công, điểm 4 Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 10/12/2019 về đẩy mạnh triển khai thi hành Luật quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật; trong đó có nội dung: Khẩn trương rà soát danh mục mua sắm tập trung thuộc thẩm quyền ban hành của bộ, ngành, địa phương để ban hành, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm căn cứ pháp lý theo quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ. Tài sản được đưa vào danh mục mua sắm tập trung đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và thực tế của bộ, ngành, địa phương./.