Cử tri kiến nghị: Trong công tác tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành trực thuộc Chính phủ khi tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để trả lời cho công dân. Tránh trường hợp các vụ việc đã được chính quyền địa phương giải quyết đúng theo trình tự, thủ tục của pháp luật (có vụ việc đã được các cơ quan Trung ương giải quyết, trả lời) nhưng các cơ quan Trung ương vẫn chuyển đơn đơn về yêu cầu địa phương giải quyết; từ đó công dân lợi dụng ý kiến chỉ đạo của các Bộ, ngành Trung ương để yêu cầu địa phương phải tiếp tục giải quyết, gây áp lực với chính quyền địa phương.
Trả lời:
Căn cứ Báo cáo số 20/BC-TTCP ngày 07/01/2022 của Thanh tra Chính phủ về kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định được Thanh tra Chính phủ trả lời như sau:
Để thống nhất và phù hợp với tình hình thực tiễn trong công tác xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh (thay thế Thông tư 07/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014) để hướng dẫn cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền, trách nhiệm thuộc cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước trong việc xử lý đơn khiếu nại, tố cáo.
Trong những năm gần đây, bộ phận tiếp công dân và xử lý đơn của Thanh tra Chính phủ không chuyển đơn thư khiếu nại, tố cáo mà địa phương đã giải quyết hết thẩm quyền theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Trừ một số trường hợp đặc biệt phải vận động công dân trở về địa phương trong thời gian diễn ra các kỳ họp Quốc hội, Đại hội Đảng toàn quốc, Hội nghị Trung ương và dịp Tết Nguyên đán, trước khi thực hiện việc chuyển đơn của công dân, đại diện cơ quan Thanh tra Chính phủ đã thống nhất với Tổ công tác của địa phương (thường có mặt tại Trụ sở để phối hợp vận động công dân trở về địa phương) hoặc liên hệ với địa phương để trao đổi thông tin và thống nhất biện pháp xử lý.
Tuy nhiên, trên thực tế tồn tại tình trạng một số trường hợp công dân đến hoặc gửi đơn tới các cơ quan Trung ương để khiếu nại, tố cáo không cung cấp đầy đủ thông tin hoặc cố tình không cung cấp những văn bản mang tính chất bất lợi đối với việc khiếu nại, tố cáo của mình dẫn đến có trường hợp vụ việc khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết hết thẩm quyền nhưng vẫn được cán bộ tiếp công dân hướng dẫn công dân trở về địa phương để được xem xét, giải quyết. Để khắc phục tình trạng trên, hiện nay Thanh tra Chính phủ đã xây dựng “Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo” đồng thời Thanh tra Chính phủ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, nhằm quản lý hồ sơ về khiếu nại, tố cáo của công dân thống nhất từ Trung ương đến địa phương tạo sự đồng thuận, thống nhất trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo (trên thực tế hiện nay đã có 81/93 Bộ, ngành, địa phương sử dụng hệ thống trên).