Trả lời của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định gửi đến sau kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV

Thứ hai - 06/06/2022 15:49
1. Căn cứ khoản 5 Điều 30 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, quy định: “Không giám định lại những trường hợp Thương binh loại B”. Tuy nhiên, thực tế tại địa phương có trường hợp Thương binh loại B, do vết thương tái phát nhiều lần, chi phí lớn, có trường hợp phải cắt bỏ chân tay gây khó khăn trong đi lại và sinh hoạt. Bên cạnh đó, với chế độ được hưởng thương binh loại B không đủ để đảm bảo cuộc sống tối thiểu. Cử tri kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung đối tượng Thương binh loại B vào đối tượng được giám định lại thương tật
Trả lời:
Căn cứ Văn bản số 632/LĐTBXH-VP ngày 08/3/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định gửi tới sau Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV được trả lời như sau:
Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 02/2020/UBTV14 ngày 09/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không quy định việc giám định lại đối với thương binh loại B (là quân nhân, công an nhân dân bị thương có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% trở lên trong khi tập luyện, công tác đã được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền công nhận trước ngày 31/12/1993). Đối với trường hợp thương binh loại B có vết thương còn sót, vết thương bổ sung thì được khám để xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể theo quy định (khoản 4 Điều 23 Pháp lệnh).
2. Hiện nay, tại địa phương còn tồn đọng một số trường hợp xác lập hồ sơ công nhận thương binh, liệt sĩ do điều kiện chiến tranh ác liệt, kéo dài hàng chục năm đã làm thất lạc các giấy tờ, lý lịch theo quy định để làm căn cứ xác nhận. Cử tri kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét trường hợp đặc thù, có tính cá biệt, hướng dẫn địa phương giải quyết dứt điểm hồ sơ xác nhận người có công còn tồn đọng.
Trả lời:
Căn cứ Văn bản số 633/LĐTBXH-VP ngày 08/3/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định gửi tới sau Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV được trả lời như sau:
Thời gian qua, công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng trong xác nhận người có công với cách mạng luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Trên cơ sở Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của Chính phủ, ngày 20/3/2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công với cách mạng. Sau 03 năm thực hiện cho thấy, đã rà soát giải quyết trên 6.000 hồ sơ tồn đọng, trong đó trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với trên 2.000 liệt sĩ, các địa phương đã xác nhận trên 2.500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Đối với những hồ sơ tồn đọng không đủ điều kiện đã được các cấp có thẩm quyền kết luận, giải thích cho đối tượng thấu tình, đạt lý, đến nay, không có đơn thư khiếu nại.
Thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 và để giải quyết dứt điểm hồ sơ tồn đọng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 131/202U/NĐ-CP ngày 30/12/2021 quy định chi tiết và các biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó đã ban hành cơ chế chính sách cụ thể để công nhận liệt sĩ, thương binh đối với người hy sinh, bị thương trong chiến tranh (Mục 12, Chương II, Nghị định số 131/2021/NĐ-CP).
3. Đối với Chính sách đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ, thời gian đầu được Trung ương bổ sung mục tiêu hỗ trợ kinh phi cho địa phương, những sau đó lại giao cho ngân sách địa phương thực hiện, trong khi nguồn tăng thu ngân sách hằng năm phải trích đến 70% để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương, nguồn lực còn lại rất hạn chế nên địa phương gặp khó khăn trong thực hiện. Cử tri kiến nghị Chính phủ xem xét, tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho địa phương để thực hiện tốt các chính sách ban hành trong kỳ ổn định ngân sách nhưng chưa được bố trí trong dự toán ngân sách của năm đầu thời kỳ ổn định.
Trả lời:
Căn cứ Văn bản số 652/LĐTBXH-VP ngày 08/3/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định gửi tới sau Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV được trả lời như sau:
Về kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên theo quy định tại Điều 17, Nghị định số 61/2015/NĐ-CP: “…thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.” Theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 3 Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng quy định tại Điều 14 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm:
“Hằng năm, nguồn kinh phí do ngân sách trung ương đảm bảo nếu thiếu, các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương báo cáo Bộ Tài chính để giao bổ sung kinh phí thực hiện. Kết thúc năm ngân sách, phần kinh phí do ngân sách trung ương đảm bảo chưa sử dụng hết (nếu có) được chuyển sang năm sau để tiếp tục thực hiện, không sử dụng cho mục đích khác. Năm 2016, các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương tự sắp xếp, bố trí nguồn kinh phí trong phạm vi dự toán đã được giao để thực hiện, trường hợp có khó khăn báo cáo Bộ Tài chính”.
Kể từ ngày các chính sách quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, một số địa phương gặp khó khăn trong việc cân đối ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên theo như phản ánh của Cử tri. Căn cứ các quy định nêu trên, một số địa phương đã có văn bản gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét cấp bổ sung kinh phí. Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội xin tiếp thu ý kiến phản ánh của cử tri, đồng thời sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để báo cáo Chính phủ xem xét, hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho thanh niên. Bên cạnh đó, đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư vấn, hướng nghiệp cho thanh niên lựa chọn ngành, nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu của bản thân, có việc làm (tự tạo việc làm hoặc làm công ăn lương) sau đào tạo nhằm bảo đảm hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước./.
 

Tác giả bài viết: Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây