Căn cứ Công văn số 8661/BCT-KH ngày 31/12/2021 của Bộ Công Thương, nội dung trả lời những kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định gửi đến trước kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV được tóm tắt như sau:
Cử tri kiến nghị: Cử tri đã nhiều lần kiến nghị Bộ Công Thương về việc cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt đảm bảo hợp lý. Nhưng đến nay, kết quả việc tiếp thu kiến nghị xem xét thay đổi biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt vẫn chưa được xem xét, giải quyết. Cử tri tiếp tục kiến nghị Bộ Công thương và ngành điện sớm có phương án tính giá điện cụ thể, nên quy định biểu giá bán lẻ điện theo 3 bậc, trong đó quy định mức điện ở bậc 1 ít nhất là 100kw để đảm bảo nhu cầu tối thiểu về sử dụng điện của người dân hiện nay.
Trả lời:
Trong năm 2020, thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến của cử tri liên quan đến việc nghiên cứu, cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, Bộ Công Thương đã nghiên cứu các phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng sinh hoạt và gửi lấy ý kiến góp ý của các cơ quan thuộc Quốc hội, các Bộ, ngành, tổ chức, Đoàn đại biểu Quốc hội, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về dự thảo Quyết định và các phương án sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt.
Trên cơ sở đánh giá ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị và ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Công Thương đã có Báo cáo số 88/BC-BCT ngày 02/10/2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Ngày 22/10/2020, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 8807/VPCP-KTTH về ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Quyết định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tại thời điểm phù hợp trong năm 2021 khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát và nền kinh tế phục hồi.
Thực hiện chỉ đạo nêu trên của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thuê tư vấn có kinh nghiệm nghiên cứu, cập nhật số liệu, hoàn thiện các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, trong đó có nội dung đánh giá việc thực hiện biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt và các phương án đề xuất phù hợp với thực tế sử dụng điện của các hộ sử dụng điện. Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo EVN và tư vấn hoàn thiện các phương án và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan có liên quan để báo cáo Chính phủ xem xét quyết định.
Cử tri kiến nghị: Sản xuất nông nghiệp hiện nay đang gặp nhiều khó khăn do giá cả vật tư nông nghiệp, nguyên nhiên vật liệu sản xuất như: xăng dầu, phân bón, cước vận chuyển… tăng giá rất mạnh (một số mặt hàng đã tăng gấp đôi so với vụ Hè-Thu), giá đầu ra một số nông sản thấp, bấp bênh; tình trạng trao đổi, mua bán qua nhiều kênh (kể cả được bán online) các giống cây trồng, phân bón, thuốc trừ sâu giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm định…, gây thiệt hại cho nông dân. Cử tri kiến nghị Bộ Công thương sớm có giải pháp bình ổn giá và tăng cường công tác kiểm tra, xử lý triệt để tình trạng trên; đồng thời, kịp thời có chính sách hỗ trợ, tạo thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.
Trả lời:
Đây là vấn đề mà Bộ Công Thương chú trọng chỉ đạo các đơn vị chức năng theo dõi, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để kịp thời đề xuất, áp dụng nhằm hỗ trợ nông dân sản xuất có lãi, quá đó nâng cao đời sống ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, thời gian qua, giá phân bón, vật tư nông nghiệp vẫn tăng cao là do: (i) Giá nguyên liệu đầu vào (chủ yếu nhập khẩu) và chi phí vận tải, logistics do giãn cách xã hội tăng cao; (ii) Mặt hàng phân bón không thuộc danh mục chịu thuế VAT nên các nguyên, vật liệu đầu vào không được khấu trừ thuế cũng đã làm tăng giá thành sản phẩm; (iii) Nhu cầu tiêu thụ mặt hàng phân bón của thế giới tăng cao do đứt gẫy chuỗi cung ứng.
Để bình ổn giá mặt hàng này, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhập khẩu, phát huy công suất sản xuất, giảm tồn kho, kiểm soát kênh phân phối, tiết giảm chi phí sản xuất, ưu tiên tối đa tiêu thụ phân bón tại thị trường trong nước với giá hợp lý, định kỳ báo cáo tình hình sản xuất, tiêu thụ phân bón. Bộ Công Thương cũng đã làm việc trực tiếp với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để đánh giá tình hình sản xuất, nắm bắt tình hình biến động giá cả trong nước và thế giới, tình hình cung ứng phân bón ra thị trường, các biện pháp chỉ đạo điều hành hạn chế xuất khẩu phân bón nhằm cung ứng tối đa cho thị trường nội địa… Nguồn cung phân bón (đối với các loại phân bón cơ bản như Ure, NPK,…) hiện vẫn được đảm bảo, giá bán biến động theo quy luật thị trường và không xảy ra tình trạng “thiếu hàng, sốt giá” hoặc “găm hàng, chờ tăng giá”…
Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp như đã làm thời gian qua, đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, nhất là chương trình bình ổn thị trường; Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính rà soát, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với một số mặt hàng thiết yếu, tránh tình trạng giá tăng – giảm bất hợp lý; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thị trường, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; Đề xuất Chính phủ, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật thuế giá trị gia tăng để mặt hàng phân bón được bổ sung vào danh mục chịu thuế VAT giúp cho mặt hàng này có cơ hội giảm giá và nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.