BÁO CÁO TỔNG HỢP NỘI DUNG TRẢ LỜI CỦA CÁC CƠ QUAN
TRUNG ƯƠNG ĐỐI VỚI NHỮNG KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI
GỬI ĐẾN KỲ HỌP THỨ 3, QUỐC HỘI KHÓA XV
(Tài liệu phục vụ đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri
trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV)
Trước và sau Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổng hợp 39 ý kiến kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương gửi Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV tổng hợp gửi các bộ, ngành có liên quan xem xét, giải quyết và trả lời cho cử tri theo quy định (cụ thể gồm: 22 ý kiến trước kỳ họp thứ 3 tại Báo cáo số 25/BC-ĐĐBQH ngày 12/5/2022 và 17 ý kiến sau kỳ họp thứ 3 tại Báo cáo số 33/BC-ĐĐBQH ngày 08/7/2022).
Tính đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã nhận được 22 văn bản của các bộ, ngành liên quan về việc giải quyết, trả lời 23/39 ý kiến kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định (trong đó, đã trả lời 20/22 kiến nghị gửi đến trước Kỳ họp thứ 3; 03/17 kiến nghị sau Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV).
Trên cơ sở văn bản trả lời của các cơ quan Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thông báo nội dung trả lời một số kiến nghị cụ thể như sau:
Câu 1: Hiện nay, mức thuế suất áp dụng đối với thuốc lá điếu, xì gà và các chế phẩm khác từ cây thuốc lá, được quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là 75%, còn thấp, chưa hạn chế được tỷ lệ người hút thuốc lá. Cử tri kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi, điều chỉnh nâng mức thuế suất đối với thuốc lá điếu và chế phẩm này cao hơn 75%, để hạn chế lượng người tiêu dùng sản phẩm không có lợi cho sức khỏe cộng đồng.
Theo nội dung trả lời tại Văn bản số 5687/BTC-NSNN ngày 15/6/2022 của Bộ Tài chính như sau:
Mặt hàng thuốc lá điếu, xì gà... là những mặt hàng khi sử dụng gây tác hại xấu đến sức khỏe, cần hạn chế tiêu dùng. Theo đó, tại Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đã quy định: “Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm” áp dụng mức thuế suất 75%. Đây là mức thuế suất cao nhất trong nhóm hàng hóa có hại cho sức khỏe cần hạn chế tiêu dùng quy định tại Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.
Tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới cũng đã đưa ra nhiệm vụ: “Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hoá có hại cho sức khoẻ như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng.”
Ngày 16/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2114/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó, đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, rà soát Luật thuế tiêu thụ đặc biệt để báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ngày 23/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 508/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. Tại Chiến lược này cũng đã đề ra định hướng xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang thực hiện nghiên cứu, rà soát, đánh giá các luật thuế, trong đó có Luật thuế tiêu thụ đặc biệt để báo cáo Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung vào giai đoạn 2023-2025 đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế và phù hợp với Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022, qua đó góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân theo các nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ đề ra.
Câu 2: Cử tri cho rằng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng hiện không còn phù hợp với giá cả thực tế và chi phí cho nhu cầu cuộc sống. Cử tri kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc phù hợp với thực tế hiện nay.
Theo nội dung trả lời tại Văn bản số 5687/BTC-NSNN ngày 15/6/2022 VÀ Văn bản số 7091/BTC-CST ngày 21/7/2022 của Bộ Tài chính như sau:
Theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định... số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân.
Ngày 02/6/2020, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 954/2020/NQ-UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng và áp dụng ngay từ kỳ tính thuế năm 2020. Việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân đã góp phần giảm bớt nghĩa vụ cho người nộp thuế, số thuế phải nộp được giảm cho mọi đối tượng đang nộp thuế thu nhập cá nhân.
Với mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế hiện nay là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp...thì cũng chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Đối với người có thu nhập 30 triệu đồng/tháng thì sau khi nộp bảo hiểm bắt buộc và giảm trừ cho 2 người phụ thuộc thì mức thuế thu nhập cá nhân phải nộp là 460 nghìn đồng/tháng (số tiền thuế thu nhập cá nhân chiếm khoảng 1,53% thu nhập của cá nhân).
Quy định về giảm trừ trước khi tính thuế đảm bảo nguyên tắc cá nhân cần phải có một mức thu nhập nhất định nhằm đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như: ăn, ở, đi lại, học tập, khám chữa bệnh..., vì thế thu nhập trên ngưỡng này mới phải nộp thuế. Việc áp dụng các khoản giảm trừ còn hướng tới mục tiêu loại trừ các đối tượng có thu nhập thấp ra khỏi diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, người phụ thuộc của người nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân là mức cụ thể theo mặt bằng chung của xã hội, không thể quy định riêng cho các trường hợp cá biệt. Cá nhân có khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo thì Luật thuế thu nhập cá nhân đã có quy định giảm thuế cho các trường hợp này... Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay vẫn đảm bảo cao hơn thu nhập bình quân đầu người, mức lương tối thiểu vùng hay mức sống trung bình của cả nước cũng như tại tỉnh Bình Định.
Việc thực hiện chính sách thuế thu nhập cá nhân có vai trò rất quan trọng để triển khai chính sách phân phối lại. Cùng với các nguồn thu khác, nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân đã góp phần đáp ứng rất nhiều các nhu cầu chỉ cho đầu tư phát triển, an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Hiện nay, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính đang tiến hành rà soát, đánh giá các luật thuế, trong đó có Luật thuế thu nhập cá nhân để báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung vào thời điểm thích hợp theo Chương trình xây dựng văn bản luật, pháp lệnh của Quốc hội, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, cũng như thông lệ quốc tế.
Câu 3: Hiện nay, theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Đầu tư công, dự án giải phóng mặt bằng chỉ được tách riêng khi là dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội xem xét, quyết định và dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định. Tuy nhiên, thực tế có nhiều dự án có quy mô thuộc nhóm B nhưng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng có tính chất phức tạp hoặc cần phải tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng để thuận lợi cho công tác chuẩn bị và khi được phân bổ vốn sẽ triển khai thực hiện kịp thời (không bị vướng mặt bằng). Cử tri kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung thêm vào khoản 1 Điều 5 Luật Đầu tư công nội dung sau: “dự án nhóm B do Hội đồng nhân dân các cấp xem xét quyết định”, nhằm đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công, tạo điều kiện cho việc triển khai thực hiện thuận lợi, hiệu quả.
Về kiến nghị này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhận được 02 văn bản trả lời của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cụ thể:
3.1. Theo nội dung trả lời tại Văn bản số 5687/BTC-NSNN ngày 15/6/2022 của Bộ Tài chính như sau:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 của Luật đầu tư công: Trường hợp thật sự cần thiết tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, đối với dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội xem xét, quyết định; đối với dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Việc tách riêng dự án độc lập được thực hiện khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A.
Thực hiện Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về việc giao Chính phủ nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư; Chính phủ đã có Tờ trình số 520/TTr-CP ngày 15/11/2021 báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội một số chính sách đặc thủ, trong đó có đề xuất cơ chế tách bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với dự án nhóm B, C và một số cơ chế đặc thù khác.
Theo kết luận của Chủ tịch Quốc hội tại Văn bản số 2831/TB-VPQH ngày 27/11/2021 của Văn phòng Quốc hội, nội dung này chưa đủ điều kiện trình Ủy ban thường vụ Quốc hội để xem xét cho ý kiến trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV, việc thí điểm (nếu có) chỉ thực hiện ở một số địa phương, dự án cụ thể và có thời gian, thời hạn cụ thể.
Hiện nay Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế thí điểm tách dự án giải phóng mặt bằng đối với dự án nhóm B, C tại một số địa phương theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội. Do vậy, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định để có ý kiến với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tổng hợp trong quá trình đề xuất chính sách đặc thù, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; Bộ Tài chính sẽ phối hợp tham gia theo quy định.
3.2. Theo nội dung trả lời tại Văn bản số 5153/BKHĐT-TH ngày 27/7/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư như sau:
Tách riêng việc bồi thường hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đã được quy định ở Luật Đầu tư công năm 2019, tuy nhiên mới xem xét đối với dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A. Cụ thể tại khoản 1 Điều 5 về đối tượng đầu tư công của Luật Đầu tư công năm 2019 quy định: Đầu tư chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Trường hợp thật sự cần thiết tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, đối với dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội xem xét, quyết định; đối với dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Việc tách riêng dự án độc lập được thực hiện khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A.
Tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư (sau đây gọi tắt là Đề án), báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, quyết định. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ căn cứ Nghị quyết nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan nghiên cứu xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Đề án tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2021.
Chính phủ đã có Tờ trình số 520/TTr-CP ngày 15 tháng 11 năm 2021 báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội về Đề án và dự thảo Nghị quyết thí điểm tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập và một số cơ chế, chính sách đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Ngày 27 tháng 11 năm 2021, Văn phòng Quốc hội có Thông báo ý kiến của Chủ tịch Quốc hội (Thông báo số 2831/TB-VPQH) đề nghị Chính phủ: Tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội theo đúng phạm vi, nội dung được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 và quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp. Việc thí điểm (nếu có) chỉ thực hiện đối với một số địa phương, dự án cụ thể và có thời gian, thời hạn cụ thể. Các chính sách liên quan đến quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng thực hiện theo các quy định hiện hành của pháp luật.
Căn cứ chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, trong quá trình xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 09-NQ/TW đã điều chỉnh các chính sách về tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư theo hướng áp dụng đối với đối tượng dự án cụ thể với thời gian, thời hạn cụ thể. Các chính sách này đáp ứng nguyên tắc có địa phương, dự án, thời gian, thời hạn cụ thể, được Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3.
Trường hợp các địa phương đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí và có đề xuất dự án cụ thể như tỉnh Khánh Hòa, đồng thời đáp ứng nguyên tắc theo chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội tại Thông báo số 2831/TB-VPQH, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu, xem xét trình Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội áp dụng các chính sách thí điểm.
Câu 4: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định còn khoảng trên 5.000 hộ gia đình người có công, thân nhân liệt sỹ thuộc các đối tượng: là người dân tộc thiểu số, cao tuổi, có hoàn cảnh khó khăn, thuộc vùng thường xuyên xảy ra thiên tai mà nhà ở có nguy cơ sụp đổ, không an toàn khi sử dụng cần được hỗ trợ cải thiện về nhà ở theo quy định tại điểm d Khoản 6 Điều 102 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP (gồm có khoảng trên 2.819 trường hợp cần xây mới và khoảng 2.183 trường hợp cần sửa chữa, cải tạo về nhà ở). Cử tri kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ kinh phí cho địa phương để sớm thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng trên; đồng thời, nâng mức hỗ trợ xây mới nhà ở thấp nhất là 50.000.000 đồng/hộ và mức hỗ trợ sửa chữa, cải tạo nhà ở thấp nhất là 30.000.000 đồng/hộ (Trong đó, mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương là 90%; hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh là 10%).
Về kiến nghị này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhận được 02 văn bản trả lời của Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng, cụ thể:
4.1. Theo nội dung trả lời tại Văn bản số 5687/BTC-NSNN ngày 15/6/2022 của Bộ Tài chính như sau:
Ngày 08/9/2021, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 3634/BXD-QLN trình Thủ tướng Chính phủ về báo cáo tổng kết chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg. Ngày 25/10/2021, Bộ Tài chính đã có Văn bản số 12148/BTC-NSNN gửi Văn phòng Chính phủ tham gia về báo cáo tổng kết chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg.
Trên cơ sở đề nghị của Bộ Xây dựng và ý kiến của Bộ: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có ý kiến tại Văn bản số 8622/VPCP-CN ngày 24/11/2021 của Văn phòng Chính phủ: “Đồng ý với kiến nghị của Bộ Xây dựng về việc xây dựng chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ giai đoạn 2021-2025; giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các cơ quan liên quan và các địa phương, xây dựng Đề án hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ giai đoạn 2021-2025, xác định rõ phạm vi, nội dung, đối tượng hưởng, chế độ hỗ trợ, nguyên tắc hỗ trợ và mức hỗ trợ cho các địa phương, đảm bảo tổng mức vốn thực hiện Đề án nằm trong tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được cấp có thẩm quyền quyết định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.”
Vì vậy, đề nghị Tỉnh làm việc cụ thể với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính sẽ phối hợp trong quá trình xây dựng Đề án hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ giai đoạn 2021-2025.
4.2. Theo nội dung trả lời tại Văn bản số 2746/BXD-QLN ngày 22/7/2022 của Bộ Xây dựng như sau:
Ngày 09/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 02/2020/UBTVQH14.
Ngày 30/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 131/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (có hiệu lực từ ngày 15/02/2022). Theo đó, tại điểm a Khoản 7 Điều 182 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP quy định: Bộ Xây dựng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương quy định tại khoản 2 Điều 102 Nghị định này đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 420/BXD-QLN ngày 15/02/2022 và văn bản số 1287/BXD-QLN ngày 18/4/2022 đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo số liệu các hộ gia đình người có công với cách mạng cần hỗ trợ cải thiện nhà ở, đồng thời đề xuất mức hỗ trợ bằng tiền đối với trường hợp xây mới nhà ở và trường hợp sửa chữa, cải tạo nhà ở.
Trên cơ sở báo cáo số liệu và đề xuất của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trong đó có tỉnh Bình Định), Bộ Xây dựng đã có văn bản số 2507/BXD-QLN ngày 11/7/2022 (kèm theo dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương) gửi lấy ý kiến góp ý của các Bộ ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan. Theo đó, dự thảo dự kiến mức hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ đối với trường hợp xây mới nhà ở hoặc 30 triệu đồng/hộ đối với trường hợp cải tạo, sửa chữa nhà ở (mức hỗ trợ cao hơn mức hỗ trợ của Quyết định số 22/2013/QĐ- TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng). Về tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương và tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương sẽ chủ yếu căn cứ theo quy định của Quyết định số 127/2022/QĐ-TTg ngày 24/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành giai đoạn 2022 -2025 để thực hiện.
Sau khi có ý kiến góp ý của các Bộ ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan, Bộ Xây dựng sẽ tiếp thu, giải trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định mức hỗ trợ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương trong Quý IV/2022 để triển khai thực hiện.
Câu 5: Theo Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định: “Người có công hoặc thân nhân đang hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi nếu không có điều kiện trực tiếp nhận trợ cấp, phụ cấp thì phải lập ủy quyền có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú. Giấy ủy quyền có thời hạn 3 tháng đối với người có công hoặc thân nhân hiện đang cư trú trong nước...”; quy định này gây khó khăn, trở ngại cho người dân, trong 01 năm phải làm đi, làm lại nhiều lần Giấy ủy quyền, rất mất thời gian. Cử tri kiến nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xem xét sửa đổi quy định về thời hạn Giấy ủy quyền theo hướng tăng thời hạn lên ít nhất 12 tháng để đơn giản hóa thủ tục hành chính và thuận lợi cho các đối tượng thực hiện chính sách.
Theo nội dung trả lời tại Văn bản số 2956/LĐTBXH-VP ngày 05/8/2022 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội như sau:
Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2022 thay thế Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ. Theo đó, việc ủy quyền là thỏa thuận giữa các bên được thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ luật Dân sự, hình thức ủy quyền là văn bản (hợp đồng ủy quyền). Thời hạn ủy quyền theo quy định của Bộ luật Dân sự do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.
Câu 6: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (giai đoạn I: từ năm 2021-2025) và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 và Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022. Nhưng đến nay, ngân sách Trung ương chưa bố trí kinh phí cho ngân sách địa phương để triển khai thực hiện. Cử tri kiến nghị Trung ương sớm phân bổ kinh phí cho địa phương để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia nói trên kịp thời, hiệu quả.
Về kiến nghị này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhận được 02 văn bản trả lời của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cụ thể:
6.1. Theo nội dung trả lời tại Văn bản số 5687/BTC-NSNN ngày 15/6/2022 của Bộ Tài chính như sau:
Ngày 22/5/2022, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 517/NQ-UBTVQH15 về việc phân bổ ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có 02 chương trình nêu trên.
Ngày 28/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 652/QĐ-TTg về việc giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia và Quyết định số 653/QĐ-TTg về việc giao dự toán ngân sách trung ương năm 2022 thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia; trong đó, năm 2022 tỉnh Bình Định được hỗ trợ là 442.757 triệu đồng (vốn đầu tư là 305.055 triệu đồng; vốn sự nghiệp là 137.702 triệu đồng), gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 147.056 triệu đồng (vốn đầu tư là 84.116 triệu đồng; vốn sự nghiệp là 62.940 triệu đồng); Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 129.241 triệu đồng (vốn đầu tư là 84.449 triệu đồng; vốn sự nghiệp là 44.792 triệu đồng); Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 166.460 triệu đồng (vốn đầu tư là 136.490 triệu đồng; vốn sự nghiệp là 29.970 triệu đồng).
Đề nghị Tỉnh chủ động bố trí ngân sách địa phương, nguồn tài chính hợp pháp khác, cùng với nguồn hỗ trợ của ngân sách trung ương để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định.
6.2. Theo nội dung trả lời tại Văn bản số 4837/BKHĐT-TH ngày 16/7/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư như sau:
Tại Nghị quyết số 517/NQ-UBTVQH15 ngày 22/5/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân bổ 92.057,861 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia: phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bÀo dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 về việc giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; Quyết định số 653/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 về việc giao dự toán ngân sách trung ương năm 2022 thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Câu 7: Ngày 28/12/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 337/2016/TT-BTC quy định mức chi hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội. Tại Điều 5 của Thông tư quy định mức chi thực hiện theo quy định của Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính, theo đó mức chi được áp dụng đến nay đã hơn 10 năm, không còn phù hợp với thực tế. Cử tri đề nghị Bộ Tài chính quan tâm, xem xét, sớm điều chỉnh tăng mức chi tương xứng, đảm bảo cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội được thuận lợi, hiệu quả.
Theo nội dung trả lời tại Văn bản số 5687/BTC-NSNN ngày 15/6/2022 của Bộ Tài chính như sau:
- Thông tư số 337/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó các nội dung chi (tổ chức hội nghị, công tác phí) được dẫn chiếu áp dụng theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính về công tác phí, tổ chức hội nghị trong nước.
Đến nay, Thông tư số 97/2010/TT-BTC đã được thay thế bởi Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị. Như vậy, các mức chi đã được điều chỉnh tăng để bảo đảm thuận lợi cho các công tác, hoạt động có sử dụng nguồn ngân sách nhà nước.
- Ngày 12/10/2021, Văn phòng Chính phủ có hông báo số 265/TB-VPCP thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc giữa Thường trực Chính phủ và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về kết quả phối hợp công tác giai đoạn 2016-2020, 8 tháng đầu năm 2021 và trọng tâm công tác phối hợp trong thời gian tới; trong đó tại Điểm 5 Phụ lục kèm theo Thông báo số 265/TB-VPCP thuộc thẩm quyền, trách nhiệm xử lý của Bộ Tài chính: “Về đề nghị sửa đổi Thông tư số 337/2016/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay, đồng thời đảm bảo thống nhất, đồng bộ với cơ chế, điều kiện hoạt động giám sát của các cơ quan khác trong hệ thống chính trị.”
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính có Văn bản số 12641/BTC-HCSN ngày 04/11/2021 gửi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đối với đề nghị sửa đổi Thông tư số 337/2016/TT-BTC: Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các chính sách, chế độ này trong thời gian qua; nêu rõ khó khăn, vướng mắc và đề xuất nội dung cần sửa đổi, bổ sung phù hợp tình hình thực tiễn và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành trung ương Khóa XII về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp gửi Bộ Tài chính để nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Ngày 18/4/2022, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Kế hoạch số 538/KH-MTTW-BTT về khảo sát, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách về tài chính của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, với mục đích đánh giá thực trạng thực hiện quy định về tài chính trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Thông tư số 337/2016/TT-BTC.
Trên cở sở đề xuất của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để sửa đổi Thông tư số 337/2016/TT-BTC bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật và thực tế thực hiện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp.
Câu 8: Trong thời gian qua, theo nhu cầu của các đơn vị Trung ương trên địa bàn tỉnh, địa phương đã giao đất để xây dựng trụ sở làm việc mới và các đơn vị Trung ương cũng thống nhất sau khi xây dựng xong trụ sở mới sẽ bàn giao lại trụ sở cũ cho địa phương quản lý, sử dụng. Tuy nhiên đến nay, một số cơ quan Trung ương đã về làm việc tại các trụ sở mới (Tòa án nhân dân huyện Tây Sơn, Tòa án nhân dân huyện Tuy Phước[1], Bảo hiểm xã hội thị xã An Nhơn[2], Cục Hải quan tỉnh Bình Định, Chi cục Kiểm tra sau thông quan[3]), UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản báo cáo và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương quan tâm xem xét, chuyển giao nhà và đất của các trụ sở cũ về địa phương để quản lý, sử dụng nhưng chưa được giải quyết. Cử tri kiến nghị các bộ, ngành liên quan phối hợp, xem xét, chuyển giao lại các trụ sở làm việc cũ để địa phương quản lý, sử dụng, bố trí cho các cơ quan, đơn vị của địa phương đang thiếu trụ sở làm việc, tránh gây lãng phí tài sản công (Kiến nghị của cử tri huyện Tây Sơn, thị xã An Nhơn và tại buổi tiếp xúc với UMTTQVN tỉnh).
Theo nội dung trả lời tại Văn bản số 5687/BTC-NSNN ngày 15/6/2022 của Bộ Tài chính như sau:
- Về trụ sở của Tòa án nhân dân huyện Tây Sơn, Tòa án nhân dân huyện Tuy Phước:
Bộ Tài chính đã có Văn bản số 4754/BTC-QLCS ngày 27/5/2022 đề nghị Tòa án nhân dân tối cao rà soát, lập phương án sắp xếp lại, xử lý đối với trụ sở làm việc (cũ và mới) của Tòa án nhân dân huyện Tuy Phước, Tòa án nhân dân huyện Tây Sơn theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP đảm bảo việc quản lý, sử dụng tài sản tiết kiệm, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật.
- Về trụ sở của Bảo hiểm Xã hội thị xã An Nhơn:
Ngày 25/5/2021, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bình Định có Văn bản số 806/BHXH-KHTC đề nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam bàn giao trụ sở làm việc cũ trên cho địa phương.
Đến nay, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chưa có phương án sắp xếp, xử lý cơ sở nhà, đất trên gửi Bộ Tài chính. Vì vậy, Bộ Tài chính chưa có cơ sở xem xét, xử lý theo quy định của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
- Về trụ sở của Cục Hải quan tỉnh Bình Định, Chi cục Kiểm tra sau thông quan:
Thực hiện Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ; trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định, Bộ Tài chính đã yêu cầu Tổng cục Hải quan và soát, có văn bản báo cáo theo quy trình quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐCP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP. Trên cơ sở báo cáo của Tổng cục Hải quan và ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý đối với 02 cơ sở nhà, đất là trụ sở cũ của Cục Hải quan tỉnh Bình Định, Chi cục Kiểm tra sau thông quan theo đúng quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP.
Câu 9: Việc dạy và học môn Lịch sử không những giúp học sinh hiểu về lịch sử của dân tộc, mà còn giáo dục về nhân cách và truyền thống yêu nước của dân tộc đối với học sinh. Cử tri kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét quy định môn Lịch sử là môn học bắt buộc, không đưa môn Lịch sử là môn học tự chọn ở bậc PTTH như phương án hiện nay. Đồng thời, xem lại nội dung của sách giáo khoa tránh dàn trải, hay phương pháp giảng dạy của giáo viên chưa truyền cảm đối với học sinh, từ đó chưa thu hút học sinh học môn lịch sử.
Theo nội dung trả lời tại Văn bản số 4651/BGDĐT-GDTrH ngày 20/9/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau:
1. Đề nghị Bộ GDĐT cần nghiên cứu, cân nhắc để có quy định đưa môn Lịch sử thành môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông
Ngay từ khi có ý kiến đề nghị môn Lịch sử cấp trung học phổ thông phải được quy định là môn học bắt buộc (thay vì là môn học lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp) trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GDĐT đã có báo cáo gửi Thường trực Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về việc xây dựng Chương trình môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Báo cáo của Bộ GDĐT đã trình bày cụ thể về nội dung giáo dục lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (ban hành theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT): Ở giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9), giáo dục lịch sử là nội dung bắt buộc với tổng thời lượng là 280 tiết; ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12), môn Lịch sử là môn học lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp được bố trí trong tổ hợp khoa học xã hội với tổng thời lượng 210 tiết và các chuyên đề học tập lựa chọn với tổng thời lượng là 105 tiết. Với kết cấu như trên, cùng với yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã cụ thể hóa đầy đủ chủ trương đổi mới giáo dục lịch sử, thực hiện đầy đủ những quan điểm, mục tiêu và giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29-NQ/TW, phát triển con người toàn diện, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đồng thời, Bộ GDĐT đã tham dự các cuộc họp do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức để lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục và các đại biểu Quốc hội về nội dung giáo dục lịch sử trong giáo dục phổ thông. Ngoài ra, Bộ GDĐT đã tổ chức các buổi làm việc với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Ban phát triển Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Ban phát triển chương trình môn học Lịch sử cấp trung học phổ thông để nghiên cứu các phương án thực hiện môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông.
Ngày 16/6/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 63/2022/QH15 Kỳ họp thứ 3, trong đó có yêu cầu “Nghiên cứu ý kiến cử tri, Nhân dân và đại biểu Quốc hội, thiết kế môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp Trung học phổ thông, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh”. Thực hiện yêu cầu của Quốc hội, ngày 03/8/2022, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung Chương trình tổng thể trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT(chuyển môn Lịch sử từ môn học lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp trong nhóm khoa học xã hội thành môn học bắt buộc).
2. Đề nghị xem lại nội dung của sách giáo khoa tránh dàn trải, hay phương pháp giảng dạy của giáo viên chưa truyền cảm đối với học sinh, từ đó chưa thu hút học sinh học môn lịch sử
Sau khi Chương trình môn Lịch sử cấp trung học phổ thông được điều chỉnh, để kịp thời triển khai chương trình mới từ năm học 2022-2023, Bộ GDĐT đã xây dựng tài liệu và tập huấn cho cán bộ quản lí giáo dục và giáo viên dạy học môn Lịch sử trước khai giảng năm học mới, đồng thời tiếp tục chỉ đạo tăng cường truyền thông để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và xã hội hiểu sâu hơn về Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trên cơ sở đó, Bộ GDĐT tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả, thực hiện tốt yêu cầu đổi mới về nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục theo yêu cầu của Nghị quyết 29-NQ/TW.
Từ nhiều năm qua, Bộ GDĐT đã và đang chỉ đạo các trường trung học phổ thông tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Lịch sử: “Tăng cường khai thác và sử dụng các nguồn sử liệu khác nhau để tái hiện, phục dựng lịch sử một cách khoa học, khách quan, chân thực; đồng thời gắn với hoạt động thực hành, thực tiễn nhằm phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh trong dạy học Lịch sử”. Để nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử nhằm tạo động lực cho học sinh yêu thích môn Lịch sử và học tốt môn Lịch sử, Bộ GDĐT đã tổ chức Hội thảo toàn quốc về đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá cấp trung học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với môn học Lịch sử nhằm đánh giá thực trạng dạy học môn Lịch sử hiện nay ở trường phổ thông, đề xuất những giải pháp đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực nhằm nâng cao chất lượng dạy học và kiểm tra đánh giá đối với các môn học Lịch sử ở trường phổ thông.
Thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng cường đổi mới phương pháp, hình thức dạy học, tăng cường giáo dục lịch sử gắn với di sản, gắn với thực tiễn; đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra đánh giá và việc ra đề thi đảm bảo những yêu cầu cơ bản của chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình giáo dục phổ thông, đảm bảo sự phân hóa đúng mức các đối tượng học sinh.
Câu 10: Hiện nay, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do chi phí phân bón tăng cao. Để tạo điều kiện hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước và giảm bớt khó khăn cho nông dân, cử tri kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế VAT với mức thuế suất hợp lý để khấu trừ thuế các nguyên, vật liệu đầu vào và tăng thuế xuất khẩu phân bón; đồng thời, có chính sách khuyến khích sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ.
Theo nội dung trả lời tại Văn bản số 5687/BTC-NSNN ngày 15/6/2022 và Văn bản số 6566/BTC-CST ngày 08/7/2022 của Bộ Tài chính như sau:
- Về chính sách thuế giá trị gia tăng:
Theo khoản 3a Điều 5 Luật thuế GTGT hiện hành thì phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Thực hiện quy định trên, các doanh nghiệp sản xuất phân bón gặp khó khăn do không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm; bất lợi trong cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Do không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào nên không khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phân bón đầu tư, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định để tạo ra sản phẩm phân bón thế hệ mới, chất lượng cao. Do vậy, trong thời gian qua Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của Bộ Công Thương, Hiệp hội phân bón, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đề nghị chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 5%.
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất phân bón trong nước, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với phân bón theo đó đề nghị chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT 5% (Tờ trình số 570/TTr-CP ngày 29/10/2020 của Chính phủ).
Ngày 04/5/2021, Tổng Thư ký Quốc hội có Thông báo số 4357/TB-TTKQH thông báo kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 55, tháng 4/2021, Quốc hội khóa XIV, tại điểm 2 Thông báo về nội dung thuế suất thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón như sau: “Đề nghị nghiên cứu, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV để sửa đổi tổng thể các luật về thuế nhằm bảo đảm đồng bộ, thống nhất và theo đúng chiến lược cải cách về thuế. Trường hợp thật cần thiết Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật".
Hiện nay, thực hiện Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính đang thực hiện nghiên cứu, rà soát, đánh giá các luật thuế, trong đó có Luật thuế GTGT để báo cáo Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung vào thời điểm thích hợp đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế và phù hợp với Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 cũng như thông lệ quốc tế.
Căn cứ Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV: Chính phủ cần nghiên cứu, rà soát các Luật thuế: giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, thu nhập doanh nghiệp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 30/06/2022. Thực hiện theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, Bộ Tài chính hiện đang hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu rà soát Luật thuế giá trị gia tăng, trong đó có nội dung sửa đổi chính sách thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội.
- Về chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu:
Căn cứ quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, tại khoản 4 Điều 4 Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan quy định mặt hàng phân bón nếu có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm có thuế suất thuế xuất khẩu là 0%; Đối với mặt hàng phân bón nếu có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên có thuế suất thuế xuất khẩu 5%.
Trong thời gian gần đây, giá cả các nguyên liệu sản xuất phân bón trên thị trường thế giới và trong nước liên tục tăng. Theo đó, để góp phần hạ giá phân bón trong nước, ổn định nguồn cung, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo quản lý chặt chẽ, tránh gian lận trong quá trình thực hiện, căn cứ khung thuế suất quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 107/2016/QH13, Bộ Tài chính đã có công văn số 3662/BTC-CST ngày 21/4/2022 gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp về dự thảo Nghị định của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (dự thảo Nghị định), trong đó dự kiến trình Chính phủ quy định thống nhất một mức thuế suất thuế xuất khẩu là 5% đối với mặt hàng phân bón. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tổng hợp ý kiến các đơn vị và trình Chính phủ trong thời gian tới theo đúng quy trình của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
II. THÀNH PHỐ QUY NHƠN
Câu 1: Tại vị trí ngã tư Quốc lộ 1A giao với đường Trần Quốc Hoàn thuộc phường Trần Quang Diệu, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định vào mùa mưa lũ thường xuyên bị ngập lụt kéo dài gây nguy cơ tai nạn, ảnh hưởng đến các phương tiện tham gia giao thông (cử tri Bình Định đã kiến nghị từ sau kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV nhưng đến nay chưa được Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo khắc phục). Cử tri kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo ngành chức năng sớm khắc phục tình trạng trên để đảm bảo an toàn giao thông.
Theo nội dung trả lời tại Văn bản số 7680/BGTVT-KCHT ngày 28/7/2022 của Bộ Giao thông và Vận tải như sau:
Theo báo cáo của Tổng cục ĐBVN, việc khắc phục tình trạng ngập lụt tại vị trí ngã tư giao cắt giữa QL.1 với đường Trần Quốc Hoàn, phường Trần Quang Diệu, thành phố Quy Nhơn hiện đang được UBND tỉnh Bình Định triển khai Hạng mục xây dựng hệ thống thoát nước qua QL.1 tại nút giao Km1230+170, thành phố Quy Nhơn (Dự án). Cho đến nay thiết kế kỹ thuật của Dự án đã được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt (tại Quyết định số 2951/QĐ-UBND ngày 23/7/2020). Theo dự kiến Dự án hoàn thành xây dựng trong tháng 8/2022 và cơ bản khắc phục tình trạng ngập lụt tại ngã tư giao cắt giữa QL.1 với đường Trần Quốc Hoàn nêu trên.
Câu 1: Cử tri đã nhiều lần kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao sớm bàn giao Trụ sở làm việc cũ của Tòa án nhân dân huyện Tuy Phước (địa chỉ số 67, đường Đào Tấn, thị trấn Tuy Phước) và trụ sở làm việc cũ của Tòa án nhân dân huyện Tây Sơn (địa chỉ số 85, đường Phan Đình Phùng, thị trấn Phú Phong) cho địa phương quản lý, sử dụng. Cử tri tiếp tục kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao xem xét, phối hợp Bộ Tài chính sớm bàn giao lại trụ sở làm việc cũ của Tòa án nhân dân huyện Tuy Phước và huyện Tây Sơn cho địa phương quản lý, sử dụng tránh gây lãng phí tài sản công.
Về kiến nghị này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhận được 02 văn bản trả lời của Bộ Tài chính và Tòa án nhân dân tối cao, cụ thể:
1.1. Theo nội dung trả lời tại Văn bản số 184/TANDTC-KHTC ngày 10/8/2022 của Tòa án nhân dân tối cao như sau:
Ngày 24/01/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đã có Công văn số 433/UBND-KT gửi Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định về việc xử lý 02 cơ sở nhà đất nêu trên. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh không có cơ sở xem xét việc hỗ trợ kinh phí để bàn giao trụ sở làm việc cũ của Tòa án nhân dân huyện Tây Sơn và Phước Hòa và đề nghị chuyển giao 02 cơ sở nhà, đất này về địa phương quản lý, xử lý theo quy định.
Căn cứ đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định nêu trên, Tòa án nhân dân tối cao sẽ tổ chức rà soát, sắp xếp các trụ sở dôi dư và trình cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định.
1.2. Theo nội dung trả lời tại Văn bản số 5687/BTC-NSNN ngày 15/6/2022 của Bộ Tài chính như sau:
Bộ Tài chính đã có Văn bản số 4754/BTC-QLCS ngày 27/5/2022 đề nghị Tòa án nhân dân tối cao rà soát, lập phương án sắp xếp lại, xử lý đối với trụ sở làm việc (cũ và mới) của Tòa án nhân dân huyện Tuy Phước, Tòa án nhân dân huyện Tây Sơn theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP đảm bảo việc quản lý, sử dụng tài sản tiết kiệm, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật.
IV. HUYỆN TÂY SƠN
Câu 1: Mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang hiện nay quá thấp (1.490.000 đồng/tháng), qua nhiều năm chưa được điều chỉnh tăng, trong khi giá cả thị trường ngày càng tăng cao. Cử tri kiến nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, tăng mức lương cơ sở, đảm bảo đời sống, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Về kiến nghị này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhận được 02 văn bản trả lời của Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ, cụ thể:
1.1. Theo nội dung trả lời tại Văn bản số 5687/BTC-NSNN ngày 15/6/2022 của Bộ Tài chính như sau:
Theo quy định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp: “Từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị.”
Theo quy định tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025: “Tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 01 tháng 7 năm 2022”.
Tuy nhiên, do tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19, nên ngân sách chưa cân đối được nguồn để thực hiện chính sách cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2022; vì vậy, Chính phủ đã trình và Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022: "Lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội; ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995”. Như vậy, năm 2022 chưa thực hiện chính sách cải cách tiền lương. Vấn đề này sẽ được các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền trong thời gian tới.
1.2. Theo nội dung trả lời tại Văn bản số 3714/BNV-TL ngày 05/8/2022 của Bộ Nội vụ như sau:
Căn cứ Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong đó đã phân công nhiệm vụ cho các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng cụ thể các nội dung của chế độ tiền lương mới để thực hiện từ năm 2021 theo lộ trình ghi tại Nghị quyết số 27-NQ/TW. Tuy nhiên, do tác động của nhiều yếu tố bất lợi, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên Hội nghị Trung ương 13 khoá XII và Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã chỉ đạo lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW vào thời điểm phù hợp. Theo đó, trong các Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước từ năm 2020 đến năm 2022 (Nghị quyết số 122/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020, Nghị quyết số 128/2020/QH14 ngày 12 tháng 11 năm 2020 và Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021) thì trong năm 2020, năm 2021 và năm 2022 chưa bố trí kinh phí để tăng lương và phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức (bao gồm cả cán bộ, công chức cấp xã) và lực lượng vũ trang.
Trong thời gian từ nay đến khi thực hiện chế độ tiền lương mới, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới; đồng thời căn cứ tình hình kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước năm 2022 và những năm tiếp theo trình Chính phủ để báo cáo Trung ương và Quốc hội thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương để tăng lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, bảo đảm phù hợp với yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương.
Câu 2: Hiện nay, tại thôn Hữu Giang, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định có hơn 500 hộ dân, với hơn 2.700 nhân khẩu đang gặp nhiều khó khăn trong việc kết nối, qua lại với các vùng xung quanh do bị chia cắt bởi Sông Kôn với khẩu độ khá rộng trên 1 km; hằng ngày người dân và học sinh nơi đây phải đi đò để qua sông nên không an toàn về tính mạng, nhất là vào mùa mưa lũ. Việc xây dựng cầu Hữu Giang, xã Tây Giang bắc qua sông Kôn là hết sức cần thiết nhằm tạo điều kiện cho nhân dân đi lại được thuận lợi, đảm bảo an toàn tính mạng và góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở định phương. Nhưng kinh phí xây dựng quá lớn, khả năng ngân sách tỉnh không đảm bảo. Cử tri kiến nghị Trung ương xem xét, hỗ trợ kinh phí để sớm xây dựng cầu Hữu Giang, xã Tây Giang bắc qua sông Kôn.
Theo nội dung trả lời tại Văn bản số 7659/BGTVT-KHĐT ngày 28/7/2022 của Bộ Giao thông và Vận tải như sau:
Bộ Giao thông vận tải thống nhất về sự cần thiết đầu tư xây dựng cầu Hữu Giang bắc qua sông Kôn nhằm tạo điều kiện cho nhân dân đi lại được thuận lợi, phục vụ kịp thời công tác cứu hộ, cứu nạn khi có bão lũ xảy ra và góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, do đây là dự án thuộc thẩm quyền quản lý, đầu tư của địa phương. Vì vậy, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định chuyển kiến nghị của cử tri tới Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định để xem xét, chủ động cân đối ngân sách địa phương đầu tư. Về kinh phí đề nghị hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định nghiên cứu, đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định để giải quyết các vấn đề liên quan đến giao thông vận tải trên địa bàn.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã làm việc với UBND tỉnh về nội dung kiến nghị này và thông báo cử tri biết: UBND tỉnh đã bố trí vốn để đầu tư xây dựng cầu Hữu Giang bắc qua sông Kôn trong Kế hoạch Đầu tư công trung hạn.
Câu 3: Hiện nay, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do chi phí phân bón tăng cao. Để tạo điều kiện hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước và giảm bớt khó khăn cho nông dân, cử tri kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế VAT với mức thuế suất hợp lý để khấu trừ thuế các nguyên, vật liệu đầu vào và tăng thuế xuất khẩu phân bón; đồng thời, có chính sách khuyến khích sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ.
Theo nội dung trả lời tại Văn bản số 5687/BTC-NSNN ngày 15/6/2022 và Văn bản số 6566/BTC-CST ngày 08/7/2022 của Bộ Tài chính như sau:
- Về chính sách thuế giá trị gia tăng:
Theo khoản 3a Điều 5 Luật thuế GTGT hiện hành thì phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Thực hiện quy định trên, các doanh nghiệp sản xuất phân bón gặp khó khăn do không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm; bất lợi trong cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Do không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào nên không khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phân bón đầu tư, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định để tạo ra sản phẩm phân bón thế hệ mới, chất lượng cao. Do vậy, trong thời gian qua Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của Bộ Công Thương, Hiệp hội phân bón, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đề nghị chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 5%.
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất phân bón trong nước, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với phân bón theo đó đề nghị chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT 5% (Tờ trình số 570/TTr-CP ngày 29/10/2020 của Chính phủ).
Ngày 04/5/2021, Tổng Thư ký Quốc hội có Thông báo số 4357/TB-TTKQH thông báo kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 55, tháng 4/2021, Quốc hội khóa XIV, tại điểm 2 Thông báo về nội dung thuế suất thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón như sau: “Đề nghị nghiên cứu, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV để sửa đổi tổng thể các luật về thuế nhằm bảo đảm đồng bộ, thống nhất và theo đúng chiến lược cải cách về thuế. Trường hợp thật cần thiết Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật".
Hiện nay, thực hiện Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính đang thực hiện nghiên cứu, rà soát, đánh giá các luật thuế, trong đó có Luật thuế GTGT để báo cáo Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung vào thời điểm thích hợp đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế và phù hợp với Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 cũng như thông lệ quốc tế.
Căn cứ Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV: Chính phủ cần nghiên cứu, rà soát các Luật thuế: giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, thu nhập doanh nghiệp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 30/06/2022. Thực hiện theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, Bộ Tài chính hiện đang hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu rà soát Luật thuế giá trị gia tăng, trong đó có nội dung sửa đổi chính sách thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội.
- Về chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu:
Căn cứ quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, tại khoản 4 Điều 4 Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan quy định mặt hàng phân bón nếu có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm có thuế suất thuế xuất khẩu là 0%; Đối với mặt hàng phân bón nếu có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên có thuế suất thuế xuất khẩu 5%.
Trong thời gian gần đây, giá cả các nguyên liệu sản xuất phân bón trên thị trường thế giới và trong nước liên tục tăng. Theo đó, để góp phần hạ giá phân bón trong nước, ổn định nguồn cung, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo quản lý chặt chẽ, tránh gian lận trong quá trình thực hiện, căn cứ khung thuế suất quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 107/2016/QH13, Bộ Tài chính đã có công văn số 3662/BTC-CST ngày 21/4/2022 gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp về dự thảo Nghị định của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (dự thảo Nghị định), trong đó dự kiến trình Chính phủ quy định thống nhất một mức thuế suất thuế xuất khẩu là 5% đối với mặt hàng phân bón. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tổng hợp ý kiến các đơn vị và trình Chính phủ trong thời gian tới theo đúng quy trình của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Câu 4: Cử tri đã nhiều lần kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao sớm bàn giao Trụ sở làm việc cũ của Tòa án nhân dân huyện Tuy Phước (địa chỉ số 67, đường Đào Tấn, thị trấn Tuy Phước) và trụ sở làm việc cũ của Tòa án nhân dân huyện Tây Sơn (địa chỉ số 85, đường Phan Đình Phùng, thị trấn Phú Phong) cho địa phương quản lý, sử dụng. Cử tri tiếp tục kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao xem xét, phối hợp Bộ Tài chính sớm bàn giao lại trụ sở làm việc cũ của Tòa án nhân dân huyện Tuy Phước và huyện Tây Sơn cho địa phương quản lý, sử dụng tránh gây lãng phí tài sản công.
Về kiến nghị này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhận được 02 văn bản trả lời của Bộ Tài chính và Tòa án nhân dân tối cao, cụ thể:
4.1. Theo nội dung trả lời tại Văn bản số 184/TANDTC-KHTC ngày 10/8/2022 của Tòa án nhân dân tối cao như sau:
Ngày 24/01/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đã có Công văn số 433/UBND-KT gửi Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định về việc xử lý 02 cơ sở nhà đất nêu trên. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh không có cơ sở xem xét việc hỗ trợ kinh phí để bàn giao trụ sở làm việc cũ của Tòa án nhân dân huyện Tây Sơn và Phước Hòa và đề nghị chuyển giao 02 cơ sở nhà, đất này về địa phương quản lý, xử lý theo quy định.
Căn cứ đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định nêu trên, Tòa án nhân dân tối cao sẽ tổ chức rà soát, sắp xếp các trụ sở dôi dư và trình cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định.
4.2. Theo nội dung trả lời tại Văn bản số 5687/BTC-NSNN ngày 15/6/2022 của Bộ Tài chính như sau:
Bộ Tài chính đã có Văn bản số 4754/BTC-QLCS ngày 27/5/2022 đề nghị Tòa án nhân dân tối cao rà soát, lập phương án sắp xếp lại, xử lý đối với trụ sở làm việc (cũ và mới) của Tòa án nhân dân huyện Tuy Phước, Tòa án nhân dân huyện Tây Sơn theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP đảm bảo việc quản lý, sử dụng tài sản tiết kiệm, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật.
Câu 5: Việc triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc – Nam có ý nghĩa rất lớn trong việc kết nối, vận tải hàng hóa, hành khách, rút ngắn thời gian đi lại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, cử tri và nhân dân rất đồng tình ủng hộ. Bên cạnh đó, cử tri kiến nghị Chính Phủ chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra, khảo sát thực tế tại địa phận xã Tây An, huyện Tây sơn, tỉnh Bình Định để thiết kế lại tuyến đường cao tốc cho phù hợp vì theo thiết kế được duyệt như hiện nay sẽ gây ngập úng, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân (Kiến nghị sau Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV).
Nội dung trả lời tại Văn bản số 9403/BGTVT-CQLXD ngày 14/9/2022 của Bộ Giao thông vận tải như sau:
Bộ GTVT đồng thuận với kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định về Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Dự án) sau khi hoàn thành sẽ có ý nghĩa rất lớn, tạo kết nối, vận tải hàng hóa, hành khách, rút ngắn thời gian đi lại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm. Thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã tập trung, quyết liệt, chỉ đạo các Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan nỗ lực triển khai thực hiện, đến nay đã hoàn thành công tác phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi toàn bộ các dự án thành phần thuộc Dự án, đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Trong quá trình nghiên cứu, phê duyệt Dự án (Dự án thành phần đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông triển khai trong giai đoạn 2021 – 2025), Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban QLDA 85 (Chủ đầu tư bước lập BCNCKT), đơn vị tư vấn (Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo thuộc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam - Bộ NN & PTNT) khảo sát, điều tra số liệu (lưu vực sông Kôn), đánh giá khả năng ngập úng do mưa lũ và tính toán, xác định vị trí, khẩu độ các công trình cầu, cống,... đảm bảo yêu cầu về thuỷ lợi, thoát nước, thoát lũ trên toàn Dự án. Đối với đoạn tuyến cao tốc qua xã Tây An, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định (từ Km53+500 đến Km57+600, khoảng 4,1km) đã bố trí 12 cống thủy lợi, 03 cầu và 06 cống thoát nước nên đảm bảo không gây ngập úng và không làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân khu vực.
Đồng thời, Hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi, phương án thiết kế tuyến, bố trí các công trình cầu, cống thoát nước, hầm chui, đường gom dân sinh,... đã có ý kiến thỏa thuận, thống nhất của cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương và UBND tỉnh Bình Định. Việc bố trí các công trình thoát nước, thoát lũ của Dự án đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Định kiểm tra, rà soát và thống nhất tại Văn bản số 1443/SNN-TL ngày 13/6/2022.
Tiếp thu ý kiến phản ảnh của cử tri tỉnh Bình Định nêu trên, trong thời gian tới Bộ GTVT sẽ tiếp tục chỉ đạo Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với địa phương, hoàn thiện phương án thiết kế, đảm bảo các mục tiêu, yêu cầu kinh tế - kỹ thuật, đồng thời không làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân.
Câu 6: Hiện nay, giá xăng, dầu tăng cao đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, sản xuất của doanh nghiệp và tạo sức ép đến nền kinh tế. Cử tri kiến nghị các ngành chức năng sớm có biện pháp hữu hiệu điều chỉnh bình ổn giá xăng, dầu (cử tri xã Tây Bình kiến nghị sau Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV).
Nội dung trả lời tại Văn bản số 8625/BTC-CST ngày 29/8/2022 của Bộ Tài chính như sau:
1. Về chính sách thuế đối với xăng dầu
Trước bối cảnh giá dầu thế giới và giá xăng dầu thành phẩm thế giới liên tục tăng dẫn đến giá xăng dầu trong nước tăng cao thời gian qua, để góp phần ổn định giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, Bộ Tài chính đã và đang trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh chính sách thuế đối với xăng dầu, cụ thể như sau:
1.1. Về thuế bảo vệ môi trường
- Giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022 (từ 3.000 đồng/lít xuống còn 1.500 đồng/lít) theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của Ủy ban Thưởng vụ Quốc hội (UBTVQH).
- Giảm 70% mức thuế BVMT đối với dầu hỏa và giảm 50% mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (trừ nhiên liệu bay) từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022 theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 của UBTVQH.
Theo tính toán, ước tác động giảm thu Ngân sách nhà nước (NSNN) theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 và Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 là 25.538 tỷ đồng.
- Giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống bằng mức trong khung thuế BVMT từ ngày 11/7/2022 đến hết ngày 31/12/2022 theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 ngày 06/7/2022 của UBTVQH (thay thế Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/0222 và Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của UBTVQH).
Theo tính toán, ước tác động giảm thu NSNN theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 khoảng 7.950 tỷ đồng (đã bao gồm cả thuế giá trị gia tăng). Theo đó, tổng giảm thu NSNN do việc giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2022 (gồm Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15; Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 và Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15) khoảng 33.488 tỷ đồng.
Với việc giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất và giả định các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi so với kỳ điều hành ngày 11/8/2022 thì tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu còn khoảng 19,94% đối với xăng E5RON92, khoảng 22,34% đối với xăng RON95 và khoảng 11,51% đối với dầu diesel.
Về kiến nghị miễn thuế BVMT đối với xăng dầu: Thuế BVMT là thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Mục đích của chính sách thuế BVMT là nhằm hạn chế việc nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng các hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm với môi trường, khuyến khích sản xuất và sử dụng các hàng hóa thân thiện với môi trường, giảm phát thải ô nhiễm tại nguồn, nâng cao ý thức BVMT của toàn xã hội; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường. Theo đó, Luật thuế BVMT không có quy định miễn thuế BVMT.
1.2. Về thuế nhập khẩu
Để đa dạng hóa nguồn cung xăng nhập khẩu cho thị trường trong nước (tránh bị động bởi phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN), đồng thời đảm bảo mức chênh lệch phù hợp với mức thuế suất theo các Hiệp định thương mại tư do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP ngày 08/8/2022 để sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi từ mức thuế suất 20% xuống mức thuế suất 10%.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang rà soát, tham mưu và sớm báo cáo Chính phủ phương án điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu (MFN) phù hợp đối với nguyên vật liệu đầu vào khác phục vụ sản xuất nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong nước, đảm bảo tuân thủ nguyên tắc ban hành Biểu thuế suất quy định tại Điều 10 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13.
1.3. Về thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng
Ngày 07/7/2022, Tổng Thư ký Quốc hội đã có Thông báo số 1265/TB-TTKQH về kết luận của UBTVQH về dự án Nghị quyết về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (tại phiên họp ngày 06/7/2022), trong đó đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu các nội dung liên quan đến thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, dầu để trình Quốc hội xem xét, quyết định phù hợp trong trường hợp giá xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn giữ ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế, đời sống người dân và tăng trưởng nền kinh tế.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBTVQH, hiện nay Bộ Tài chính đang theo dõi sát giá xăng dầu thế giới và tình hình giá xăng dầu trong nước để phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương báo cáo các cấp có thẩm quyền phương án phù hợp.
2. Về chính sách bình ổn giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu để ổn định đời sống của nhân dân:
Trước bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu có xu hướng ngày càng gia tăng gây áp lực lên mặt bằng giá cả trong nước, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã có các văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp kinh tế vĩ mô như bảo đảm nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu và nguyên vật liệu đầu vào quan trọng của sản xuất, giữ ổn định giá các mặt hàng nhà nước định giá,. từ đó giúp hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Đến nay, mặt bằng giá cơ bản vẫn được kiểm soát, CPI bình quân 7 tháng đầu năm tăng 2,54%, lạm phát cơ bản 7 tháng đầu năm tăng 1,44%.
Bên cạnh đó, trước việc giá xăng dầu giảm mạnh trong tháng 7/2022 nhưng giá nhiều mặt hàng vẫn có xu hướng tăng giá, Bộ Tài chính đã tham mưu các biện pháp tăng cường quản lý, điều hành giá trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương kiểm soát chặt giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh trong các kỳ điều hành vừa qua.
Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2022, Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, thường xuyên theo sát tình hình chung, tham mưu chính sách, kịch bản phù hợp, linh hoạt, kịp thời nhất là đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá. Đối với việc quản lý giá các mặt hàng cụ thể (nhất là các mặt hàng đang có biến động như xăng dầu, cước phí vận tải, vật liệu xây dựng, vật tư và sản phẩm nông nghiệp, giá dịch vụ cộng trong lĩnh vực giáo dục, y tế), các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ. Trong trường hợp có biến động lớn về giá, căn cứ quy định tại Luật giá để đề xuất và tổ chức triển khai các biện pháp bình ổn giá phù hợp. Đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, cần tính toán kỹ phương án, đánh giá tác động đến mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát để có phương án điều hành cụ thể để báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá, Thủ tưởng Chính phủ xem xét, quyết định.
. HUYỆN VĨNH THẠNH
Câu 1: Mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang hiện nay quá thấp (1.490.000 đồng/tháng), qua nhiều năm chưa được điều chỉnh tăng, trong khi giá cả thị trường ngày càng tăng cao. Cử tri kiến nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, tăng mức lương cơ sở, đảm bảo đời sống, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (Cử tri xã Vĩnh Thịnh kiến nghị sau Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV).
Về kiến nghị này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhận được 02 văn bản trả lời của Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ, cụ thể:
1.1. Theo nội dung trả lời tại Văn bản số 5687/BTC-NSNN ngày 15/6/2022 của Bộ Tài chính như sau:
Theo quy định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp: “Từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị.”
Theo quy định tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025: “Tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 01 tháng 7 năm 2022”.
Tuy nhiên, do tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19, nên ngân sách chưa cân đối được nguồn để thực hiện chính sách cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2022; vì vậy, Chính phủ đã trình và Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022: "Lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội; ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995”. Như vậy, năm 2022 chưa thực hiện chính sách cải cách tiền lương. Vấn đề này sẽ được các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền trong thời gian tới.
1.2. Theo nội dung trả lời tại Văn bản số 3714/BNV-TL ngày 05/8/2022 của Bộ Nội vụ như sau:
Căn cứ Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong đó đã phân công nhiệm vụ cho các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng cụ thể các nội dung của chế độ tiền lương mới để thực hiện từ năm 2021 theo lộ trình ghi tại Nghị quyết số 27-NQ/TW. Tuy nhiên, do tác động của nhiều yếu tố bất lợi, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên Hội nghị Trung ương 13 khoá XII và Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã chỉ đạo lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW vào thời điểm phù hợp. Theo đó, trong các Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước từ năm 2020 đến năm 2022 (Nghị quyết số 122/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020, Nghị quyết số 128/2020/QH14 ngày 12 tháng 11 năm 2020 và Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021) thì trong năm 2020, năm 2021 và năm 2022 chưa bố trí kinh phí để tăng lương và phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức (bao gồm cả cán bộ, công chức cấp xã) và lực lượng vũ trang.
Trong thời gian từ nay đến khi thực hiện chế độ tiền lương mới, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới; đồng thời căn cứ tình hình kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước năm 2022 và những năm tiếp theo trình Chính phủ để báo cáo Trung ương và Quốc hội thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương để tăng lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, bảo đảm phù hợp với yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương.
Câu 2: Hiện nay, giá xăng, dầu tăng cao đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, sản xuất của doanh nghiệp và tạo sức ép đến nền kinh tế. Cử tri kiến nghị các ngành chức năng sớm có biện pháp hữu hiệu điều chỉnh bình ổn giá xăng, dầu (cử tri xã Vĩnh Thịnh kiến nghị sau Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV).
Nội dung trả lời tại Văn bản số 8625/BTC-CST ngày 29/8/2022 của Bộ Tài chính như sau:
1. Về chính sách thuế đối với xăng dầu
Trước bối cảnh giá dầu thế giới và giá xăng dầu thành phẩm thế giới liên tục tăng dẫn đến giá xăng dầu trong nước tăng cao thời gian qua, để góp phần ổn định giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, Bộ Tài chính đã và đang trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh chính sách thuế đối với xăng dầu, cụ thể như sau:
1.1. Về thuế bảo vệ môi trường
- Giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022 (từ 3.000 đồng/lít xuống còn 1.500 đồng/lít) theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của Ủy ban Thưởng vụ Quốc hội (UBTVQH).
- Giảm 70% mức thuế BVMT đối với dầu hỏa và giảm 50% mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (trừ nhiên liệu bay) từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022 theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 của UBTVQH.
Theo tính toán, ước tác động giảm thu Ngân sách nhà nước (NSNN) theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 và Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 là 25.538 tỷ đồng.
- Giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống bằng mức trong khung thuế BVMT từ ngày 11/7/2022 đến hết ngày 31/12/2022 theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 ngày 06/7/2022 của UBTVQH (thay thế Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/0222 và Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của UBTVQH).
Theo tính toán, ước tác động giảm thu NSNN theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 khoảng 7.950 tỷ đồng (đã bao gồm cả thuế giá trị gia tăng). Theo đó, tổng giảm thu NSNN do việc giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2022 (gồm Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15; Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 và Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15) khoảng 33.488 tỷ đồng.
Với việc giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất và giả định các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi so với kỳ điều hành ngày 11/8/2022 thì tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu còn khoảng 19,94% đối với xăng E5RON92, khoảng 22,34% đối với xăng RON95 và khoảng 11,51% đối với dầu diesel.
Về kiến nghị miễn thuế BVMT đối với xăng dầu: Thuế BVMT là thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Mục đích của chính sách thuế BVMT là nhằm hạn chế việc nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng các hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm với môi trường, khuyến khích sản xuất và sử dụng các hàng hóa thân thiện với môi trường, giảm phát thải ô nhiễm tại nguồn, nâng cao ý thức BVMT của toàn xã hội; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường. Theo đó, Luật thuế BVMT không có quy định miễn thuế BVMT.
1.2. Về thuế nhập khẩu
Để đa dạng hóa nguồn cung xăng nhập khẩu cho thị trường trong nước (tránh bị động bởi phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN), đồng thời đảm bảo mức chênh lệch phù hợp với mức thuế suất theo các Hiệp định thương mại tư do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP ngày 08/8/2022 để sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi từ mức thuế suất 20% xuống mức thuế suất 10%.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang rà soát, tham mưu và sớm báo cáo Chính phủ phương án điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu (MFN) phù hợp đối với nguyên vật liệu đầu vào khác phục vụ sản xuất nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong nước, đảm bảo tuân thủ nguyên tắc ban hành Biểu thuế suất quy định tại Điều 10 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13.
1.3. Về thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng
Ngày 07/7/2022, Tổng Thư ký Quốc hội đã có Thông báo số 1265/TB-TTKQH về kết luận của UBTVQH về dự án Nghị quyết về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (tại phiên họp ngày 06/7/2022), trong đó đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu các nội dung liên quan đến thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, dầu để trình Quốc hội xem xét, quyết định phù hợp trong trường hợp giá xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn giữ ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế, đời sống người dân và tăng trưởng nền kinh tế.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBTVQH, hiện nay Bộ Tài chính đang theo dõi sát giá xăng dầu thế giới và tình hình giá xăng dầu trong nước để phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương báo cáo các cấp có thẩm quyền phương án phù hợp.
2. Về chính sách bình ổn giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu để ổn định đời sống của nhân dân:
Trước bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu có xu hướng ngày càng gia tăng gây áp lực lên mặt bằng giá cả trong nước, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã có các văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp kinh tế vĩ mô như bảo đảm nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu và nguyên vật liệu đầu vào quan trọng của sản xuất, giữ ổn định giá các mặt hàng nhà nước định giá,. từ đó giúp hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Đến nay, mặt bằng giá cơ bản vẫn được kiểm soát, CPI bình quân 7 tháng đầu năm tăng 2,54%, lạm phát cơ bản 7 tháng đầu năm tăng 1,44%.
Bên cạnh đó, trước việc giá xăng dầu giảm mạnh trong tháng 7/2022 nhưng giá nhiều mặt hàng vẫn có xu hướng tăng giá, Bộ Tài chính đã tham mưu các biện pháp tăng cường quản lý, điều hành giá trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương kiểm soát chặt giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh trong các kỳ điều hành vừa qua.
Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2022, Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, thường xuyên theo sát tình hình chung, tham mưu chính sách, kịch bản phù hợp, linh hoạt, kịp thời nhất là đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá. Đối với việc quản lý giá các mặt hàng cụ thể (nhất là các mặt hàng đang có biến động như xăng dầu, cước phí vận tải, vật liệu xây dựng, vật tư và sản phẩm nông nghiệp, giá dịch vụ cộng trong lĩnh vực giáo dục, y tế), các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ. Trong trường hợp có biến động lớn về giá, căn cứ quy định tại Luật giá để đề xuất và tổ chức triển khai các biện pháp bình ổn giá phù hợp. Đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, cần tính toán kỹ phương án, đánh giá tác động đến mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát để có phương án điều hành cụ thể để báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá, Thủ tưởng Chính phủ xem xét, quyết định.
VI. THỊ XÃ AN NHƠN
Câu 1: Hiện nay, một số Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chuyển từ hình thức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc giao đất không thu tiền sử dụng đất sang hình thức Nhà nước cho thuê đất. Nhưng thời gian thực hiện sau ngày 01 tháng 7 năm 2014 nên không được hưởng chính sách ưu đãi tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và Nghị định số 135/2016/NĐ-CP ngày 09/9/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuế mặt nước. Cử tri kiến nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ xem xét cho các đối tượng này được hưởng chính sách ưu đãi tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định 46/2014/NĐ-CP và Nghị định số 135/2016/NĐ-CP, vì hiện nay hoạt động của các Hợp tác xã nông nghiệp này còn gặp nhiều khó khăn (Kiến nghị của cử tri xã Nhơn Thọ).
Theo nội dung trả lời tại Văn bản số 5687/BTC-NSNN ngày 15/6/2022 của Bộ Tài chính như sau:
Hiện nay, ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất đối với hợp tác xã nông nghiệp được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 135/2016/NĐ-CP ngày 09/9/2016, Nghị định số 123/2017/NĐ-CP ngày 14/11/2017 của Chính phủ). Theo đó, tại khoản 6 Điều 19, khoản 16, 17 Điều 31 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP (được bổ sung tại khoản 8 Điều 3 Nghị định số 135/2016/NĐ-CP) quy định: Người thuê đất, thuê mặt nước chỉ được hưởng ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước sau khi làm các thủ tục để được miễn, giảm theo quy định; đồng thời có quy định xử lý chuyển tiếp đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trước ngày 01/7/2014 nhưng sau ngày 01/7/2014 mới nộp hồ sơ đề nghị miễn tiền thuê đất “Trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 nhưng sau ngày 01 tháng 7 năm 2014 mới nộp hồ sơ đề nghị miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản thì được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản tối đa không quá 03 năm kể từ ngày có Quyết định thuê đất hoặc thời điểm được bàn giao đất thực tế; người thuê đất phải nộp hồ sơ đề nghị miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục miễn, giảm trước ngày 01 tháng 01 năm 2017, quá thời hạn này người thuê đất mới nộp hồ sơ đề nghị miễn tiền thuê đất thì chỉ được xét miễn tiền thuê đất cho thời gian còn lại (nếu có) tính từ thời điểm nộp hồ sơ theo quy định. Trường hợp đã nộp tiền thuê đất trong khoảng thời gian được miễn tiền thuê đất thì được trừ vào số tiền thuê đất phải nộp của những năm tiếp theo”.
Vì vậy, đề nghị Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương để xác định từng trường hợp cụ thể để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Câu 2: Kè sông Trường Thi dài trên 3 km, thuộc công trình cấp bách, do Ban Quản lý dự án Nông nghiệp tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư thi công năm 1999, hoàn thành năm 2000 đã hạn chế sạt lở bờ sông và góp phần chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, còn 200m dưới mố cầu đường sắt (trong hành lang an toàn giao thông đường sắt thuộc Cục đường sắt Việt Nam quản lý) đoạn qua phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, hiện nay đang bị sạt lở nặng, rất nguy hiểm. Cử tri kiến nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm chỉ đạo ngành chức năng sớm triển khai xây dựng đoạn kè sông này để tránh sạt lở vào mùa mưa lũ (Kiến nghị của cử tri phường Nhơn Hòa).
Theo nội dung trả lời tại Văn bản số 8179/BGTVT-KCHT ngày 10/8/2022 của Bộ Giao thông và Vận tải như sau:
Bộ GTVT đồng thuận với kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định về việc triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hoàn thiện Đoạn kè bờ sông tại vị trí cầu đường sắt Tân An nêu trên. Đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định chuyển kiến nghị của cử tri nêu trên tới UBND tỉnh Bình Định xem xét bố trí kinh phí của địa phương và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các thủ tục đầu tư theo quy định để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện 200m kè sông dưới mố cầu nêu trên theo thẩm quyền.
Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Cục ĐSVN với Tổng công ty ĐSVN phối hợp với cơ quan chức năng của địa phương trong quá trình triển khai Dự án.
Câu 3: Theo khoản 6, Điều 2 Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ, quy định: “Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có không quá 03 người được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước và chỉ áp dụng đối với các chức danh: Bí thư Chi bộ; Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố; Trưởng Ban công tác mặt trận”. Nên hiện nay tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định không bố trí Phó Trưởng thôn, Phó Trưởng khu phố. Vì vậy, trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở cấp thôn, khu phố gặp nhiều khó khăn nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa cách nhau hàng chục kilômet; Hơn nữa, Trưởng thôn, Trưởng khu phố đa số là những người đã về hưu, lớn tuổi, có lúc đi vắng lâu ngày hoặc ốm đau dài ngày thì không có người thay thế. Đề nghị Bộ Nội vụ kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung 01 Phó Trưởng thôn hoặc 01 Phó Trưởng khu phố được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước để việc triển khai các nhiệm vụ chính trị ở cấp thôn, khu phố đạt hiệu quả cao.
Theo nội dung trả lời tại Văn bản số 3714/BNV-TL ngày 05/8/2022 và Văn bản số 4154/BNV-CQĐP ngày 27/8/2022 của Bộ Nội vụ như sau:
Tại Khoản 5 và Khoản 6 Điều 2 Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (sửa đổi, bổ sung Điều 14 và Điều 14a Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã) đã quy định chế độ phụ cấp và khoán kinh phí đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và được hướng dẫn tại Khoản 2 và 3 Điều 13 Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Theo đó, việc quy định các chế độ, tiêu chuẩn, định mức đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố ngoài mức khoán theo quy định của Chính phủ thì do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước.
Bộ Nội vụ đang tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và cử tri (trong đó có cử tri tỉnh Bình Định) để trình cấp có thẩm quyền xem xét hoàn thiện thể chế về chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố cho phù hợp. Trong thời gian chưa sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành của pháp luật, đề nghị tỉnh Bình Định thực hiện số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố thuộc phạm vi quản lý theo đúng quy định tạ Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xá, ở thôn, tổ dân phố.
Câu 4: Trong thời gian qua, theo nhu cầu của các đơn vị Trung ương trên địa bàn tỉnh, địa phương đã giao đất để xây dựng trụ sở làm việc mới và các đơn vị Trung ương cũng thống nhất sau khi xây dựng xong trụ sở mới sẽ bàn giao lại trụ sở cũ cho địa phương quản lý, sử dụng. Tuy nhiên đến nay, Bảo hiểm xã hội thị xã An Nhơn đã được BHXH Việt Nam đầu tư xây dựng trụ sở mới và đưa vào sử dụng từ ngày 30/12/2020, hiện trụ sở cũ tại địa chỉ số 77 Lê Hồng Phong, phường Bình Định, thị xã An Nhơn đang để trống, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản báo cáo và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương quan tâm xem xét, chuyển giao nhà và đất của các trụ sở cũ về địa phương để quản lý, sử dụng nhưng chưa được giải quyết. Cử tri kiến nghị các bộ, ngành liên quan phối hợp, xem xét, chuyển giao lại trụ sở làm việc cũ của Bảo hiểm xã hội thị xã An Nhơn để địa phương quản lý, sử dụng, bố trí cho các cơ quan, đơn vị của địa phương đang thiếu trụ sở làm việc, tránh gây lãng phí tài sản công.
Theo nội dung trả lời tại Văn bản số 5687/BTC-NSNN ngày 15/6/2022 của Bộ Tài chính như sau:
Ngày 25/5/2021, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bình Định có Văn bản số 806/BHXH-KHTC đề nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam bàn giao trụ sở làm việc cũ trên cho địa phương.
Đến nay, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chưa có phương án sắp xếp, xử lý cơ sở nhà, đất trên gửi Bộ Tài chính. Vì vậy, Bộ Tài chính chưa có cơ sở xem xét, xử lý theo quy định của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Câu 5: Mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang hiện nay quá thấp (1.490.000 đồng/tháng), qua nhiều năm chưa được điều chỉnh tăng, trong khi giá cả thị trường ngày càng tăng cao. Cử tri kiến nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, tăng mức lương cơ sở, đảm bảo đời sống, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (Cử tri phường Nhơn Hưng kiến nghị sau Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV).
Về kiến nghị này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhận được 02 văn bản trả lời của Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ, cụ thể:
1.1. Theo nội dung trả lời tại Văn bản số 5687/BTC-NSNN ngày 15/6/2022 của Bộ Tài chính như sau:
Theo quy định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp: “Từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị.”
Theo quy định tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025: “Tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 01 tháng 7 năm 2022”.
Tuy nhiên, do tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19, nên ngân sách chưa cân đối được nguồn để thực hiện chính sách cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2022; vì vậy, Chính phủ đã trình và Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022: "Lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội; ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995”. Như vậy, năm 2022 chưa thực hiện chính sách cải cách tiền lương. Vấn đề này sẽ được các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền trong thời gian tới.
1.2. Theo nội dung trả lời tại Văn bản số 3714/BNV-TL ngày 05/8/2022 của Bộ Nội vụ như sau:
Căn cứ Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong đó đã phân công nhiệm vụ cho các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng cụ thể các nội dung của chế độ tiền lương mới để thực hiện từ năm 2021 theo lộ trình ghi tại Nghị quyết số 27-NQ/TW. Tuy nhiên, do tác động của nhiều yếu tố bất lợi, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên Hội nghị Trung ương 13 khoá XII và Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã chỉ đạo lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW vào thời điểm phù hợp. Theo đó, trong các Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước từ năm 2020 đến năm 2022 (Nghị quyết số 122/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020, Nghị quyết số 128/2020/QH14 ngày 12 tháng 11 năm 2020 và Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021) thì trong năm 2020, năm 2021 và năm 2022 chưa bố trí kinh phí để tăng lương và phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức (bao gồm cả cán bộ, công chức cấp xã) và lực lượng vũ trang.
Trong thời gian từ nay đến khi thực hiện chế độ tiền lương mới, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới; đồng thời căn cứ tình hình kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước năm 2022 và những năm tiếp theo trình Chính phủ để báo cáo Trung ương và Quốc hội thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương để tăng lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, bảo đảm phù hợp với yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương.
VII. HUYỆN PHÙ CÁT
Câu 1: Hiện nay, tuyến tránh Quốc lộ 1, đoạn qua thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định đang bị hư hỏng, chất lượng mặt đường xuống cấp, thường xảy ra ngập úng đoạn qua khu An Kiều, An Phong vào mùa mưa; bên cạnh đó, cầu Suối Khó không có lan can cầu, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. Cử tri kiến nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm chỉ đạo ngành chức năng sớm thực hiện nâng cấp mặt đường, xây dựng hệ thống thoát nước và xây dựng lan can cầu Suối Khó trên tuyến đường này (Kiến nghị của cử tri thị trấn Ngô Mây).
Theo nội dung trả lời tại Văn bản số 7680/BGTVT-KCHT ngày 28/7/2022 của Bộ Giao thông và Vận tải như sau:
- Để giải quyết tình trạng mặt đường bị hư hỏng, xuống cấp và thường xuyên xảy ra ngập úng nêu trên, trong Kế hoạch bảo trì hệ thống quốc lộ năm 2022, Bộ GTVT đã giao Tổng cục ĐBVN (theo Quyết định số 2148/QĐ-BGTVT ngày 16/12/2021) triển khai sửa chữa hư hỏng mặt đường và hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông đoạn Km1194+200 - Km1195+600; Sửa chữa rãnh thoát nước dọc đoạn Km1197+650 - Km1197+930 (phải tuyến) trên tuyến tránh QL.1, đoạn qua thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Dự kiến Dự án sửa chữa nêu trên sẽ hoàn thành trong Quý III năm 2022.
- Để khắc phục triệt để tình trạng mặt đường bị hư hỏng, xuống cấp và thường xuyên xảy ra ngập úng nêu trên, Bộ GTVT đã giao Tổng cục ĐBVN (tại Văn bản số 6603/BGTVT-KCHT ngày 30/6/2022) tiếp tục kiểm tra, rà soát và lập Dự án sửa chữa hư hỏng mặt đường, cải tạo hệ thống thoát nước trên tuyến tránh QL.1 đoạn qua khu An Kiều, An Phong thuộc thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định để triển khai trong Kế hoạch bảo trì hệ thống quốc lộ năm 2023.
- Về phản ánh cầu Suối Khó không có lan can cầu: Tổng cục ĐBVN đã chỉ đạo (tại Văn bản số 4179/TCĐBVN-QLBT-ATGT ngày 14/7/2022), Cục Quản lý đường bộ III hoàn thành lắp đặt hộ lan tôn sóng để đảm bảo an toàn giao thông trong tháng 6/2022.
Câu 2: Hiện nay, giá xăng, dầu tăng cao đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, sản xuất của doanh nghiệp và tạo sức ép đến nền kinh tế. Cử tri kiến nghị các ngành chức năng sớm có biện pháp hữu hiệu điều chỉnh bình ổn giá xăng, dầu (cử tri xã Cát Trinh, Cát Hanh kiến nghị sau Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV).
Nội dung trả lời tại Văn bản số 8625/BTC-CST ngày 29/8/2022 của Bộ Tài chính như sau:
1. Về chính sách thuế đối với xăng dầu
Trước bối cảnh giá dầu thế giới và giá xăng dầu thành phẩm thế giới liên tục tăng dẫn đến giá xăng dầu trong nước tăng cao thời gian qua, để góp phần ổn định giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, Bộ Tài chính đã và đang trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh chính sách thuế đối với xăng dầu, cụ thể như sau:
1.1. Về thuế bảo vệ môi trường
- Giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022 (từ 3.000 đồng/lít xuống còn 1.500 đồng/lít) theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của Ủy ban Thưởng vụ Quốc hội (UBTVQH).
- Giảm 70% mức thuế BVMT đối với dầu hỏa và giảm 50% mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (trừ nhiên liệu bay) từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022 theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 của UBTVQH.
Theo tính toán, ước tác động giảm thu Ngân sách nhà nước (NSNN) theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 và Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 là 25.538 tỷ đồng.
- Giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống bằng mức trong khung thuế BVMT từ ngày 11/7/2022 đến hết ngày 31/12/2022 theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 ngày 06/7/2022 của UBTVQH (thay thế Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/0222 và Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của UBTVQH).
Theo tính toán, ước tác động giảm thu NSNN theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 khoảng 7.950 tỷ đồng (đã bao gồm cả thuế giá trị gia tăng). Theo đó, tổng giảm thu NSNN do việc giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2022 (gồm Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15; Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 và Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15) khoảng 33.488 tỷ đồng.
Với việc giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất và giả định các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi so với kỳ điều hành ngày 11/8/2022 thì tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu còn khoảng 19,94% đối với xăng E5RON92, khoảng 22,34% đối với xăng RON95 và khoảng 11,51% đối với dầu diesel.
Về kiến nghị miễn thuế BVMT đối với xăng dầu: Thuế BVMT là thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Mục đích của chính sách thuế BVMT là nhằm hạn chế việc nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng các hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm với môi trường, khuyến khích sản xuất và sử dụng các hàng hóa thân thiện với môi trường, giảm phát thải ô nhiễm tại nguồn, nâng cao ý thức BVMT của toàn xã hội; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường. Theo đó, Luật thuế BVMT không có quy định miễn thuế BVMT.
1.2. Về thuế nhập khẩu
Để đa dạng hóa nguồn cung xăng nhập khẩu cho thị trường trong nước (tránh bị động bởi phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN), đồng thời đảm bảo mức chênh lệch phù hợp với mức thuế suất theo các Hiệp định thương mại tư do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP ngày 08/8/2022 để sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi từ mức thuế suất 20% xuống mức thuế suất 10%.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang rà soát, tham mưu và sớm báo cáo Chính phủ phương án điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu (MFN) phù hợp đối với nguyên vật liệu đầu vào khác phục vụ sản xuất nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong nước, đảm bảo tuân thủ nguyên tắc ban hành Biểu thuế suất quy định tại Điều 10 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13.
1.3. Về thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng
Ngày 07/7/2022, Tổng Thư ký Quốc hội đã có Thông báo số 1265/TB-TTKQH về kết luận của UBTVQH về dự án Nghị quyết về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (tại phiên họp ngày 06/7/2022), trong đó đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu các nội dung liên quan đến thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, dầu để trình Quốc hội xem xét, quyết định phù hợp trong trường hợp giá xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn giữ ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế, đời sống người dân và tăng trưởng nền kinh tế.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBTVQH, hiện nay Bộ Tài chính đang theo dõi sát giá xăng dầu thế giới và tình hình giá xăng dầu trong nước để phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương báo cáo các cấp có thẩm quyền phương án phù hợp.
2. Về chính sách bình ổn giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu để ổn định đời sống của nhân dân:
Trước bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu có xu hướng ngày càng gia tăng gây áp lực lên mặt bằng giá cả trong nước, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã có các văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp kinh tế vĩ mô như bảo đảm nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu và nguyên vật liệu đầu vào quan trọng của sản xuất, giữ ổn định giá các mặt hàng nhà nước định giá,. từ đó giúp hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Đến nay, mặt bằng giá cơ bản vẫn được kiểm soát, CPI bình quân 7 tháng đầu năm tăng 2,54%, lạm phát cơ bản 7 tháng đầu năm tăng 1,44%.
Bên cạnh đó, trước việc giá xăng dầu giảm mạnh trong tháng 7/2022 nhưng giá nhiều mặt hàng vẫn có xu hướng tăng giá, Bộ Tài chính đã tham mưu các biện pháp tăng cường quản lý, điều hành giá trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương kiểm soát chặt giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh trong các kỳ điều hành vừa qua.
Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2022, Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, thường xuyên theo sát tình hình chung, tham mưu chính sách, kịch bản phù hợp, linh hoạt, kịp thời nhất là đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá. Đối với việc quản lý giá các mặt hàng cụ thể (nhất là các mặt hàng đang có biến động như xăng dầu, cước phí vận tải, vật liệu xây dựng, vật tư và sản phẩm nông nghiệp, giá dịch vụ cộng trong lĩnh vực giáo dục, y tế), các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ. Trong trường hợp có biến động lớn về giá, căn cứ quy định tại Luật giá để đề xuất và tổ chức triển khai các biện pháp bình ổn giá phù hợp. Đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, cần tính toán kỹ phương án, đánh giá tác động đến mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát để có phương án điều hành cụ thể để báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá, Thủ tưởng Chính phủ xem xét, quyết định.
Câu 1: Hiện nay, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do chi phí phân bón tăng cao. Để tạo điều kiện hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước và giảm bớt khó khăn cho nông dân, cử tri kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế VAT với mức thuế suất hợp lý để khấu trừ thuế các nguyên, vật liệu đầu vào và tăng thuế xuất khẩu phân bón; đồng thời, có chính sách khuyến khích sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ (Kiến nghị của cử tri xã Ân Đức).
Theo nội dung trả lời tại Văn bản số 5687/BTC-NSNN ngày 15/6/2022 và Văn bản số 6566/BTC-CST ngày 08/7/2022 của Bộ Tài chính như sau:
- Về chính sách thuế giá trị gia tăng:
Theo khoản 3a Điều 5 Luật thuế GTGT hiện hành thì phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Thực hiện quy định trên, các doanh nghiệp sản xuất phân bón gặp khó khăn do không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm; bất lợi trong cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Do không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào nên không khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phân bón đầu tư, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định để tạo ra sản phẩm phân bón thế hệ mới, chất lượng cao. Do vậy, trong thời gian qua Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của Bộ Công Thương, Hiệp hội phân bón, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đề nghị chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 5%.
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất phân bón trong nước, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với phân bón theo đó đề nghị chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT 5% (Tờ trình số 570/TTr-CP ngày 29/10/2020 của Chính phủ).
Ngày 04/5/2021, Tổng Thư ký Quốc hội có Thông báo số 4357/TB-TTKQH thông báo kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 55, tháng 4/2021, Quốc hội khóa XIV, tại điểm 2 Thông báo về nội dung thuế suất thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón như sau: “Đề nghị nghiên cứu, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV để sửa đổi tổng thể các luật về thuế nhằm bảo đảm đồng bộ, thống nhất và theo đúng chiến lược cải cách về thuế. Trường hợp thật cần thiết Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật".
Hiện nay, thực hiện Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính đang thực hiện nghiên cứu, rà soát, đánh giá các luật thuế, trong đó có Luật thuế GTGT để báo cáo Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung vào thời điểm thích hợp đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế và phù hợp với Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 cũng như thông lệ quốc tế.
Căn cứ Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV: Chính phủ cần nghiên cứu, rà soát các Luật thuế: giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, thu nhập doanh nghiệp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 30/06/2022. Thực hiện theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, Bộ Tài chính hiện đang hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu rà soát Luật thuế giá trị gia tăng, trong đó có nội dung sửa đổi chính sách thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội.
- Về chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu:
Căn cứ quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, tại khoản 4 Điều 4 Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan quy định mặt hàng phân bón nếu có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm có thuế suất thuế xuất khẩu là 0%; Đối với mặt hàng phân bón nếu có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên có thuế suất thuế xuất khẩu 5%.
Trong thời gian gần đây, giá cả các nguyên liệu sản xuất phân bón trên thị trường thế giới và trong nước liên tục tăng. Theo đó, để góp phần hạ giá phân bón trong nước, ổn định nguồn cung, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo quản lý chặt chẽ, tránh gian lận trong quá trình thực hiện, căn cứ khung thuế suất quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 107/2016/QH13, Bộ Tài chính đã có công văn số 3662/BTC-CST ngày 21/4/2022 gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp về dự thảo Nghị định của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (dự thảo Nghị định), trong đó dự kiến trình Chính phủ quy định thống nhất một mức thuế suất thuế xuất khẩu là 5% đối với mặt hàng phân bón. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tổng hợp ý kiến các đơn vị và trình Chính phủ trong thời gian tới theo đúng quy trình của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
IX. HUYỆN PHÙ MỸ
Câu 1: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định còn khoảng trên 5.000 hộ gia đình người có công, thân nhân liệt sỹ thuộc các đối tượng: là người dân tộc thiểu số, cao tuổi, có hoàn cảnh khó khăn, thuộc vùng thường xuyên xảy ra thiên tai mà nhà ở có nguy cơ sụp đổ, không an toàn khi sử dụng cần được hỗ trợ cải thiện về nhà ở theo quy định tại điểm d Khoản 6 Điều 102 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP (gồm có khoảng trên 2.819 trường hợp cần xây mới và khoảng 2.183 trường hợp cần sửa chữa, cải tạo về nhà ở). Cử tri kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ kinh phí cho địa phương để sớm thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng trên; đồng thời, nâng mức hỗ trợ xây mới nhà ở thấp nhất là 50.000.000 đồng/hộ và mức hỗ trợ sửa chữa, cải tạo nhà ở thấp nhất là 30.000.000 đồng/hộ (Trong đó, mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương là 90%; hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh là 10%).
Về kiến nghị này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhận được 02 văn bản trả lời của Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng, cụ thể:
1.1. Theo nội dung trả lời tại Văn bản số 5687/BTC-NSNN ngày 15/6/2022 của Bộ Tài chính như sau:
Ngày 08/9/2021, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 3634/BXD-QLN trình Thủ tướng Chính phủ về báo cáo tổng kết chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg. Ngày 25/10/2021, Bộ Tài chính đã có Văn bản số 12148/BTC-NSNN gửi Văn phòng Chính phủ tham gia về báo cáo tổng kết chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg.
Trên cơ sở đề nghị của Bộ Xây dựng và ý kiến của Bộ: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có ý kiến tại Văn bản số 8622/VPCP-CN ngày 24/11/2021 của Văn phòng Chính phủ: “Đồng ý với kiến nghị của Bộ Xây dựng về việc xây dựng chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ giai đoạn 2021-2025; giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các cơ quan liên quan và các địa phương, xây dựng Đề án hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ giai đoạn 2021-2025, xác định rõ phạm vi, nội dung, đối tượng hưởng, chế độ hỗ trợ, nguyên tắc hỗ trợ và mức hỗ trợ cho các địa phương, đảm bảo tổng mức vốn thực hiện Đề án nằm trong tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được cấp có thẩm quyền quyết định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.”
Vì vậy, đề nghị Tỉnh làm việc cụ thể với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính sẽ phối hợp trong quá trình xây dựng Đề án hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ giai đoạn 2021-2025.
1.2. Theo nội dung trả lời tại Văn bản số 2746/BXD-QLN ngày 22/7/2022 của Bộ Xây dựng như sau:
Ngày 09/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 02/2020/UBTVQH14.
Ngày 30/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 131/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (có hiệu lực từ ngày 15/02/2022). Theo đó, tại điểm a Khoản 7 Điều 182 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP quy định: Bộ Xây dựng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương quy định tại khoản 2 Điều 102 Nghị định này đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 420/BXD-QLN ngày 15/02/2022 và văn bản số 1287/BXD-QLN ngày 18/4/2022 đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo số liệu các hộ gia đình người có công với cách mạng cần hỗ trợ cải thiện nhà ở, đồng thời đề xuất mức hỗ trợ bằng tiền đối với trường hợp xây mới nhà ở và trường hợp sửa chữa, cải tạo nhà ở.
Trên cơ sở báo cáo số liệu và đề xuất của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trong đó có tỉnh Bình Định), Bộ Xây dựng đã có văn bản số 2507/BXD-QLN ngày 11/7/2022 (kèm theo dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương) gửi lấy ý kiến góp ý của các Bộ ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan. Theo đó, dự thảo dự kiến mức hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ đối với trường hợp xây mới nhà ở hoặc 30 triệu đồng/hộ đối với trường hợp cải tạo, sửa chữa nhà ở (mức hỗ trợ cao hơn mức hỗ trợ của Quyết định số 22/2013/QĐ- TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng). Về tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương và tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương sẽ chủ yếu căn cứ theo quy định của Quyết định số 127/2022/QĐ-TTg ngày 24/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành giai đoạn 2022 -2025 để thực hiện.
Sau khi có ý kiến góp ý của các Bộ ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan, Bộ Xây dựng sẽ tiếp thu, giải trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định mức hỗ trợ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương trong Quý IV/2022 để triển khai thực hiện.
Câu 2: Theo khoản 6, Điều 2 Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ, quy định: “Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có không quá 03 người được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước và chỉ áp dụng đối với các chức danh: Bí thư Chi bộ; Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố; Trưởng Ban công tác mặt trận”. Nên hiện nay tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định không bố trí Phó Trưởng thôn, Phó Trưởng khu phố. Vì vậy, trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở cấp thôn, khu phố gặp nhiều khó khăn nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa cách nhau hàng chục kilômet; Hơn nữa, Trưởng thôn, Trưởng khu phố đa số là những người đã về hưu, lớn tuổi, có lúc đi vắng lâu ngày hoặc ốm đau dài ngày thì không có người thay thế. Đề nghị Bộ Nội vụ kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung 01 Phó Trưởng thôn hoặc 01 Phó Trưởng khu phố được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước để việc triển khai các nhiệm vụ chính trị ở cấp thôn, khu phố đạt hiệu quả cao.
Theo nội dung trả lời tại Văn bản số 3714/BNV-TL ngày 05/8/2022 và Văn bản số 4154/BNV-CQĐP ngày 27/8/2022 của Bộ Nội vụ như sau:
Tại Khoản 5 và Khoản 6 Điều 2 Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (sửa đổi, bổ sung Điều 14 và Điều 14a Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã) đã quy định chế độ phụ cấp và khoán kinh phí đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và được hướng dẫn tại Khoản 2 và 3 Điều 13 Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Theo đó, việc quy định các chế độ, tiêu chuẩn, định mức đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố ngoài mức khoán theo quy định của Chính phủ thì do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước.
Bộ Nội vụ đang tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và cử tri (trong đó có cử tri tỉnh Bình Định) để trình cấp có thẩm quyền xem xét hoàn thiện thể chế về chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố cho phù hợp. Trong thời gian chưa sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành của pháp luật, đề nghị tỉnh Bình Định thực hiện số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố thuộc phạm vi quản lý theo đúng quy định tạ Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xá, ở thôn, tổ dân phố.
Câu 3: Hiện nay, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do chi phí phân bón tăng cao. Để tạo điều kiện hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước và giảm bớt khó khăn cho nông dân, cử tri kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế VAT với mức thuế suất hợp lý để khấu trừ thuế các nguyên, vật liệu đầu vào và tăng thuế xuất khẩu phân bón; đồng thời, có chính sách khuyến khích sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ (Kiến nghị của cử tri xã Mỹ Trinh).
Theo nội dung trả lời tại Văn bản số 5687/BTC-NSNN ngày 15/6/2022 và Văn bản số 6566/BTC-CST ngày 08/7/2022 của Bộ Tài chính như sau:
- Về chính sách thuế giá trị gia tăng:
Theo khoản 3a Điều 5 Luật thuế GTGT hiện hành thì phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Thực hiện quy định trên, các doanh nghiệp sản xuất phân bón gặp khó khăn do không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm; bất lợi trong cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Do không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào nên không khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phân bón đầu tư, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định để tạo ra sản phẩm phân bón thế hệ mới, chất lượng cao. Do vậy, trong thời gian qua Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của Bộ Công Thương, Hiệp hội phân bón, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đề nghị chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 5%.
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất phân bón trong nước, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với phân bón theo đó đề nghị chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT 5% (Tờ trình số 570/TTr-CP ngày 29/10/2020 của Chính phủ).
Ngày 04/5/2021, Tổng Thư ký Quốc hội có Thông báo số 4357/TB-TTKQH thông báo kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 55, tháng 4/2021, Quốc hội khóa XIV, tại điểm 2 Thông báo về nội dung thuế suất thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón như sau: “Đề nghị nghiên cứu, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV để sửa đổi tổng thể các luật về thuế nhằm bảo đảm đồng bộ, thống nhất và theo đúng chiến lược cải cách về thuế. Trường hợp thật cần thiết Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật".
Hiện nay, thực hiện Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính đang thực hiện nghiên cứu, rà soát, đánh giá các luật thuế, trong đó có Luật thuế GTGT để báo cáo Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung vào thời điểm thích hợp đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế và phù hợp với Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 cũng như thông lệ quốc tế.
Căn cứ Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV: Chính phủ cần nghiên cứu, rà soát các Luật thuế: giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, thu nhập doanh nghiệp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 30/06/2022. Thực hiện theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, Bộ Tài chính hiện đang hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu rà soát Luật thuế giá trị gia tăng, trong đó có nội dung sửa đổi chính sách thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội.
- Về chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu:
Căn cứ quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, tại khoản 4 Điều 4 Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan quy định mặt hàng phân bón nếu có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm có thuế suất thuế xuất khẩu là 0%; Đối với mặt hàng phân bón nếu có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên có thuế suất thuế xuất khẩu 5%.
Trong thời gian gần đây, giá cả các nguyên liệu sản xuất phân bón trên thị trường thế giới và trong nước liên tục tăng. Theo đó, để góp phần hạ giá phân bón trong nước, ổn định nguồn cung, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo quản lý chặt chẽ, tránh gian lận trong quá trình thực hiện, căn cứ khung thuế suất quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 107/2016/QH13, Bộ Tài chính đã có công văn số 3662/BTC-CST ngày 21/4/2022 gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp về dự thảo Nghị định của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (dự thảo Nghị định), trong đó dự kiến trình Chính phủ quy định thống nhất một mức thuế suất thuế xuất khẩu là 5% đối với mặt hàng phân bón. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tổng hợp ý kiến các đơn vị và trình Chính phủ trong thời gian tới theo đúng quy trình của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Câu 4: Hiện nay, giá xăng, dầu tăng cao đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, sản xuất của doanh nghiệp và tạo sức ép đến nền kinh tế. Cử tri kiến nghị các ngành chức năng sớm có biện pháp hữu hiệu điều chỉnh bình ổn giá xăng, dầu (cử tri xã Mỹ Tài kiến nghị sau Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV).
Nội dung trả lời tại Văn bản số 8625/BTC-CST ngày 29/8/2022 của Bộ Tài chính như sau:
1. Về chính sách thuế đối với xăng dầu
Trước bối cảnh giá dầu thế giới và giá xăng dầu thành phẩm thế giới liên tục tăng dẫn đến giá xăng dầu trong nước tăng cao thời gian qua, để góp phần ổn định giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, Bộ Tài chính đã và đang trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh chính sách thuế đối với xăng dầu, cụ thể như sau:
1.1. Về thuế bảo vệ môi trường
- Giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022 (từ 3.000 đồng/lít xuống còn 1.500 đồng/lít) theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của Ủy ban Thưởng vụ Quốc hội (UBTVQH).
- Giảm 70% mức thuế BVMT đối với dầu hỏa và giảm 50% mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (trừ nhiên liệu bay) từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022 theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 của UBTVQH.
Theo tính toán, ước tác động giảm thu Ngân sách nhà nước (NSNN) theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 và Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 là 25.538 tỷ đồng.
- Giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống bằng mức trong khung thuế BVMT từ ngày 11/7/2022 đến hết ngày 31/12/2022 theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 ngày 06/7/2022 của UBTVQH (thay thế Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/0222 và Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của UBTVQH).
Theo tính toán, ước tác động giảm thu NSNN theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 khoảng 7.950 tỷ đồng (đã bao gồm cả thuế giá trị gia tăng). Theo đó, tổng giảm thu NSNN do việc giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2022 (gồm Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15; Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 và Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15) khoảng 33.488 tỷ đồng.
Với việc giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất và giả định các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi so với kỳ điều hành ngày 11/8/2022 thì tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu còn khoảng 19,94% đối với xăng E5RON92, khoảng 22,34% đối với xăng RON95 và khoảng 11,51% đối với dầu diesel.
Về kiến nghị miễn thuế BVMT đối với xăng dầu: Thuế BVMT là thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Mục đích của chính sách thuế BVMT là nhằm hạn chế việc nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng các hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm với môi trường, khuyến khích sản xuất và sử dụng các hàng hóa thân thiện với môi trường, giảm phát thải ô nhiễm tại nguồn, nâng cao ý thức BVMT của toàn xã hội; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường. Theo đó, Luật thuế BVMT không có quy định miễn thuế BVMT.
1.2. Về thuế nhập khẩu
Để đa dạng hóa nguồn cung xăng nhập khẩu cho thị trường trong nước (tránh bị động bởi phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN), đồng thời đảm bảo mức chênh lệch phù hợp với mức thuế suất theo các Hiệp định thương mại tư do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP ngày 08/8/2022 để sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi từ mức thuế suất 20% xuống mức thuế suất 10%.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang rà soát, tham mưu và sớm báo cáo Chính phủ phương án điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu (MFN) phù hợp đối với nguyên vật liệu đầu vào khác phục vụ sản xuất nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong nước, đảm bảo tuân thủ nguyên tắc ban hành Biểu thuế suất quy định tại Điều 10 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13.
1.3. Về thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng
Ngày 07/7/2022, Tổng Thư ký Quốc hội đã có Thông báo số 1265/TB-TTKQH về kết luận của UBTVQH về dự án Nghị quyết về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (tại phiên họp ngày 06/7/2022), trong đó đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu các nội dung liên quan đến thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, dầu để trình Quốc hội xem xét, quyết định phù hợp trong trường hợp giá xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn giữ ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế, đời sống người dân và tăng trưởng nền kinh tế.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBTVQH, hiện nay Bộ Tài chính đang theo dõi sát giá xăng dầu thế giới và tình hình giá xăng dầu trong nước để phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương báo cáo các cấp có thẩm quyền phương án phù hợp.
2. Về chính sách bình ổn giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu để ổn định đời sống của nhân dân:
Trước bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu có xu hướng ngày càng gia tăng gây áp lực lên mặt bằng giá cả trong nước, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã có các văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp kinh tế vĩ mô như bảo đảm nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu và nguyên vật liệu đầu vào quan trọng của sản xuất, giữ ổn định giá các mặt hàng nhà nước định giá,. từ đó giúp hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Đến nay, mặt bằng giá cơ bản vẫn được kiểm soát, CPI bình quân 7 tháng đầu năm tăng 2,54%, lạm phát cơ bản 7 tháng đầu năm tăng 1,44%.
Bên cạnh đó, trước việc giá xăng dầu giảm mạnh trong tháng 7/2022 nhưng giá nhiều mặt hàng vẫn có xu hướng tăng giá, Bộ Tài chính đã tham mưu các biện pháp tăng cường quản lý, điều hành giá trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương kiểm soát chặt giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh trong các kỳ điều hành vừa qua.
Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2022, Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, thường xuyên theo sát tình hình chung, tham mưu chính sách, kịch bản phù hợp, linh hoạt, kịp thời nhất là đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá. Đối với việc quản lý giá các mặt hàng cụ thể (nhất là các mặt hàng đang có biến động như xăng dầu, cước phí vận tải, vật liệu xây dựng, vật tư và sản phẩm nông nghiệp, giá dịch vụ cộng trong lĩnh vực giáo dục, y tế), các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ. Trong trường hợp có biến động lớn về giá, căn cứ quy định tại Luật giá để đề xuất và tổ chức triển khai các biện pháp bình ổn giá phù hợp. Đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, cần tính toán kỹ phương án, đánh giá tác động đến mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát để có phương án điều hành cụ thể để báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá, Thủ tưởng Chính phủ xem xét, quyết định.
THỊ XÃ HOÀI NHƠN
Câu 1: Hiện nay, giá xăng, dầu tăng cao đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, sản xuất của doanh nghiệp và tạo sức ép đến nền kinh tế. Cử tri kiến nghị các ngành chức năng sớm có biện pháp hữu hiệu điều chỉnh bình ổn giá xăng, dầu (cử tri xã xã Hoài Châu Bắc kiến nghị sau Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV).
Nội dung trả lời tại Văn bản số 8625/BTC-CST ngày 29/8/2022 của Bộ Tài chính như sau:
1. Về chính sách thuế đối với xăng dầu
Trước bối cảnh giá dầu thế giới và giá xăng dầu thành phẩm thế giới liên tục tăng dẫn đến giá xăng dầu trong nước tăng cao thời gian qua, để góp phần ổn định giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, Bộ Tài chính đã và đang trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh chính sách thuế đối với xăng dầu, cụ thể như sau:
1.1. Về thuế bảo vệ môi trường
- Giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022 (từ 3.000 đồng/lít xuống còn 1.500 đồng/lít) theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của Ủy ban Thưởng vụ Quốc hội (UBTVQH).
- Giảm 70% mức thuế BVMT đối với dầu hỏa và giảm 50% mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (trừ nhiên liệu bay) từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022 theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 của UBTVQH.
Theo tính toán, ước tác động giảm thu Ngân sách nhà nước (NSNN) theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 và Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 là 25.538 tỷ đồng.
- Giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống bằng mức trong khung thuế BVMT từ ngày 11/7/2022 đến hết ngày 31/12/2022 theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 ngày 06/7/2022 của UBTVQH (thay thế Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/0222 và Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của UBTVQH).
Theo tính toán, ước tác động giảm thu NSNN theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 khoảng 7.950 tỷ đồng (đã bao gồm cả thuế giá trị gia tăng). Theo đó, tổng giảm thu NSNN do việc giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2022 (gồm Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15; Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 và Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15) khoảng 33.488 tỷ đồng.
Với việc giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất và giả định các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi so với kỳ điều hành ngày 11/8/2022 thì tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu còn khoảng 19,94% đối với xăng E5RON92, khoảng 22,34% đối với xăng RON95 và khoảng 11,51% đối với dầu diesel.
Về kiến nghị miễn thuế BVMT đối với xăng dầu: Thuế BVMT là thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Mục đích của chính sách thuế BVMT là nhằm hạn chế việc nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng các hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm với môi trường, khuyến khích sản xuất và sử dụng các hàng hóa thân thiện với môi trường, giảm phát thải ô nhiễm tại nguồn, nâng cao ý thức BVMT của toàn xã hội; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường. Theo đó, Luật thuế BVMT không có quy định miễn thuế BVMT.
1.2. Về thuế nhập khẩu
Để đa dạng hóa nguồn cung xăng nhập khẩu cho thị trường trong nước (tránh bị động bởi phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN), đồng thời đảm bảo mức chênh lệch phù hợp với mức thuế suất theo các Hiệp định thương mại tư do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP ngày 08/8/2022 để sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi từ mức thuế suất 20% xuống mức thuế suất 10%.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang rà soát, tham mưu và sớm báo cáo Chính phủ phương án điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu (MFN) phù hợp đối với nguyên vật liệu đầu vào khác phục vụ sản xuất nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong nước, đảm bảo tuân thủ nguyên tắc ban hành Biểu thuế suất quy định tại Điều 10 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13.
1.3. Về thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng
Ngày 07/7/2022, Tổng Thư ký Quốc hội đã có Thông báo số 1265/TB-TTKQH về kết luận của UBTVQH về dự án Nghị quyết về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (tại phiên họp ngày 06/7/2022), trong đó đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu các nội dung liên quan đến thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, dầu để trình Quốc hội xem xét, quyết định phù hợp trong trường hợp giá xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn giữ ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế, đời sống người dân và tăng trưởng nền kinh tế.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBTVQH, hiện nay Bộ Tài chính đang theo dõi sát giá xăng dầu thế giới và tình hình giá xăng dầu trong nước để phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương báo cáo các cấp có thẩm quyền phương án phù hợp.
2. Về chính sách bình ổn giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu để ổn định đời sống của nhân dân:
Trước bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu có xu hướng ngày càng gia tăng gây áp lực lên mặt bằng giá cả trong nước, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã có các văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp kinh tế vĩ mô như bảo đảm nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu và nguyên vật liệu đầu vào quan trọng của sản xuất, giữ ổn định giá các mặt hàng nhà nước định giá,. từ đó giúp hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Đến nay, mặt bằng giá cơ bản vẫn được kiểm soát, CPI bình quân 7 tháng đầu năm tăng 2,54%, lạm phát cơ bản 7 tháng đầu năm tăng 1,44%.
Bên cạnh đó, trước việc giá xăng dầu giảm mạnh trong tháng 7/2022 nhưng giá nhiều mặt hàng vẫn có xu hướng tăng giá, Bộ Tài chính đã tham mưu các biện pháp tăng cường quản lý, điều hành giá trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương kiểm soát chặt giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh trong các kỳ điều hành vừa qua.
Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2022, Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, thường xuyên theo sát tình hình chung, tham mưu chính sách, kịch bản phù hợp, linh hoạt, kịp thời nhất là đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá. Đối với việc quản lý giá các mặt hàng cụ thể (nhất là các mặt hàng đang có biến động như xăng dầu, cước phí vận tải, vật liệu xây dựng, vật tư và sản phẩm nông nghiệp, giá dịch vụ cộng trong lĩnh vực giáo dục, y tế), các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ. Trong trường hợp có biến động lớn về giá, căn cứ quy định tại Luật giá để đề xuất và tổ chức triển khai các biện pháp bình ổn giá phù hợp. Đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, cần tính toán kỹ phương án, đánh giá tác động đến mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát để có phương án điều hành cụ thể để báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá, Thủ tưởng Chính phủ xem xét, quyết định.
Câu 2: Mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang hiện nay quá thấp (1.490.000 đồng/tháng), qua nhiều năm chưa được điều chỉnh tăng, trong khi giá cả thị trường ngày càng tăng cao. Cử tri kiến nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, tăng mức lương cơ sở, đảm bảo đời sống, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (Cử tri phường Hoài Đức kiến nghị sau Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV).
Về kiến nghị này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhận được 02 văn bản trả lời của Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ, cụ thể:
2.1. Theo nội dung trả lời tại Văn bản số 5687/BTC-NSNN ngày 15/6/2022 của Bộ Tài chính như sau:
Theo quy định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp: “Từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị.”
Theo quy định tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025: “Tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 01 tháng 7 năm 2022”.
Tuy nhiên, do tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19, nên ngân sách chưa cân đối được nguồn để thực hiện chính sách cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2022; vì vậy, Chính phủ đã trình và Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022: "Lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội; ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995”. Như vậy, năm 2022 chưa thực hiện chính sách cải cách tiền lương. Vấn đề này sẽ được các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền trong thời gian tới.
2.2. Theo nội dung trả lời tại Văn bản số 3714/BNV-TL ngày 05/8/2022 của Bộ Nội vụ như sau:
Căn cứ Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong đó đã phân công nhiệm vụ cho các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng cụ thể các nội dung của chế độ tiền lương mới để thực hiện từ năm 2021 theo lộ trình ghi tại Nghị quyết số 27-NQ/TW. Tuy nhiên, do tác động của nhiều yếu tố bất lợi, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên Hội nghị Trung ương 13 khoá XII và Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã chỉ đạo lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW vào thời điểm phù hợp. Theo đó, trong các Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước từ năm 2020 đến năm 2022 (Nghị quyết số 122/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020, Nghị quyết số 128/2020/QH14 ngày 12 tháng 11 năm 2020 và Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021) thì trong năm 2020, năm 2021 và năm 2022 chưa bố trí kinh phí để tăng lương và phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức (bao gồm cả cán bộ, công chức cấp xã) và lực lượng vũ trang.
Trong thời gian từ nay đến khi thực hiện chế độ tiền lương mới, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới; đồng thời căn cứ tình hình kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước năm 2022 và những năm tiếp theo trình Chính phủ để báo cáo Trung ương và Quốc hội thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương để tăng lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, bảo đảm phù hợp với yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương.
Câu 1: Để thực hiện có hiệu quả chính sách bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn thiên nhiên, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu khó lường như hiện nay, cử tri tiếp tục kiến nghị Chính phủ sớm ban hành “Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp”, trong đó quan tâm tăng mức giao khoán bảo vệ rừng để đảm bảo chi phí và tạo động lực cho người dân tham gia nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng (Kiến nghị của cử tri xã An Nghĩa).
Theo nội dung trả lời tại Văn bản số 5189/BNN-TCLN ngày 09/8/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như sau:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng “Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp”. Bộ đã hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định trình Chính phủ tại Tờ trình số 6859/TTr-BNN-TCLN ngày 22/10/2021 và tiếp thu, giải trình ý kiến của các Thành viên Chính phủ tại Báo cáo số 3078/BC-BNN-TCLN ngày 17/5/2022, trình Chính phủ để xem xét, ban hành.
Dự thảo Nghị định đã cơ bản quy định tổng hợp các chính sách về đầu tư bảo vệ và phát triển rừng nói chung, chính sách cụ thể theo từng loại rừng và đối tượng và điều kiện thực hiện, đồng thời hài hòa khả năng cân đối ngân sách nhà nước và yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Câu 2: Trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 137.148,43 ha diện tích rừng được ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển rừng thuộc Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững với tổng kinh phí là 67.234,108 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay Ngân sách Trung ương mới chỉ phân bổ về địa phương là 6.600 triệu đồng (đạt 10,88%) còn thiếu 60.634,108 triệu đồng. Cử tri kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ quan tâm, sớm phân bổ phần kinh phí còn lại cho địa phương để thực hiện chi trả tiền nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, góp phần giải quyết khó khăn, cải thiện đời sống của người dân miền núi, vùng dân tộc thiểu số.
Theo nội dung trả lời tại Văn bản số 4657/BNN-TCLN ngày 20/7/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như sau:
Giai đoạn 2021-2025, ngành Lâm nghiệp triển khai thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 05/8/2021 của Chính phủ và Tiểu dự án 1 - Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân, thuộc dự án 3 - Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Đối với kinh phí năm 2021 thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 890/QĐ-TTg ngày 07/6/2021 về việc bổ sung kinh phí cho công tác bảo vệ và phát triển rừng cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện Chương trình. Sau khi Chương trình được phê duyệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng kế hoạch phân bổ kinh phí năm 2022 thực hiện Chương trình, gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ.
Câu 3: Cử tri tiếp tục kiến nghị Chính phủ quan tâm tăng mức giao khoán bảo vệ rừng từ 400.000đ/ha/năm lên 1.000.000đ/ha/năm để tạo nguồn thu nhập cho hộ nhận khoán, đồng thời gắn trách nhiệm cho người dân trong công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn thiên nhiên, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu khó lường như hiện nay
Theo nội dung trả lời tại Văn bản số 6273/BNN-TCLN ngày 21/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như sau:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng “Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp”. Đến nay, hồ sơ dự thảo Nghị định đã được trình Chính phủ xem xét, ban hành tại Tờ trình số 6859/TTr-BNN-TCLN ngày 22/10/2021; báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các Thành viên Chính phủ tại văn bản số 3078/BC-BNN-TCLN ngày 17/5/2022 và 5104/BC-BNN-TCLN ngày 04/8/2022.
- Dự thảo Nghị định đã quy định đầy đủ các chính sách về đầu tư bảo vệ và phát triển rừng nói chung và chính sách cụ thể theo loại rừng, đối tượng đảm bảo hài hòa khả năng cân đối ngân sách nhà nước và yêu cầu thực tiễn hiện nay. Đối với chính sách về khoán bảo vệ rừng (Điều 19) quy định: “Mức kinh phí khoán bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ từ ngân sách nhà nước bình quân 300.000 đồng/ha/năm. Đối với diện tích rừng thuộc xã khu vực II, III và vùng đất ven biển bằng 1,5 lần mức bình quân.”; mức cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương (Điều 27).