1. Cử tri huyện Hoài Ân kiến nghị UBND tỉnh xem xét, có ý kiến, kiến nghị cụ thể sau:
a) Điều chỉnh việc xác định điểm giao nhận sản phẩm theo hướng Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tỉnh quản lý công trình đầu mối, còn phần sau cống đầu kênh (sau cống điều tiết hồ) sẽ do Hợp tác xã nông nghiệp tiếp nhận quản lý đến kênh mương nội đồng;
Trả lời:
Việc xác định Điểm giao, nhận sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/5/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi: “Điểm giao, nhận sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi được xác định dựa trên cơ sở quy định của pháp luật và được thống nhất giữa bên giao và bên nhận. Từ điểm giao nhận đến công trình đầu mối do Công ty quản lý và được hưởng từ nguồn hỗ trợ giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi của Trung ương cấp; từ điểm giao nhận sản phẩm dịch vụ đến mặt ruộng do Tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý được thu từ nguồn thủy lợi phí nội đồng do thành viên Tổ chức thủy lợi đóng góp”;
Trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Sở Tài chính, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi thống nhất phương pháp xác định vị trí điểm giao nhận sản phẩm dịch vụ thủy lợi và có Văn bản số 1216/SNN-TL ngày 11/6/2021 hướng dẫn các địa phuơng, đơn vị triển khai thực hiện để tạo điều kiện cho các Tổ chức thủy lợi cơ sở giảm bớt chi phí từ điểm giao nhận giá sản phẩm dịch vụ công ích đến khu đất canh tác.
b) Xem xét nâng mức hưởng kinh phí cấp bù thủy lợi phí theo hướng tạo điều kiện cho Hợp tác xã nông nghiệp để có đủ điều kiện tiếp tục duy trì dịch vụ thủy lợi phục vụ sản xuất, cụ thể: Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tỉnh tạo nguồn trọng lực hưởng 20%; các Hợp tác xã nông nghiệp nhận tạo nguồn trọng lực hưởng 80%.
Trả lời:
- Hiện nay, cả nước đã không còn áp dụng chính sách cấp bù thủy lợi phí theo Nghị định 67/2012/NĐ-CP ngày 10/9/2012 của Chính phủ, mà thực hiện theo chính sách hỗ trợ giá theo quy định tại Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí theo thực tế các đơn vị đã thực hiện trình Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính xem xét tổng hợp trình Chính phủ quyết định giá cho Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi. Đối với các Hợp tác xã Nông nghiệp chưa có đơn vị nào xây dựng giá hỗ trợ sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi để trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Năm 2022, do chưa xây dựng giá hỗ trợ sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi, UBND tỉnh đã có Tờ trình số 142/TTr-UBND ngày 27/9/2022 về việc đề nghị xây dựng Nghị quyết Quy định giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bình Định bằng mức giá như năm 2021 theo Nghị quyết số 26/2021/NQ-HĐND ngày 11/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh và đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 32/2022/NQ-HDND. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 80/2022/QĐ-UBND ngày 19/12/2022 quy định giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bình Định.
- Theo đề nghị của các Hợp tác xã việc phân chia tỷ lệ nguồn thu từ cung cấp sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi phải dựa trên cơ sở xác định chi phí giữa các bên tham gia theo khoản 1, Điều 39 Luật Thủy lợi: “1. Tổ chức, cá nhân cùng cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi trong một hệ thống công trình thủy lợi thì tỷ lệ phân chia nguồn tiền thu từ việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi căn cứ vào chi phí quản lý, khai thác của từng tổ chức, cá nhân tham gia khai thác hệ thống công trình thủy lợi đó”. Do đó, hiện nay chưa xác định và tách bạch các khoản chi phí giữa Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi và Tổ chức Thủy lợi cơ sở trong một hoạt động khai thác của một công trình thủy lợi.
- Năm 2021 và năm 2022 việc xác định mức hỗ trợ giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bình Định được thực hiện theo mức quy định tại Quyết định số 1477/QĐ- BTC ngày 05/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về giá tối đa sản phẩm, dịch vụ thủy lợi năm 2021, (Mức quy định áp dụng bằng với mức được thực hiện từ năm 2012 đến nay của Nghị định 67/2012/NĐ-CP ngày 10/9/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi). Trong đó, có quy định vùng và biện pháp công trình cho trường hợp: “chỉ tạo nguồn tưới, tiêu bằng trọng lực thì mức giá bằng 40% mức quy định tại biểu; trường hợp chỉ tạo nguồn tưới tiêu bằng động lực thì mức giá bằng 50% mức giá quy định tại biểu…”.
2. Cử tri xã Ân Nghĩa huyện Hoài Ân; huyện Vân Canh; xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ kiến nghị UBND tỉnh: Xem xét, bố trí kinh phí xây dựng hệ thống bờ kè sông Kim Sơn, đoạn qua xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân; bờ kè sông Hà Thanh, đoạn qua huyện Vân Canh để tránh sạt lở trong mùa mưa; kè chắn sóng trên địa bàn xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ để tránh sạt lở do triều cường.
Trả lời:
- UBND tỉnh đã quan tâm đầu tư rất nhiều tuyến đê, kè trên địa bàn tỉnh để bảo vệ an toàn các khu vực xung yếu. Tuy nhiên, vấn đề sạt lở bờ sông đang tiếp tục diễn ra trên các sông trên địa bàn tỉnh. Đề nghị UBND huyện Hoài Ân, Vân Canh rà soát, kiểm tra đoạn sạt lở theo kiến nghị của người dân, đánh giá sự cần thiết đầu tư; báo cáo UBND tỉnh xem xét.
- Đối với việc đầu tư kè chắn sóng trên địa bàn xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ: Hiện nay UBND tỉnh đã đầu tư xây dựng Khu tái định cư xã Mỹ Đức, các hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở sẽ được di dời đến vùng an toàn.
3. Cử tri xã Cát Sơn và Cát Tường huyện Phù Cát kiến nghị UBND tỉnh: Chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện việc nâng cấp và nạo vét kênh mương hồ thủy lợi Hội Sơn (xã Cát Sơn); kiểm tra khắc phục kênh mương bê tông hồ Tường Sơn (xã Cát Tường) bị sập và có biện pháp quản lý, điều hành tưới tiêu ở hồ Tường Sơn và hồ Cửa Khâu phù hợp với thực tế địa phương đảm bảo phục vụ tưới nước cho người dân.
Trả lời:
a) Ý kiến cử tri xã Cát Sơn:
- Hoàn thành việc nâng cấp kênh mương hồ Hội Sơn: Trong năm 2022, bằng nguồn vốn sửa chữa thường xuyên, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định đã triển khai thi công sửa chữa, nâng cấp các tuyến kênh Nc và Nc1 – Hệ thống Hội Sơn; trong đó: Hạng mục sửa chữa, gia cố sạt lở kênh Nc1 và nâng thành chống mất nước kênh Nc, công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện và sẽ đảm bảo đưa nước tưới phục vụ sản xuất từ vụ Đông Xuân năm 2022-2023;
- Nạo vét kênh mương hồ Hội Sơn: Hằng năm, trước khi bước vào sản xuất vụ Đông Xuân, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định đã tổ chức triển khai cho các Xí nghiệp kiểm tra trên tất cả các hệ thống công trình do Công ty quản lý và bố trí vốn để thực hiện áp trúc- nạo vét kênh mương, phát dọn thông thoáng dòng chảy để đưa nước tưới phục vụ sản xuất. Trong năm 2022, các công trình áp trúc-nạo vét kênh mương thuộc hệ thống Hội Sơn đã được Công ty triển khai thực hiện xong đảm bảo phục vụ sản xuất.
b) Ý kiến cử tri xã Cát Tường:
Công trình hồ chứa nước Tường Sơn được bàn giao cho Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định quản lý, khai thác từ năm 2020, công trình hiện đang được quản lý, khai thác có hiệu quả. Việc kênh chính hồ Tường Sơn bị Sập tường kênh phía tả tại vị trí K0 + 150m (L=6m). Hiện tại, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định đã khắc phục tạm thời để đưa nước tưới và đã đưa vào danh mục các công trình sửa chữa thường xuyên năm 2023 và trình Sở Nông nghiệp và PTNT xem xét, bố trí nguồn vốn để thực hiện sửa chữa hoàn chỉnh trong năm 2023.
Về kiến nghị “có biện pháp quản lý, điều hành tưới tiêu ở hồ Tường Sơn và hồ Cửa Khâu phù hợp với thực tế địa phương đảm bảo phục vụ đủ nước tưới cho người dân”: Về công tác tưới của 02 công trình nói trên, trong quá trình đưa nước tưới phục vụ sản xuất Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định đã thường xuyên phối hợp, liên hệ với đơn vị dùng nước, đội thủy nông nội đồng để đưa nước tưới đảm bảo kịp thời, không để khô hạn hay ngập úng cục bộ, không để ảnh hưởng đến năng suất cây trồng của nhân dân. Đồng thời, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định luôn phối hợp với các đơn vị dùng nước điều tiết tưới hợp lý không nghe ý kiến phản ánh gì của đơn vị dùng nước về công tác quản lý tưới, quản lý công trình.
4. Cử tri huyện Vân Canh, Tuy Phước kiến nghị UBND tỉnh: Xem xét, có kế hoạch đầu tư xây dựng công trình hồ Suối Lớn, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh và nâng cấp đập tràn Dương Thiện, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, nhằm đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân.
Trả lời:
a) Đầu tư xây dựng hồ Suối Lớn, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh: Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề xuất đầu tư xây dựng hồ chứa nước Suối Lớn dung tích khoảng 12 triệu m3 nước để phục vụ sinh hoạt và sản xuất (giai đoạn 2026-2030). Tuy nhiên, vùng lưu vực Suối Lớn chủ yếu là rừng sản xuất, cây bạch đàn là chính; vào mùa khô nguồn sinh thủy cho hồ chứa không có, mùa mưa dễ bị bồi lắng, xói lở; khi xây dựng kinh phí cho công tác bồi thường rất lớn. Do vậy, UBND huyện Vân Canh cần tiếp tục nghiên cứu chuyển đất rừng sản xuất sang rừng phòng hộ, tăng nguồn nước sinh thủy và tăng hiệu quả của hồ Suối Lớn sau đầu tư.
b) Tràn Dương Thiện, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước có chức năng ngăn mặn, thoát lũ nằm trên hệ thống đê Đông. Tràn được xây dựng vào thời điểm 1989 gồm có 152 khoan tràn, qua thời gian vận hành, sử dụng tràn xuống cấp và được tu bổ nâng cấp vào năm 2002 đã được xây lấp kiên cố 50 khoang, hơn 100 khoang cửa còn lại làm bằng thép không rỉ. Hiện nay, tràn Dương Thiện đang bị lún khoảng 50cm bờ Bắc, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đưa công trình vào Danh mục Đề án đầu tư, xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 4882/QĐ-UBND ngày 26/12/2016. Tuy nhiên do nguồn kinh phí lớn, hiện nay UBND tỉnh chưa bố trí kinh phí đầu tư.
Câu 17: “ Nhân viên thú y cấp cơ sở (xã, thôn) có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại địa phương. Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ, nhân viên thú y được hưởng chế độ phụ cấp như người hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn, khu phố. Tuy nhiên, trong thời gian qua đời sống của nhân viên thú y cơ sở gặp nhiều khó khăn do mức phụ cấp thấp và chưa được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh quan tâm trình Hội động nhân dân tỉnh ban hành cơ chế chính sách theo hướng nâng mức phụ cấp và hỗ trợ đóng bảo hiểm cho các đối tượng này nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn”.
Trả lời:
UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp các sở ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu xây dựng Nghị quyết về kiện toàn, củng cố mạng lưới thú y cấp xã trên địa bàn tỉnh Bình Định (thay thế Nghị quyết số 04/2006/NQ-HĐND ngày 26/7/2006 của HĐND tỉnh về việc thông qua Đề án kiện toàn mạng lưới thú y cơ sở và Quyết định số 76/2006/QĐ-UBND ngày 10/8/2006 của UBND tỉnh Bình Định về Phê duyệt đề án kiện toàn mạng lưới thú y cơ sở cho phù hợp với Thông tư số 29/2016/TT-BNNPTNT ngày 05/8/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định Tiêu chuẩn thú y cấp xã (không có thú y cấp thôn). Theo đó, Dự thảo Nghị quyết đề xuất nhân viên thú y cấp xã (công chức không chuyên trách) được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng hệ số 1,3 (x) với mức lương cơ sở hiện hành và được hỗ trợ 100% bảo hiểm y tế theo quy định (trước đây nhân viên thú y cấp xã hưởng phụ cấp hệ số 1). Dự thảo Nghị quyết đang hoàn thiện (chờ ý kiến Bộ Nông nghiệp và PTNT) và sẽ trình HĐND tỉnh tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2023 (kỳ họp thứ 11), HĐND tỉnh khóa XIII.