TỔNG HỢP TRẢ LỜI Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ CỬ TRI SAU KỲ HỌP THỨ 3, QUỐC HỘI KHÓA XV CỦA CÁC SỞ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

Thứ ba - 27/09/2022 10:33
 
TỔNG HỢP TRẢ LỜI Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ CỬ TRI
SAU KỲ HỌP THỨ 3, QUỐC HỘI KHÓA XV
CỦA CÁC SỞ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG
 
            Sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp 17 ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương gửi UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh xem xét, giải quyết và trả lời cho cử tri theo quy định (Theo văn bản số 68/ĐĐBQH-CTQH ngày 12/7/2022 của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh).
            Đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã nhận được 08 văn bản trả lời của các sở, ngành liên quan, trả lời 11/17 ý kiến, kiến nghị của cử tri .
            Trên cơ sở văn bản trả lời của cơ quan, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp các nội dung trả lời cụ thể như sau:

I. VỀ LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI, NÔNG, LÂM NGHIỆP

1. Cử tri xã Hoài Châu Bắc (Hoài Nhơn) phản ánh hiện nay mức áp giá đền bù diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi đất đối với phường và xã là khác nhau, trong khi trên thực địa nhiều diện tích đất liền kề với nhau nên làm nảy sinh tư tưởng so sánh, không đồng thuận. Kiến nghị UBND tỉnh xem xét, có chính sách phù hợp khi thu hồi đất đối với các trường hợp như trên; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu sự khác nhau trong chính sách đền bù để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhân dân.
Trả lời: Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời như sau (theo văn bản số 151/BC-STNMT ngày 05/8/2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường):
Chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bình Định được quy định tại Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND ngày 14/02/2019 của UBND tỉnh; trong đó, tại khoản 1, Điều 6 quy định:
 “Giá đất để bồi thường về đất là giá đất cụ thể của từng dự án do UBND tỉnh quyết định hoặc UBND cấp huyện quyết định (theo ủy quyền của UBND tỉnh) có cùng mục đích sử dụng đất tại thời điểm có quyết định thu hồi đất;...
Giá đất cụ thể được xác định theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất bằng cách lấy giá đất cùng loại trong bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành nhân (x) với hệ số điều chỉnh giá đất của từng dự án do UBND tỉnh ban hành hoặc UBND huyện cấp huyện ban hành (theo ủy quyền của UBND tỉnh) theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 44/2014/NĐ-CP của Chính phủ.”
Hiện nay, Bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh được quy định tại Quyết định số 65/2019/QĐ-UBND ngày 18/12/2019 và sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 88/2020/QĐ-UBND ngày 18/12/2020 của UBND tỉnh; trong đó:
Giá đất nông nghiệp được quy định tại Bảng giá số 1 (gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác); trong đó quy định cụ thể giá đất nông nghiệp tại xã đồng bằng thuộc các huyện, thị xã, thành phố.
Đối với đất nông nghiệp (trừ đất lâm nghiệp) trong khu dân cư nông thôn theo quy hoạch được Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; đất vườn ao trong cùng thửa đất có nhà ở tại nông thôn (kể cả các xã thuộc thị xã và thành phố Quy Nhơn) nhưng không được công nhận là đất ở tại Bảng giá số 6 quy định giá đất được xác định bằng 1,5 lần mức giá đất trồng cây lâu năm hạng 1 (có phân chia vị trí đất) tại điểm 1 Bảng giá số 2.
Đối với đất nông nghiệp (trừ đất lâm nghiệp), đất vườn ao trong cùng thửa đất có nhà ở nhưng không được công nhận là đất ở hoặc không công nhận là đất phi nông nghiệp khác thuộc phạm vi địa giới hành chính các phường thuộc thị xã thành phố và các thị trấn tại Bảng giá số 6 quy định giá đất được xác định bằng 2 lần mức giá đất trồng cây lâu năm hạng 1 (có phân chia vị trí đất) tại điểm 1 Bảng giá số 2.
Như vậy, theo quy định hiện hành giá đất nông nghiệp tại nông thôn và tại đô thị là khác nhau. Do đó, kính đề nghị UBND tỉnh giao UBND thị xã Hoài Nhơn tổ chức tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhân dân.   
Về giá đất cụ thể để bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: Căn cứ quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản có liên quan, UBND tỉnh đã ủy quyền cho UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm lập, thẩm định, phê duyệt giá đất bồi thường, giá đất tái định cư trên địa bàn quản lý (tại Quyết định số 5347/QĐ-UBND ngày 31/12/2021). Do đó, UBND thị xã Hoài Nhơn phải triển khai thực hiện đúng quy định pháp luật hiện hành và Hướng dẫn Liên sở số 01/HĐLS-STNMT-STC ngày 05/4/2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường- Sở Tài chính.

          2. Cử tri xã An Toàn (An Lão) phản ánh Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn hiện đang quản lý hơn 25.000 ha rừng đặc dụng và hơn 22.000 ha đất lâm nghiệp quy hoạch thành rừng đặc dụng nhưng chỉ có 25 biên chế (thiếu 20 chỉ tiêu so với quy định), kiến nghị UBND tỉnh xem xét bổ sung chỉ tiêu biên chế cho Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh sớm triển khai áp dụng công nghệ thông tin, sử dụng ảnh viễn thám trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc tổng hợp nhu cầu sử dụng ảnh viễn thám phục vụ các nhiệm vụ phát triển - xã hội của tỉnh, giai đoạn từ năm 2022-2030.  
          Trả lời: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời như sau (theo văn bản số 1906/SNN-KHTH ngày 29/7/2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn):
* Về bổ sung chỉ tiêu biên chế cho Ban quản lý Rừng đặc dụng An Toàn: Hiện nay, Ban quản lý Rừng đặc dụng An Toàn quản lý diện tích rừng 26.189,9 ha; được phân bổ trên địa bàn xã An Toàn; cộng đông dân cư vùng đệm Ban quản lý gồm 05 thôn (thôn 1, 2, 3 xã An Toàn huyện An Lão và thôn 02, 03 xã Vĩnh Kim huyện Vĩnh Thạnh). Với khối lượng công việc rất lớn, địa bàn rộng, trong khi hiện nay Ban quản lý Rừng đặc dụng An Toàn chỉ có 23 biên chế viên chức nên trong công tác bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn, việc kiến nghị bố trí tăng số lượng lao động hợp đồng lâu dài thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng cho Ban quản lý rừng Đặc dụng An Toàn là hết sức cần thiết. Để kịp thời giải quyết khó khăn và bảo đảm trong công tác quản lý bảo vệ rừng của Ban quản lý Rừng đặc dụng An Toàn, ngày 31/5/2022 Sở Nông nghiệp và PTNT đã có Tờ trình số 179/TTr-SNN trình UBND tỉnh về việc xin chủ trương hợp đồng lao động làm nhiệm vụ chuyên trách bảo vệ rừng tại Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn; theo đó với tổng điện tích quản lý 26.189,9 ha cần số lượng người làm việc là 38 người, số biên chế hiện nay là 23 người, đề nghị bổ sung thêm 15 hợp đồng lao động làm nhiệm vụ chuyên trách bảo vệ rừng Ngày 07/7/2022, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã họp thống nhất giao Sở Nông nghiệp và PTNT hoàn thiện thủ tục báo cáo UBND tinh trình thông qua HĐND tỉnh cho chủ trương triển khai thực hiện.
* Về triển khai áp dụng công nghệ thông tin, sử dụng ảnh viễn thám trong quản lý, bảo vệ và phát triên rừng:
- Về triển khai áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng: Thời gian qua, đề góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm cùa tỉnh đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ GIS trong công tác, cụ thể như: Hệ thống cảnh báo cháy rừng, hệ thống phát hiện nhanh điểm cháy, phần mềm thống kê các vụ vi phạm pháp luật lâm nghiệp do Cục Kiểm lâm triển khai; phần mềm xác định diện tích chi trả dịch vụ môi trường rừng (v5PFES), phần mềm điều tra, kiểm kê rừng do Tổng cục Lâm nghiệp triển khai; phần mềm cập nhật diễn biến rừng (FRMS) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai. Việc tăng cường sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và công tác theo dõi, cập nhật diễn biến rừng trên địa bàn tỉnh và nâng cao độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh. - Về triển khai sử dụng ảnh viễn thám trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng: Thực hiện Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 01/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040; ngày 16/8/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 73/KH-UBND Triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển viễn thám trên địa bàn tỉnh, trong đó, Sở Nông nghiệp và PTNT được giao thực hiện nhiệm vụ: "Ứng dụng viễn thám trong quản lý rừng". Đây là lĩnh vực mới, cần có chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT để các tỉnh triển khai thực hiện; thời gian tới, sau khi có hướng dẫn của Trung ương, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất UBND tinh xem xét, chỉ đạo thực hiện.

          II. VỀ LĨNH VỰC QUY HOẠCH, ĐẦU TƯ XÂY DỰNG, GIAO THÔNG

          3. Cử tri xã huyện Vân Canh tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Xí nghiệp Xe buýt Quy Nhơn và các cơ quan liên quan xây dựng hệ thống nhà chờ xe buýt có mái che trên tuyến đường từ Diêu trì lên Vân Canh để tạo thuận lợi cho người dân trong lúc chờ xe buýt.
Trả lời: Sở Giao thông vận tải trả lời như sau (theo văn bản số 1139/SGTVT-GT ngày 29/7/2022 của Sở Giao thông vận tải):
Việc đầu tư xây dựng các trạm chờ xe buýt để che nắng, che mưa trên đường QL1.9C của tuyến xe buýt T8 (Quy Nhơn – Thị trấn Vân Canh) được thực hiện từ nguồn kinh phí tự cân đối của Xí nghiệp vận tải khách công cộng Quy Nhơn hoặc các nguồn vốn xã hội hoá hợp pháp khác, UBND tỉnh không hỗ trợ nguồn kinh phí này. Hiện nay, trên tuyến xe buýt T8 (Quy Nhơn – Thị trấn Vân Canh), Xí nghiệp vận tải khách công cộng Quy Nhơn đã đầu tư xây dựng 01 vị trí nhà chờ xe buýt tại lý trình Km29+200 (bên trái) tuyến QL.19C (phía trước Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Vân Canh) thuộc địa bàn thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh.
Ngày 28/7/2022, Sở GTVT đã phối hợp UBND huyện Vân Canh và Xí nghiệp vận tải khách công cộng Quy Nhơn tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường dọc tuyến QL.19C để xem xét đề xuất lắp đặt các nhà chờ xe buýt trên tuyến xe buýt T8 (Quy Nhơn – Thị trấn Vân Canh), đoạn từ Ngã ba Diêu Trì, huyện Tuy Phước đến thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh với chiều dài khảo sát khoảng 30Km; trên cơ sở các điều kiện để xây dựng nhà chờ xe buýt theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 30 Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/5/2020 của Bộ GTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ “Tại các điểm dừng xe buýt trong đô thị nếu có bề rộng hè đường từ 05 mét trở lên và ngoài đô thị nếu có bề rộng lề đường từ 2,5 mét trở lên phải xây dựng nhà chờ xe buýt” và phải đảm bảo lưu lượng số lượt hành khách vận chuyển bằng xe buýt bình quân trong ngày theo quy định để xem xét lựa chọn vị trí đầu tư xây dựng nhà chờ xe buýt đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định và đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí. Từ thực tế đó, các thành viên tham gia cuộc họp đã thống nhất đề nghị Xí nghiệp vận tải khách công cộng Quy Nhơn phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu đầu tư xây dựng thêm 01 nhà chờ xe buýt có hệ thống mái che tại vị trí điểm dừng xe buýt gần trụ sở UBND huyện Vân Canh thuộc địa bàn thị trấn Vân Canh để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong lúc chờ xe buýt. Trong thời gian đến, Sở GTVT sẽ có trách nhiệm đôn đốc Xí nghiệp vận tải khách công cộng Quy Nhơn sớm đầu tư lắp đặt nhà chờ xe buýt tại vị trí nêu trên để nhân dân được thuận tiện trong việc chờ, đón xe buýt. Sở GTVT thông tin để cử tri biết.

          4. Cử tri xã Ân Hữu, xã Ân Tín (Hoài Ân) kiến nghị UBND tỉnh quan tâm, có kế hoạch đầu tư xây dựng bờ kè sông Kim Sơn tại thôn Phú Văn 1, xã Ân Hữu, bờ kè sông An Lão tại thôn Vĩnh Đức, xã Ân Tín, huyện Hòai Ân để hạn chế sạt lở vào mùa mưa lũ, bảo vệ đất sản xuất và tài sản của nhân dân.
Trả lời: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời như sau (theo văn bản số 1906/SNN-KHTH ngày 29/7/2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
- Kè chống sạt lở thôn Vĩnh Đức, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân đã được đưa vào danh mục dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ, khắc phục khẩn câp hậu quả thiên tai năm 2021 do Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và PTNT làm Chủ đầu tư. UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng và Kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại Quyết định số 1848/QĐ-UBND ngày 09/6/2022 để triển khai thực hiện. 
- Kè sông Kim Sơn tại thôn Phú Văn 1, xã Ân Hữu: Đề nghị UBND huyện Hoài Ân kiểm tra vị trí sạt lở theo kiến nghị của cử tri, đánh giá sự cần thiết đầu tư; báo cáo UBND tinh xem xét, chỉ đạo triên khai thực hiện.

          5. Cử tri xã Nhơn Phong (An Nhơn) phản ánh hiện trên địa bàn các xã khu Đông, thị xã An Nhơn chưa có các điểm ATM, gây khó khăn cho người dân khi có nhu cầu rút tiền mặt. Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bình Định đề nghị các Ngân hàng thương mại xem xét, xây dựng các điểm ATM tại khu vực trên.
          Trả lời: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Định trả lời như sau (theo văn bản số 618/BIĐ2 ngày 28/7/2022 của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Định)Đến cuối tháng 6/2022, toàn tỉnh hiện có 232 máy ATM đang hoạt động,
trong đó: địa bàn thị xã An Nhơn có 20 máy ATM, riêng xã Nhơn Phong chưa được lắp đặt ATM. 
Trên địa bàn tỉnh hiện các chi nhánh Ngân hàng thương mại (NHTM) là đơn vị trực thuộc Hội sở chính, việc phát triển mạng lưới ATM để đáp ứng yêu cầu phục vụ khách hàng và phát triển dịch vụ thẻ, nâng cao hiệu quả kinh doanh phải được Hội sở chính của từng ngân hàng phê duyệt và trang bị theo kế hoạch chung trong toàn hệ thống của ngân hàng đó. Do chi phí đầu tư lắp đặt và duy trì hoạt động một máy ATM lớn và khi lắp đặt ATM các ngân hàng còn có nghĩa vụ phải tuân thủ các quy định về đảm bảo chất lượng dịch vụ ATM theo quy định tại Thông tư sô 36/2012/TT-NHNN ngày 28/12/2012 (Thông tư 36) Quy định về trang bị, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động của máy giao dịch tự động và các Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 36. Do vậy, các NHTM thường lắp đặt máy ATM ở khu vực đông dân cư như: siêu thị, khu công nghiệp, trụ sở, phòng giao dịch của ngân hàng... là nơi có nhiều khách hàng đến giao dịch hàng ngày. Để đảm bảo việc quản lý, vận hành mạng lưới ATM hoạt động hiệu quả, an toàn và thông suốt, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Định thường xuyên chỉ đạo các NHTM trên địa bàn chủ động xây dựng và triển khai kế hoạchđảm bảo tiền mặt cho ATM, tiếp quỹ ATM; bảo trì, bảo dưỡng ATM; thường xuyên giám sát chặt chẽ hoạt động, mức tồn quỹ của ATM... Đồng thời, thực hiện tốt công tác hướng dẫn hỗ trợ khách hàng phương thức giao dịch an toàn tại ATM; xử lý nhanh và triệt để các giao dịch khiếu nại, khiếu kiện của khách hàng theo quy định. Nếu xảy ra sự cố ATM ngừng hoạt động, phải bố trí lực lượng trực để khắc phục trong thời gian nhanh nhất. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Định xin tiếp thu và ghi nhận các kiến nghị của cử tri, thường xuyên đôn đốc, khuyến khích các NHTM trên địa bàn phát triển thêm máy ATM đặt ở địa bàn dân cư vùng nông thôn, miền núi... sắp xếp hợp lý mạng lưới và gia tăng chức năng, tiện ích trên các thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong giao dịch tiền mặt.
          6. Cử tri phường Hoài Đức (Hoài Nhơn) phản ánh cống thoát nước gần trụ sở Khu phố Văn Can do Công ty Cổ phần BOT Bắc Bình Định xây dựng, miệng cống chưa hoàn thành, thường bị xói lở vào mùa mưa lũ, dễ gây tai nạn giao thông; đồng thời, tại khu vực trạm thu phí BOT Bắc Bình Định thường xuyên có nhiều xe đậu, đỗ ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện khác, gây mất an toàn giao thông, đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được khắc phục. Kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng trên.

Trả lời: Sở Giao thông vận tải trả lời như sau (theo văn bản số 1139/SGTVT-GT ngày 29/7/2022 của Sở Giao thông vận tải):
Vấn đề cử tri kiến nghị liên quan đến các bất cập, tồn tại trên tuyến QL.1 thuộc phạm vi dự án BOT QL.1 do Công ty CP BOT Bắc Bình Định Việt Nam là doanh nghiệp dự án. Theo số liệu cung cấp của Công ty CP BOT Bắc Bình Định Việt Nam tại Văn bản số 134/2022/CV-BBĐ-KHKT ngày 26/7/2022 thì hạng mục cống thoát nước gần trụ sở khu Phố Văn Cang mà cử tri phản ánh sẽ được Công ty CP BOT Bắc Bình Định Việt Nam tổ chức triển khai thi công và hoàn thành trong tháng 8/2022. Khi công trình thi công hoàn thành sẽ giải quyết được vấn đề cử tri kiến nghị. Riêng nội dung liên quan việc đậu, đỗ xe tại khu vực Trạm thu phí BOT Bắc Bình Định, kính đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban An toàn giao thông tỉnh chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng (phòng Cảnh sát giao thông – Công an tỉnh, Thanh tra đường bộ Cục Quản lý đường bộ III.4) cùng Công ty CP BOT Bắc Bình Định Việt Nam kiểm tra xử lý theo đúng quy định.

7. Cử tri phường Đống Đa (Quy Nhơn) phản ánh Dự án Hồ Phú Hòa và dự án đường Điện Biên Phủ đã kéo dài nhiều năm, gây ảnh hưởng đến đời sống hơn 100 hộ dân trong vùng dự án, nhà ở của các hộ dân đã xuống cấp, hư hỏng nặng và rất nguy hiểm trong mùa mưa bão nhưng không sửa chữa được vì nằm trong quy hoạch của dự án. Kiến nghị UBND tỉnh quan tâm, đôn đốc các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và công khai cho người dân vùng dự án biết; đồng thời, có các chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân có nhà ở xuống cấp, hư hỏng được sửa chữa nhà ở, đảm bảo điều kiện sinh hoạt.
Trả lời: Ban Quản lý Dự án Dân dụng và Công nghiệp tỉnh trả lời như sau (theo văn bản số 1066/BQLDA-DA1 ngày 30/7/2022 của Ban Quản lý Dự án Dân dụng và Công nghiệp tỉnh):
Vấn đề kiến nghị của cử tri liên quan đến 02 dự án BT: Đường Điện Biên Phủ (nối dài) và Cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hòa; dự án Khu Đô thị - Du lịch - Văn hóa - Thể thao hồ Phú Hòa. Theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021 thì không còn hình thức hợp đồng BT (Xây dựng – Chuyển giao); đồng thời, 02 dự án BT nêu trên đã hết thời hạn hiệu lực của hợp đồng nhưng Nhà đầu tư vẫn chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý để có cơ sở triển khai thi công.
UBND tỉnh ban hành Thông báo số 245/TB-UBND ngày 30/11/2020, theo đó UBND tỉnh “Đồng ý chủ trương cho thực hiện thủ tục để gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng đối với 02 dự án BT Đường Điện Biên Phủ (nối dài) và Cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hòa để tiếp tục thực hiện theo quy định; đồng thời UBND tỉnh giao Ban QLDA Dân dụng và Công nghiệp tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, Nhóm công tác liên ngành về BT, làm việc với Nhà đầu tư để thống nhất nội dung, kế hoạch, tiến độ triển khai thực hiện và có cam kết cụ thể; rà soát lại toàn bộ hồ sơ pháp lý, đối chiếu các quy định của pháp luật hiện hành để thực hiện, xử lý đối với dự án chuyển tiếp và thực hiện các thủ tục, hoàn thiện hồ sơ có liên quan, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định hiện hành của Nhà nước”. Ban QLDA đã cùng Nhóm công tác liên ngành họp với Nhà đầu tư để triển khai thực hiện gia hạn hợp đồng 02 Dự án BT. Tuy nhiên, việc tiếp tục ký kết hợp đồng gia hạn để triển khai thực hiện 02 dự án BT có rất nhiều rủi ro, bởi vì việc thanh toán cho Nhà đầu tư bằng quỹ đất của dự án khác như quy định của Hợp đồng BT hay bằng tiền ngân sách nhà nước đều chưa đủ cơ sở về mặt pháp lý. Mặt khác, để triển khai gia hạn hợp đồng 02 Hợp đồng BT và thực hiện thanh toán bằng quỹ đất dự án khác theo quy định trong hợp đồng là không thực hiện được vì không đảm bảo theo các quy định hiện hành.
Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tiếp tục rà soát quy định của pháp luật có liên quan, nghiên cứu, đề xuất phương án triển khai thực hiện các dự án thuộc Khu Đô thị - Du lịch - Văn hóa - Thể thao hồ Phú Hòa.

          III. VỀ THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH

8. Nhiều cử tri trong tỉnh tiếp tục đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh quan tâm, tăng mức phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách xã, thôn, khu phố; đồng thời, phản ánh hiện tại Ban công tác Mặt trận và chi hội đoàn thể thôn, khu phố không được cấp kinh phí hoạt động như trước đây, ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả hoạt động của Ban công tác Mặt trận và chi hội đoàn thể thôn, khu phố, nhất là trong công tác vận động nhân dân. Kiến nghị UBND tỉnh quan tâm, có chính sách hỗ trợ kính phí hoạt động cho Ban công tác Mặt trận và các chi hội đoàn thể thôn, khu phố.
Trả lời: Sở Nội vụ trả lời như sau (theo văn bản số 1255/SNV-XDCQ&CTTN ngày 26/7/2022 của Sở Nội vụ):
1. Về mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, khu phố:
Theo quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thì căn cứ quỹ phụ cấp được khoán, đặc thù của từng loại xã, yêu cầu quản lý, tỷ lệ chi thường xuyên của cấp xã, nguồn kinh phí chi cho cải cách chính sách tiền lương, Ủy ban nhân dân tỉnh đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh quy định số lượng, chức danh, chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, khu phố tại Quyết định số 80/2020/QĐ-UBND ngày 16/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh thực hiện theo Quyết định số 80/2020/QĐ-UBND ngày 16/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh hiện nay là cao hơn so với quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ.
Loại xã Quy định tại Quyết định số 80/2020/QĐ-UBND Quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP
Xã loại I 19,2 16,0
Xã loại II 19,2 13,7
Xã loại III 17,5 11,4
Trong thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh đã có sự quan tâm phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, khu phố; tuy nhiên, mức phụ cấp còn phụ thuộc vào điều kiện cân đối ngân sách của địa phương.
Hiện nay, Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn tổ dân phố và các quy định có liên quan trình Chính phủ trong năm 2022. Sở Nội vụ xin tiếp thu kiến nghị của cử tri; sau khi Chính phủ có chủ trương mới, Sở Nội vụ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo Ủy ban nhân dân tnh, trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi cho phù hợp.
2. Về chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Ban công tác Mặt trận và các chi hội đoàn thể thôn, khu phố:
Theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thì không có quy định khoán kinh phí hoạt động cho Ban công tác Mặt trận và các chi hội đoàn thể thôn, khu phố. Sở Nội vụ xin tiếp thu kiến nghị của cử tri. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, Sở Nội vụ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo Ủy ban nhân dân tnh, trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
          9. Cử tri xã Hoài Châu Bắc, phường Hoài Đức (Hoài Nhơn), xã Phước Nghĩa (Tuy Phước) kiến nghị UBND tỉnh quan tâm, xem xét công nhận Hội cựu thanh niên xung phong và Hội người cao tuổi cấp xã trên địa bàn tỉnh là hội đặc thù để hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi cho các hội hoạt động.
Trả lời: Sở Nội vụ trả lời như sau (theo văn bản số 1255/SNV-XDCQ&CTTN ngày 26/7/2022 của Sở Nội vụ):
Thực hiện Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 01/11/2010 của Thủ tướng chính phủ về việc quy định hội có tính chất đặc thù, Sở Nội vụ đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các quyết định phê duyệt danh sách và quy định chế độ, chính sách đối với các hội có tính chất đặc thù hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Định. Theo đó, trong toàn tỉnh có 656 hội được công nhận là hội có tính chất đặc thù. Trong đó, 15 hội hoạt động trong phạm vi tỉnh; 69 hội hoạt động trong phạm vi huyện, thị xã, thành phố và 572 hội hoạt động trong phạm vi xã, phường, thị trấn.
Tuy nhiên, trong quá trình rà soát Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã báo cáo và đề nghị công nhận các hội có tính chất đặc thù ở địa phương mình chưa đầy đủ, vì vậy vẫn tồn tại một số hội có phạm vi hoạt động trong huyện và trong xã đủ điều kiện công nhận là hội có tính chất đặc thù theo quy định nhưng chưa được công nhận là hội đặc thù.
Ngày 18/7/2016, Sở Nội vụ có Tờ trình số 502/TTr-SNV về việc công nhận bổ sung Hội đặc thù; ngày 05/6/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Công văn số 3309/UBND-NC chỉ đạo: “Trước mắt, giữ ổn định các tổ chức hội trên địa bàn tỉnh đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là hội có tính chất đặc thù như hiện nay. Đối với những hội chưa được công nhận là hội có tính chất đặc thù, tùy vào điều kiện thực tế của từng hội và quy định của pháp luật. Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, hỗ trợ kinh phí gắn với nhiệm vụ được giao, tạo điều kiện để hội hoạt động hiệu quả, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh”.
Theo đó, để tạo điều kiện về kinh phí cho Hội Cựu Thanh niên xung phong cấp huyện, cấp xã và Hội Người cao tuổi cấp xã chưa được công nhận là hội có tính chất đặc thù hoạt động, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản chỉ đạo việc hỗ trợ kinh phí gắn với nhiệm vụ được giao[1].
Vì vậy, để Ủy ban nhân dân cấp xã có cơ sở hỗ trợ kinh phí cho Hội Cựu Thanh niên xung phong cấp xã và Hội Người cao tuổi cấp xã hoạt động trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn và huyện Tuy Phước, các Hội xây dựng nhiệm vụ hoạt động của hội trong năm, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét giao nhiệm vụ, hỗ trợ kinh phí để tạo điều kiện cho hội hoạt động.

          V. VỀ THỰC THI PHÁP LUẬT

10. Cử tri xã Canh Hiệp (Vân Canh) phản ánh tình trạng xe quá tải trọng thường xuyên lưu thông trên tuyến Quốc lộ 19C ảnh hưởng đến an toàn giao thông, nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm, nhằm chấm dứt tình trạng trên.
Trả lời:
1. Sở Giao thông vận tải trả lời như sau (theo văn bản số 1139/SGTVT-GT ngày 29/7/2022 của Sở Giao thông vận tải):
Để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), phòng ngừa tai nạn giao thông trên tuyến QL.19C, Phòng CSGT thuộc Công an tỉnh thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên tuyến QL.19C 24/24 giờ hàng ngày, đã kiểm tra xử lý các hành vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Sở GTVT đã chỉ đạo Thanh tra Sở xây dựng kế hoạch kiểm tra tải trọng xe, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông thường xuyên trên tuyến; phối hợp với lực lượng CSGT tổ chức kiểm soát tải trọng xe và xử lý vi phạm trật tự ATGT theo thẩm quyền. Các lực lượng chức năng thực hiện đúng nhiệm vụ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Ngoài việc xử phạt còn yêu cầu lái xe, doanh nghiệp vận tải, chủ các kho bãi, nhà máy… cam kết không bốc xếp, vận chuyển hàng hóa vượt quá tải trọng quy định. Đến nay, tình trạng phương tiện vi phạm chở hàng quá tải trọng, quá khổ đã được hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật của lái xe, chủ xe, chủ hàng, đầu mối bốc xếp hàng hóa đã từng bước được nâng lên, góp phần bảo đảm an toàn giao thông. Tuy nhiên, QL.19C là tuyến giao thông quan trọng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Trên QL.19C nhiều mỏ khai thác vật liệu xây dựng, cụm và khu công nghiệp, các vùng nguyên liệu, kho hàng, nhà máy sản xuất dăm gỗ, đá, gạch block... trong và ngoài tỉnh nên hàng ngày lưu lượng phương tiện giam gia giao thông lớn, hơn nữa một số chủ phương tiện, lái xe né tránh, đối phó sử dụng phương tiện có tải trọng lớn để vận chuyển vật tư, vật liệu cát, đất, đá, gỗ nguyên liệu vượt quá tải trọng cho phép nên vẫn còn tình trạng xe chở hàng vượt quá tải trọng cho phép như cử tri đã phản ánh.
Từ thực tế đó, trong thời gian đến, để nâng cao hiệu quả kiểm soát tải trọng xe, ngăn chặn tình trạng phương tiện vận chuyển hàng vượt quá tải trọng cho phép trên QL.19C, Sở GTVT sẽ tiếp tực triển khai thực hiện các nội dung sau:
          - Tiếp tục triển khai thực hiện Công điện số 95/CĐ-TTg ngày 10/01/2013 và Công điện số 1966/CĐ-TTg ngày 19/11/2013 về việc tăng cường kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ, Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông, Chỉ thị số 03/CT-BGTVT ngày 12/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 01/3/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định về việc tăng cường các giải pháp kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn tỉnh và ý kiến chỉ đạo liên quan của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ GTVT, UBND tỉnh về công tác kiểm soát tải trọng xe.
          - Phối hợp với các cơ quan truyền thông, địa phương, đơn vị liên quan tuyên truyền sâu rộng, chuyển tải các quy định về vận tải hàng hóa bằng đường bộ đến người dân, doanh nghiệp một cách nhanh chóng tạo sự đồng thuận trong xã hội, khuyến khích người dân giám sát công khai, cung cấp thông tin để kiểm tra xử lý vi phạm về tải trọng xe.
- Tăng cường theo dõi, xử lý qua thiết bị giám sát hành trình, camera lắp đặt trên xe để xử lý nghiêm các đơn vị vận tải có phương tiện vi phạm về tốc độ, hành trình..., và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng xử lý khi có yêu cầu; quản lý chặt chẽ việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải; cấp phù hiệu xe ô tô; cấp giấy phép lưu hành đặt biệt cho xe chở hàng siêu trường, siêu trọng; xem xét từ chối cấp phù hiệu, thu hồi phù hiệu, Giấy phép lưu hành đặt biệt, Giấy phép KDVT đối với các đơn vị  vi phạm không chấp hành, tái phạm theo quy định.
- Chỉ đạo Thanh tra Sở tiếp tục làm việc, yêu cầu các đơn vị vận tải, bốc xếp hàng hóa chấp hành bốc, xếp vận chuyển hàng hóa đúng tải trọng, không để rơi vãi; có trách nhiệm tuyên truyền, vận động đội ngũ lái xe tuân thủ pháp luật; xây dựng kế hoạch duy trì thường xuyên công tác kiểm soát tải trọng xe, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; bố trí lực lượng phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành của Trung ương và địa phương kiểm tra tải trọng xe trên địa bàn tỉnh khi có yêu cầu; tổ chức kiểm tra việc chấp hành các điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa, dịch vụ hỗ trợ vận tải, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm; chủ động nắm bắt tình hình, đề xuất thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm soát tải trọng xe trên các tuyến đường, địa bàn tình hình vi phạm tải trọng xe diễn biến phức tạp; duy trì số điện thoại đường dây nóng hoạt động 24/24 giờ hàng ngày, tiếp nhận thông tin, tài liệu phản ánh của tổ chức, cá nhân để kiểm tra, xác minh xử lý kịp thời theo quy định; khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin tin giúp lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tải trọng xe; giám sát lực lượng chức năng trong thi hành công vụ.
- Yêu cầu các đơn vị kiểm định phương tiện giao thông đường bộ cương quyết không thực hiện kiểm định đối với các phương tiện về cơi nới thành thùng xe để chở hàng quá tải; phối hợp hậu kiểm, cung cấp thông tin về phương tiện làm cơ sở cho lực lượng chức năng xử lý các trường hợp vi phạm về cơi nới thành thùng xe.
- Yêu cầu các nhà thầu thi công các công trình do Sở làm chủ đầu tư phải thực hiện tốt công tác kiểm soát tải trọng xe, xử lý nghiêm đối với các đơn vị không chấp hành.
          - Đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo lực lực CSGT tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm tải trọng xe trên tuyến QL.19C và phối hợp, hỗ trợ Thanh tra Sở Giao thông kiểm soát tải trọng xe.
          - Đề nghị Sở Tài nguyên và môi trường chủ trì kiểm tra các mỏ khai thác khoáng sản, trong đó có nội dung chấp hành bốc hàng hóa lên xe đúng tải trọng; đề xuất thu hồi giấy phép hoạt động đối với các trường hợp cố tình vi phạm, không chấp hành yêu cầu của cơ quan chức năng kiểm tra; chia sẻ dữ liệu từ hệ thống cân, camera lắp đặt tại các mỏ khai thác khoáng sản cho lực lượng chức năng xử lý phương tiện vi phạm tải trọng xe.
          - Đề nghị các Sở, ngành, Ban QLDA, Ban quản lý khu kinh tế thuộc tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chấp hành các quy định về vận tải hàng hóa; bốc, xếp vận chuyển hàng hóa đúng tải trọng cho phép; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc xếp hàng hóa lên xe ô tô đúng tải trọng ngay tại khu vực đầu nguồn hàng, công trường, khu cum, công nghiệp do mình quản lý; không tạo điều kiện, ký hợp đồng vận chuyển đối với các đơn vị vận tải vi phạm về tải trọng, phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý các phương tiện vận chuyển vi phạm về tải trọng trong phạm vi quản lý của các đơn vị.
          - Đề nghị Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh tham mưu UBND tỉnh các biện pháp tăng cường quản lý, giám sát, nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng xe; khảo sát lắp đặt Camera giám sát hoạt động giao thông, xử lý vi phạm trật tự ATGT tại các tuyến đường, khu vực tình hình vi phạm về tải trọng xe phức tạp; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm trong công tác kiểm soát tải trọng xe.
- UBND các huyện chỉ đạo các Ban quản lý dự án, chủ đầu tư trực thuộc khi triển khai thực hiện các dự án xây dựng phải chấp hành nghiêm các quy định về bốc, xếp vận chuyển hàng hóa đúng tải trọng cho phép; các cơ quan chức năng rà soát yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng đường bộ; đơn vị bốc dỡ hàng hóa, các bãi, mỏ vật liệu thuộc địa bàn quản lý chấp hành nghiêm các quy định về tải trọng phương tiện, xử lý nghiêm trường hợp cố tình bốc xếp lên phương tiện quá tải; xem xét thu hồi giấy phép kinh doanh theo thẩm quyền hoặc đề xuất rút giấy phép hoạt động theo quy định đối với các trường hợp vi phạm nhiều lần không khắc phục.
          2. Công an tỉnh trả lời như sau (theo văn bản số 1928/Bc-CAT-PV01 ngày 29/8/2022 của Công an tỉnh):
Công an tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch chỉ đạo lực lượng CSGT triển khai thực hiện các mặt công tác, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý quyết liệt các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, như: Kế hoạch số 381/KH-CAT-PC08 ngày 22/02/2022 về việc tổ chức tuần tra, xử lý vi phạm theo chuyên đề "Chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ" trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 1493/KH-CAT-PC08 ngày 16/6/2022 về cao điểm kểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, trong đó chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông tập trung xử lý vi phạm về cơi nới thành thùng xe, chở hàng quá tải trọng, quá khổ. Kết quả 7 tháng đầu năm 2022, lực lượng CSGT toàn tỉnh tập trung xử lý 272 trường hợp vi phạm về lỗi chở quá tải, 292 trường hợp chở quá kích thước của xe, 47 trường hợp tự ý thay đổi kết cấu, kích thước của xe (trong đó có 39 trường hợp xe tải); riêng tuyến QL19C đã xử lý 04 trường hợp vi phạm lỗi chở quá tải, 25 trường hợp chở quá kích thước của xe, 02 trường hợp tự ý thay đổi kết cấu, kích thước của xe. Công an huyện Vân Canh đã bố trí 621 ca với 3.034 lượt cán bộ, chiến sỹ tuần tra trên các tuyến giao thông phân cấp quản lý kịp thời phát hiện, xử lý 241 phương tiện vi phạm (gồm: 87 xe ô tô và 154 xe mô tô), trong đó xử lý 17 trường hợp chở hàng vượt quá kích thước xe, 01 trường hợp xe tải tự ý thay đổi kết cấu, kích thước của xe; tạm giữ 47 xe mô tô; tước giấy phép lái xe 42 đối tượng; nộp Kho bạc Nhà nước gần 248 triệu đồng. Tiếp thu ý kiến của cử tri phản ánh, trong thời gian đến Công an tỉnh sẽ quyết liệt chỉ đạo lực lượng CSGT tăng cường các giải pháp đảm bảo tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh nói chung và trên tuyến Quốc lộ 19C nói riêng, trong đó, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông: (1) Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền, phổ biến hoặc trực tiếp làm việc với các chủ doanh nghiệp, nhà máy, bến bãi, xưởng cơ khí, sữa chữa ô tô, người điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa... các quy định của pháp luật về vận tải hàng hóa, về chủ trương của Chính phủ, UBND tỉnh, Công an tỉnh trong việc kiểm tra, xử lý các hành vi chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện, cơi nới thành thùng xe nhằm tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội; yêu cầu các cơ sở, đơn vị liên quan ký cam kết chấp hành nghiêm việc bốc xếp, chở hàng hóa đúng trọng tải, thiết kế của xe.
(2) Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm chở hàng quá tải trọng, cơi nới thành thùng xe trên các tuyến giao thông, nhất là ngay tại nguồn hàng như cảng, bến bãi, nhà ga, mỏ vật liệu, nơi tập kết hàng hóa... Tiến hành xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cưỡng chế hạ tải và yêu cầu cam kết cắt thành, thùng cơi nới mới cho phương tiện tiếp tục tham gia giao thông, đồng thời tiếp tục xác minh, làm rõ chủ phương tiện để có hình thức xử lý. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bố trí lực lượng để cưỡng chế, nếu xảy ra trường hợp cố tình chống đối việc kiểm tra, xử lý, cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng thì xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. 
          11. Cử tri trong tỉnh tiếp tục kiến nghị ngành công an và chính quyền địa phương các cấp tăng cường các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê đã và đang tiếp tục diễn biến phức tạp trên địa bàn.
Trả lời: Công an tỉnh trả lời như sau (theo văn bản số 1928/BC-CAT-PV01 ngày 29/8/2022 của Công an tỉnh)Trong thời gian qua, các hoạt động của các loại tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" diễn ra không công khai như trước; tình trạng treo biển quảng cáo, phát, dán tờ rơi mặc dù còn diễn ra, nhưng không nhiều; hoạt động đòi nợ, siết nợ giảm mạnh. Các nhóm đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ và đòi nợ thuê ngày càng tinh vi, thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội manh động, bạo lực để đòi nợ như ném chất bẩn, gạch đá... và tìm mọi cách để đối phó với cơ quan thực thi pháp luật. Thời gian gần đây, nổi lên tình trạng học sinh, sinh viên, người có thu nhập thấp vay tiền qua các app, website... nhưng không biết lãi suất khi vay cao hơn lãi suất ngân hàng, dẫn đến việc vay của ứng dụng sau trả lãi cho ứng dụng trước; khi không có khả năng trả nợ sẽ bị chủ nợ truy cập thông tin cá nhân, danh bạ, tài khoản trên mạng xã hội để bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, phát tán cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp người vay để gây áp lực trả nợ. Trường hợp người vay không trả hay trả chậm tiền lãi, tiền gốc thì các đối tượng này thường xuyên gọi điện hăm dọa người thân của người vay để gây áp lực; đặc biệt, có những trường hợp không có tiền trả nên phải bỏ trốn khỏi địa phương. Công an tỉnh đã tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn số 1924/UBND-NC ngày 16/4/2019 về tăng cường công tác quản lý, phòng ngừa, đấu tranh với vi phạm pháp luật trong hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh và trực tiếp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm hoạt động liên quan đến "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh, như: Kế hoạch số 1648/KH-CAT-PC02 ngày 28/8/2018 về việc phòng ngừa, đấu tranh các hành vi vi phạm pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh tài chính trên địa bàn tỉnh; Công văn số 323/CAT-PV01 ngày 22/4/2019 về tăng cường công tác quản lý, phòng ngừa, đấu tranh với vi phạm pháp luật trong hoạt động "tín dụng đen"; Kế hoạch số 673/KH-CAT-PV01 ngày 30/7/2019 về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen"... Đặc biệt, Công an tinh đã chủ động tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 1545/QĐ- UBND ngày 17/5/2022 về việc thành lập Tổ công tác liên ngành kiểm tra các cơ sở, dịch vụ có biểu hiện hoạt động liên quan đến "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương chủ động nắm chắc tình hình, rà soát, thống kê danh sách các băng, nhóm hoạt động cho vay lãi nặng theo hình thức "tín dụng đen" và đòi nợ thuê để thu thập tài liệu, xử lý; đồng thời áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ gọi hỏi, răn đe các đối tượng có liên quan, nhằm đảm bảo công tác phòng ngừa và củng cố hồ sơ, tài liệu để áp dụng các hình thức xử lý phù hợp, đúng quy định pháp luật. Theo thống kê, từ năm 2020 đến nay, Công an tinh đã tiếp nhận, điều tra, xử lý 40 vụ - 65 đối tượng liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", đòi nợ thuê, cho vay lãi nặng gồm: Cố ý gây thương tích: 12 vụ - 18 đối tượng; làm nhục người khác: 01 vụ - 01 đối tượng; bắt, giữ người trái pháp luật: 06 vụ - 16 đối tượng; cướp tài sản: 04 vụ - 06 đối tượng; cưỡng đoạt tài sản: 02 vụ - 04 đối tượng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản: 02 vụ - 02 đối tượng; hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản: 07 vụ - 08 đối tượng; cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự: 05 vụ - 09 đối tượng; gây rôi trật tự công cộng: 01 vụ - 01 đối tượng. Đã khởi tố: 24 vụ - 42 bị can, xử lý vi phạm hành chính: l1 vụ - 12 đối tượng, đang tiếp tục xác minh làm rõ: 05 vụ - 11 đối tượng. Riêng trong 07 tháng đầu năm 2022 tiếp nhận, khởi tố, điều tra xử lý 01 vụ - 03 bị can về hành vi cưỡng đoạt tài sản, có liên quan đến hoạt động "tín dụng đen"... Để tăng cường các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê trong thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo lực lượng Cảnh sát hình sự: (1) Chủ động nắm chắc tình hình, làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh với các đối tượng, băng nhóm tội phạm liên quan đến "tín dụng đen", đòi nợ thuê; tham mưu Tổ công tác liên ngành tố chức kiểm tra các cơ sở, dịch vụ có biểu hiện hoạt động "tín dụng đen" để kịp thời phát hiện các cơ sở có hành vi "cho vay, hỗ trợ tài chính" vi phạm pháp luật để tham mưu xử lý quyết liệt, đúng quy định. (2) Làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin tội phạm có liên quan đến các đối tượng, băng nhóm cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê gây ra, kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu, chủ mưu, các đối tượng tích cực thực hiện hành vị phạm tội. Kịp thời phát hiện các hành vi manh nha, hình thành các băng, nhóm tổ chức tội phạm, ngăn chặn không để hoạt động theo kiểu "xã hội đen" trên địa bàn tỉnh. Công an tỉnh kiến nghị cử tri khi có dư luận liên quan vấn đề "tín dụng đen" thì kịp thời phản ánh, có tin báo đến lực lượng Công an để tiếp nhận, giải quyết tin
báo, tô giác tội phạm theo quy định.
 

[1] Đối với Hội Cựu TNXP: Ủy ban nhân dân tỉnh có Công văn số 4204/UBND-VX ngày 23/9/2016 và Công văn số 1654/UBND-VX ngày 11/4/2017; Sở Nội vụ có Công văn số 537/SNVTCBC&TCPCP ngày 31/3/2022. Đối với 17 Hội Người cao tuổi cấp xã trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn: Ủy ban nhân dân tỉnh có Công văn số 657/UBND-NC ngày 06/02/2018.

Tác giả bài viết: Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây