Trả lời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định gửi đến Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV

Thứ năm - 11/11/2021 10:32
Cử tri kiến nghị: Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững theo chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc, cử tri kiến nghị Chính phủ tăng cường hành động để bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu khó lường như hiện nay, cử tri tiếp tục kiến nghị thực hiện mức giao khoán bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ lên mức bình quân 500.000 đồng/ha/năm (riêng đối với diện tích rừng thuộc xã khu vực II và III, rừng vùng ven biển bằng 1,2 lần mức khoán bảo vệ rừng bình quân), vì mức khoán như hiện nay là thấp, không tạo được động lực và đảm bảo chi phí cho người dân. Đồng thời, đối với chính sách hỗ trợ trồng rừng sản xuất, đề nghị Chính phủ có quy định giao cho UBND cấp tỉnh có thẩm quyền lựa chọn, quyết định các loại cây sản xuất gỗ lớn phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu của địa phương để trồng rừng sản xuất trên địa bàn, đảm bảo hiệu quả trồng rừng, mang lại hiệu quả kinh tế và phát triển rừng bền vững.
Trả lời:
Nội dung trả lời cụ thể xem tại Công văn số 6955/BNN-TCLN ngày 26/10/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tóm tắt nội dung trả lời như sau:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng “Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp”, trong đó có nội dung quy định chính sách về khoán bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.
Hiện nay, dự thảo Nghị định đã được Bộ Tư pháp thẩm định; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định và chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định, trình Chính phủ trong tháng 10 năm 2021. Các nội dung kiến nghị của cử tri sẽ được cơ quan chủ trì tổng hợp cân nhắc cùng các quy định liên quan để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, tiếp thu cho phù hợp với quy định chung.
Cử tri kiến nghị: Hiện nay, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do chi phí vật tư nông nghiệp tăng cao, giá đầu ra một số nông sản thấp, thiếu ổn định. Bên cạnh đó, qua phản ánh của người dân, có tình trạng cây giống kém chất lượng, phân bón, thuốc trừ sâu không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm định… được trao đổi, mua bán qua nhiều kênh (kể cả được bán online). Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, quản lý, xử lý triệt để tình trạng trên; đồng thời, tăng cường nắm bắt thông tin, diễn biến thị trường trong và ngoài nước để có các chính sách kịp thời, hiệu quả hỗ trợ, tạo thị trường, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.
Trả lời:
Nội dung trả lời cụ thể xem tại Công văn số 6986/BNN-TCLN ngày 26/10/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tóm tắt nội dung trả lời như sau:
 - Về kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp, phối hợp kiểm tra, quản lý chi phí vật tư nông nghiệp, đầu ra sản phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi, Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; xây dựng và trình Chính phủ ban hành bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông sản; chủ trì, phố hợp với các Bộ, ngành trình Chính phủ ban hành các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính để quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp. Bên cạnh đó, đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; tăng cường đào tạo, tập huấn về sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp đúng quy định cho từng đối tượng; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, trong đó chuyển mạnh sang thanh tra đột xuất các cơ sở có dấu hiệu vi phạm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
- Về tăng cường nắm bắt thông tin, diễn biến thị trường trong và ngoài nước để có các chính sách kịp thời, hiệu quả hỗ trợ, tạo thị trường, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, Bộ đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển thị trường nông sản và các Tổ công tác chuyên đề. Thành lập 02 Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ sản phẩm nông sản; phối hợp với địa phương trao đổi, cung cấp thông tin hai chiều về lĩnh vực chế biến, phát triển thị trường nông sản; phối hợp với Bộ Công thương tổ chức Hội nghị tham tán thương mại của Việt Nam tại các nước để kịp thời cung cấp thông tin hai chiều về tình hình sản xuất trong nước cũng như diễn biến tại thị trường nhập khẩu.
 

Tác giả bài viết: Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây