Câu hỏi: Tuy hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách ưu tiên trong công tác tuyển dụng công chức, viên chức đối với người đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng thực tế ở nhiều địa phương, nhất là cơ sở, kết quả thi tuyển của các thí sinh là người dân tộc thiểu số thường thấp, không đạt. Cử tri kiến nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ quan tâm nghiên cứu, đánh giá thực trạng tình hình để có chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho các địa phương trong tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số (hiện nay chính sách ưu tiên cho người dân tộc thiểu số khi tham gia thi tuyển, xét tuyển công chức là cộng 5 điểm vào kết quả thi tại vòng 2).
Trả lời (Theo văn bản số 5097/BNV-CCVC ngày 12/10/2021 của Bộ Nội vụ)
Triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đối với người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều quy định đặc thù để ưu tiên tuyển dụng công chức, viên chức người DTTS, cụ thể như:
Tại Nghị định 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, Chính phủ quy định các địa phương khi xây dựng Kế hoạch tuyển dụng công chức, viên chức hàng năm được xác định cụ thể chỉ tiêu và cơ cấu dân tộc cần tuyển nếu có nhu cầu tuyển dụng công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số.
Người dân tộc thiểu số khi tham gia thi tuyển hoặc xét tuyển công chức, viên chức hoặc công chức cấp xã được cộng điểm ưu tiên và được miễn thi môn ngoại ngữ nếu dự tuyển vào vị trí việc làm công tác ở vùng dân tộc thiểu số.
Tại Nghị định 141/2020/NĐ-CP ngày 08/12/2020 về chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên DTTS quy định người học là người DTTS thuộc đối tượng được hưởng chế độ cử tuyển gồm người DTTS rất ít người; người DTTS ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS; người theo học chế độ cử tuyển, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học được xét và bố trí việc làm theo quy định tại Điều 12 Nghị định 141/2020/NĐ-CP.
Việc sửa đổi, bổ sung và ban hành các quy định mới ưu tiên tuyển dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS nêu trên xuất phát từ chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước về chính sách ưu tiên đối với đồng bào DTTS, đồng thời căn cứ vào số liệu tổng hợp, đánh giá về số lượng, chất lượng người DTTS làm việc trong cơ quan đảng, nhà nước từ Trung ương đến địa phương; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS trên tổng dân số trên địa bàn, theo đó xác định tỷ lệ đối với từng cấp tỉnh, huyện, xã (Tỉnh có tỷ lệ dân số là người DTTS từ 30-50% thì tỷ lệ CBCCVC phải đạt 10% trên tổng biên chế được giao. Tương ứng đó là: 50%-70% đạt 15%; trên 70% đạt 20%. Tỷ lệ nêu trên được xác định cụ thể tại Đề án Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức DTTS trong thời kỳ mới ban hành kèm theo Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ). Theo đó, thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 13/3/2020, Bộ Nội vụ đã có Báo cáo số 1288/BC-BNV báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Kết quả 3 năm thực hiện Đề án Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức DTTS trong thời kỳ mới và đã tổng hợp số liệu cụ thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS của từng bộ, ngành, địa phương.
Trên cơ sở số liệu về số lượng, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS, trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc; hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt các quy định về chính sách đặc thù trong tuyển dụng người DTTS vào làm việc trong các cơ quan tại địa phương, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu về tỷ lệ người DTTS công tác tại các cơ quan trong hệ thống chính trị đã đề ra tại Đề án.