Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Việc thành lập 3 thị xã thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Phú Yên và Bình Định là 3 đề án nâng cấp đô thị thành lập thị xã và phường trên cơ sở nguyên trạng các đơn vị hành chính cùng cấp. Theo báo cáo thẩm tra việc việc thành lập 3 thị xã cho thấy, hồ sơ các đề án đã được Chính phủ, chính quyền các tỉnh Thanh Hóa, Phú Yên và Bình Định chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật.
Với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với Nghị quyết về việc thành lập 3 thị xã thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Phú Yên và Bình Định, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Nghị quyết chính thức có hiệu lực từ ngày 01/6/2020.
Trước đó, các thành viên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra việc thành lập 3 thị xã thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Phú Yên và Bình Định.
Báo cáo thẩm tra về việc thành lập 03 thị xã thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Phú Yên và Bình Định do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày nêu rõ: Ủy ban cơ bản tán thành với sự cần thiết thành lập thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định; thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên; thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa và các phường trực thuộc các thị xã với những lý do nêu trong các Tờ trình và Đề án của Chính phủ.
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thành lập các thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa và các phường thuộc các thị xã với những nội dung nêu trong Tờ trình, Đề án của Chính phủ và đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ý kiến tham gia thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.
Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Pháp luật, một số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật cho rằng, một số tiêu chí về phân loại đô thị trong Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa thật sự phù hợp với thực tế phát triển đô thị của nước ta là hướng tới các đô thị sinh thái, đô thị xanh,… chẳng hạn như vấn đề quy mô và mật độ dân số, vấn đề tỷ lệ diện tích đất xây dựng đô thị, đất phi nông nghiệp trên diện tích đất nông nghiệp,… Vì vậy, đề nghị Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện cần rà soát, kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập để tổng kết, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hinh thực tế.
Về các dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung một số nội dung liên quan đến vị trí tiếp giáp và số lượng các đơn vị hành chính (đối với Nghị quyết thành lập thị xã Hoài Nhơn), nội dung thành lập Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và trách nhiệm của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (đối với Nghị quyết thành lập thị xã Đông Hòa) và chỉnh lý lại văn phong, kỹ thuật của tất cả các Nghị quyết.
Trường hợp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên họp này, đề nghị thống nhất xác định thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết là ngày 01/6/2020 để các cơ quan, tổ chức và địa phương có thời gian cho công tác chuẩn bị, kiện toàn tổ chức, thay đổi tên gọi, con dấu và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của đơn vị hành chính mới được thành lập.