Quốc hội họp trực tuyến, đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri

Thứ tư - 29/04/2020 08:05
Lần đầu tiên một kỳ họp Quốc hội được tổ chức thành 2 đợt, trong đó có 1 đợt theo hình thức trực tuyến; cùng với đó là không tiếp xúc cử tri trực tiếp ở cấp xã. Ðó là những đổi mới cần thiết trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, hoạt động tiếp xúc cử tri trực tiếp tại các xã sẽ không được thực hiện.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, hoạt động tiếp xúc cử tri trực tiếp tại các xã sẽ không được thực hiện.
Theo Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lý Tiết Hạnh, kỳ họp thứ 9 Quốc hội (QH) khóa XIV sẽ chia thành 2 đợt. Đợt 1 họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố (từ ngày 20.5 đến ngày 4.6); đợt 2 họp tập trung tại Nhà Quốc hội (từ 10.6 đến 19.6).
Bà Lý Tiết Hạnh
Bà Lý Tiết Hạnh
● Thưa bà, đây có phải là cách thức và bước đi phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước hiện nay?
- Đúng vậy. Bên cạnh yếu tố phòng, chống dịch bệnh, việc tổ chức kỳ họp theo hình thức họp trực tuyến kết hợp với tập trung cũng nhằm tạo sự chủ động cho việc chuẩn bị kỳ họp. Họp trực tuyến là một bước tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của QH, tiến tới QH điện tử, đồng thời cũng là cách thức để QH có thể xem xét, quyết định kịp thời những vấn đề cấp thiết đặt ra từ thực tiễn.
Về nội dung, trong đợt 1, QH sẽ nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8; thảo luận các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình QH xem xét, thông qua; xem xét Báo cáo về KT-XH và ngân sách nhà nước (trong đó có nội dung phòng, chống dịch Covid-19); phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”.
Việc biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức sẽ được thực hiện bằng hệ thống biểu quyết điện tử (cài đặt trên thiết bị di động).
Trong đợt 2, QH xem xét các báo cáo và quyết định một số vấn đề về KT-XH, ngân sách nhà nước; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; xem xét, quyết định chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thảo luận các dự án luật trình QH cho ý kiến; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và xem xét, quyết định nhân sự khác; biểu quyết thông qua luật đã được thảo luận ở đợt 1.
Tại kỳ họp này, dự kiến không tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên toàn thể. Song, quyền chất vấn của ĐBQH vẫn thực hiện thông qua việc chất vấn bằng văn bản để các bộ trưởng, thành viên Chính phủ trả lời.
● Bên cạnh hình thức tổ chức, hoạt động tiếp xúc cử tri cũng có nhiều thay đổi. Xin bà thông tin cụ thể?
- Nhằm thực hiện các biện pháp đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, trước kỳ họp thứ 9, các ĐBQH sẽ không tiếp xúc cử tri tại các xã, phường, thị trấn như trước đây. Tại mỗi huyện, thị xã, thành phố chỉ tổ chức 1 điểm tiếp xúc với không quá 25 người tham gia, gồm đại diện Ủy ban MTTQ cấp xã, Ủy ban MTTQ và HĐND cấp huyện. Số lượng đại biểu tại buổi tiếp xúc với Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và đại diện các tổ chức thành viên cũng không quá 20 người.  
Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tổ chức tiếp xúc chuyên đề với cán bộ, chiến sĩ của lực lượng BĐBP tỉnh. Bên cạnh thông báo dự kiến nội dung của kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ lấy ý kiến về dự án Luật Biên phòng Việt Nam.
Tại các buổi tiếp xúc, bên cạnh hạn chế số lượng người tham gia, khâu tổ chức cũng chú trọng thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
● Không được gặp trực tiếp ĐBQH tại các xã, phường, thị trấn, cử tri sẽ gửi gắm ý kiến, kiến nghị qua những kênh nào, thưa bà?
- Trước kỳ họp thứ 9, mặc dù không tổ chức tiếp xúc cử tri tập trung như trước đây, nhưng việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri vẫn được tiến hành thông qua nhiều hình thức linh hoạt, thông qua nhiều kênh.
Đầu tiên, cử tri có thể phản ánh trực tiếp với Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã để tổng hợp, gửi về Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện. Cử tri cũng có thể gửi ý kiến bằng văn bản qua đường bưu điện về Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh ở địa chỉ 01 Trần Phú, TP Quy Nhơn; hoặc gửi email về địa chỉ binhdinh@quochoi.vn.
Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH tỉnh và các ĐBQH cũng ghi nhận, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri thông qua thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là thông tin về các vấn đề nóng ở các địa bàn nhạy cảm, phức tạp.

Nguồn tin: Báo Bình Định

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây