Nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, tránh “cài cắm” lợi ích nhóm; tăng cường đầu tư cho văn hóa

Thứ bảy - 07/09/2019 11:34
Sáng 30.5, Quốc hội thảo luận kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019. ĐBQH tỉnh Lê Công Nhường phát biểu về chất lượng xây dựng pháp luật và đề xuất cách khắc phục.
viewimage(11)
viewimage(11)

Đại biểu Nhường cho rằng: chất lượng xây dựng văn bản pháp luật hiện còn hạn chế. Nhiều dự án luật còn chồng chéo và có nhiều điều không khả thi. Thời gian “sống” của một số văn bản luật ngắn; sau 3 đến 5 năm thực hiện thì phát hiện bất cập và phải đề nghị sửa đổi. Ví dụ như: dự thảo quy định về tiêu chuẩn nước mắm, thông tư về danh mục thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành, quy định chỉ được bán thịt lợn giết mổ trong 8 giờ đồng hồ...

Theo ông, nguyên nhân của tình trạng này là xã hội đang biến đổi nhanh trước các tác động mạnh mẽ của công nghệ thông tin và hội nhập quốc tế; tư duy chính sách, năng lực làm chính sách của một số bộ phận, một số cán bộ không tốt, còn tư duy “quản lý không được thì cấm”; việc cài cắm lợi ích ngành, lợi ích nhóm vẫn còn. Do vậy, một số luật không giúp cho mục tiêu quản lý nhà nước mà chồng chéo, mâu thuẫn với luật, quy định khác, gây khó khăn cho ngành, cho người dân, doanh nghiệp. Nguy hiểm nhất là lỗi không minh bạch. Nhiều văn bản pháp luật đưa ra có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau tùy vào cách giải thích của cán bộ thực thi và đây là “mảnh đất” cho nhũng nhiễu và tham nhũng.

Để khắc phục, ông Nhường đề nghị: Thứ nhất, khi xây dựng văn bản pháp luật, cần mời hội luật sư, hội nghề nghiệp liên quan, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, đối tượng bị ảnh hưởng với tỷ lệ tham gia nhiều hơn hiện nay.

Thứ hai, bố trí, cơ cấu lại bộ phận làm chính sách, phải tách biệt với bộ phận thực thi chính sách để tránh việc “cài cắm” lợi ích theo thẩm quyền của bộ, ngành mình. Đề xuất Bộ Tư pháp và Văn phòng chính phủ phải chủ trì các dự thảo luật và các ngành chỉ cử người tham gia như các chuyên gia.

Thứ ba, áp dụng trí tuệ nhân tạo trong trợ giúp công tác xây dựng pháp luật; lập trình tạo nên mục tiêu để máy tính hay người máy có thể tự động hóa các hành vi thông minh. Đó là suy nghĩ, lập luận giúp giải quyết các vấn đề, phát hiện các dự thảo luật có các điều, khoản không tương thích với Hiến pháp, luật... ban hành trước đó nhằm tránh các chồng chéo, mâu thuẫn; tạo điều kiện cho các đại biểu tập trung giải quyết những vấn đề thực tiễn xã hội đặt ra trong luật và luật ban hành ra được minh bạch.

Thứ tư, nghiên cứu và áp dụng trí tuệ nhân tạo trong trợ giúp công tác hành pháp và tư pháp để đảm bảo luật pháp “bất vị thân” và đẩy nhanh xử lý các vụ án còn tồn đọng. Tất nhiên, việc áp dụng này vẫn có sự giám sát chuyên môn của con người.

ĐBQH Đặng Hoài Tân phản ánh những bức xúc của cử tri địa phương về các vấn đề đạo đức xã hội như bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường; hoạt động tâm linh vượt quá giới hạn giáo lý, giáo luật của tôn giáo. Trật tự xã hội tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn: Tội phạm ma túy ngày càng tăng về tính chất nguy hiểm, sự manh động; tín dụng đen diễn biến phức tạp; tình trạng chặt phá rừng, hủy hoại môi trường sinh thái gia tăng; vật tư nông nghiệp trên thị trường chưa được kiểm soát chặt chẽ, nhất là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Theo đại biểu Tân, nguyên nhân chính của thực trạng này là từ chính sách, pháp luật; sự đầu tư giữa phát triển văn hóa đặt trong mối tương quan với kinh tế chưa cân đối. Công tác tuyên truyền còn hạn chế dẫn đến ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao. Việc thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ chưa nghiêm; chế tài xử lý một số vụ việc chưa đủ sức răn đe. Đại biểu Tân đề nghị: Cần tăng cường đầu tư cho văn hóa, trong đó xây dựng các thiết chế văn hóa, nâng cao các phong trào văn hóa, nếp sống văn hóa tại cộng đồng; tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền pháp luật cho người dân. Chính phủ sớm đẩy mạnh lộ trình xây dựng công an xã chính quy. Bố trí đủ lực lượng kiểm lâm theo quy định; tạo điều kiện về phương tiện để kiểm lâm hoàn thành nhiệm vụ; quan tâm kinh phí khoán quản lý bảo vệ rừng. Đề nghị Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT đưa cơ sở dữ liệu cung cầu thị trường sản phẩm nông nghiệp trong và ngoài nước lên cổng thông tin điện tử của Bộ để người nông dân dễ dàng tra cứu, phục vụ cho kế hoạch sản xuất…


Theo baobinhdinh.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây