Phóng viên: Thưa Chủ tịch Quốc hội, năm 2019, Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn. Nhìn lại hoạt động của Quốc hội năm qua, Chủ tịch Quốc hội đánh giá như thế nào.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Năm 2019 vừa qua là một năm đầy khó khăn, thử thách, bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tình hình trong nước có nhiều tác động bất lợi do thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu... Trước tình hình đó, với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, cùng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, chúng ta tiếp tục đạt những kết quả khá toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm quốc phòng an ninh quốc gia. Năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp, chúng ta đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao. Đây cũng là năm mà cả thu ngân sách trung ương và thu ngân sách địa phương đều vượt kế hoạch. Quan hệ đối ngoại cũng đạt được nhiều thành tựu tích cực, khẳng định vị thế ngày càng cao của Việt Nam.
Đóng góp vào thành tích chung của cả nước, Quốc hội đã đồng hành cùng Chính phủ kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn, tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Những vấn đề có ý kiến khác nhau đều được Quốc hội xem xét thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng, nên đã tạo được sự đồng thuận cao. Các vị đại biểu Quốc hội đã phát huy tốt vai trò của mình, bám sát thực tiễn cuộc sống, lắng nghe và phản ánh ý chí, nguyện vọng của cử tri vào nghị trường. Đồng thời, Quốc hội không ngừng có những cải tiến, đổi mới trong việc chuẩn bị nội dung, công tác chỉ đạo điều hành, bố trí chương trình nghị sự, tổ chức tranh luận, thảo luận, ứng dụng công nghệ thông tin,… từ đó, đã giúp Quốc hội hoàn thành khối lượng công việc rất lớn theo đúng kế hoạch, chương trình đề ra, nhận được sự ủng hộ, tin tưởng của cử tri và Nhân dân cả nước.
Về lập pháp, Quốc hội đã xem xét, thông qua 18 luật, Bộ luật và cho ý kiến 19 dự án luật khác. Các luật này tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, góp phần bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; cải cách bộ máy nhà nước tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật hành chính phục vụ Nhân dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước.
Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia cùng Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia. Đây là dấu mốc lịch sử, góp phần ổn định, củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết truyền thống, hữu nghị, hợp tác toàn diện, láng giềng tốt đẹp giữa Nhà nước và Nhân dân hai nước; đồng thời, là cơ sở chính trị, pháp lý để hoàn tất việc phân giới cắm mốc, xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định lâu dài giữa Việt Nam và Campuchia.
Về quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội đã thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng, trong đó, lần đầu tiên, Quốc hội ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đã tích hợp các chính sách nhằm tập trung nguồn lực, tạo nền tảng phát triển nhanh hơn, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội của các vùng này so với cả nước.
Hoạt động giám sát của Quốc hội tiếp tục được tăng cường, đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm. Qua giám sát tối cao hai chuyên đề, Quốc hội đã chỉ ra nhiều bất cập, yếu kém trong quy hoạch quản lý, sử dụng đất đai đô thị, trong công tác quản lý và triển khai thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy, phân tích làm rõ nguyên nhân của các bất cập, từ đó có những giải pháp để giải quyết những hạn chế trong thời gian tới.
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục được cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm, theo dõi, đánh giá cao về các nhóm vấn đề được lựa chọn cũng như chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn. Trước nhiều vấn đề “nóng” mà đại biểu Quốc hội đặt ra, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã trả lời nghiêm túc, không né tránh và đưa ra nhiều cam kết để khắc phục các hạn chế, bất cập trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý trong lĩnh vực phụ trách. Điều đó cho thấy, Quốc hội đã luôn quan tâm, theo dõi sát sao hoạt động của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, vừa là để ghi nhận kết quả đạt được, nhưng cũng là để nhắc nhở, đôn đốc tiếp tục thực hiện các yêu cầu được nêu trong các Nghị quyết của Quốc hội.
Năm 2019 cũng là năm mà hoạt động ngoại giao nghị viện tiếp tục được đẩy mạnh trên cả bình diện song phương và đa phương, bảo đảm đúng định hướng tiếp tục ưu tiên các đối tác có quan hệ đặc biệt, các nước láng giềng, khu vực, đối tác chiến lược, đối tác truyền thống để tăng cường hợp tác và tranh thủ sự ủng hộ của Quốc hội các nước, góp phần vào thành tựu chung đạt được trong công tác đối ngoại của đất nước.
Phóng viên: Thưa Chủ tịch Quốc hội, mạch nguồn đổi mới trong hoạt động của Quốc hội khoá XIV đã được thể hiện rất rõ qua từng năm, mang lại kết quả cụ thể, tăng thêm niềm tin của cử tri và nhân dân, tạo động lực để toàn đảng, toàn quân và toàn dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Mạch nguồn đổi mới sẽ tiếp tục được phát huy như thế nào cùng với yêu cầu nhiệm vụ mới của Quốc hội trong năm 2020, thưa Chủ tịch Quốc hội?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Đổi mới vừa là nội dung vừa là mục tiêu trong hoạt động của Quốc hội. Đây là yêu cầu thường xuyên, liên tục. Có đổi mới thì mới nâng cao được chất lượng, hiệu quả hoạt động, mới đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của Nhân dân và cử tri.
Năm 2020, nhiệm vụ đặt ra cho Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cũng như từng đại biểu Quốc hội là rất nặng nề, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm cao, tiếp tục có những cải tiến, đổi mới trong từng khâu, từng việc để hoàn thành kế hoạch, chương trình công tác đã đặt ra.
Tới đây, Quốc hội sẽ tiếp tục kế thừa những thành quả về xây dựng pháp luật, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả của quy trình xây dựng pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc xem xét, thông qua các dự án luật, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, đúng quy trình, thủ tục, trong đó chú trọng khâu thẩm tra, phát huy hơn nữa vai trò chủ động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban; tiếp tục tăng cường tranh luận trong thảo luận các dự án luật; đối với những vấn đề khó, vấn đề còn có ý kiến khác nhau phải nghiên cứu kỹ, lấy ý kiến thăm dò để làm cơ sở cho việc hoàn thiện luật. Cùng với đó, cần có những giải pháp hiệu quả trong công tác thông tin, tuyên truyền, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân đối với các quy định của pháp luật cũng như vận động người dân tuân thủ đầy đủ.
Về hoạt động giám sát năm 2020, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục đặt trọng tâm vào các khâu, đó là: xem xét các báo cáo, giám sát tối cao chuyên đề, chất vấn, trả lời chất vấn. Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ giám sát lại việc thực hiện các Nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ, giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan, tổ chức trong triển khai thi hành luật. Hoạt động giám sát sẽ tiếp tục được đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, thực chất, chú trọng giải quyết các vấn đề bức xúc, được xã hội và Nhân dân quan tâm. Hình thức, cách thức chất vấn sẽ tiếp tục được đổi mới “hỏi nhanh - đáp gọn - làm rõ nội dung”; việc ban hành Nghị quyết về giám sát và chất vấn sẽ cụ thể hóa tối đa các yêu cầu về thời gian, nhiệm vụ để hoàn thành, làm cơ sở cho việc tiếp tục giám sát.
Quốc hội cũng sẽ tiến hành đánh giá việc thực hiện các nghị quyết về các kế hoạch 5 năm 2016-2020, làm cơ sở để chuẩn bị cho giai đoạn 5 năm tiếp theo. Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu kỹ, chuẩn bị chu đáo cho các nội dung này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận búa đảm nhận Chủ tịch AIPA 41 từ Chủ tịch Hạ viện Thái Lan Chuan Leekpai - Chủ tịch AIPA 40.
Hoạt động nổi bật trong công tác đối ngoại năm 2020 của Quốc hội là chúng ta đảm nhiệm vai trò Chủ tịch AIPA 41. Hiện nay, các cơ quan của Quốc hội đang tích cực làm tốt công tác chuẩn bị để tổ chức thành công Hội nghị AIPA 41. Cùng với đó thì việc đảm nhận tốt vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc sẽ tiếp tục nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế, khẳng định Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm và tích cực của các tổ chức này, góp phần xây dựng môi trường hoà bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, trong đó, chú trọng cải tiến cách thức báo cáo, thảo luận, tranh luận tại Quốc hội và cách thức tiếp xúc cử tri để tăng cường mối liên hệ cũng như kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Ngoài ra, Quốc hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động, sớm hoàn thiện Quốc hội điện tử một cách đầy đủ.
Nhân dịp đầu năm mới, xuân Canh Tý 2020, đặt ra nhiều hy vọng mới, sẽ kế thừa những thành quả đạt được của năm 2019 và tôi tin tưởng rằng đất nước chúng ta sẽ tiếp tục phát triển nhanh, bền vững. Tôi gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả các Đại biểu Quốc hội và cử tri cũng như nhân dân cả nước có một năm mới bình anh, dồi dào sức khỏe, trong công việc hanh thông, thành đạt; trong cuộc sống vạn sự như ý. Chúc Truyền hình Quốc hội Việt Nam tiếp tục trở thành một kênh thông tin quan trọng trong việc đưa thông tin gắn người dân với hoạt động của Quốc hội, kịp thời và ngày càng có nhiều thông tin đầy đủ, phong phú đến với các tầng lớp nhân dân.
Phóng viên: Thưa Chủ tịch Quốc hội, năm 2020 là một năm rất đặc biệt với đất nước với rất nhiều sự kiện quan trọng: Lần đầu tiên Việt Nam đồng thời đảm nhận 3 trọng trách của khu vực và thế giới đó là Chủ tịch AIPA 41, Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc. Xin kính chúc Chủ tịch Quốc hội trên cương vị là Chủ tịch AIPA 41 sẽ tiếp tục thúc đẩy và đổi mới hoạt động của AIPA, nâng cao vị thế của AIPA trong việc xây dựng khối cộng đồng ASEAN và kết nối người dân Việt Nam với 650 triệu người trong cộng đồng ASEAN. Kính chúc Chủ tịch Quốc hội một năm mới thật nhiều Sức khỏe, An khang và Thịnh vượng.
Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội!
Nguồn tin: Theo Cổng Thông tin điện tử Quốc hội
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn