Phản biện, kiểm soát để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật

Thứ hai - 26/10/2020 15:34
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, ngày 26.10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.
viewimage (1)
ĐB Lý Tiết Hạnh đề nghị cần chấn chỉnh tình trạng
các cơ quan bảo vệ pháp luật có quan điểm xử lý khác nhau đối với một số vụ việc cụ thể.
Tham gia thảo luận, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lý Tiết Hạnh bày tỏ lo ngại về tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, vi phạm pháp luật gia tăng (như tội phạm về ma túy, xâm phạm trật tự an toàn xã hội...). Các báo cáo đều thừa nhận chưa phản ảnh đúng, đầy đủ thực trạng tội phạm tham nhũng. “Cần phân tích, làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên để có giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn”, đại biểu (ĐB) Lý Tiết Hạnh nêu quan điểm.
ĐB Hạnh cũng cho rằng, cùng với các chính sách mới (như đưa CA chính quy về xã, bổ sung trách nhiệm cho một số cơ quan như viện kiểm sát, tòa án...), cần đánh giá, tổng kết thực tiễn để rút ra bài học kinh nghiệm và tiếp tục cụ thể hóa một số chính sách pháp luật, tránh kẽ hở.
Bên cạnh đó, công tác dự báo tình hình còn nhiều lúng túng, nhất là trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay. Chính phủ cần quan tâm đầu tư tốt hơn cho công tác nghiên cứu, dự báo tình hình; tăng cường phối hợp với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới để tạo sự đồng thuận.
Đáng chú ý, ĐB Hạnh nêu thực tế người dân còn băn khoăn, trăn trở trước tình trạng các cơ quan bảo vệ pháp luật có nhận thức khác nhau về một số quy định của pháp luật, cũng như khác nhau về quan điểm xử lý đối với một số vụ việc cụ thể. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc cơ quan tư pháp này phản bác lại các quy định, ý kiến của cơ quan tư pháp khác. Vấn đề này khi đưa ra công luận sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của người dân, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan tư pháp. Trong một số trường hợp cụ thể, sự mất niềm tin có thể dẫn đến tâm lý phản kháng đối với các phán quyết của cơ quan quản lý nhà nước.
“Theo tôi, chúng ta phải nhìn thẳng vào vấn đề này để kịp thời chấn chỉnh. Các cơ quan điều tra, xét xử cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ, thận trọng hơn nữa để đảm bảo thực thi pháp luật khách quan, kỹ lưỡng. Không phải “thông đồng” với nhau mà phản biện, kiểm soát lẫn nhau; cao nhất là đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, làm cho người dân tâm phục khẩu phục”, ĐB Hạnh nhấn mạnh.
BÁO BÌNH ĐỊNH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây