Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, chiều 11.6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Đại biểu (ĐB) Lý Tiết Hạnh - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, bày tỏ đồng tình chủ trương cần điều chỉnh phương thức đầu tư từ đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công để đảm bảo thực hiện dự án theo đúng tiến độ. ĐB Hạnh đề nghị sau khi dùng ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng thì có ngay phương án thu hồi vốn để đảm bảo nguồn vốn tiếp tục được đầu tư thực hiện các công trình trọng điểm khác; đảm bảo không làm đội vốn, không tăng nợ công.
ĐB Hạnh cũng cho biết, cử tri hết sức quan tâm đến dự án cao tốc Bắc - Nam. Vì vậy, cần thông tin đầy đủ, kịp thời để cử tri, người dân hiểu, đồng thuận và có sự phối hợp, nhất là về chủ trương chuyển phương thức đầu tư. “Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát tổng thể, toàn diện để đề xuất việc triển khai tiếp các đoạn còn lại trên tuyến. Riêng đoạn QL 1 từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa hiện nay rất hẹp, lưu lượng giao thông lớn, phải thường xuyên sửa chữa, tu bổ rất tốn kém. Vì vậy, tôi kiến nghị cần có phương án sớm triển khai thực hiện các đoạn còn lại, trong đó có đoạn Quảng Ngãi đến Khánh Hòa”, ĐB Hạnh đề xuất.
Trước đó, sáng 11.6, Quốc hội thảo luận ở tổ. Các ĐB đoàn Bình Định đã có nhiều ý kiến.
Về Dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập DN phải nộp năm 2020 đối với DN, HTX, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác, ĐB Nguyễn Phi Long bày tỏ quan tâm đến đề xuất giảm 30% thuế thu nhập DN đối với DN nhỏ có doanh thu năm 2020 dưới 50 tỷ đồng, số người lao động tham gia BHXH dưới 100 người, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. “Trong bối cảnh kinh tế phát triển, DN quy mô vừa có đóng góp thuế lớn, giải quyết việc làm nhiều, khi dịch bệnh xảy ra thì thiệt hại càng lớn. DN có nguồn thu dưới 50 tỷ, dưới 100 lao động tham gia BHXH nhưng có doanh thu và tăng trưởng, như các ngành sản xuất trang thiết bị y tế, khẩu trang, chế biến thịt heo... thì vẫn hỗ trợ hay sao? Theo tôi cần tính toán, đảm bảo công khai minh bạch, chỉ hỗ trợ các DN bị giảm doanh thu năm 2020 so với năm 2019”, ĐB Long đề xuất.
Thảo luận về Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), ĐB Lê Công Nhường đặt vấn đề cần có quy định phòng ngừa rủi ro ô nhiễm môi trường từ tác nhân bên ngoài gây ô nhiễm không khí, nguồn nước ngầm. “Nhà mình đã giữ sạch, nhưng nhà hàng xóm quăng rác qua thì sao? Quy định chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường chưa được thuyết phục, khó thực hiện trước nguy cơ nhà máy điện hạt nhân, nhà máy nhiệt điện, container rác thải... xâm nhập từ bên ngoài”, ĐB Nhường nói.
ĐB Đặng Hoài Tân đề nghị nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở, DN sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, hoạt động thanh tra, kiểm tra đột xuất cần có quy định cụ thể về số lần, số lượt, tránh gây khó khăn cho DN.
Còn ĐB Nguyễn Văn Cảnh lưu ý tránh kiểu làm hình thức trong phân loại rác thải. “Chúng ta phải làm tốt ngay từ nhà máy, đến phương tiện vận chuyển, rồi mới đến người dân, nếu không làm được thì không nên đưa quy định; vi phạm không ai xử lý thì dẫn đến nhờn luật”, ĐB Cảnh phân tích.