Đại biểu (ĐB) Nguyễn Phi Long (Đoàn Bình Định) bày tỏ quan tâm đến đề xuất giảm 30% thuế thu nhập DN năm 2020 đối với DN nhỏ có doanh thu năm 2020 dưới 50 tỷ đồng, số người lao động tham gia BHXH dưới 100 người, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN.
ĐB Long nêu vấn đề Luật Thuế thu nhập DN và Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ đã có ưu tiên cho số DN nhỏ và siêu nhỏ để tạo động lực cho DN phát triển. Còn chính sách lần này dành riêng cho DN bị thiệt hại trong năm 2020, nên cần căn cứ trên thiệt hại của tổng thể tất cả các DN.
"Trong bối cảnh kinh tế phát triển, DN quy mô vừa có đóng góp thuế lớn, giải quyết việc làm nhiều; "thuyền to sóng lớn", khi dịch bệnh xảy ra thì thiệt hại càng lớn. DN có nguồn thu dưới 50 tỷ, dưới 100 người lao động tham gia BHXH nhưng có doanh thu và tăng trưởng như các ngành sản xuất trang thiết bị y tế, khẩu trang, chế biến thịt heo... vẫn hỗ trợ hay sao? Theo tôi cần tính toán, đảm bảo công khai minh bạch, chỉ hỗ trợ các DN bị giảm doanh thu năm 2020 so với năm 2019", ĐB Long đề xuất.
Liên quan đến Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), ĐB Lê Công Nhường đặt vấn đề cần có quy định phòng ngừa rủi ro ô nhiễm môi trường từ tác nhân bên ngoài gây ô nhiễm không khí, nguồn nước ngầm. "Nhà mình đã giữ sạch, nhưng nhà hàng xóm quăng rác qua thì sao? Quy định Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường chưa được thuyết phục, khó thực hiện trước nguy cơ nhà máy điện hạt nhân, nhà máy nhiệt điện, container rác thải... xâm nhập từ bên ngoài", ĐB Nhường nói.
ĐB Đặng Hoài Tân đề nghị nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở,
DN sản xuất gây ô nhiễm môi trường.
ĐB Đặng Hoài Tân đề nghị nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở, DN sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Việc kiểm tra, thanh tra mà báo trước vô hình trung chỉ nghe báo cáo thành tích của đơn vị, đóng dấu đạt chất lượng, sau khi đoàn đánh giá tốt rời đi nhưng dân cư xung quanh vẫn không ít phàn nàn về tình trạng ô nhiễm. Hoạt động thanh tra, kiểm tra đột xuất rất cần thiết, song phải quy định cụ thể về số lần, số lượt, tránh gây khó khăn cho DN.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh lưu ý tránh kiểu làm hình thức trong phân loại rác thải.
Còn ĐB Nguyễn Văn Cảnh lưu ý tránh kiểu làm hình thức trong phân loại rác thải. Người dân phân loại rác ở hộ gia đình xong, nhưng ra xe thu gom nhập chung lại, nếu xe có chia ra thì đến nhà máy xử lý chung thì cũng bằng không. "Chúng ta phải làm tốt ngay từ nhà máy, đến phương tiện vận chuyển, rồi mới đến người dân, nếu không làm được thì không nên đưa quy định; vi phạm không ai xử lý thì dẫn đến nhờn luật", ĐB Cảnh phân tích.