Tham gia thảo luận, đại biểu (ĐB) Lê Công Nhường (Đoàn Bình Định) cho rằng, để góp phần cho KH&CN phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 triển khai đến mọi khía cạnh KT-XH như kinh tế số, cơ sở dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI)... Chính phủ cần quan tâm triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6.8.2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X (về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước).
Nghị quyết có chủ trương Nhà nước đầu tư xây dựng một số khu đô thị khoa học, khu công nghệ cao... Từ năm 2008 đến nay, Chính phủ đã có những bước đi đầu tiên như tạo hành lang pháp lý và hình thành các khu công nghệ cao, các trường đại học trọng điểm. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có mô hình và hành lang pháp lý để xây dựng khu đô thị khoa học.
“Với nhiều thành tựu đã đạt được, Khu đô thị khoa học Quy Hòa đang là hướng đi giúp hội tụ các nhà khoa học, trí thức, giúp phát triển KH&CN cũng như nâng cao uy tín về khoa học cho Bình Định và cả nước. Các bộ, ngành cũng đã tích cực giúp Bình Định xây dựng đề án nhưng chưa có cơ sở pháp lý để triển khai. Vì vậy tôi đề nghị Chính phủ cho thí điểm thành lập Khu đô thị khoa học Quy Hòa, hoặc cho phép thể chế hóa thành các văn bản pháp luật, góp phần hình thành các khu đô thị khoa học trong bối cảnh cần tập trung trí thức cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, ĐB Nhường đề xuất.
Đây là vấn đề được ĐB Lê Công Nhường nhiều lần đề cập trong quá trình thảo luận tại kỳ họp thứ 8 cũng như đợt 1 của kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV.
Bên cạnh đó, ĐB Nhường cũng bày tỏ quan tâm đến giải pháp “tích cực triển khai thực hiện đề án áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam”. ĐB Nhường đề nghị Chính phủ cho triển khai các thông tư, văn bản pháp luật liên quan đến Quyết định 100/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc.
Lý do đầu tiên là không để hàng hóa các nước khác mặc chiếc áo “made in Vietnam” để được hưởng các lợi thế về thuế xuất cũng như lừa dối người tiêu dùng Việt Nam và thế giới. Nếu ta làm không tốt việc truy xuất nguồn gốc, nước nhập khẩu sẽ nghi ngờ và quay lại áp thuế cao cho hàng hóa đó, làm ảnh hưởng đến các DN chân chính trong nước.
Thứ hai, Quốc hội vừa phê chuẩn Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Hiệp định này và các hiệp định tự do thương mại khác vừa tạo điều kiện để hàng hóa Việt Nam xuất khẩu nhưng cũng tạo áp lực cạnh tranh với các hàng hóa nhập vào nước ta. Các nước nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đa số yêu cầu phải có truy xuất nguồn gốc.
Thứ ba, hiện nay việc quản lý hàng hóa xuất khẩu theo mã số, mã vạch đã không còn phù hợp; có trường hợp còn gây cản trở cho các DN trong xuất khẩu mà báo chí và các DN đã phản ánh trong thời gian gần đây.
“Do đó, đề nghị Chính phủ sớm ban hành các văn bản pháp luật liên quan và giới thiệu phần mềm hỗ trợ để các DN, các địa phương triển khai đồng bộ, thống nhất hoạt động truy xuất nguồn gốc hàng hóa”, ĐB Nhường nói.