Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, chiều 10.11, Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, phải chọn lọc được bộ phận văn hóa tốt đẹp,
đặc sắc của các dân tộc trên thế giới, phù hợp với văn hóa Việt Nam và yêu cầu hội nhập quốc tế
Tham gia thảo luận, đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) bày tỏ quan tâm đến phần “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam” trong Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Cụ thể, dự thảo nêu giải pháp “Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đồng thời chủ động nâng cao sức đề kháng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên đối với các văn hóa phẩm ngoại lai độc hại; từng bước đưa văn hóa Việt Nam đến với thế giới”.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, khái niệm “tinh hoa văn hóa nhân loại” ở đây mang tính chung chung, có phạm vi quá rộng. Trong quá trình hội nhập, chúng ta đã tiếp nhận nhiều loại văn hóa, có cả văn hóa ngoại lai không phù hợp, ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống tốt đẹp của Việt Nam. Tới đây, phải chọn bộ phận văn hóa tốt đẹp, đặc sắc của các dân tộc trên thế giới, quan trọng nhất là phù hợp với văn hóa Việt Nam và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Do đó, ĐB Cảnh đề xuất bổ sung thành “Cập nhật những văn hóa tốt đẹp nhất của các dân tộc trên thế giới, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa đáp ứng yêu cầu hội nhập, phù hợp với thực tiễn Việt Nam...”.
Liên quan đến nội dung “Tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng” trong phần “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng”, ĐB Nguyễn Văn Cảnh quan tâm đến giải pháp “Phát huy vai trò, sự tham gia của nhân dân trong xây dựng, ban hành tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, DN và nhân dân, giữa các vùng, miền”.
Theo ĐB Cảnh, giải pháp này phù hợp với hoàn cảnh trước đây, khi chúng ta xây dựng chính sách trên nguyên tắc hài hòa lợi ích, đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, hiện nay nước ta còn khó khăn, cần sự phát triển bứt phá, nếu cứ hài hòa hết thì đôi khi không mang lại hiệu quả cao về kinh tế. Các chính sách mới được đề xuất phải mang lại tổng hòa lợi ích cao nhất cho Nhà nước, DN, nhân dân.
“Có chính sách có lợi hơn cho Nhà nước, đôi khi thiệt cho DN; ngược lại đôi khi dự án triển khai rất nhanh có lợi nhiều cho DN, thiệt một phần cho Nhà nước, người dân; nhưng tính tổng lại mang kết quả cao nhất. Cộng tất cả những cái “cao nhất” đó thì đất nước mới phát triển hơn, khi đó sẽ có điều kiện “chia đều” lợi ích cho các nhóm bị thiệt”, ĐB Cảnh phân tích.
Từ đó, ĐB Cảnh đề nghị bổ sung thêm và viết lại thành: “Trên cơ sở bảo đảm tổng hòa cao nhất lợi ích của quốc gia, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, DN và nhân dân, giữa các vùng, miền...”.
BÁO BÌNH ĐỊNH