(BĐ) - Ngày 2.11, Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV tiếp tục với đợt thứ 2 - họp tập trung tại Nhà Quốc hội (TP Hà Nội).
Các đại biểu (ĐB) thảo luận ở tổ về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021, đặc biệt là thảo luận một số nội dung liên quan các vấn đề về an ninh nguồn nước, quản lý an toàn hồ, đập và phát triển điện lực.
Cùng với đó là Kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 - 2020: phát triển KT-XH, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.
Các ĐB cũng tham gia thảo luận về Dự kiến mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và các kế hoạch: đầu tư công trung hạn, tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.
Tham gia thảo luận, ĐB Lê Công Nhường (Đoàn Bình Định) đề nghị Chính phủ đánh giá lại thiệt hại do cơn bão số 9 gây ra, từ đó có chính sách phòng, chống lụt bão căn cơ hơn. Trước khi bão đổ bộ, kịch bản di dời 1,3 triệu dân đã được xây dựng với kinh phí rất lớn. Trên thực tế chỉ di dời dưới 500 nghìn dân, nhưng cũng rất tốn kém.
ĐB Lê Công Nhường cho rằng cần thực hiện chính sách sống chung với bão lũ, người dân có thể trú bão ngay tại nhà
“Bình quân mỗi năm nước ta có khoảng 10 cơn bão đổ bộ, cứ thực hiện di dời như vậy thì phải mất kinh phí khổng lồ. Cần có chính sách sống chung với bão lũ, người dân có thể trú bão ngay tại nhà. Bộ Xây dựng thiết kế hầm trú bão, mỗi nhà chỉ cần 10m2 với chi phí khoảng 50 triệu đồng; Chính phủ đưa ra chính sách hỗ trợ người dân vay vốn để thực hiện”, ĐB Nhường đề đạt.
Trước tổn thất nặng nề do sạt lở gây ra trong thời gian gần đây, ĐB Nhường cho rằng cần đánh giá lại hiệu quả của các hồ thủy lợi, thủy điện, bởi nhiều hồ đã xuống cấp, gây sạt lở, ngập lụt hạ du. Bộ NN&PTNT chủ trì thực hiện đánh giá lại mức độ an toàn của các hồ, đập; chỉ tu bổ những hồ mang lại lợi ích kinh tế, đập bỏ những hồ không còn hiệu quả.
ĐB Lê Công Nhường cũng bày tỏ quan tâm đến thực trạng các thuyền tham gia đánh bắt xa bờ, góp phần gìn giữ chủ quyền trên biển đa phần có công suất nhỏ, dễ bị tổn thất trong gió bão. Nhiều làng biển sau thiên tai lại mất đi lực lượng thanh niên trai tráng, ảnh hưởng đến sức sản xuất và kết quả giảm nghèo ở địa phương.
Từ đó, ĐB Nhường đề nghị Chính phủ cần nhìn nhận lại ngành công nghiệp khai thác biển; có chương trình, chính sách hỗ trợ các DN tâm huyết đóng tàu lớn, thu hút lao động, đảm bảo phát triển bền vững kinh tế biển.
ĐB Đặng Hoài Tân đề nghị Chính phủ đánh giá lại chiến lược phát triển kinh tế biển để có hướng phát triển
cân đối giữa khai thác, nuôi trồng và chế biến
Liên quan đến vấn đề này, ĐB Đặng Hoài Tân (Đoàn Bình Định) cũng nhấn mạnh tính rủi ro của nghề biển. Do đó, cần có sự đầu tư tương xứng về phương tiện khai thác để ngư dân yên tâm bám biển, giữ chủ quyền của Tổ quốc.
“Nghị định 67 về chính sách phát triển thủy sản được kỳ vọng rất lớn, nhưng hiệu quả đem lại chưa nhiều, thậm chí để lại hậu quả là tàu đóng mới không đảm bảo chất lượng, ngư dân làm ăn không hiệu quả, lâm cảnh nợ nần, khó khăn trong trả nợ ngân hàng”, ĐB Tân nói.
Bên cạnh đó, ĐB Tân cũng đề nghị Chính phủ đánh giá lại chiến lược phát triển kinh tế biển để có hướng phát triển cân đối giữa khai thác, nuôi trồng và chế biến; giữa nuôi trồng ở mặt nước biển và mặt nước ngọt; đảm bảo cân đối giữa mức tiêu thụ và trữ lượng thủy hải sản.
BÁO BÌNH ĐỊNH