Tâm huyết, bản lĩnh, hiệu quả (P2)

Thứ tư - 14/04/2021 07:38
Ðại biểu chuyên nghiệp, Quốc hội hiện đại.
Yêu cầu nhiệm vụ của Quốc hội và người ÐBQH trong thời gian đến ngày càng nặng nề. Ðể đáp ứng yêu cầu mới, từng đại biểu phải nỗ lực nâng cao năng lực công tác, Quốc hội cần thay đổi theo hướng hiện đại và hiệu quả hơn. 
Cử tri ủng hộ, tin tưởng, đồng thuận
Trong 5 năm qua, Quốc hội khóa XIV ngày càng thể hiện sâu sắc là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, luôn sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hoạt động. Đồng thời, nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng.
AnyConv com 1
Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 11
Những quyết sách của Quốc hội luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc, từ yêu cầu phát triển của đất nước, tạo nên những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống KT-XH, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời gian qua.
Phương thức hoạt động cũng tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện, thích ứng, linh hoạt hơn trước những vấn đề thực tiễn, nhất là vào thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội (nhất là tổ chức họp trực tuyến) đã có bước tiến đột phá, kịp thời thích ứng với xu thế phát triển của thời đại.
Đáng chú ý, nhiều thủ tục làm việc tại kỳ họp được cải tiến, đổi mới thực chất, góp phần từng bước chuyển từ “Quốc hội tham luận” sang “Quốc hội thảo luận và tranh luận”. Việc giải trình trực tiếp tại các phiên họp, đăng ký tranh luận, “hỏi nhanh, đáp gọn” (đầu nhiệm kỳ, thời gian nêu câu chất vấn không quá 2 phút, trả lời không quá 5 phút; từ kỳ 5, nêu chất vấn không quá 1 phút, trả lời không quá 3 phút)... lần đầu tiên được triển khai trong nhiệm kỳ và ngày càng hoàn thiện hơn qua từng kỳ họp.
Thường xuyên theo dõi hoạt động của Quốc hội, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh khóa VIII, IX Trần Văn Nhẫn đánh giá rất cao những nét tươi mới này. “Những đổi thay đó đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo không khí sôi động, hấp dẫn cho các phiên họp, tăng tính phản biện, nâng cao chất lượng thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn. Cao hơn là bảo đảm quyết định của Quốc hội được xem xét dân chủ, công khai, có tính khả thi, sát nguyện vọng của cử tri”, ông Nhẫn bình luận.
Với Đoàn ĐBQH tỉnh, trong nhiệm kỳ qua đã triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và chỉ đạo của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn, các ĐBQH trong Đoàn đã thể hiện bản lĩnh, trách nhiệm, tâm huyết và trí tuệ trong tham gia, thực hiện nhiệm vụ.
Các hoạt động của Đoàn và các ý kiến, kiến nghị của Đoàn nói chung, của từng ĐBQH nói riêng đều có sự đầu tư, nghiên cứu, cân nhắc thận trọng, có trách nhiệm và tính xây dựng cao. Trong đó, nhiều nội dung đã được các cấp, các ngành, các cơ quan hữu quan ghi nhận, giải quyết, đặc biệt đã được cử tri và nhân dân quan tâm ủng hộ, tin tưởng, đồng thuận. Để không biến thành “hộp thư trung chuyển”, Đoàn ĐBQH tỉnh luôn theo dõi chặt chẽ quá trình giải quyết kiến nghị.
Phát huy mạnh mẽ tính dân chủ
Theo Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Phong Vũ, kết quả phối hợp hoạt động giữa Ðoàn ÐBQH tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong thời gian qua là nền tảng để tiếp tục phát huy mạnh mẽ tính dân chủ trong hoạt động của Quốc hội. Giải pháp quan trọng là mở rộng hơn nữa hình thức tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; chú trọng đối thoại để tăng cường trách nhiệm giải trình, giải quyết đến cùng các vấn đề trong các hoạt động của Quốc hội...

“Để có được thành công trong hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh, bên cạnh sự nỗ lực, phấn đấu của mỗi đại biểu là vai trò quan trọng từ sự ủng hộ của lãnh đạo, chính quyền địa phương, đặc biệt là của cử tri. Con số hơn 4.000 kiến nghị mà Đoàn ĐBQH tỉnh nhận được trong 5 năm qua chính là minh chứng cho niềm tin của cử tri ngày càng tăng lên”, Trưởng Đoàn Lê Kim Toàn khẳng định.
Đồng bộ Quốc hội điện tử với Chính phủ điện tử
Trên cơ sở kết quả hoạt động cùng những bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ, Quốc hội khóa XIV đã kiến nghị Quốc hội khóa XV và các khóa tiếp theo cần xác định tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, “mũi nhọn” để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Chương trình giám sát bám sát tình hình thực tiễn, tập trung vào vấn đề được dư luận, cử tri quan tâm. Tiếp tục phát huy kinh nghiệm, cải tiến, đổi mới trong giám sát chuyên đề; đẩy mạnh tương tác với đối tượng chịu sự ảnh hưởng của chính sách, pháp luật; tăng cường sử dụng thông tin từ cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, chuyên gia, nhà nghiên cứu.
AnyConv com 2
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh trò chuyện thân mật cùng cử tri huyện Tây Sơn
Bên cạnh đó, cần chú trọng nâng cao chất lượng đại biểu, giảm số lượng đại biểu công tác tại các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước, tăng tỷ lệ đại biểu có trình độ, năng lực, kỹ năng và điều kiện hoạt động Quốc hội. Đồng thời, đẩy mạnh công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu. Có cơ chế thích hợp để đánh giá kết quả và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đại biểu, làm cơ sở để cử tri giám sát hoạt động của đại biểu.
“Các ĐBQH cần tiếp tục phát huy trách nhiệm, chủ động hơn trong thực thi nhiệm vụ. Đặc biệt là siêng năng “về với cơ sở”, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Từ đó mới tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để kịp thời phản ánh, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan. Đại biểu cũng cần có ý kiến có chất lượng, chính kiến rõ ràng”, ông Trần Văn Nhẫn gửi gắm.
Về phương thức hoạt động, mối quan hệ công tác của Quốc hội, cần tiếp tục nghiên cứu cải tiến, đổi mới cách thức tiến hành kỳ họp; cần có phương thức họp Quốc hội tạo điều kiện thuận lợi hơn để ĐBQH, nhất là đại biểu kiêm nhiệm có thể tham gia thảo luận, tranh luận, cho ý kiến, biểu quyết, thông qua. Tiếp tục tổ chức kỳ họp thành các đợt họp căn cứ yêu cầu, tình hình thực tế; nghiên cứu nâng cao chất lượng thảo luận tại tổ. Tiếp tục xây dựng, từng bước hoàn thiện Quốc hội điện tử nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, hướng đến xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, chia sẻ dữ liệu điện tử giữa các cơ quan nhà nước, đồng bộ xây dựng Quốc hội điện tử với Chính phủ điện tử, đáp ứng yêu cầu xử lý khối lượng công việc ngày càng lớn với chất lượng ngày càng cao.
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh đất nước tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với Quốc hội trong nhiệm kỳ tới rất nặng nề. Tin rằng Quốc hội nói chung, Đoàn ĐBQH tỉnh nói riêng sẽ tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ, thật sự xứng đáng với sự kỳ vọng của cử tri và nhân dân.    
BÁO BÌNH ĐỊNH

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây