Cần quy định cụ thể hơn về danh mục vũ khí thô sơ

Thứ hai - 03/06/2024 15:35
Sáng 3.6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tiếp tục diễn ra với nội dung thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Dao được sử dụng đúng nhu cầu thông thường không được xem là vũ khí thô sơ
Tham gia thảo luận, đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) bày tỏ sự quan tâm đến quy định về các loại thuộc vũ khí thô sơ.
Tại điểm b, khoản 4, Điều 3 của dự thảo Luật quy định: Dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn và dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20 cm trở lên hoặc có chiều dài lưỡi dao dưới 20 cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao thuộc danh mục vũ khí thô sơ do Bộ trưởng Bộ CA ban hành; trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
 
Theo ĐB Nguyễn Văn Cảnh, nên quy định dao, vật sắc nhọn đang được sử dụng đúng nhu cầu thông thường hằng ngày thì không được xem là vũ khí thô sơ. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Theo ĐB Cảnh, quy định như dự thảo Luật sẽ tăng tính răn đe đối với những đối tượng có tiền án, tiền sự, thường xuyên gây rối trật tự công cộng, hành hung người khác. Các đối tượng này không còn lợi dụng việc sử dụng dao để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, các hành vi đe dọa, xâm hại thân thể người khác mà được xử phạt nhẹ hơn so với việc sử dụng vũ khí thô sơ để thực hiện hành vi tương tự theo pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, ĐB Cảnh cho rằng quy định này cũng có một số hạn chế. Nếu quy định dao từ 20 cm trở lên hoặc dao độ chế là vũ khí thô sơ thì những đối tượng kể trên có xu hướng sử dụng vũ khí thô sơ theo quy định của pháp luật hiện hành nhiều hơn là sử dụng dao từ 20 cm trở lên hoặc dao độ chế. Bởi sử dụng vũ khí thô sơ theo pháp luật hiện hành có lợi thế trong các vụ ẩu đả hơn so với sử dụng dao, dẫn đến thương vong nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh đó, quy định này sẽ không hạn chế được nhiều trường hợp người dân bình thường, trẻ em sử dụng dao nhỏ, vật nhọn mất kiểm soát, mất lý trí trong giải quyết các mâu thuẫn trong cuộc sống khi “giận quá mất khôn”; cũng như nhiều trường hợp thấy người khác cầm dao nhỏ, vật nhọn gây gổ với mình thì họ có xu hướng cầm dao lớn hơn để đe dọa lại, làm tăng nguy cơ thương vong.
Để hạn chế được thương vong theo hướng phòng là chính, cũng giúp cho người dân sử dụng dao cho mục đích lao động, sản xuất, học tập, sinh hoạt, TDTT được thuận tiện, ĐB Cảnh đề nghị cần quy định: “Dao, vật sắc nhọn đang được sử dụng đúng nhu cầu thông thường hằng ngày thì không được xem là vũ khí thô sơ”.
“Khi nào người cầm dao, vật sắc nhọn trong hoàn cảnh được suy đoán là có nguy cơ sử dụng không vì mục đích lao động, học tập, sản xuất, sinh hoạt, TDTT thì lúc đó dao, vật sắc nhọn trở thành vũ khí thô sơ. Người có nguy cơ bị thương vong, các cá nhân, tổ chức khác có quyền, trách nhiệm báo cáo với cơ quan chức năng về hành vi cầm dao, vật nhọn đang có nguy cơ gây thương vong cho người khác, cơ quan chức năng có đủ căn cứ để dùng các biện pháp nghiệp vụ để tước dao, vật sắc nhọn khỏi người đang sử dụng”, ĐB Cảnh góp ý.
Từ phân tích trên, ĐB Cảnh đề nghị: Tại điểm b, khoản 4, Điều 3 quy định về các loại thuộc vũ khí thô sơ có thể điều chỉnh nội dung và được viết lại như sau: Dao, vật sắc nhọn, các vật dụng, đồ dùng được đập vỡ, cắt rời thành vật sắc nhọn có tính sát thương cao mà người sử dụng cầm, đeo trong trường hợp đang hoặc đã đe dọa hành hung, khi đang gây gổ, ẩu đả, đeo đuổi người khác, va chạm giao thông; được nhiều người cùng nhóm mang theo, được chuẩn bị có mục đích, có tổ chức không vì mục đích lao động, học tập, sản xuất, sinh hoạt, TDTT. Dao được nhập khẩu, được độ chế, hàn nối mà không chứng minh được để dùng vào mục đích lao động, học tập, sản xuất, sinh hoạt, TDTT tại Việt Nam.
Quy định trên có hiệu quả trong việc phòng ngừa ẩu đả vì ranh giới giữa vật dụng bình thường và vũ khí thô sơ ở đây là người dân được quyết định cầm, nắm chúng để thực hiện hành vi phạm tội khi còn bình tĩnh, không bị đe dọa; khi đang cầm mà bỏ xuống thì không còn xem là vũ khí thô sơ, tránh được các thương vong giữa bạn bè, hàng xóm, người thân, đồng môn, đồng nghiệp.
Còn quy định như dự thảo là tăng tính răn đe nếu người đang cầm, nắm vật nguy hiểm quyết định đâm, chém người khác có mục đích, có chủ ý, khi đang tức giận, mất kiểm soát, khi đang bị đe dọa, đang trong tình huống phải phòng vệ.
Cần quy định về cung cấp trang phục sử dụng công nghệ an toàn để bảo vệ người thi hành công vụ
Về công cụ hỗ trợ, tại khoản 11, Điều 3 quy định: “Công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được trang bị, sử dụng để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp”. Ở đây không quy định ngăn chặn phương tiện sử dụng để trốn chạy.
ĐB Cảnh đề nghị bổ sung thêm vào khoản 11, Điều 3 nội dung bao gồm “cả các thiết bị, công cụ để ngăn chặn phương tiện vi phạm pháp luật trốn chạy, gây nguy hiểm nơi công cộng”.
Bên cạnh đó, Luật cũng cần quy định “cung cấp trang phục sử dụng công nghệ an toàn để bảo vệ người thi hành công vụ, người điều khiển phương tiện mô tô dẫn đường, để truy bắt tội phạm, người vi phạm pháp luật về giao thông”. Ví dụ như áo bảo vệ có trang bị túi khí bảo vệ đầu, cổ, ngực, các khớp xương để tránh thương vong khi cảnh sát lái mô tô thực hiện nhiệm vụ dẫn đường, truy đuổi phương tiện vi phạm; áo giáp chống đâm cho lực lượng bảo đảm trật tự; áo chống đạn cho lực lượng phòng, chống tội phạm. Những thiết bị, công cụ sử dụng để dừng phương tiện vi phạm xe cộ, tàu thuyền như rào chông cố định, di động, tự động, lưới chắn, súng bắn thiết bị theo dõi GPS, thiết bị bay giám sát, thiết bị gây tắt máy xe cộ, tàu thuyền, lưới quấn bánh sau xe cộ hay chân vịt tàu thuyền.
ĐB Cảnh nêu ví dụ, những thiết bị, công cụ, trang phục đang được sử dụng rất hiệu quả ở các nước, đảm bảo an toàn tối đa cho những người thực thi công vụ. Những sản phẩm này nếu nhập khẩu sẽ rất tốn kém, nhiều loại nhập về cũng cần điều chỉnh để phù hợp với con người, phương tiện, hoàn cảnh ở Việt Nam, nếu số lượng nhiều thì cần phải tổ chức sản xuất trong nước, hướng tới xuất khẩu.
 

Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây