Tham gia thảo luận, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật TAND (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như dự thảo Luật trình tại kỳ họp lần này.
Bên cạnh đó, ĐB Thủy tham gia đóng góp ý kiến vào một số nội dung để hoàn thiện dự thảo Luật.
ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng quy định mở rộng nguồn để tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao là phù hợp với yêu cầu của công tác xét xử. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh |
Việc mở rộng nguồn bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao cần cân nhắc lĩnh vực, ngành học, kiến thức
ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề mở rộng nguồn bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao (điểm b khoản 2 Điều 96 của dự thảo Luật).
ĐB Thủy dẫn Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9.11.2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó có nêu yêu cầu: “Mở rộng nguồn, đẩy mạnh thực hiện cơ chế thi tuyển để bổ nhiệm các chức danh tư pháp”.
Dự thảo Luật quy định mở rộng nguồn để tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao từ luật sư, giảng viên đại học có trình độ cao về pháp luật, giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội… là phù hợp với yêu cầu của công tác xét xử và giải quyết các việc khác thuộc thẩm quyền của TAND Tối cao, phù hợp với Điều 90 của dự thảo (Thẩm phán khác với công chức hành chính khác, Thẩm phán do Chủ tịch nước bổ nhiệm, chức danh đặc thù…).
“Tuy nhiên, trong việc mở rộng nguồn từ các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội cần cân nhắc lĩnh vực, ngành học, kiến thức trình độ cao về luật, về nhiệm vụ mà họ đảm nhận; đơn cử có thể bổ nhiệm Thẩm phán ở các lĩnh vực gần với nhiệm vụ đảm nhận như: Hành chính, Hôn nhân gia đình, lao động…”, ĐB Thủy đề xuất.
Cần ban soạn thảo hoạt động độc lập để nghiên cứu xây dựng án lệ
Ở một lĩnh vực khác, theo ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy, án lệ được xem như một nguồn áp dụng luật tại Việt Nam được quy định tại Điều 32.
Án lệ đã gia tăng nhanh chóng kể từ khi Án lệ số 01/2016/AL được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thông qua ngày 6.4.2016 và được công bố theo Quyết định số 220/QĐ-CA của Chánh án TAND Tối cao về vụ án giết người.
Tại Báo cáo số 110/BC-TA ngày 10.10.2023 của Chánh án TAND tối cao, đến nay đã có 70 án lệ được thông qua; đã có 1.617 bản án, quyết định của các tòa án viện dẫn, áp dụng án lệ. Qua đó, giúp đơn giản hóa một phần các án tương tự được áp dụng, giảm chi phí tổ chức phiên tòa.
Trên thực tiễn, án lệ, áp dụng tình huống pháp lý tương tự phổ biến tại một số nước như Anh, Pháp, Đức. Tại Việt Nam, án lệ có tăng qua các năm, kỹ năng áp dụng án lệ trong xét xử đã dần phổ biến và nâng cao, tuy nhiên chưa đạt được như mong muốn.
ĐB Thủy cho rằng, chính sự phát triển của án lệ cho thấy được vị trí và vai trò quan trọng của nó trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Đây là một nguồn tham khảo chất lượng trong quá trình làm luật cũng như việc vận dụng trong quá trình xét xử để giải quyết các vụ án có tính chất tương tự. Tuy nhiên, nguồn luật này chưa được xem quan trọng như nguồn luật thành văn (các văn bản quy phạm pháp luật).
Do đó, trong quá trình xét xử, các thẩm phán thường hướng đến việc áp dụng các điều luật có sẵn để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp… phát sinh trong vụ án nhằm đưa ra một phán quyết hợp lý, công bằng đảm bảo đúng pháp luật.
Bày tỏ thống nhất với dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) lần này đã quy định mới, có riêng Điều 32 áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử về lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, theo ĐB Thủy, điều này cho thấy tầm quan trọng của việc áp dụng án lệ vào công tác xét xử.
Để thực hiện tốt nội dung này, ĐB Thủy đề xuất ban soạn thảo cần nghiên cứu để có quy định riêng về 1 ban soạn thảo nghiên cứu xây dựng án lệ, đặc biệt ban này phải hoạt động độc lập. Bởi, trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Tòa án nói chung cũng như đội ngũ cán bộ Tòa án nói riêng ngày càng cao hơn, áp lực công việc ngày càng nhiều. Việc nghiên cứu án lệ đòi hỏi như một chuyên ngành khoa học độc lập; một án lệ được hình thành và ban hành phải thông qua các nội dung như: Dựa trên áp dụng thực tiễn các bản án đã tuyên, áp dụng tập quán, áp dụng lẽ công bằng.
“Đề nghị chủ trì soạn thảo nghiên cứu thêm về vấn đề này, có thể bổ sung điều khoản cụ thể về xây dựng án lệ tại Điều 36 về nghiên cứu khoa học, Tòa án có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học pháp lý liên quan đến tổ chức và hoạt động của Tòa án; ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học pháp lý để góp phần hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và hiệu quả hoạt động của Tòa án”, ĐB Thủy đề xuất.
Đảm bảo các nhóm đối tượng yếu thế được hỗ trợ các quyền lợi chính đáng
Xung quanh vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự tham gia tố tụng được quy định từ Điều 14, 15, 16, ĐB Thủy quan tâm đến việc phân định nhóm yếu thế được hỗ trợ thu thập chứng cứ; được đảm bảo quyền tự bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý, quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình khi tham gia tố tụng; người khuyết tật nghe, nói hoặc khuyết tật nhìn có quyền dùng ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật tại Tòa án, phải có phiên dịch…
ĐB Thủy đề nghị cần quy định rõ, cụ thể hơn nhóm yếu thế; cân nhắc có thể đưa nội dung này vào phần khái niệm, giải thích từ ngữ của Luật nhằm bảo đảm đầy đủ các nhóm đối tượng yếu thế được hỗ trợ các quyền lợi chính đáng được hưởng. Bởi, nhóm đối tượng yếu thế quy định trong dự thảo Luật này có thể là những người không có khả năng, điều kiện thu thập chứng cứ, người yếu thế về sức khỏe, người không có hiểu biết về pháp luật, lĩnh vực mà họ tham gia tố tụng, các lĩnh vực, ngành, mục tiêu của các chương trình hướng đến…
ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy bày tỏ thống nhất cao cần quy định bảo vệ trụ sở TAND Tối cao như trong dự thảo Luật, được lực lượng cảnh sát nhân dân canh gác, bảo vệ theo quy định của pháp luật. Kinh phí và điều kiện bảo đảm hoạt động của lực lượng bảo vệ do ngân sách Nhà nước đảm bảo. “Việc bảo vệ cho các trụ sở TAND Tối cao chính là bảo vệ sự an toàn bí mật Nhà nước trong lĩnh vực xét xử, bảo vệ sự tôn nghiêm của cơ quan xét xử”, ĐB Thủy nhấn mạnh. |
M.LÂM - N.HÂN
Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn