Lấy giáo dục làm chính, áp dụng xử phạt phải nghiêm minh

Thứ hai - 10/06/2024 08:20

Sáng 8.6, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tiếp tục diễn ra với nội dung thảo luận ở tổ về Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Yếu tố con người là quyết định trong thủ tục tố tụng thân thiện

Tham gia thảo luận, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh tán thành với phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Đại biểu (ĐB) Hạnh cũng cho rằng quy định sửa đổi cả hình phạt và thủ tục tố tụng theo hướng nhân văn, vừa bảo đảm tính nghiêm minh, đúng người đúng tội, công bằng và xuyên suốt, sẽ phù hợp và có ý nghĩa rất lớn trong giáo dục, định hướng người chưa thành niên.

 

ĐB Lý Tiết Hạnh cho rằng quy định sửa đổi cả hình phạt và thủ tục tố tụng theo hướng nhân văn sẽ có ý nghĩa rất lớn trong giáo dục, định hướng trẻ. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh

ĐB Hạnh thống nhất với việc quy định thêm các biện pháp xử lý chuyển hướng so với Bộ luật Hình sự hiện hành, tuy nhiên, tại điều 10 Dự thảo luật quy định “giải quyết các vụ việc người chưa thành niên nhanh nhất có thể và ưu tiên áp dụng thủ tục rút gọn”. Như vậy, cũng sẽ có những trường hợp không thể ưu tiên áp dụng thủ tục rút gọn.

Vì vậy ĐB Hạnh đề nghị Ban soạn thảo làm rõ nội dung này. “Có thể phân tách, giao thẩm quyền áp dụng cho từng cơ quan phù hợp nhằm đảm bảo việc thực hiện vừa thuận lợi, linh hoạt, nhân văn, vừa chặt chẽ, không để khoảng trống pháp lý”, ĐB Hạnh nói.

Về thủ tục tố tụng thân thiện, theo ĐB Hạnh, với đặc điểm người chưa thành niên, lại trong hoàn cảnh đặc biệt, bên cạnh những thủ tục tố tụng đã được quy định, cần chú ý đến yếu tố con người trực tiếp tham gia (người xét xử, người đại diện, người làm công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên).

“Trong Dự thảo chỉ mới quy định về quy trình, còn hành vi, thái độ, chuẩn mực, giao tiếp, cách tiếp cận... với người chưa thành niên chưa rõ. Đã là thủ tục tố tụng thân thiện thì yếu tố con người là quyết định”, ĐB Hạnh phân tích.

Về nội dung biện pháp ngăn chặn, ĐB Hạnh quan tâm đến biện pháp giám sát điện tử và giám sát tại nhà. ĐB Hạnh cho rằng áp dụng 2 biện pháp mới này sẽ phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình, người thân, người bảo hộ đối với người chưa thành niên phạm tội, góp phần hạn chế biện pháp tạm giam, phù hợp với yêu cầu phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em.

Tuy vậy, trong bối cảnh tình hình tội phạm trên Internet phát triển, nhiều người (trong đó có người chưa thành niên) có xu hướng sống khép kín, tương tác trên không gian ảo nhiều hơn không gian thật, để thực hiện hiệu quả 2 biện pháp này, ĐB Hạnh đề nghị cần có các quy định, hướng dẫn cụ thể việc thực hiện, để vừa giám sát chặt chẽ, đi kèm với giáo dục định hướng các em hoạt động trên không gian mạng lành mạnh.

Về sự tham gia của người làm công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên, ĐB Hạnh đề nghị gắn trách nhiệm pháp lý đối với người được phân công tham gia công tác này. Theo đại biểu, đây phải là những người được đào tạo theo quy chuẩn, có chuyên môn, đạo đức, có các chế độ chính sách phù hợp để đảm bảo họ thực hiện tốt trọng trách được pháp luật quy định, không thể chỉ tham gia cho “có vai”.

 

ĐB Nguyễn Văn Cảnh đề nghị cần tách chương trình học tập về pháp luật, văn hóa, đạo đức riêng và học nghề riêng.

Tham gia thảo luận Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) đề nghị trong Điều 36 (Biện pháp xử lý chuyển hướng), cần tách chương trình học tập về pháp luật, văn hóa, đạo đức riêng và học nghề riêng.

Mua bán thai nhi cũng là hành vi mua bán người

Đối với Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), ĐB Lý Tiết Hạnh cho rằng nhiều khái niệm còn chung chung, cần phải thể hiện cụ thể và đối chiếu với các quy định, nghị định thư để xác định tường minh hơn.

Đồng thời, ĐB Hạnh cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung đưa hành vi mua bán thai nhi cũng là một hành vi mua bán người để có căn cứ xem xét, xử lý trách nhiệm hình sự.

Về khái niệm “nạn nhân”, theo khoản 5 điều 2 của Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) với Điều 2 của Công ước Asean về phòng chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, quy định “nạn nhân không nhất thiết phải là người bị xâm hại, mà chỉ cần người đó là đối tượng của hành vi mua bán người hướng tới...”.

Vì vậy, ĐB Hạnh đề nghị bổ sung đối tượng trẻ em được sinh ra bởi những phụ nữ là nạn nhân mua bán người, bị bóc lột tình dục hoặc nô lệ tình dục được bảo vệ, xem là nạn nhân để có những biện pháp hỗ trợ phù hợp.

ĐB Nguyễn Văn Cảnh đề nghị bổ sung tại mục 2, Điều 2 (giải thích từ ngữ) “Bóc lột tình dục là việc ép buộc người khác bán dâm, làm đối tượng để sản xuất ấn phẩm khiêu dâm, trình diễn khiêu dâm hoặc làm nô lệ tình dục hoặc các loại dịch vụ tình dục khác”; đối với trẻ em thì không có chữ “ép buộc”, hiển nhiên được xem phạm tội bóc lột tình dục để phân biệt người lớn và trẻ em.

Về hoạt động phòng ngừa mua bán người đang quy định cho cả người lớn và trẻ em, cần có biện pháp phòng ngừa riêng cho trẻ em. “Như hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người quy định tại Điều 7, nội dung thông tin, tuyên truyền, giáo dục cần phân ra cụ thể cho người lớn và trẻ em”, ĐB Cảnh nói.

Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây