Kiến nghị bổ sung nhiều nội dung, điều khoản có lợi cho người lao động

Thứ ba - 28/05/2024 10:51
(BĐ) - Sáng 27.5, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).
Tham gia thảo luận, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Thu Thủy (thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho hay qua nghiên cứu dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cho thấy, Ban soạn thảo đã tiếp thu tối đa ý kiến của các ĐBQH tại kỳ họp trước, làm rõ nhiều vấn đề, bổ sung nhiều nội dung, điều khoản mới có lợi cho người lao động (NLĐ) để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật. Trong đó, đáng chú ý nhất là điều khoản chế tài xử lý nghiêm hành vi trốn đóng BHXH, nợ đóng BHXH, trách nhiệm của cơ quan BHXH.
 
Theo ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy, trong bất cứ trường hợp nào, quyền lợi của NLĐ cũng được xem là đối tượng ưu tiên hàng đầu phải đảm bảo khi thực hiện các thủ tục pháp lý về phá sản và xử lý vi phạm về BHXH, BHYT đối với DN. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Từ thực tiễn, ĐB Thủy đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, bổ sung theo hướng quyền lợi của NLĐ trong bất cứ trường hợp nào cũng được xem là đối tượng ưu tiên hàng đầu phải đảm bảo khi thực hiện các thủ tục pháp lý về phá sản và xử lý vi phạm về BHXH, BHYT đối với DN.
“Căn cứ Điều 54 Luật Phá sản năm 2014, các khoản, chi phí mà DN cần ưu tiên thanh toán gồm: thứ nhất là chi phí quản tài viên, DN quản lý; thanh lý tài sản, chi phí kiểm toán, chi phí đăng báo và các chi phí khác theo quy định. Thứ 2 là thanh toán các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, BHXH, BHYT đối với NLĐ và những quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể mà công ty đã ký kết. Thứ 3 là các khoản nợ không có bảo đảm... Như vậy các khoản thanh toán cho NLĐ như lương, BHYT… được sắp xếp thứ tự ưu tiên sau các khoản trên. Theo tôi, điều này vô hình trung sẽ tạo sự thiếu niềm tin, sự gắn bó của NLĐ đối với DN”, ĐB Thủy lý giải.
Về biện pháp xử lý vi phạm về chậm, trốn đóng BHXH đối với DN được quy định tại Điều 37, 38, 39, 40 và đặc biệt là Điều 41 (về cơ chế đặc thù để bảo vệ NLĐ trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH cho NLĐ), Ban soạn thảo cũng đã tiếp thu, chỉnh sửa theo hướng bảo vệ tối đa quyền lợi của NLĐ.
Tuy nhiên, có sự chưa tương thích giữa Luật BHYT và dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Cụ thể, theo quy định tại khoản 3 Điều 49 của Luật BHYT, “cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật” thì bị xử lý như sau: “khi chủ sử dụng lao động chậm đóng BHYT sau 30 ngày thì thẻ BHYT của NLĐ tạm thời không có giá trị sử dụng”.
Điều này có thể hiểu vi phạm của người sử dụng lao động nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ; dù trên thực tế tùy từng trường hợp thẻ BHYT của NLĐ vẫn được cơ quan BHXH can thiệp, tạo điều kiện để họ có quyền lợi trong khám chữa bệnh.
Do đó, ĐB Thủy đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ khi DN chậm, trốn đóng BHXH.
Về hỗ trợ tín dụng được quy định tại khoản 2 Điều 7 (chính sách của Nhà nước đối với BHXH), ĐB Thủy cho rằng đây là chính sách hết sức nhân văn cho NLĐ có thời gian tham gia BHXH nhưng bị mất việc làm; tuy nhiên dự thảo Luật nêu rất ngắn gọn, chưa tường minh. ĐB Thủy đề nghị làm rõ nội dung này thành một điều khoản riêng; thể hiện rõ cơ chế hỗ trợ, điều kiện hỗ trợ vay... Việc hỗ trợ chỉ thực hiện khi mất việc làm là chưa toàn diện, cần mở rộng thêm điều kiện về tình huống cấp bách. Khi NLĐ có thủ tục pháp lý chứng minh được là tình huống khẩn cấp, việc hỗ trợ tín dụng cần tiến hành ngay. Đi kèm với đó chính sách ưu đãi về lãi suất, cơ chế trả lãi linh động. Đây cũng là giải pháp hiệu quả để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, hạn chế hoạt động tín dụng đen.
Tại khoản 6 Điều 7 quy định chỉ hỗ trợ cho người đóng BHXH tự nguyện, người hưởng trợ cấp BHXH. ĐB Thủy kiến nghị cần xem xét thêm trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH và NLĐ không thể đóng vì khó khăn. Trường hợp này đã xảy ra trong thực tiễn, dẫn đến khiếu nại kéo dài.
Về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai (quy định tại khoản 1 Điều 53), ĐB Thủy đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc theo hướng không nên quy định mức khám thai tối đa là 5 lần, vì thực tế việc này phụ thuộc lớn vào tình hình sức khỏe, thể trạng của người mẹ.
 

Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây