Ngày 17.11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH): Lý Tiết Hạnh - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội đã tiếp xúc cử tri chuyên đề theo hình thức trực tuyến với cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế tỉnh.
Tại buổi tiếp xúc, ĐB Lý Tiết Hạnh báo cáo với cử tri một số kết quả nổi bật của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. ĐB Hạnh cũng gửi lời cảm ơn chân thành đến đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đóng góp to lớn cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua.
Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri trực tuyến. Ảnh: N.V.T |
Tại buổi tiếp xúc, các cán bộ, lãnh đạo ngành Y tế tỉnh đã nêu nhiều kiến nghị liên quan đến những khó khăn, bật cập trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, Quốc hội cần sớm ban hành Luật Dân số và Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, Luật BHYT sửa đổi. Cần có cơ quan độc lập về giám định BHYT, tránh tình trạng “người vừa giữ tiền vừa đi giám định”. Quốc hội cần xem xét lại việc không thông qua chương trình mục tiêu quốc gia Y tế - Dân số, bởi các địa phương còn phụ thuộc vào ngân sách Trung ương rất khó khăn trong bố trí kinh phí thực hiện, người dân phải chịu thiệt.
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng nêu kiến nghị tại buổi tiếp xúc. Ảnh: N.V.T |
Bên cạnh đó, cần khắc phục bất cập trong cơ chế tài chính cho y tế tuyến huyện, xã; sửa đổi quy định về cách tính giờ làm thêm đối với nhân viên ngành Y; không thực hiện tinh giản biên chế đối với ngành Y tế; cần có chính sách tạo “sân chơi” bình đẳng cho y tế tư nhân phát triển, nhất là trong lĩnh vực khám chữa bệnh.
Và, một trong những bức xúc kéo dài cần sớm được giải quyết là khoản chi phí vượt trần vượt quỹ năm 2018 đến nay vẫn chưa được BHXH chi trả, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh...
Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Hồ Tấn Bửu nêu bất cập về phân hạng đối với trung tâm pháp y. Ảnh: N.V.T |
ĐB Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ những khó khăn, bất cập ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của hệ thống y tế cơ sở hiện nay. Trong quá trình tham gia các hoạt động của Quốc hội, ĐB sẽ tiếp tục kiến nghị điều chỉnh các quy định của pháp luật còn bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo.
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ những khó khăn, bất cập ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của hệ thống y tế cơ sở hiện nay. Ảnh: N.V.T |
ĐB Nguyễn Lân Hiếu cũng trao đổi về cách thức quản lý, thu chi tài chính của Bệnh viện ĐH Y Hà Nội - đơn vị tự chủ tài chính 100% từ khi mới thành lập. Tới đây, đoàn công tác của Bệnh viện ĐH Y Hà Nội sẽ làm việc cụ thể với Sở Y tế Bình Định về triển khai mô hình khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) tại Bình Định. Đồng thời, xúc tiến thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh đối với BVĐK tỉnh.
Với kinh nghiệm chuyên sâu trong điều trị Covid-19, ĐB Nguyễn Lân Hiếu cho rằng nên bỏ các thuật ngữ F1, F2, F3; chỉ còn người nhiễm và người nghi nhiễm. Ngay cả người nhiễm Covid-19 cũng cần phân loại chặt chẽ: Người đã tiêm, chưa tiêm vắc xin, người có bệnh nền, người già, mang thai... để có hướng điều trị riêng biệt, hiệu quả.
Tác giả bài viết: Theo baobinhdinh.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn