Chính sách vĩ mô không xuất phát từ hơi thở cuộc sống sẽ không hiệu quả

Chủ nhật - 05/12/2021 16:44
Nếu những chính sách vĩ mô ta quyết định không xuất phát từ hơi thở, thực tiễn cuộc sống sẽ không hiệu quả; thực tiễn không phản ánh vào chính sách thì sẽ không trôi chảy”. Đó là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi phát biểu khai mạc “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững” vào sáng 5.12.
 
Quang cảnh Diễn đàn. Ảnh: quochoi.vn
Diễn đàn do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức.
Diễn đàn diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại 57 điểm cầu trong nước và quốc tế (ở Mỹ, Pháp và Thái Lan).
 
Các đại biểu tham gia Diễn đàn tại điểm cầu Bình Định. Ảnh: N.V.T
Điểm cầu tại Bình Định có sự tham gia của Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng, các ĐBQH đơn vị tỉnh và đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan. 
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, 2 năm qua, dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề về KT-XH trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Năm 2020, Việt Nam duy trì tăng trưởng dương với 2,91%. Năm 2021, để thực hiện nhiệm vụ kép, 6 tháng đầu năm tăng trưởng 5,96%, tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát gây thiệt hại nặng nề cho KT-XH, quý III tăng trưởng âm 6,17% nên 9 tháng tăng 1,42%.
“Dự kiến cả năm có tăng trưởng dương khá tốt nhưng chắc chắn không đạt được mục tiêu của nghị quyết mà Đảng và Quốc hội đặt ra, ảnh hưởng đến mục tiêu 5 năm tới”, người đứng đầu Quốc hội cho biết.
 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Diễn đàn. Ảnh: quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, để đối phó với dịch bệnh, khắc phục những thiệt hại và tác động của dịch bệnh, phục hồi và phát triển KT-XH, các nước trên thế giới đã đưa ra nhiều gói giải pháp về tài khóa, tiền tệ khác nhau.
Việt Nam đã sử dụng linh hoạt và khá đồng bộ các chính sách về tài khóa, tiền tệ cũng như các chính sách vĩ mô khác nhằm khắc phục thiệt hại và hỗ trợ phục hồi kinh tế trong đại dịch.
Quốc hội cũng đã ban hành nghị quyết, quyết định các khuôn khổ về chính sách, kế hoạch phát triển KT-XH, tài chính ngân sách, vay và trả nợ công, đầu tư công và kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2020 - 2025.
Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV đã ban hành nghị quyết giao Chính phủ xây dựng và triển khai theo thẩm quyền Chương trình tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”, đồng thời xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế.
Nghị quyết của Quốc hội cũng giao Chính phủ xây dựng các gói chính sách về tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ 2 chương trình này, phục vụ cho mục tiêu phòng, chống dịch Covid-19 cũng như phục hồi phát triển kinh tế để trình Quốc hội xem xét.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Diễn đàn lần này là cơ hội để hiến kế các giải pháp xây dựng gói hỗ trợ, với quy mô và liều lượng phù hợp, mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng nhiệm vụ trước mắt, vừa đáp ứng yêu cầu dài hạn về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.
“Đây là diễn đàn 2 chữ "P": Phục hồi và Phát triển. Phát triển không phải bằng mọi giá mà trước mắt duy trì phát triển phục hồi kinh tế, nhưng vẫn phải bám vào mục tiêu dài hạn, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, cả về kinh tế, môi trường, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, các diễn giả, các nhà khoa học sẽ cập nhật, đánh giá những vấn đề mới nhất về tình hình phòng, chống dịch bệnh hiện nay trên toàn thế giới; phân tích, đánh giá, dự báo xu hướng và tác động của dịch bệnh, thực trạng của nền kinh tế thế giới hiện nay, xu hướng của thời gian tới - giai đoạn toàn cầu hóa và hội nhập, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập rất sâu và rộng với nền kinh tế thế giới.
Đồng thời, các diễn giả chia sẻ kinh nhiệm quốc tế về phòng, chống dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế cũng như những gợi ý chính sách, những ý kiến đánh giá thực trạng nền kinh tế Việt Nam, những kiến nghị đề xuất cho chương trình phục hồi KT-XH, các gợi ý chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho phục hồi và phát triển KT-XH.
Ngoài ra, diễn đàn cũng sẽ trao đổi, giải đáp các câu hỏi huy động nguồn lực từ đâu, khi mà thị trường huy động vốn trung và dài hạn còn hạn chế; việc phân bổ sử dụng nguồn lực thế nào; giải đáp câu hỏi năng lực hấp thụ của nền kinh tế khi đất còn có điểm nghẽn, vướng mắc như cổ phần hóa DN nhà nước, đầu tư công...
 

Tác giả bài viết: Theo baobinhdinh.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây