Dốc sức cho kỳ họp quan trọng của nhiệm kỳ Quốc hội

Thứ hai - 19/10/2020 13:57
Ngày 20.10, Quốc hội khóa XIV chính thức khai mạc Kỳ họp thứ 10. Phó trưởng Ðoàn ÐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh đã có những chia sẻ, trao đổi thẳng thắn với PV Báo Bình Ðịnh trước kỳ họp quan trọng gần cuối nhiệm kỳ này. 
 
viewimage
Phó Trưởng đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Lý Tiết Hạnh (giữa)
● Thời gian gần đây, tình hình đất nước có nhiều thay đổi nhanh chóng, nhất là liên quan đến dịch bệnh Covid-19. Cử tri trong tỉnh quan tâm đến các vấn đề này như thế nào, thưa bà?
- Trong đợt tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 10, cử tri bày tỏ đồng tình và tin tưởng Đảng, Nhà nước trong thời gian qua đã có những quyết sách, biện pháp đúng đắn, kịp thời, vừa đảm bảo ngăn chặn, đẩy lùi thành công dịch bệnh Covid-19, vừa phát triển kinh tế và kịp thời ổn định KT-XH, hỗ trợ thiết thực cho người dân gặp khó khăn.
Trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch đối với nền kinh tế thế giới và trong nước, cử tri kiến nghị Chính phủ có những biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, phát triển KT-XH, chú trọng các chính sách hỗ trợ vay vốn, định hướng đầu ra sản phẩm của các DN, HTX, hộ sản xuất kinh doanh; tạo công việc cho người lao động mất việc làm, hỗ trợ cho người mất thu nhập. Chú trọng phát triển kinh tế tự chủ, giảm sự lệ thuộc nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ nước ngoài, tăng cường hàm lượng công nghệ, tiêu chí hàng hóa xuất khẩu theo các tiêu chuẩn đã ký kết với nước ngoài, đồng thời chú trọng đảm bảo an ninh lương thực, năng lượng để ổn định KT-XH.

Đáng chú ý, cử tri kiến nghị: Hiện nay, nhiều phụ huynh phát hiện, phản ánh một số nội dung trong một số cuốn sách giáo khoa lớp 1 chưa phù hợp với lứa tuổi, nhận thức của các em, có thể gây hiểu không đúng. Mặt khác, chương trình học có những điểm bất hợp lý, khó khăn cho việc giảng dạy, tiếp thu của giáo viên và học sinh, nhất là các em ở nông thôn, học sinh là người dân tộc thiểu số… Đề nghị Bộ GD&ĐT chỉ đạo rà soát để kịp thời điều chỉnh; phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng in sách giáo khoa lậu; có biện pháp quản lý việc phát hành sách tham khảo, hướng dẫn và định hướng cho học sinh sử dụng sách tham khảo...
● Những mối quan tâm của cử tri cho thấy Kỳ họp thứ 10 này có tầm quan trọng đặc biệt. Xin bà thông tin một số nội dung chính của kỳ họp?
- Về công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết, gồm: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Cư trú (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ. Đồng thời, cho ý kiến về 5 dự án luật khác.
Bên cạnh đó, chương trình nghị sự của Kỳ họp thứ 10 có nhiều nội dung quan trọng. Cụ thể, xem xét, quyết định các nội dung về KT-XH, ngân sách nhà nước (Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021); các báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 (phát triển KT-XH, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025); báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.
Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo và tiến hành chất vấn về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026...
● Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV sắp khép lại sau Kỳ họp thứ 10. Đâu đó đã có những tâm tư, lo ngại các ĐBQH không còn nhiệt huyết...
- Tôi xin khẳng định rằng, Quốc hội và nhiệm vụ của Quốc hội không thể chấp nhận tư duy nhiệm kỳ; vì ĐBQH là đại biểu của dân, do cử tri bầu ra, chịu sự giám sát của cử tri. Sự đánh giá của cử tri là thước đo quan trọng, là động lực để ĐBQH, Quốc hội thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ. Quốc hội luôn phải đồng hành với tiến trình phát triển, có những việc nhiệm kỳ khóa này chưa làm xong thì giao trách nhiệm lại cho khóa sau, mục tiêu là xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách mạnh mẽ nền tư pháp.
Bên cạnh đó, qua quá trình tham gia hoạt động của Quốc hội, chắc chắn mỗi ĐBQH đã học hỏi được nhiều hơn, trưởng thành hơn, mà nếu không sử dụng, phát huy nguồn lực này sẽ rất lãng phí. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh cũng thường xuyên nhắc nhở, quán triệt, tạo điều kiện để các ĐBQH hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của người đại biểu.
BÁO BÌNH ĐỊNH

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây