Tiếp tục đề xuất đổi giờ học, giờ làm

Thứ năm - 03/10/2019 02:20
Tiếp tục kỳ họp thứ 8, ngày 31.10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách nhà nước năm 2019 và kế hoạch năm 2020.
Tiếp tục đề xuất đổi giờ học, giờ làm

Để bổ sung giải pháp góp phần phát triển KT-XH trong thời gian tới, Đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) tiếp tục đề xuất đổi giờ học, giờ làm phù hợp hơn ở các đô thị - vấn đề ông đã quan tâm ở các kỳ họp trước.

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình tại kỳ họp thứ 7 có nội dung: “Thủ tướng Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước trên cả nước”. Đề xuất này không được nhiều ĐBQH ủng hộ; trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình kỳ họp thứ 8 đã không còn nội dung này. Theo ĐB Cảnh, việc không đưa nội dung này vào dự thảo là hợp lý vì 2 lý do:

Thứ nhất, việc thống nhất giờ làm việc đối với tất cả cơ quan hành chính các cấp trên cả nước là không phù hợp khi điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất, tác phong làm việc, mức độ hiện đại hóa còn khác nhau ở nhiều vùng, nhiều cấp.

Thứ hai, thay đổi giờ làm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thường ngày của nhiều gia đình, đặc biệt là ảnh hưởng đến việc sắp xếp thời gian để cha mẹ lo đưa đón, lo ăn uống cho học sinh. Trong khi đó, cơ quan soạn thảo chưa có đánh giá tác động cụ thể về việc đổi giờ làm, cũng chưa có đề xuất đồng bộ với giờ học khi đổi giờ làm.

Theo ĐB Cảnh, hầu hết các nước trên thế giới bắt đầu giờ học, giờ làm lúc 8 giờ 30 hoặc 9 giờ, thời gian nghỉ trưa là 1 tiếng, được áp dụng đồng bộ cho khối cơ quan hành chính, khối văn phòng, cơ sở giáo dục. Hiện nay ở nước ta, nhiều DN trong nước, DN và cơ quan, tổ chức nước ngoài đã làm việc lúc 8 giờ 30 hoặc 9 giờ.

Báo điện tử Vnexpress.net đã khảo sát ý kiến hơn 23.000 độc giả về thời điểm bắt đầu làm việc. Kết quả, có 14% chọn làm việc từ 7 giờ 30; 33% chọn 8 giờ và 53% chọn 8 giờ 30. Điều này cho thấy có nhiều sự ủng hộ đối với đề xuất đổi giờ học, giờ làm, vì vậy chúng ta cần tiếp tục xem xét.

“Chúng ta đang dùng khung giờ làm việc của thời kỳ còn là một nước nông nghiệp để áp vào các đô thị đang phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch là không phù hợp. Đổi giờ học, giờ làm không chỉ góp phần giải quyết ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn, mà còn nâng cao hiệu quả làm việc, xây dựng tác phong làm việc công nghiệp, cải cách hành chính. Đồng thời, đảm bảo sức khỏe tinh thần và thể chất cho trẻ em, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhiều gia đình, góp phần phát triển KT-XH theo hướng văn minh, hiện đại”, ĐB Cảnh phân tích.

Vì vậy, ĐB đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành xem xét thấu đáo về đề xuất đổi giờ học, giờ làm phù hợp với thực tế. Xem xét quy định các cơ quan hành chính trung ương và cấp tỉnh thống nhất bắt đầu giờ làm việc không sớm hơn 8 giờ, nghỉ trưa 1 tiếng; chỉ đạo ngành GD&ĐT có kế hoạch điều chỉnh giờ học đồng bộ khi đổi giờ làm sau khi đã lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động.

Cần xây dựng cổng thông tin tích hợp dành riêng cho trẻ em

Theo ĐB Nguyễn Văn Cảnh, tình trạng xuống cấp về đạo đức ở giới trẻ hiện nay phần lớn là do tác động xấu từ internet. Cấm trẻ vào mạng thì không hợp lý, nhưng lại không có địa chỉ nào để trẻ học tập, vui chơi lành mạnh. Internet không tự phân biệt được đối tượng truy cập là người lớn hay trẻ em. Việc không có người lớn giám sát khi trẻ vào internet để chơi game, tham gia mạng xã hội không phân biệt lứa tuổi, trao đổi thông tin với người lạ, truy cập vào các trang web đen đã làm cho trẻ có suy nghĩ lệch lạc trong quá trình phát triển nhân cách, giới tính. Từ đó, dẫn đến có nhiều hành vi đối xử trái đạo đức, bạo lực, vi phạm pháp luật. Đây là nỗi lo của hầu hết các phụ huynh và toàn xã hội.

Vì vậy, ĐB Cảnh đề nghị Chính phủ cho xây dựng một cổng thông tin tích hợp dành riêng cho trẻ em; được xây dựng, chọn lọc từ các chương trình, hệ thống của các cơ sở giáo dục, tổ chức giáo dục tư nhân trong nước và quốc tế dành riêng cho trẻ em. Như vậy phụ huynh sẽ có địa chỉ an toàn cho con em vào mạng vui chơi, học tập, bổ sung kiến thức phù hợp. Từ đó, giúp trẻ em - tương lai của đất nước - được phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ.


Theo baobinhdinh.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây