Đề xuất hội đoàn người Việt, kiều bào quản lý các trung tâm văn hóa ở nước ngoài

Thứ năm - 20/06/2024 10:21
Sáng 19.6, tiếp tục kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.
Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài: Duy trì và phát huy hiệu quả là quan trọng nhất
Phát biểu tranh luận với đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Mạnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, về việc đề nghị cần quy định rõ chỉ tiêu từ nay tới năm 2035 sẽ xây dựng bao nhiêu trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài để thực hiện, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho rằng đây là ý tưởng hay nhưng không mới và rất khó khả thi.
 
ĐB Nguyễn Lân Hiếu đặt ra vấn đề làm sao để duy trì và phát triển hiệu quả các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Theo ĐB Hiếu, việc đầu tư cơ sở vật chất ở các nước phát triển là vô cùng đắt đỏ, nhưng mối lo lớn hơn là làm sao để duy trì và phát triển hiệu quả, lấy đâu ra người tâm huyết và có trình độ để vận hành các trung tâm này. Tư duy nhiệm kỳ là rào cản lớn nhất trong việc xây dựng các chương trình dài hạn và có chiều sâu.
“Nếu theo cách đang làm, chúng ta cũng có thể có những trung tâm văn hóa ở nước ngoài để cắt băng khánh thành và giải ngân, nhưng rồi cũng sẽ chết yểu hoặc sống ngắc ngoải như một vài cơ sở hiện nay”, ĐB Hiếu nói.
ĐB Hiếu đề nghị, nên chăng hỗ trợ cho các hội đoàn người Việt và các nhóm kiều bào tự tổ chức và quản lý các trung tâm văn hóa - thương mại - dịch vụ tại các nước. Họ tự trang trải kinh phí bằng chính các dịch vụ như nhà hàng ẩm thực, cafe, siêu thị hàng Việt Nam.
Ngoài ra, nên tập trung vào các chương trình cụ thể như dạy tiếng Việt ở những nước có người Việt Nam sinh sống nhiều; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có khả năng triển khai dạy tiếng Việt; ban hành quy chuẩn đánh giá trình độ học như điểm IELTS trong tiếng Anh, từ đó tổ chức thi để công nhận trình độ. Các trung tâm tại nước ngoài có thể được hỗ trợ khi đạt được số lượng học viên theo mức đặt hàng của chương trình mục tiêu. Điểm tiếng Việt sẽ là tiêu chí để phấn đấu của học viên và cũng để các cơ quan tại Việt Nam có thể lựa chọn trong việc tuyển chọn và hợp tác.
Bên cạnh đó, theo ĐB Hiếu, một vấn đề khác trong phát triển văn hóa Việt Nam vươn tầm ra thế giới là có thể lựa chọn phương án thông qua các sản phẩm nghệ thuật như các triển lãm tranh, các chương trình văn nghệ, các bộ phim... Tuy nhiên, Bộ VH-TT&DL cần có kế hoạch tổng thể để tránh lãng phí, hạn chế sự xin - cho trong quá trình chấp thuận các chương trình được sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước.
Vấn đề cuối cùng, theo ĐB Hiếu, chính là vấn đề con người. “Rất nhiều tài năng văn hóa nghệ thuật trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chưa được phát huy. Chúng ta cần đầu tư xây dựng mạng lưới hội sinh hoạt của người Việt rộng khắp trên thế giới. Chúng ta đã có hội liên lạc người Việt Nam tại nước ngoài nhưng không có nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên. Tuy vậy, với sự cố gắng của từng thành viên, các hội đã đạt được nhiều thành công, được cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ghi nhận. Đầu tư bài bản, tường minh, xuất phát từ con người, chúng ta mới chấn hưng được nền văn hóa”, ĐB Hiếu nói.
Cần xây dựng bộ nhận diện quốc gia thể hiện được bản sắc riêng
Cùng phát biểu tranh luận tại hội trường về vấn đề đầu tư cho các trung tâm văn hóa ở nước ngoài, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho rằng để thế giới nhận diện văn hóa Việt Nam thì Việt Nam phải thể hiện được bản sắc riêng.
“Chúng ta đã có nhưng chưa xây dựng thành một bộ nhận diện với Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc ngữ, Quốc tổ, Quốc phục, Quốc hoa, Quốc tửu, Quốc cầm, Quốc yến, các di sản văn hóa được thế giới công nhận”, ĐB Cảnh nêu vấn đề.
 
ĐB Nguyễn Văn Cảnh đề nghị Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 cần có nội dung bảo vệ sự trong sáng của Tiếng Việt. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Theo ĐB Cảnh, khi giới thiệu sản phẩm văn hóa ra thế giới thì phải vừa đậm đà bản sắc, vừa chất lượng cao mới để lại ấn tượng, hình ảnh đẹp trong lòng đối tượng hưởng thụ. Yêu cầu đặt ra là phải hoàn thiện bộ nhận diện, nâng cao chất lượng từng sản phẩm văn hóa gắn với đầu tư nhiều hơn cho các trung tâm văn hóa ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, ĐB Cảnh đề nghị Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 cần có nội dung bảo vệ sự trong sáng của Tiếng Việt. Vì trẻ em là thế hệ tương lai của đất nước nên đề nghị ghi rõ đối tượng đầu tiên trong Chương trình sẽ là trẻ em để có các tiêu chí, nội dung phát triển trẻ em hoàn thiện, hài hòa về đức, trí, thể, mỹ. Đồng thời, bổ sung thêm nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT trong hoàn thiện nhân cách trẻ em. Đặc biệt là cơ chế phối hợp giữa nhà trường và gia đình, đảm bảo sự liên kết chặt chẽ giữa thầy cô và phụ huynh trong việc giúp trẻ hoàn thiện bản thân, đảm bảo học phải đi đôi với hành về các nội dung đạo đức, kiến thức, kỹ năng sống.
 

Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây