Làm rõ khái niệm mua, bán người để phòng ngừa hiệu quả
Thứ tư - 26/06/2024 10:57
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, sáng 24.6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Tham gia phiên thảo luận, đại biểu (ĐB) Lý Tiết Hạnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, cơ bản tán thành với việc sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người. ĐB Hạnh chỉ ra rằng, tình trạng mua bán người diễn ra với những hoạt động rất phức tạp, phạm vi rộng; liên quan đến pháp luật Việt Nam lẫn các cam kết, công ước quốc tế.
|
ĐB Lý Tiết Hạnh đề nghị bổ sung nhiều hành vi để làm rõ khái niệm mua, bán người. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh |
Qua nghiên cứu khái niệm mua, bán người tại khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật và tham khảo Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, ĐB Hạnh cho rằng Nghị định thư đã liệt kê rất đầy đủ các hành vi, thủ đoạn mua, bán người. Trong khi đó, dự thảo Luật mới chỉ liệt kê một số thủ đoạn phổ biến.
ĐB Hạnh kiến nghị, đối với các hành vi đã rõ như sử dụng nạn nhân để làm thí nghiệm; nô lệ tình dục, hiến tạng, bắt cóc, cho nạn nhân uống thuốc ngủ, thuốc gây mê; đầu độc nạn nhân, buộc nạn nhân phải đi ăn xin… cần được bổ sung vào khái niệm mua, bán người để đảm bảo bao quát hơn.
Theo ĐB Hạnh, trong thực tế có rất nhiều hành vi biến tướng, núp bóng dưới nhiều hình thức, bằng rất nhiều thủ đoạn tinh vi. Do đó, cần nhận diện để phòng ngừa, ngăn chặn ngay từ đầu sẽ hiệu quả hơn.
ĐB Hạnh đề nghị trong từng điều, khoản cụ thể cần chú ý các quy định pháp luật nhằm làm rõ nội hàm về phòng ngừa, ngăn chặn; đồng thời rà soát các quy định liên quan để sửa đổi, bổ sung giúp hệ thống pháp luật chặt chẽ và đồng bộ. Trong đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu cần có các quy định nhằm hạn chế thấp nhất việc lợi dụng, núp bóng những việc rất nhân văn, tốt đẹp như hiến tạng cứu người, mang thai hộ, nghiên cứu khoa học nhưng thực chất lại thực hiện các hành vi mua, bán người. Đồng thời, cần có các quy định xử lý nghiêm minh hành vi chăn dắt trẻ em đi ăn xin.
“Trước đây trong một cuộc giám sát của Quốc hội cũng đã đề cập đến nội dung về hành vi chăn dắt trẻ em đi ăn xin. Tuy nhiên, hiện nay để xử lý hành vi này chỉ mới giao cho ngành LĐ-TB&XH thực hiện các hoạt động an sinh, chưa có quy định của pháp luật. Do đó, cần luật hóa hành vi này để xử lý!”, ĐB Hạnh kiến nghị.
Góp ý về khái niệm bóc lột tình dục được quy định tại khoản 2 Điều 2, ĐB Hạnh đề nghị ban soạn thảo cần giải thích rõ cụm từ “các loại dịch vụ tình dục khác”. Pháp luật Việt Nam hiện chưa có quy định về “các loại dịch vụ tình dục khác”.
Bên cạnh đó, ĐB Hạnh băn khoăn về nội hàm khái niệm “vì mục đích vô nhân đạo khác là sử dụng nạn nhân để làm thí nghiệm, buộc nạn nhân phải đi ăn xin hoặc sử dụng nạn nhân vào các mục đích tàn ác khác” tại khoản 10 Điều 2 của dự thảo Luật. ĐB đề nghị cần xem xét kỹ khái niệm này, vì việc buộc nạn nhân phải đi ăn xin hay sử dụng nạn nhân làm thí nghiệm cũng đều là những hành vi cụ thể đã được nêu tại khoản 1 Điều 2.
Tại khoản 5 Điều 2 dự thảo Luật, khái niệm “nạn nhân” được hiểu là người bị xâm hại bởi hành vi mua bán người, bóc lột tình dục, nô lệ tình dục và cưỡng bức lao động. Tuy nhiên, tại điểm e Điều 2 Công ước ASEAN về phòng chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, nạn nhân không nhất thiết bị xâm hại mà chỉ cần người đó là đối tượng của hành vi mua bán người hướng tới cũng được xác định là nạn nhân. ĐB Hạnh đề nghị làm rõ hơn khái niệm nạn nhân để không bỏ sót các hành vi mua, bán người, bảo vệ tốt hơn nạn nhân của mua, bán người. Đồng thời, tạo thuận lợi trong thực tiễn thực hiện các chính sách đi kèm.
“Tôi đơn cử, một phụ nữ đang mang thai hoặc mang thai vì bị bóc lột tình dục là nạn nhân mua, bán người, đứa trẻ được sinh ra cũng trực tiếp gánh chịu những đau khổ, môi trường độc hại như người mẹ. Đứa trẻ đó cũng cần được xác định ngay là nạn nhân để có các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, giáo dục kịp thời và phù hợp”, ĐB Hạnh nhấn mạnh.
Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn