Cần trang bị mô tô chữa cháy cho các lực lượng chữa cháy

Thứ sáu - 28/06/2024 08:31
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, chiều 27.6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật PCCC&CNCH.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh đề xuất đưa thuật ngữ “thoát nạn” vào tên luật. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Tham gia thảo luận, đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) bày tỏ sự quan tâm đến tên luật. Tên luật trước đây là Luật PCCC, bây giờ là Luật PCCC&CNCH.
Tuy nhiên, thời gian qua có nhiều vụ cháy gây chết người liên quan tới thoát nạn. Trong giải thích từ ngữ, dự thảo Luật PCCC&CNCH có giải thích các từ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Trong giải thích từ ngữ về chữa cháy có nội dung tổ chức thoát nạn. Tuy nhiên, phần lớn nạn nhân chết trong các vụ cháy là không tự thoát nạn khi lực lượng cứu nạn chưa đến kịp để tổ chức thoát nạn.
“Theo tôi, thoát nạn là việc cá nhân, nhóm người phải tự mình di chuyển để thoát khỏi khu vực đang xảy ra sự cố cháy, nổ, sự cố gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng theo lối thoát nạn, đường thoát nạn có sẵn; theo kỹ năng hoặc theo hướng dẫn của người có trách nhiệm cứu nạn, cứu hộ. Như vậy, thoát nạn không nằm trong khái niệm phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn hay cứu hộ”, ĐB Cảnh phân tích.
Do đó, ĐB Cảnh đề xuất Luật nên chia ra 5 phần chính, gồm phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn, cứu nạn, cứu hộ. Từ đó, sẽ bổ sung giải thích từ ngữ về “thoát nạn” và tên luật có thể được điều chỉnh thành Luật Phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn, cứu nạn, cứu hộ.
Cũng từ đó, Luật cần 1 chương riêng quy định về “Thoát nạn”. Chương này sẽ quy định trách nhiệm hướng dẫn người dân, học sinh, sinh viên, trẻ em quy trình, thao tác thoát nạn ở các không gian, vị trí, hoàn cảnh khác nhau để nâng cao hiệu quả thoát nạn (như nhà riêng lẻ có 1 lối đi, nhà riêng lẻ có 2 lối đi trở lên, nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà ở kết hợp cho thuê, nhà ở chung cư cũ không đủ điều kiện PCCC, nhà kinh doanh karaoke, kinh doanh quán bar, vũ trường, nhà lắp các khung sắt (chuồng cọp), nhà lắp kính mặt tiền). Cùng với đó là kỹ năng thoát nạn trong trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, khu vui chơi trẻ em trong nhà; thoát nạn trên các phương tiện đường không, đường bộ, đường biển...
Liên quan đến trách nhiệm chữa cháy, tại điểm c, khoản 1, Điều 24 có quy định: Cơ quan y tế, điện lực, cấp nước, môi trường đô thị, giao thông và cơ quan chức năng có liên quan khi nhận được yêu cầu của người chỉ huy chữa cháy phải nhanh chóng điều động người và phương tiện đến nơi xảy ra cháy để phục vụ chữa cháy.
Theo ĐB Cảnh, ở nhiều nước, khi có tình huống khẩn cấp, có cháy nổ họ điều động cùng lúc cả 3 lực lượng cảnh sát, chữa cháy, y tế. Đối với Việt Nam chưa đủ điều kiện để huy động cả 3 lực lượng trong tất cả các trường hợp cháy nổ. Tuy nhiên, chúng ta luôn có lực lượng y tế cơ sở, đối với các trường hợp cháy nổ thường có liên quan đến hô hấp và bỏng da, nếu lực lượng y tế có mặt sớm sẽ giúp ích rất nhiều cho nạn nhân khi được sơ cứu ban đầu kịp thời. Vì vậy, ĐB Cảnh đề nghị tại Điều 24 cần có quy định khi phát hiện cháy thì đơn vị y tế cơ sở nhanh chóng điều động người đến nơi xảy ra cháy để phục vụ cấp cứu người bị nạn, không cần đợi yêu cầu của người chỉ huy chữa cháy.
Đáng chú ý, thực tiễn hiện nay ở các đô thị có quá nhiều hẻm nhỏ, các phương tiện chữa cháy chuyên dụng không thể tiếp cận khu vực xảy ra cháy. Ngành CA có nhập 1 số mô tô chữa cháy, 1 số đơn vị của ngành cũng cải tạo xe máy thông thường thành các mô tô chữa cháy có tác dụng tương tự để có thể tiếp cận các khu vực cháy trong hẻm nhỏ, hẻm sâu. Phương tiện này cũng chở được máy phát điện, máy bơm chữa cháy khiêng tay, bình chữa cháy xách tay, bộ vòi chữa cháy, cưa sắt, thiết bị phá dỡ cầm tay, ống hút nước. Điều này sẽ giúp hạn chế đám cháy đang lây lan, giúp người bị nạn có nhiều cơ hội thoát nạn hơn. Do đó, cần nghiên cứu trang bị phương tiện chữa cháy là mô tô cho các lực lượng chữa cháy.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nước cung cấp cho phương tiện này lấy từ đâu. Hiện tại Hà Nội đang có kế hoạch lắp đặt các trụ nước chữa cháy ở các hẻm nhỏ, trụ nước này kết hợp với mô tô chữa cháy sẽ nâng cao hiệu quả chữa cháy ở các nơi phương tiện chuyên dụng không tiếp cận được hoặc tới chậm. Mô hình này khi phát huy hiệu quả sẽ cần được nhân rộng. Đối với các địa phương chưa có kế hoạch làm các trụ cấp nước chữa cháy trong các hẻm nhỏ, có thể mỗi 200 m sẽ trích ra 1 đầu cấp nước chữa cháy từ nguồn nước cấp bên ngoài nhà dân để phục vụ chữa cháy cho mô tô chữa cháy.
 

Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây