Đẩy nhanh tiến độ để hình thành được thang, bảng lương mới
Thứ tư - 26/06/2024 11:00
Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, chiều 25.6, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định tham gia thảo luận ở tổ về các nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1.7.2024; phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17.11.2020 của Quốc hội.
Cần có phương án “gỡ khó” cho các đơn vị sự nghiệp công lập
Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu (ĐB) Lê Kim Toàn, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, cơ bản thống nhất với nội dung tờ trình của Chính phủ về các nội dung trên. ĐB Toàn cho rằng, trong khi chưa thực hiện được các bảng lương và phụ cấp mới của khu vực công theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, việc tăng lương cơ sở là cần thiết.
|
ĐB Lê Kim Toàn cho rằng cần phải tính toán có phương án phù hợp để cấp bù lương phần tăng thêm cho các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo cơ chế tự chủ. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh |
Cụ thể, trên cơ sở đề xuất điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức và LLVT (tăng 30%), Chính phủ đề xuất từ ngày 1.7.2024 sẽ tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp BHXH hiện hưởng (tháng 6.2024); điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng/tháng (tăng 35,7%); điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360 nghìn đồng lên 500 nghìn đồng/tháng (tăng 38,9%).
“Chính phủ cần phải đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu để chậm nhất là đến cuối nhiệm kỳ này phải hình thành được thang, bảng lương mới và xác định được các vị trí việc làm, đặc biệt là mô tả vị trí việc làm để tiến hành chi trả lương cho công chức, viên chức theo vị trí việc làm theo Nghị quyết của Trung ương, để từ nhiệm kỳ Quốc hội mới có thể triển khai thực hiện”, ĐB Toàn đề nghị.
Đáng chú ý, ĐB Toàn cho rằng cần phải tính toán có phương án phù hợp để cấp bù lương phần tăng thêm cho các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo cơ chế tự chủ. Khi mức lương cơ sở tăng 30%, đồng nghĩa với việc thu nhập trên cơ sở lương của công chức và cả viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập cũng sẽ được tăng lên 30% nhân với hệ số lương được hưởng. Với các đơn vị này, phần kinh phí cân đối để trả lương cho viên chức chính là nguồn thu từ giá dịch vụ, tức là thu từ người dân. Trong khi chưa thể điều chỉnh giá dịch vụ, các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ chế tự chủ sẽ bị sức ép rất lớn.
“Phương án cấp bù phải theo lộ trình dài, không thể tăng lương cho viên chức dựa vào nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập - nguồn thu qua các dịch vụ mà người dân đóng. Bởi lẽ, một lúc giá dịch vụ tăng 30% trong khi đời sống người dân còn khó khăn là việc phải tính toán kỹ lưỡng”, ĐB Toàn đề nghị.
Đồng thời, khi tăng lương, giá tiêu dùng sẽ tăng cũng tác động đến đời sống người dân, đề nghị Chính phủ cần sớm có phương án cho tình huống này.
Bên cạnh đó, theo ĐB Toàn, việc điều chỉnh lương, trợ cấp lần này cần quan tâm đến đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995, vì tiền lương của nhóm này rất thấp. “Có khoảng cách rất xa về tiền lương giữa những người cùng cương vị công tác mà nghỉ hưu trước và sau năm 1995”, ĐB Lê Kim Toàn nhận xét và đề nghị nếu nguồn ngân sách Nhà nước bảo đảm được thì nên tăng cao hơn 15% với người nghỉ hưu trước năm 1995.
ĐB Toàn cũng đề nghị cần quan tâm tăng mức phụ cấp đối với người có công và đối tượng bảo trợ xã hội trong đợt cải cách tiền lương này.
Cần làm rõ phương án trả nợ của Vietnam Airlines
Về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), ĐB Toàn cho rằng đây là DN Nhà nước, là hãng hàng không quốc gia, do đó phải có phương án cụ thể để trả nợ, nhằm duy trì hoạt động và đảm bảo uy tín, thương hiệu của hãng.
“Quốc hội khóa XIV khi thảo luận và thông qua nghị quyết hỗ trợ cho Vietnam Airlines 12.000 tỷ đồng, lúc đó đưa ra phương án để trả nợ và phương án kinh doanh cụ thể. Tuy nhiên, qua đánh giá, các phương án đã đưa ra hầu như không khả thi và phương án thanh toán các khoản nợ của hãng không đạt được như kỳ vọng. Điều đó cho thấy tính dự báo, phương án mà chúng ta đưa ra trước đây là không sát thực tế và không hiệu quả. Liệu bây giờ Quốc hội khóa XV bàn phương án hỗ trợ Vietnam Airlines duy trì hoạt động, các phương án tính toán trả nợ có rơi vào tình trạng như trước đây?”, ĐB Toàn đặt vấn đề.
ĐB Toàn đề nghị các ngành cùng Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN và Vietnam Airlines phải tính toán hết sức cụ thể.
Vấn đề tiếp theo mà ĐB Toàn đặt ra là cần phân tích nguyên nhân chủ quan trong việc tổ chức hoạt động và kinh doanh của DN để sớm tái cơ cấu, sắp xếp. “Chúng tôi nắm thông tin không được đầy đủ lắm đối với hoạt động bay, đặc biệt là kinh doanh của các hãng hàng không, nhưng cần đánh giá xem hoạt động sản xuất, kinh doanh của Vietnam Airlines so với các hãng hàng không khác trong cùng một điều kiện như thế nào? Qua đó, có phương án tổ chức sắp xếp lại, tổ chức điều hành các hoạt động bay và kinh doanh thật sự hiệu quả. Cần có đánh giá rất toàn diện về vấn đề này!”, ĐB Toàn đề nghị.
Theo ĐB Toàn, phương án báo cáo cho thấy các khó khăn đều do các yếu tố khách quan, còn yếu tố chủ quan (đặc biệt là công tác quản trị DN) đề cập chưa sâu sát. ĐB Toàn cho rằng, khi không nhận định chính xác các nguyên nhân, việc hỗ trợ lần này không có phương án cụ thể, không tổ chức hoạt động kinh doanh hợp lý thì việc khắc phục khó khăn tiếp tục không đạt như kỳ vọng.
Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn