Kỳ họp thứ 7 quốc hội khóa XV: Hoàn thành khối lượng công việc lớn với nhiều quyết sách hệ trọng
Thứ hai - 01/07/2024 13:33
au 27,5 ngày làm việc nghiêm túc, khoa học, dân chủ, trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và bế mạc vào ngày 29.6. Báo Bình Ðịnh đã có cuộc phỏng vấn nhanh Phó trưởng Ðoàn ÐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh xung quanh kết quả kỳ họp.
• Xin bà cho biết những kết quả nổi bật của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV?
- Trước hết, phải khẳng định rằng đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, thu hút sự quan tâm, theo dõi của cử tri và nhân dân cả nước.
|
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh |
Với tỷ lệ tán thành cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 11 luật gồm: Luật Lưu trữ; Luật Tổ chức TAND; Luật BHXH; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, ATGT đường bộ; Luật Thủ đô; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng. Quốc hội cũng cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật khác.
Đồng thời, Quốc hội cũng đã xem xét, thông qua 21 nghị quyết. Trong đó có 3 nghị quyết quy phạm pháp luật gồm: Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Bên cạnh đó, công tác nhân sự đã được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước. Quốc hội đã tiến hành bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ CA; phê chuẩn Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, đồng thời tiến hành công tác nhân sự khác theo thẩm quyền và đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các ĐBQH.
• Trong kết quả chung của kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định và các thành viên đã có những đóng góp cụ thể nào, thưa bà?
- Tại Kỳ họp này đã có 936 lượt ĐBQH đăng ký phát biểu, có 750 lượt đại biểu phát biểu, trong đó có 708 lượt phát biểu thảo luận, 42 lượt tranh luận trong các phiên thảo luận tại hội trường; có 2.119 lượt phát biểu tại các phiên thảo luận tổ.
Quốc hội đã dành 2,5 ngày tiến hành chất vấn 3 bộ trưởng và Tổng Kiểm toán Nhà nước về 4 lĩnh vực: TN&MT, Công Thương, VH-TT&DL, Kiểm toán nhà nước. Các Phó Thủ tướng Chính phủ, thành viên Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn.
Tại kỳ họp này, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định và các thành viên đã hoạt động tích cực, tham gia đầy đủ tại các phiên họp. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đại biểu đại diện cho tiếng nói của nhân dân nói chung, cử tri Bình Định nói riêng, các đại biểu đã tập trung trí tuệ, nghiên cứu, tham gia nhiều ý kiến có chất lượng tại các buổi thảo luận ở tổ và ở hội trường. Trong suốt kỳ họp thứ 7, các thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia 44 lượt phát biểu thảo luận, trong đó có 17 lượt phát biểu tại hội trường, 27 lượt phát biểu tại tổ.
Trên tinh thần quan sát, chắt lọc các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, tiếp thu kiến nghị, đề xuất của cử tri, cộng với nỗ lực đào sâu nghiên cứu, các đại biểu đã tham gia thảo luận, góp ý với nhiều nội dung quan trọng về tình hình KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước, các vấn đề quan trọng của đất nước, các dự thảo luật, nghị quyết.
Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng tham gia tích cực hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Các đại biểu đã có 3 lượt chất vấn trực tiếp đối với Bộ trưởng Bộ TN&MT và Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL.
Các ý kiến tham gia thảo luận, góp ý của các thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh được các cơ quan soạn thảo tổng hợp, nghiêm túc tiếp thu. Một số ý kiến của đại biểu được tiếp thu chỉnh lý hoàn thiện trong dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua, như các vấn đề liên quan đến Luật Trật tự, ATGT đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Quy hoạch Không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; cơ cấu lại toàn diện Tổng Công ty Hàng không Việt Nam...
Cùng với đó là nhiều ý kiến được tiếp thu trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các dự thảo luật.
• Bà có thể cho biết, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định sẽ có những hoạt động gì để góp phần đưa các kết quả của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả trong thực tiễn?
- Ngay sau khi kỳ họp kết thúc, bắt đầu từ ngày 1.7, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định tổ chức cho các ĐBQH đơn vị tỉnh tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 7 tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương. Kết quả kỳ họp thứ 7 sẽ được thông báo đến cử tri kịp thời, cụ thể, chính xác. Thông qua hoạt động tiếp xúc, các ĐBQH sẽ được lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của cử tri để tiếp tục nghiên cứu, tham gia trong quá trình xây dựng pháp luật, đồng thời tiếp tục theo dõi việc giải quyết các kiến nghị của cử tri Bình Định gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương.
|
Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định tham dự kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh |
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh với các cơ quan có thẩm quyền, các kiến nghị của cử tri được nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc, được chuyển tải đến “đúng địa chỉ” sẽ góp phần giải quyết có kết quả. Đồng thời, giúp các cơ quan có trách nhiệm tổng hợp, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để đảm bảo hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện.
Với nhiều luật được thông qua tại kỳ họp thứ 7 và sẽ có hiệu lực ngay trong thời gian tới, Đoàn ĐBQH tỉnh xác định trách nhiệm cần tích cực phối hợp, theo dõi, giám sát việc quán triệt, triển khai thực hiện các luật, nghị quyết vừa được thông qua để thực hiện kịp thời, hiệu quả, theo đúng nguyên tắc, yêu cầu “pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả”.