Cơ cấu lại nền kinh tế cần tập trung vào sử dụng hiệu quả nguồn lực

Thứ bảy - 30/10/2021 17:04

Đó là ý kiến của ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh khi tham gia thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 trong khuôn khổ chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, diễn ra vào sáng ngày 30.10.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh phát biểu: Đất nước vừa trải qua những khó khăn do đại dịch Covid-19, đặc biệt là khó khăn về kinh tế và sẽ còn nhiều khó khăn trong thời gian tới. Vì vậy, theo tôi cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 cần tập trung vào sử dụng hiệu quả nguồn lực.

ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (người đứng) phát biểu cơ cấu lại nền kinh tế cần tập trung vào sử dụng hiệu quả nguồn lực. Ảnh NGUYỄN HÂN

Thời gian qua, vẫn tồn tại tình trạng mỗi tỉnh, thành đều muốn địa phương mình được đầu tư đa ngành, lĩnh vực nên nguồn lực đầu tư dàn trải, trùng lắp giữa các địa phương lân cận, dẫn đến nhiều công trình đầu tư công kém hiệu quả.

Việc địa phương muốn làm được nhiều thứ nên là chuyện thời tự cung tự cấp; đã hướng tới thị trường hàng hóa, cạnh tranh thế giới là phải suy nghĩ làm như thế nào. Biết làm như thế nào thì dù sản xuất ốc vít hay ô tô chúng ta cũng đều có thể đưa sản phẩm ra thị trường thế giới.

Làm như thế nào đã đưa đồng hồ Thụy sỹ vượt qua Đức dù Đức là nơi bắt nguồn làm đồng hồ, hay sản phẩm nào của Israel cũng đạt chất lượng vì họ quan tâm đến làm như thế nào. Chúng ta thúc đẩy ứng dụng KHCN, thông tin cũng là chuyển đổi từ suy nghĩ làm cái gì sang làm như thế nào. Việc các địa phương đầu tư giống nhau sẽ giống như các đầu nam châm cùng cực sẽ không thể hút nhau.

Theo đại biểu Cảnh, để đẩy nhanh quá trình liên kết vùng giữa các địa phương thì trung ương cần có chính sách ưu tiên đầu tư cho các địa phương có liên kết với nhau, mang lại hiệu quả liên kết vùng. Ví dụ, trong một vùng, địa phương có lợi thế về sân bay và có liên kết được với các địa phương khác ưu tiên sử dụng sân bay của mình thì Trung ương sẽ ưu tiên đầu tư giao thông kết nối nhanh các địa phương đó đến sân bay. Địa phương đầu tư khu chế biến tạo ra giá trị gia tăng cao mà liên kết được với các vùng nguyên liệu thì cũng được Trung ương ưu tiên đầu tư giao thông liên kết các địa phương này. Từ đó, tạo tiền đề để các địa phương phối hợp với nhau trên các lĩnh vực có lợi thế so sánh khác, tạo liên kết vùng, không còn tình trạng đầu tư dàn trải làm giảm hiệu quả nguồn lực Trung ương trong đầu tư công. Nếu nội dung này được tiếp thu thì tôi đề nghị trong khoản 4, Điều 3 của Nghị quyết về cơ cấu lại nền kinh tế 2021 - 2025, cụm từ tăng cường liên kết vùng viết lại thành chính sách ưu tiên đầu tư công cho liên kết vùng.

Đối với những địa phương chưa thế liên kết với nhau, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị Trung ương xem xét, hỗ trợ ngân sách dựa trên hiệu quả đầu tư cụ thể của từng lĩnh vực còn lợi thế về du lịch, nông nghiệp, giáo dục, y tế... Hằng năm, Trung ương sẽ đánh giá để ưu tiên hỗ trợ ngân sách đầu tư phát triển cho đúng lĩnh vực mà địa phương đó phát huy hiệu quả cao hơn, địa phương mà đầu tư kém hiệu quả trên nhiều lĩnh vực thì chủ yếu là nhận hỗ trợ về an sinh xã hội.

“Tôi cũng từng đề nghị Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính quan tâm xây dựng Bộ chỉ số sử dụng hiệu quả ngân sách nói chung và cho từng ngành, lĩnh vực để có cơ sở đánh giá. Bộ chỉ số này không giống với các chỉ số đánh giá hiệu quả đầu tư công hiện đang sử dụng” - đại biểu Cảnh nói.

Đầu tư cho giao thông luôn mở ra hướng phát triển cho các đô thị mới. Các nước phương Tây thường có khu dân cư tách rời khỏi khu hành chính, thương mại, họ đi lại thông qua đường cao tốc. Khoảng cách giữa khu trung tâm và khu dân cư thường được tính bằng thời gian đi lại chứ không phải tính bằng khoảng cách đường chim bay. Đường cao tốc của họ thường có nhiều chỗ lên, xuống, thuận tiện cho phát triển các khu dân cư mới, khu dịch vụ thiết yếu, khu công nghiệp dọc đường cao tốc. Đường cao tốc ở Việt Nam thường lên rồi phải đi khá xa mới xuống được nên lợi ích của đường cao tốc đối với phát triển khu vực hai bên đường không được phát huy. Vì vậy, đề nghị đường cao tốc dù dùng vốn ngân sách hay ngoài ngân sách cũng cần quan tâm đến việc sử dụng hiệu quả quỹ đất hai bên đường cao tốc, dự phòng đường lên, xuống phù hợp với phát triển đô thị, các khu sản xuất, thương mại, phục vụ lợi ích phát triển KT-XH lâu dài. Nhiều người đi lại hơn thì hiệu quả con đường cũng được nâng lên, nếu là tư nhân đầu tư thì việc thu phí tại các đường lên, xuống cũng không mấy phức tạp.

Quang cảnh phiên thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Bình Định. Ảnh N. HÂN

Người dân sống gần đường cao tốc xa trung tâm cũng là một cách giảm áp lực cho đô thị, điều kiện sống của người dân cũng tốt hơn khi mỗi nhà đều có thể một khoảnh vườn, không gian sống yên tĩnh.

Cũng tương tự như đường bộ cao tốc, đối với đường sắt tốc độ cao, tôi cũng đề nghị Chính phủ có định hướng phát triển giao thông đường sắt tốc độ cao trong thời gian tới để các địa phương có kế hoạch phát triển quỹ đất hợp lý bên cạnh các sân ga. Các địa phương có hướng phát triển các đô thị sân ga cũng tương tự như định hướng phát triển đô thị theo mô hình TOD, lấy định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở cho phát triển.

Như vậy thì Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia cũng cần có điều chỉnh phù hợp với quỹ đất liên quan đến quy hoạch phát triển đường cao tốc và đường sắt tốc độ cao và đất cho đô thị có liên quan trong thời gian tới.

Tác giả bài viết: Theo baobinhdinh.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây