Bộ máy nhà nước vững mạnh là yếu tố quan trọng để phát triển đất nước

Thứ sáu - 03/06/2022 08:04

Chiều 2.6, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận tại hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Tham gia phát biểu tại hội trường về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn ĐBQH Bình Định) quan tâm đến vấn đề sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm trong các cơ quan nhà nước. Đại biểu cho rằng đây là vấn đề không mới nhưng có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả thực hiện chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

 

Đại biểu Đồng Ngọc Ba phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn

Theo đại biểu Ba, bộ máy nhà nước vững mạnh là điều không thể thiếu để phát triển đất nước cũng như trong thực hiện chủ trương thực hành tiết kiệm và chống lãng phí. Bộ máy nhà nước yếu kém sẽ tạo nguy cơ cao gây thất thoát, lãng phí, không chỉ là những giá trị có thể tính toán được, nghiêm trọng hơn, hệ lụy lâu dài là có thể lãng phí cơ hội phát triển đất nước. Một đất nước, dù có nhiều tiềm năng và có các cơ hội phát triển, nhưng bộ máy yếu, không tận dụng được cơ hội thì có thể ví như một người có nhiều vốn, khởi nghiệp làm giàu nhưng thiếu năng lực nên “chưa giàu đã già".

Đại biểu Đồng Ngọc Ba đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ thời gian qua đã rất tích cực trong rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong của các bộ, ngành, chính quyền địa phương gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Năm 2021 lần đầu tiên cả nước hoàn thành vượt chỉ tiêu tinh giản biên chế công chức, biên chế sự nghiệp và số người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2022 đạt kết quả tích cực, giảm 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 561 đơn vị hành chính cấp xã; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, tiết kiệm ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, đại biểu Đồng Ngọc Ba tỏ ra rất lo ngại về hạn chế mà các báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra là tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu. Thủ tướng Chính phủ cũng đã đánh giá tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Ngành Nội vụ vừa qua là “việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các bộ chưa đạt yêu cầu, bộ máy vẫn còn cồng kềnh”; “một bộ phận công chức, viên chức chưa đủ tầm”.

Theo đại biểu Ba, Chính phủ cần có đánh giá cụ thể hơn, có các thông tin, số liệu, địa chỉ cụ thể của những hạn chế này để có giải pháp khắc phục kịp thời.

Nhiều cử tri và nhà chuyên môn cho rằng kết quả đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế thời gian qua phần nhiều mới chỉ thay đổi về lượng, chuyển biến về chất còn chưa đáp ứng yêu cầu. Về tổng thể, tổ chức bộ máy nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế, nổi lên như vẫn có chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ; còn nhiều trường hợp chưa thực hiện đúng nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm; chức năng, nhiệm vụ và mô hình tổ chức của chính quyền địa phương nhiều nơi chưa đồng bộ; việc tinh giản biên chế chưa thực sự gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Vì vậy, đại biểu Đồng Ngọc Ba đề nghị quan tâm một số nội dung sau:

Thứ nhất, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ ban hành nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, làm cơ sở cho việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, đã thành lập Ban Chỉ đạo về việc này; vừa rồi Ban Chỉ đạo đã yêu cầu một số điểm rất xác đáng như: Thực hiện nghiêm các tiêu chí thành lập tổ chức do Chính phủ quy định; nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan; cơ bản không tổ chức phòng trong vụ; làm tốt công tác chính trị, tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với các công chức, viên chức dôi dư trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy… Những yêu cầu này là rất xác đáng, cần quyết tâm thực hiện, bảo đảm thực chất. Tuy nhiên, hiện đã sắp hết nửa năm thứ 2 của nhiệm kỳ, vì vậy đề nghị Chính phủ khẩn trương hơn.

Thứ hai, về tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm, nếu việc tinh giản biên chế một cách “cơ học” không gắn với hệ thống vị trí việc làm phù hợp thì không những không làm mạnh thêm mà còn làm suy giảm năng lực của bộ máy; dễ thấy nhất là dẫn đến có đơn vị quá tải, làm không hết việc, có nơi cán bộ, công chức lại dư thừa thời gian.

“Về nguyên nhân làm cho hệ thống vị trí việc làm của chúng ta hiện nay chưa bảo đảm chất lượng, tôi thấy rất đáng lưu ý là tại nhiều diễn đàn, hội thảo khoa học, nhiều chuyên gia đã chỉ ra là cách hiểu, cách xác định vị trí việc làm của các cơ quan hành chính nhà nước hiện nay còn chưa thống nhất, chưa đầy đủ và thiếu cơ sở khoa học. Vì vậy đề nghị Chính phủ xem xét kỹ vấn đề này, khẩn trương ban hành các quy định về hướng dẫn vị trí việc làm của công chức, viên chức bảo đảm hợp lý, khoa học”, đại biểu Ba nói.

Thứ ba, về cải cách tiền lương, Nghị quyết số 54 ngày 12.4.2022 của Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng chế độ tiền lương mới. Đây là nội dung rất quan trọng, cử tri rất mong chờ, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo Bộ Nội vụ và các bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Thứ tư, đề nghị Chính phủ bổ sung giải pháp cụ thể về tăng cường năng lực và đạo đức công vụ cho đội ngũ công chức, đặc biệt chú trọng tăng cường năng lực thực thi pháp luật cho cán bộ, công chức. Trong một số báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra tình trạng thực thi pháp luật chưa hiệu quả có nguyên nhân không nhỏ là năng lực thực thi pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức còn yếu.

Thứ năm, về lâu dài, bộ máy nhà nước cần được đổi mới, cải cách mạnh mẽ hơn nữa chứ không chỉ là những sửa đổi mang tính “tình thế”. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo việc nghiên cứu cụ thể hóa đầy đủ các nguyên tắc hiến định và quan điểm của Đảng về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; bảo đảm xây dựng “Nhà nước pháp quyền XHCN kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động”, cần nghiên cứu và xác định rõ trong Đề án về Chiến lược xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 hiện đang được triển khai xây dựng. Đây là dịp rất thuận lợi để chúng ta đổi mới mạnh mẽ, tăng cường sức mạnh của bộ máy Nhà nước.

Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới bộ máy Chính phủ bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo hướng: Tổ chức các bộ đa ngành, khắc phục triệt để chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ; tăng cường năng lực và trách nhiệm giải trình; phát huy đầy đủ vị trí, chức năng của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, cơ quan chấp hành của Quốc hội; Chính phủ tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và tổ chức thi hành chính sách, pháp luật.

“Đó cũng chính là điều kiện không thể thiếu để sử dụng hiệu quả, chống lãng phí nguồn lực đất nước, huy động được trí tuệ xã hội vào quản trị quốc gia phục vụ phát triển đất nước đi đến phồn vinh, thịnh vượng, tất cả vì hạnh phúc của nhân dân”, đại biểu Đồng Ngọc Ba nói.

Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây